Vua dầu lửa Mukesh Ambani sẽ soán ngôi cự phú số 1 thế giới

Chủ Nhật, 08/01/2012, 13:20

Một nhân vật được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian vừa qua với những bước tiến nhanh chóng và vững chắc trong sự nghiệp của mình chính là “vua dầu lửa” Mukesh Ambani. Vị chủ tịch của Reliance Industrie (RI), một trong những tập đoàn công nghiệp lớn mạnh nhất Ấn Độ, là 1 trong số 5 doanh nhân bỏ túi trên 3 triệu USD mỗi giờ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Mukesh Ambani vẫn là người giàu nhất châu Á, với tổng tài sản cá nhân có thời điểm lên tới 63,2 tỉ USD. Nhờ tài năng và tầm ảnh hưởng lan rộng không ngừng, tạp chí tài chính danh tiếng Forbes (Mỹ) dự đoán ông sẽ là ứng viên sáng giá cho “ngôi vương” Người giàu nhất thế giới vào năm 2014.

Người thừa kế xuất sắc của nhà Ambani

Mukesh Ambani sinh ngày 19/4/1957 tại Aden, Yemen. Ông là con trai cả của Dhirubhai Ambani - người đã đặt nền móng xây dựng RI. Là người ham học hỏi và có chí nối nghiệp cha, Mukesh theo học Khoa công nghệ hóa học tại Đại học Mumbai và chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA tại Đại học kinh doanh Stanford. Tuy nhiên, ông thường dành nhiều thời gian cho kinh doanh hơn việc "mài đũng quần" trên ghế nhà trường.

Năm 1981, sau khi hoàn thành 1/4 thời gian học tại Standford, Mukesh đã quyết định thôi học và về đầu quân cho RI. Bước khởi nghiệp ban đầu như vậy không phải do ông chưa đủ can đảm đối mặt với những thử thách bên ngoài mà chính vì lòng ngưỡng mộ người cha giàu kinh nghiệm thương trường. Đây cũng là khoảng thời gian quý báu giúp Mukesh đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ công việc thực tiễn và gặt hái được khá nhiều thành công trong các lĩnh vực kinh doanh cũng như uy tín trong tập đoàn.

