Vụ vỡ nợ của tiệm vàng Tuấn Tài: Có phạm tội hình sự?

Thứ Tư, 12/05/2010, 17:40
Tâm điểm vụ vỡ nợ của Công ty Tuấn Tài, hay tiệm vàng Tuấn Tài bắt đầu từ trung tuần tháng 11/2009 kéo dài đến nay vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, đằng sau dấu hiệu vỡ nợ trên là bộc lộ việc "xóa án tích" một cách khá hoàn hảo. Rất có thể, từ một vụ vỡ nợ mang tính chất phải khởi tố để làm rõ trách nhiệm hình sự, nhưng đang dần được chuyển hóa thành một vụ kiện dân sự.

"Lừa đảo" có hệ thống

Hơn 50 người dân tự xưng là đại diện cho hơn 400 người chủ yếu là thương binh, bệnh binh và người tàn tật tiếp tục vây lấy Công ty Tuấn Tài để đòi nợ vào ngày 21/4 vừa qua. Nhóm người này khẳng định họ là thương binh, bệnh binh và người tàn tật thuộc hạng 1 và 2 đã vướng vào đường dây huy động vốn của Công ty Tuấn Tài. Nhóm thương binh, bệnh binh trên cho hay đã cất công từ tỉnh Bến Tre đến Công ty Tuấn Tài để đòi nợ.

Ông Phạm Thanh Hải, nguyên là y tá của Tiểu đoàn 261, Quân khu 9 cho hay, thời điểm tháng 10/2009 thông qua một người tên Nguyễn Thị Bâu, ngụ TP HCM nói về hình thức gửi tiền vào tiệm vàng Tuấn Tài với lãi suất cao. Nghe có vẻ ngon ăn, hơn 400 cựu chiến binh, thương binh cùng góp vào đường dây này với số tiền 6 tỉ đồng và giao cho bà Bâu gửi vào tiệm vàng Tuấn Tài.

Đến ngày 10/11, sau khi làm việc kỹ càng với 2 ngân hàng A và E, bà Bâu đã hứa, sẽ bán cho bà Trang, Phó giám đốc Công ty Tuấn Tài và cũng là vợ ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc công ty với số vàng là 1.500 lượng SJC ở mức giá 26,59 triệu đồng/lượng. Phương thức bán là thỏa thuận.

Theo đó, ngay sau khi được phía ngân hàng chấp nhận cho vay, bà Bâu sẽ chuyển tiếp số vàng trên cho bà Trang. Thế nhưng, chỉ hơn 2 giờ đồng hồ sau đó, giá vàng trên thị trường bắt đầu có những đợt "sóng to gió lớn". Phía Ngân hàng thấy rằng, rủi ro quá cao khi thực hiện giao dịch này và không đồng ý cho vay.

Chuyện vay mượn ngân hàng bất thành, bà Bâu đã phải gọi điện thoại để xin khất lại với bà Trang về việc bán vàng như dự tính. Mong muốn làm ăn lâu dài, bà Bâu cam kết bù lỗ cho bà Trang phần chênh lệch phát sinh lúc giá vàng biến động nhưng bà Trang đã không đồng ý. "Con bài" được lật ngửa.

Bà Trang gợi ý rằng có đủ khả năng và uy tín để có thể đứng tên vay mượn ngân hàng giúp bà Bâu số vàng 1.500 lượng SJC như đã cam kết trước đó với giá 26,59 triệu đồng/lượng để rồi sẽ bán lại cho bà Trang. Ngỡ rằng "cờ đến tay" phải... "phất" và giữ uy tín cho mình trong việc kinh doanh vàng, bà Bâu chấp nhận để bà Trang đứng tên vay mượn. Nhưng, ở đằng sau, cái bẫy huy động vàng với lợi nhuận cao đang được tung ra để vớt những mẻ cá lớn.

Lúc này, bà Trang yêu cầu bà Bâu phải nộp 6 tỉ đồng và cũng là số tiền bảo chứng để đảm bảo cho việc giao dịch vàng. Sau đó, bà Bâu cắt cử người mang số tiền 6 tỉ đồng đến giao theo đúng yêu cầu của bà Trang tại Công ty Tuấn Tài. Việc nhận tiền được thực hiện do một nhân viên tên P, nhân viên của Tuấn Tài ký nhận vào ngày 10/11/2009 theo 2 biên nhận mang số 507 và 509.

