Vụ việc Vinashin và 3 quan điểm lớn

Thứ Tư, 01/12/2010, 08:15
Từ vụ việc Vinashin và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước thể hiện tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XII (đặc biệt tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn), theo chúng tôi, thể hiện 3 quan điểm lớn sau đây:

Quan điểm thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị trước các tồn tại, thiếu sót

Trong quá trình diễn ra kỳ họp Quốc hội, trước sự quan tâm của các đại biểu, Chính phủ đã có báo cáo bổ sung về thực trạng tình hình Vinashin gửi tới các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, các Bộ trưởng chuyên ngành đã gửi văn bản trả lời chất vấn. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đầu kỳ họp, các Bộ trưởng đã trả lời nhiều nội dung mà Quốc hội quan tâm, tiếp đó, tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và một số Bộ trưởng cũng đã giải trình trực tiếp tại hội trường.

Đặc biệt, tại phiên chất vấn sáng 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có báo cáo làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại báo cáo này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn chỉ rõ: Từ cuối năm 2008, Vinashin gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, không thu xếp được vốn để thực hiện các hợp đồng đã ký. Tập đoàn lâm vào tình trạng thua lỗ (năm 2009 lỗ 1.600 tỉ đồng). Thực trạng này có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều chủ tàu đã hủy hợp đồng (từ đơn hàng có giá trị gần 12 tỉ USD xuống chỉ còn trên 2 tỉ), song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trước hết là do việc cố ý làm trái, báo cáo không trung thực và yếu kém của lãnh đạo tập đoàn trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và đầu tư, phát triển thêm quá nhiều doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh... Trong khi đó, một số cơ quan chức năng thuộc Chính phủ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với tập đoàn.

Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, trước Quốc hội, trước cử tri, Thủ tướng thẳng thắn: "Những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đã gây hậu quả nghiêm trọng. Những người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn vi phạm pháp luật đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là chưa tập trung hoàn thiện được đầy đủ, chặt chẽ hệ thống cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, sử dụng vốn, lập mới doanh nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh và trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước.

Mặt khác, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, việc tiến hành và xử lý sau giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng thuộc Chính phủ còn kém hiệu lực hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái và báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin.

Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ. Thủ tướng, Phó thủ tướng và những thành viên Chính phủ có liên quan đang tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) chất vấn tại Quốc hội.

Quan điểm khách quan, toàn diện

Những yếu kém, tồn tại của Vinashin đã được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đề cập rõ. Nhưng qua vụ việc này cũng toát lên quan điểm toàn diện khi nhìn nhận, đánh giá một vấn đề lớn. Thực tế, khi thảo luận và chất vấn tại Quốc hội, không phải tất cả ý kiến đại biểu đều nắm đầy đủ để có cách nhìn khách quan. Một số ý kiến đại biểu tiếp cận vấn đề có phần thái quá, từ đó có đánh giá không thực sự chính xác, dẫn tới sai lệch.

Cụ thể, có ý kiến cho rằng, toàn bộ số tiền 86.000 tỉ đồng của Vinashin đã "biến mất", không thể lấy lại, vì thế Vinashin đã thực sự phá sản chứ không thể phục hồi, từ đó có phát biểu hoặc chất vấn sai lệch. Trên thực tế, việc Vinashin thua lỗ số tiền lớn là sự thực, nhưng không phải toàn bộ 86.000 tỉ đồng đã bị thất thoát. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến ngày 30/6/2010, tổng số nợ của tập đoàn là hơn 86.000 tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả trên 14.000 tỉ đồng, tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bằng gần 11 lần.

Tuy nhiên, số nợ vay 86.000 tỉ đồng và số vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỉ đồng đang nằm trong tổng giá trị tài sản của tập đoàn trên sổ sách là hơn 104.000 tỉ đồng. Giá trị thực tế của mỗi tài sản cũng có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn trên sổ sách, hiện đang được rà soát đánh giá cụ thể. Các tài sản này đang được quản lý ở các đơn vị và doanh nghiệp thuộc tập đoàn, trong đó có 110 cơ sở sản xuất, với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có cơ sở vật chất kỹ thuật khá tốt, 14 nhà máy đóng tàu đang thực hiện đầu tư, các cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ, các dự án khu công nghiệp, cảng biển và đội tàu vận tải biển 700.000 tấn trọng tải...

Như vậy, con số 86.000 tỉ nợ vay của tập đoàn không phải là số tiền mà Vinashin đã thua lỗ, thất thoát như cách hiểu của một số đại biểu Quốc hội.

Tiếp cận vấn đề một cách khách quan, toàn diện là bài học lớn trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với những vấn đề lớn và nhạy cảm như Vinashin. Nếu cho rằng, toàn bộ số tiền 86.000 tỉ đồng đã biến mất, từ đó suy diễn con số này với các sự so sánh thu ngân sách sẽ dẫn tới cách nhìn thêm trầm trọng. Quan điểm toàn diện ở đây còn thể hiện ở chỗ, phải đặt vụ việc Vinashin trong bối cảnh lịch sử cụ thể, đó là những nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động trực tiếp dẫn tới việc thua lỗ.

Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn nguyên nhân chủ quan - là chủ yếu, đó là do việc cố ý làm trái, báo cáo không trung thực và yếu kém của lãnh đạo tập đoàn trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và đầu tư. Không xem nhẹ vấn đề nhưng cũng không thể làm trầm trọng thêm, điều cốt yếu là phải thực sự khách quan.