Từ đây, Dhirubhai dần nhận thấy tiềm năng lãnh đạo và tư duy kinh tế vô cùng táo bạo của con trai mình. Bản thân Mukesh đã gây bất ngờ khi đưa ra ý tưởng khuếch trương các cơ sở sản xuất sợi tổng hợp của tập đoàn và phát triển theo hướng hiện đại hóa. Với mong muốn "lập lại thế trận" để chứng minh năng lực, Mukesh đã khiến Dhirubhai kinh ngạc bằng những nghiên cứu và sáng kiến mới nhằm quảng bá, mở rộng thị trường dệt vải sợi nhân tạo cũng như lĩnh vực hóa dầu. Ông đề nghị công ty trang bị thêm dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất vào các cơ sở sản xuất, tập trung tiến hành các dự án khai thác dầu khí tại các vùng biển sâu. Với 60 cơ sở sản xuất, Mukesh đã giúp mở rộng quy mô RI, cải tiến dây chuyền sản xuất và nâng mức sản lượng từ gần 1 triệu tấn lên tới 12 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, người cha vẫn quyết định thử thách con trai bằng một kế hoạch mạo hiểm: thi công nhà máy hóa dầu lớn nhất thế giới tại Jamnagar. Thông tin bấy giờ cho rằng ngài tỉ phú đang làm khó con trai mình, và rất có thể sẽ dập tắt hoàn toàn đam mê kinh doanh của Mukesh. Nhưng Mukesh hoàn toàn tự tin vào khả năng của bản thân. Ông đã sống tại công trường và tự mình trông coi việc xây dựng. Đó là chuỗi hành trình hơn 2 năm với trên 85.000 nhân công cùng nhiều thay đổi liên tục trong thiết kế. Sau khi hoàn thành, nhà máy đã đáp ứng hoàn toàn cơn khát xăng dầu của nền kinh tế Ấn Độ với sản lượng trên 600.000 thùng mỗi ngày (gần 33 triệu tấn mỗi năm). Vốn đầu tư lên tới 26 tỉ USD, đây được coi là hạt nhân của một tổ hợp công nghiệp bao gồm các nhà máy chế biến sản phẩm hóa dầu, nhà máy điện và cảng biển, là địa chỉ xuất khẩu sản phẩm tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thừa hưởng "máu kinh doanh" cùng lối tư duy mạnh dạn từ cha, Mukesh quyết định thâm nhập lĩnh vực truyền thông bằng việc thành lập mạng thông tin Reliance Inforcomm. Mạng này có đủ khả năng đảm bảo hoạt động thông suốt trên hơn 1.100 tỉnh thành của Ấn Độ, chuyên cung cấp các dịch vụ âm thanh, hình ảnh, cơ sở dữ liệu chất lượng cao ở bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Chưa hết, Mukesh còn tiến hành nhập khẩu hàng triệu mẫu điện thoại di động từ Trung Quốc và tung ra thị trường Ấn Độ với giá chỉ 12 USD. Dư luận gọi đó là "hiện tượng rẻ", đặc biệt đối với nhóm người thu nhập thấp. Họ cảm thấy được đối xử công bằng khi Mukesh đã "đưa truyền thông tới từng gia đình" và tỏ ra vô cùng ủng hộ tỉ phú này. Chỉ trong vòng 2 năm rưỡi đã có 10 triệu thuê bao cố định, nhanh chóng tạo nên thương hiệu và thị trường riêng cho Mukesh.

Năm 2002 được coi là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời Mukesh khi cha ông ra đi ở tuổi 70. Không ít người nghĩ rằng "đế chế" nhà Ambani đã tới hồi kết. Dư luận nghi ngờ về tương lai của RI khi cho rằng Mukesh "chưa đủ chín" để tiếp tục duy trì và phát triển sự nghiệp của người cha quá cố. Khi đó, các đối thủ cạnh tranh cũng lóe lên những tia hy vọng tận dụng cơ hội này để qua mặt RI. Tuy nhiên, Mukesh đã khiến mọi người phải khâm phục bằng những thành công rực rỡ. Năm 2005, doanh thu của RI đạt con số khổng lồ 18,773 tỉ USD, trong đó lợi nhuận là 2,125 tỉ USD. Số nhân viên hiện đang làm việc cho tập đoàn đã lên tới 90.358 người. RI lên sàn chứng khoán vào năm 1992 và nhanh chóng trở thành một trong những tập đoàn của Ấn Độ có cổ phiếu được săn lùng nhiều nhất.

Tháng 3/2007, RI công bố doanh số bán ra 1.183 tỉ rupee (29 tỉ USD), tăng 33%/năm. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, RI vẫn tiếp tục làm ăn có lãi và tăng trưởng với mức 92%/năm. Hiện Mukesh đã mở rộng ảnh hưởng của RI thông qua việc mua lại Công ty sợi GAPCO ở Đông Phi và thị phần của Hualon (sản xuất sợi tổng hợp) ở Malaysia.

Tài sản của "vua dầu lửa" sinh sôi nảy nở nhanh đến mức Viện Nghiên cứu Forbes nổi tiếng cũng không thể nào nắm bắt kịp thời. Mukesh chiếm 48% cổ phần của RI, một tập đoàn có doanh số tương đương với 4% GDP của toàn Ấn Độ. Được coi là một nhà đầu tư can đảm, Mukesh đã có những khoản lợi nhuận khổng lồ thông qua thị trường chứng khoán. Năm 2007, làn sóng đầu cơ giá ở thị trường chứng khoán Ấn Độ cùng với mức tăng tỉ giá của đồng rupee đã thúc đẩy xu hướng vốn hóa thị trường của mọi công ty thuộc RI. Sự tăng trưởng kỷ lục này đã giúp Mukesh vượt mặt “Vua thép” Lakshmi Mittal, người từng nhiều năm liền giữ vị trí người giàu nhất Ấn Độ. Và lần đầu tiên Mukesh trở thành người giàu nhất thế giới với tổng tài sản lên tới 63,2 tỉ USD, vượt xa tổng giá trị tài sản của Bill Gates khi đó vào khoảng 56 tỉ.