Từ thời điểm này, giá vàng liên tục có nhiều biến động mạnh. Có lúc số tiền mà bà Bâu làm đại diện cho các thương binh, bệnh binh và người tàn tật gửi vào Công ty Tuấn Tài để đầu tư gần như trắng tay. Cụ thể: ngày 11/11/2009, giá vàng lên "đỉnh" 29 triệu đồng/lượng và bà Trang đã yêu cầu bà Bâu phải nộp thêm số tiền bảo chứng 4 tỉ đồng. Biết rằng phải nộp tiền để duy trì cho việc làm ăn, bà Bâu tiếp tục cử người mang số tiền 4 tỉ đồng đến nộp cho bà Trang.

Tổng số tiền cho cả 2 đợt bà Bâu đã nộp cho bà Trang là 10 tỉ đồng. Sang ngày 12/11/2009, "gió đã xoay chiều", giá vàng "đâm đầu" xuống mức 26,5 triệu đồng/lượng, số tiền bảo chứng hôm trước bắt đầu dư ra. Bà Bâu lập tức rút lại số tiền 4 tỉ đồng tại Công ty Tuấn Tài. Số tiền bảo chứng của bà Bâu đã quay về lại "vạch xuất phát" ban đầu là 6 tỉ đồng. Chỉ sau một đêm kế tiếp, giá vàng lại tiếp tục thể hiện rõ xu hướng ủng hộ bà Bâu thì Công ty Tuấn Tài trở mặt.

Giá vàng ngày 13/11/2009 chỉ còn 25,3 triệu đồng/lượng, số tiền lãi của bà Bâu chỉ sau một đêm lên tới 1,9 tỉ đồng. Ngay sau đó, bà Bâu gọi điện thoại với bà Trang để làm thủ tục xin rút toàn bộ số tiền vốn và lời. Thế nhưng, bỗng dưng điện thoại của bà Trang chỉ phát ra những âm thanh: "Ò, í, e, thuê bao quý khách đang gọi hiện không liên lạc được...".

Đây không phải là lần đầu tiên người dân vây lấy Tuấn Tài với quyết tâm được thanh toán khoản nợ mà trước đó tiệm vàng này đã huy động. Còn nhớ, ngày 26/3/2010, hơn 50 người cũng tự xưng là thương binh, bệnh binh và người tàn tật "bay" từ quận Hà Đông, TP Hà Nội đến tiệm vàng Tuấn Tài để đòi nợ. Sự việc đến thời điểm này vẫn chưa ngã ngũ và dường như tiệm vàng Tuấn Tài đang thách thức dư luận.

Một kịch bản dân sự hóa vụ án hình sự (!)

Nguyên nhân của vụ việc vỡ nợ xuất phát từ Công ty Tuấn Tài bắt đầu thực hiện hành vi huy động vốn trái pháp luật. Mặc dù chỉ được phép kinh doanh vàng miếng nhưng Tuấn Tài thực hiện luôn nghiệp vụ như một ngân hàng. Công ty Tuấn Tài sẵn sàng huy động tiền, vàng và ngoại tệ của rất nhiều người dân trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận trong thời gian dài.

Xin được nhắc lại, trả lời trước các phóng viên báo đài, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết: "Theo quy định, chỉ có các tổ chức tín dụng mới được phép huy động tiền gửi, vàng trong dân cư". Theo đó, pháp luật về ngân hàng quy định chặt đến mức với các công ty tài chính cũng chỉ được huy động tiền gửi dài hạn chứ chưa được huy động vốn ngắn hạn.

Dẫn lời ông Hồ Hữu Hạnh, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật sư TP khẳng định: "Việc tiệm vàng Tuấn Tài có nhận tiền, vàng của nhiều khách hàng gửi và có trả lãi suất kỳ hạn 3 tháng và lãi suất không kỳ hạn là sai". Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM chỉ cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh dưới dạng mua bán, gia công vàng miếng.

Đồng tình quan điểm trên, luật sư Phạm Đức Hinh, Giám đốc Công ty Luật Mạnh Đức viện dẫn: "Công ty Tuấn Tài không phải là tổ chức tín dụng, không được Ngân hàng Nhà nước cho phép mà tự ý nhận tiền, vàng của nhiều khách hàng gửi và có trả lãi suất kỳ hạn 3 tháng và lãi suất không kỳ hạn là có dấu hiệu vi phạm tại điều 159 của Bộ luật Hình sự".