Quan điểm phát triển

Đánh giá, phân tích tồn tại, yếu kém của Vinashin, từ diễn đàn Quốc hội cũng cho thấy rõ quan điểm phát triển. Với những yếu kém của Vinashin cũng như việc quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung phải trên tinh thần xây dựng, phát triển, đó là từ việc nhìn thẳng sự thật để làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài. Việc một số ý kiến coi sự thua lỗ của Vinashin là sự thua lỗ "mẫu" của tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung, từ đó cho rằng mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước không phù hợp điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, nhìn nhận như vậy là phiến diện, tư duy chụp mũ và trái với quy luật vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Tập đoàn kinh tế là xu thế tất yếu khách quan của nền kinh tế, yếu kém do quá trình áp dụng chứ không phải là sự thoái thác lỗi do cơ chế hay phủ nhận vai trò tập đoàn. Tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam ra đời khá muộn so với các nước (2006), nhưng điều này cũng có yếu tố lịch sử sau một thời gian thoát khỏi kinh tế bao cấp. Vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước nói chung và ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng là bộ phận chủ lực, không thể tách rời của nguồn lực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sức mạnh tổng thể và chủ đạo của kinh tế nhà nước. Với quy mô về vốn, tài sản và vị trí trọng yếu, hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước vì vậy luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Một giám sát năm 2008 cho thấy, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa. Tập đoàn kinh tế được coi như đầu tàu, đòn bẩy của cả nền kinh tế.

Sự ra đời của tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong bối cảnh không nhiều thuận lợi. Do mở cửa hội nhập đặt ra yêu cầu cần phải tổ chức sắp xếp các doanh nghiệp nhỏ thành những doanh nghiệp lớn để đủ khả năng đối tác cũng như cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, tăng cường vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong việc bảo đảm vai trò chủ đạo, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động theo định hướng XHCN. Tính cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập dẫn đến sự tích tụ và tập trung vốn, hình thành doanh nghiệp lớn là tập đoàn kinh tế.

Song, điểm khác với các tập đoàn kinh tế thế giới là ở ta tập đoàn được thành lập dựa trên các tổng công ty có quy mô không lớn, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình bao cấp kéo dài và tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự ưu ái của nhà nước còn quá lớn. Khi tung vào vận hành trong điều kiện thị trường, họ không dễ dứt bỏ sớm các tư duy bao cấp nặng nề đó.

Vụ việc Vinashin cần có cách nhìn khách quan, toàn diện và phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa IX của Đảng về Sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và Chiến lược phát triển ngành cơ khí, tháng 5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm và quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trên cơ sở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, kinh doanh đa ngành, trong đó ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính, làm nòng cốt để phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Như trên đã nói, đây là quá trình thí điểm, chúng ta chưa có kinh nghiệm, lại chịu ảnh hưởng nặng nề tư duy bao cấp kéo dài, do đó khi chuyển sang mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, tất yếu không tránh khỏi vướng mắc. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tại sao chúng ta không tránh những vết xe đổ của những nước đi trước, nhưng rõ ràng đặc thù của đất nước phải chính từ sự vận dụng sáng tạo các mô hình kinh tế.

Việc tái cơ cấu Vinashin là cần kíp, đó là việc rút kinh nghiệm sâu sắc từ những thất bại trước đây để khắc phục một cách hữu hiệu. Theo đó, Chính phủ đang chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý khó khăn, tạo điều kiện để Tập đoàn Vinashin sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích luỹ và phát triển. Tập trung hoàn thiện thể chế cơ chế, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tình trạng như Vinashin. Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo toàn diện về việc kiện toàn và xây dựng, phát triển Tập đoàn Vinashin.

Thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có các Chỉ thị số 1479 ngày 16/8/2010, số 1568 ngày 19/8/2010 và đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy do Phó thủ tướng thường trực làm Trưởng ban. Dự kiến, đến 2013, Tập đoàn Vinashin sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu sẽ còn 43 đơn vị và doanh nghiệp hoạt động chuyên môn hóa, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên ngành. Trong giai đoạn tái cơ cấu, vấn đề quan trọng nhất là ổn định tổ chức và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc có ý kiến đặt vấn đề bao giờ trả hết nợ để có lãi, có lẽ suy nghĩ như vậy là nóng vội, chưa phải là câu trả lời vào lúc này.

Cho đến nay, cả nước có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước và con số đó sẽ càng tăng lên trong thời gian tới. Khi Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề và ra Nghị quyết riêng, điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc củng cố, xây dựng các tập đoàn kinh tế vững mạnh, trở thành các yếu tố then chốt trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Mới 4 năm đi vào thí điểm, vận hành, chắc chắn mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở ta còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều. Những thất bại, thua lỗ chỉ là hiện tượng, không vì thế mà có cách nhìn tiêu cực thái quá bởi quá trình thí điểm, vận động không bao giờ suôn sẻ, ngay cả các nước phát triển, để xây dựng tập đoàn hùng mạnh họ cũng mất thời gian rất dài, thậm chí phải hàng trăm năm.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi nói về chất vấn và trả lời chất vấn đã giải thích rằng, hỏi trong chất vấn khác với cách hỏi thông thường, đó là hỏi để làm rõ trách nhiệm chứ không phải hỏi để biết. Ý nghĩa của hỏi để làm rõ trách nhiệm theo đó phải thẳng thắn, rõ ràng và với tinh thần xây dựng chứ không phải nhằm phê phán, chỉ trích, từ đó giúp người trả lời chất vấn xác định đúng nguyên nhân và tìm ra giải pháp phù hợp để khắc phục tồn tại, thiếu sót

Đăng Trường
.
.