Tạp chí "India Today" tôn vinh ông là người quyền lực nhất Ấn Độ, trên cả đương kim Thủ tướng M.Singh. Ông được trao tặng giải thưởng Tầm nhìn toàn cầu do Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Ấn trao tặng cùng với danh hiệu "ngài tỉ phú" đầu tiên của quốc gia Nam Á. Dư luận cũng biết tới ông là 1 trong 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất châu Á, nằm trong top 50 doanh nhân "đáng nể" nhất năm 2004.

Dây chuyền sản xuất của tập đoàn Reliance Industries, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn mạnh nhất Ấn Độ, do Mukesh Ambani làm Chủ tịch.

Phải trải nghiệm để biến ước mơ thành hiện thực

Dhirubhai từng nói Mukesh - con trai mình đã chứng tỏ được bản lĩnh thương trường để gánh vác sản nghiệp nhà Ambani. Điều này được hiện thực hóa ngay trong buổi họp đầu tiên của tập đoàn sau khi Dhirubhai mất. Tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo đều thống nhất bầu Mukesh làm Chủ tịch của RI. Nghiên cứu và nắm chắc khả năng phát triển của tập đoàn, ngay sau nhậm chức, Mukesh liên tiếp tiến hành các biện pháp mở rộng các chi nhánh ra các thị trường trước đây chưa được khai thác. Ông khởi động và ký kết các dự án hợp tác trên lĩnh vực viễn thông, dầu khí. Điển hình là thương vụ mở rộng lĩnh vực viễn thông sang London với mức giá 211 triệu USD.

Ý thức được những khó khăn khi tiến vào thị trường Anh nhưng vốn là một người quyết đoán, Mukesh vẫn quyết định thực hiện và đã thành công. Hầu hết các dự án có Mukesh tham gia đều thu hút được sự chú ý của công luận, không phải bởi quy mô lớn mà chính là khả năng tiến hành các hợp đồng kinh doanh khéo léo có tầm chiến lược của ông.

Dưới góc nhìn của một nhà lãnh đạo, ông luôn sử dụng óc sáng tạo của mình thay vì tiền bạc để tìm các phương thức mới, tốt hơn, rẻ hơn nhằm bán sản phẩm của mình hoặc để giảm chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, ông thường tự đặt ra một loạt các câu hỏi và tự mình đi tìm lời giải đáp. Từ đó đúc kết được nguyên tắc trong đánh giá phẩm chất cần thiết của một nhà lãnh đạo. Ông cho rằng, chính những nhà lãnh đạo đóng vai trò chủ đạo trong bộ máy của nền kinh tế, giúp xây dựng và thúc đẩy tất cả các hoạt động kinh tế. Một xã hội năng động sẽ có nhiều nhà lãnh đạo giỏi, đồng thời có cơ cấu kinh tế và pháp luật hợp lý để khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất.