Trong thời gian qua, Công ty Tuấn Tài đã thực hiện quá trình huy động tiền, vàng và ngoại tệ của rất nhiều người dân trong và ngoài TP HCM. Điều này cho thấy, đã thể hiện rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đủ yếu tố cấu thành "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Quá trình này thể hiện rõ ở một số tình tiết. Công ty Tuấn Tài biết rõ mình tuy không có chức năng nhưng vẫn huy động tiền, vàng của nhiều khách hàng gửi và có trả lãi suất kỳ hạn 3 tháng và lãi suất không kỳ hạn.

Như trường hợp của chị N.P.U, ngụ tại tỉnh Lâm Đồng. Bằng những thủ đoạn đưa ra mức lãi suất hấp dẫn và hứa hẹn với chị U là bất cứ lúc nào chị muốn rút tiền, vàng thì Công ty Tuấn Tài sẽ giải quyết ngay lúc đó. Chị U đã tin tưởng và gửi vàng cho phía Công ty Tuấn Tài. Đến ngày 12/11/2009, chị đã gửi Công ty Tuấn Tài tổng cộng 105 lượng vàng SJC.

Nhưng khi có nhu cầu cần rút, chị U đến Công ty Tuấn Tài để thực hiện giao dịch rút tiền thì không được giải quyết và cứ hẹn dần. Sau nhiều lần hẹn chị U đến Công ty Tuấn Tài để rút tiền, lúc này Tuấn Tài "trở mặt" và tuyên bố không thể trả nợ được. Đồng thời, không đưa ra một lý do nào và không chứng minh được số tiền vàng trên Công ty Tuấn Tài đã sử dụng vào mục đích gì?

Theo nguồn tin đáng tin cậy, chỉ riêng danh sách khách hàng có thống kê mà Công ty Tuấn Tài đã huy động tiền, vàng và đôla lên tới 347 người, với số tiền rất lớn tương đương với 600 tỉ đồng. Đa số những người này đều rơi vào hoàn cảnh như chị N.P.U, số còn lại thì Công ty Tuấn Tài đưa ra hình thức thỏa thuận lại lãi suất với họ và trả dần trong vòng 4 năm.

Việc Công ty Tuấn Tài thỏa thuận lại về lãi suất và thời gian trả nợ cho khách hàng chủ yếu là nhằm "dân sự hóa” một vụ án hình sự với ý đồ là để trốn tránh trách nhiệm hình sự trong lúc này. Luật sư Phạm Đức Hinh, Giám đốc Công ty Luật Mạnh Đức phân tích: "Việc những người trong Công ty Tuấn Tài hứa hẹn với người dân và chây ỳ, không trả nợ là thể hiện hành vi xem thường pháp luật, muốn thực hiện hành vi phạm tội tới cùng. Vậy nên đây là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự".

Hiện nay, có rất nhiều người dân bức xúc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xem thường pháp luật, thách thức người dân đi thưa kiện của lãnh đạo và nhân viên Công ty Tuấn Tài. Từng ngày, các chủ nợ mong được cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Tuấn Tài và đem lại sự công bằng cho họ

Kiến nghị từ phía Công ty Luật Mạnh Đức thì cần phải chứng minh những hành vi phạm tội của Công ty Tuấn Tài:

1. Phải làm rõ những khoản tài sản lớn của Công ty Tuấn Tài huy động của nạn nhân đem đi đâu, làm gì, trong trường hợp kinh doanh thua lỗ phải chứng minh có cơ sở rõ ràng.

2. Phải làm rõ cơ sở nào để Công ty Tuấn Tài thanh toán lại cho nạn nhân, không thể chỉ hứa hẹn chung chung, dùng thỏa thuận để che lấp đi các hành vi phạm tội hình sự đã hoàn thành.

3. Phải làm rõ việc Tuấn Tài dụ dỗ nạn nhân nhận xong một khoản nhỏ rồi ký thỏa thuận nhằm chuyển hành vi từ hình sự sang dân sự. Đây có phải là hành vi đã được tính toán từ trước khi huy động tài sản nhằm chạy tội về sau này. Phải làm rõ Công ty Tuấn Tài có tạo ra cò mồi để nhiều người ký "thỏa thuận" hay không?

Như vậy cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng có liên quan cần phải làm rõ được 3 vấn đề trên thì chắc chắn đã xác định được tính chất và mức độ về hành vi phạm tội của Công ty Tuấn Tài.

Đỗ Hưng
.
.