Mukesh luôn tìm kiếm, trọng dụng những người lạc quan và hướng tới tương lai. Ông có một niềm tin rằng, họ có thể thành công và sẵn sàng mạo hiểm đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Họ bền bỉ, kiên trì và quyết tâm, bởi tiền bạc và lòng tự trọng của họ đang được mang ra thử thách. Theo ông, để trở thành một phần không thể thiếu của một xã hội thịnh vượng, nhà lãnh đạo cần phải có năng lực, sức sáng tạo và động cơ thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ của các sản phẩm, dịch vụ mới. Đó cũng là khả năng tìm tòi cơ hội để tạo ra lợi nhuận bằng cách đáp ứng những nhu cầu còn thiếu của xã hội. Ngoài ra, đó còn là việc phát hiện ra sự mất cân đối, cũng như lỗ hổng giữa nhu cầu của khách hàng với các sản phẩm dịch vụ hiện có, từ đó tìm cách lấp đầy lỗ hổng này.

Là nhà chiến lược sáng tạo, Mukesh có khả năng nhận ra tiềm năng kinh doanh trong các dự án tầm cỡ mà ít doanh nhân nào dám mạo hiểm thực hiện. Tuy nhiên, ông lại nhanh chóng tự biến mình thành một đại gia với thú chi tiêu hoang phí, và dần bị cuốn vào vòng xoáy những rắc rối của thời cuộc.

Kính mời quý độc giả theo dõi cuộc chiến nội bộ đang âm ỉ cháy bên trong cương thổ của “vua dầu lửa”, vì chính từ đây, Mukesh trở thành "nạn nhân của những tuyên án cáo buộc" cùng mối hận trong lòng không bao giờ được xóa bỏ.

Ông tâm niệm "Thất bại không phải là một sự lựa chọn. Hãy luôn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an nhàn để đương đầu với các thử thách và khởi động công việc kinh doanh". Mukesh từng nhận định thử thách thương trường khó khăn nhất chính là tăng trưởng đi đôi với toàn cầu hóa. Cũng dễ hiểu khi nhà tỉ phú này muốn vươn "những cái vòi bạch tuộc" tới bất cứ loại hình kinh doanh nào sinh lợi và cũng không ít rủi ro.

Mukesh có phong cách lãnh đạo khá đặc biệt. Những bí mật của nhà tỉ phú này nằm ở khả năng thương thuyết và tính "trực chiến" trong kinh doanh. Mukesh luôn sẵn sàng làm mọi việc, với kế hoạch tỉ mỉ và rất chi tiết. Chính ông đã cho dư luận thấy một bài học kinh doanh đích thực "biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng". Với Mukesh, để được bước chân vào một lĩnh vực, cần nhiều thời gian và nỗ lực. Ông cho rằng cần phải suy nghĩ thật sâu về mục tiêu đang theo đuổi khi mọi thứ luôn biến chuyển theo thời gian. Thương trường luôn ẩn chứa nhiều rủi ro không thể dự đoán, do đó cẩn trọng phải được ưu tiên hàng đầu. Thêm vào đó, tạo ra năng lực cạnh tranh hiệu quả và thu hút khách hàng bằng các ưu đãi được Mukesh coi là chìa khóa thành công trong bất cứ loại hình kinh doanh nào.

Mukesh luôn kiên trì đối đầu với mọi thách thức bằng khả năng phân tích và ứng biến tài tình. Ông xây dựng một môi trường làm việc theo hướng "tương tác mở", tạo điều kiện cho nhân viên hiểu về phương pháp làm việc của RI. Nhờ đó, lối tư duy phong kiến cùng cách quản lý nhiều lỗ hổng sẽ nhanh chóng được khắc phục.

Ông có tham vọng đưa Ấn Độ trở thành một nước công nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2020 và bắt kịp Trung Quốc trong việc xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Ông nhìn thấy một tương lai đổi mới cho quê hương, với thế hệ lãnh đạo tự tin, tầm nhìn chiến lược sắc bén cùng tư tưởng mở cửa ra thế giới trong một đất nước còn nhiều sự bảo thủ. Với Mukesh, đó chính là những điều kiện tiên quyết để thay đổi diện mạo quê nhà, song hành với triết lý: phải trải nghiệm mọi cơ hội để biến ước mơ thành sự thực

Lâm Anh - Kim Lương
.
.