Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne:

Vừa gây hấn với Eurozone, vừa cắp tráp hầu kiện

Thứ Bảy, 23/06/2012, 13:45

Bực mình với những quyết định thiếu quyết đoán và chậm chạp trong hội đàm 17 nước sử dụng đồng tiền chung về việc khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh George Osborne đã gửi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo của 17 quốc gia này với lời cảnh báo sự phục hồi của nền kinh tế Anh đang bị cuộc khủng hoảng ở châu Âu "giết chết".

Ngay sau khi thông điệp truyền đi, nhà chính trị này đã gặp phải không ít lời ra tiếng vào về lời lẽ táo bạo của mình dành cho khu vực đối tác kinh tế trọng điểm của nước Anh. Chưa hết, người ta cũng xì xào không kém xung quanh việc ngài bộ trưởng này đang liên tiếp bị "quay" trong các phiên điều trần liên quan đến vụ bê bối nghe lén đình đám của nước Anh tiếp diễn từ năm ngoái.

Trong thông điệp gửi các nhà lãnh đạo của 17 quốc gia khu vực đồng euro, ông George Osborne bày tỏ quan điểm đã đến lúc các thủ lĩnh EU phải đối diện với "thời khắc của sự thật", thời điểm quyết định đến tương lai của cả khu vực kinh tế trong vòng một thập kỷ.

Ông Osborne còn nhấn mạnh: các doanh nghiệp nước Anh thì đang bị kìm hãm nếu sự mơ hồ về tương lai này còn tiếp diễn. Tuy nhiên, quan điểm của vị bộ trưởng này đã vấp phải sự phản đối của chính những đồng nghiệp của ông trong bộ máy Chính phủ Anh. Nghị sĩ Ed Balls của Công đảng cho rằng ông Osborne đang cố bao biện cho sự thất bại của chính phủ trong việc phát triển nền kinh tế. Còn ông Douglas Carswell, thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội thì cho rằng phân tích của ngài Osborne đã "đặt nhầm chỗ"

Phó tổng biên tập chuyên mục chính trị của tờ BBC, James Landale nói, ông Osborne đã từng đề cập đến ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng châu Âu nhưng chưa từng nhắc đến những lời khắc nghiệt hoặc bi quan về nền kinh tế Anh như thế. Kiểm tra những con số cho thấy, kinh tế Anh sụt giảm 0.3% trong quý I năm nay dù trong 3 tháng cuối năm trước, nền kinh tế nước này cũng đã tụt giảm 0.3%, đưa nước Anh trở lại giai đoạn suy thoái.

Chính phủ Anh cho biết thị trường chung là chìa khóa cho việc tăng trưởng kinh tế Anh và EU. Bộ Thương mại, đổi mới và kỹ thuật cho rằng, khu vực châu Âu có thể sẽ giúp thu nhập của người Anh tăng lên khoảng 2% - 6%, tức là khoảng 1.100 - 3.300 bảng một năm đối với mỗi hộ gia đình. Thị trường EU chiếm tới một nửa giá trị thương mại của Anh và các loại hình đầu tư nước ngoài tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm cho lao động Anh làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Từ khi báo chí đưa tin Tây Ban Nha sẽ phải cần tới 100 tỉ euro vay các quỹ tín dụng của châu Âu để giúp các ngân hàng của mình trang trải, các nhà lãnh đạo đã đi đến một thống nhất đó là tung ra gói cứu trợ khổng lồ nhằm cứu đất nước này. Tuy nhiên điều này dường như không làm ông Osborne đồng tình, ông cho biết việc xử lý phần ngọn của rắc rối sẽ không thể triệt tiêu mầm mống sâu xa của cuộc khủng hoảng và châu Âu đã nhận một bài học như thế từ hai năm trước. Thêm vào đó, sự phục hồi kinh tế Anh vốn đã phải trải qua những trận bão giá nhiên liệu và gánh nặng nợ nần từ sau các cuộc tăng trưởng kinh tế bỏ lại, nay lại bị cuộc khủng hoảng châu Âu vùi dập từ những bước khởi sắc đầu tiên. Chính phủ Anh biết rõ rằng, vấn đề của EU có ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của đất nước họ do EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ, cùng với đó, rủi ro mà họ phải gánh chịu trong cuộc giải cứu này cũng là vô cùng lớn. Ông Osborne cho biết, hành động quyết đoán lúc này là rất cần thiết để chấm dứt sự bất ổn vì sớm muộn họ cũng phải đối mặt với “thời khắc của sự thật” của khu vực EU.

Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel trong hội đàm giải quyết khủng hoảng giữa các nước sử dụng đồng euro.

Ngài bộ trưởng "bán thời gian"

Trong lúc chính trường còn đang xôn xao về quan điểm thẳng thắn của Bộ trưởng Tài chính Anh thì ông này  đang phải đối mặt với Ủy ban điều tra Leveson về việc tuyển dụng Andy Coulson - Phó tổng biên tập và cũng là một trong những người chịu trách nhiệm lớn nhất về scandal nghe lén của tờ News of the World (Notw).

Phiên chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Osborne vào sáng thứ hai ngày 11-6 đã bắt đầu một tuần căng thẳng đối với các vị lãnh đạo hàng đầu ở các đảng phái chính trị khi phải đối diện với những câu hỏi về thỏa thuận của họ với đế chế truyền thông mà đỉnh điểm của sự quan tâm là việc Thủ tướng David Cameron cũng có liên quan. Những câu hỏi sẽ xoay quanh vai trò chủ chốt của ngài Bộ trưởng Osborne trong việc tuyển dụng cựu biên tập của tờ News of the World - Andy Coulson khi ông này cũng là thành viên đảng Bảo thủ năm 2007. Coulson đã từ chức, rút khỏi phố Downing năm ngoái và phải chịu án phạt vì tội khai man trước tòa trong vụ scandal nghe lén.

Trong lần xuất hiện tháng trước, Coulson đã tiết lộ rằng, trong vòng hai tháng sau khi ông nộp đơn thôi việc ở News of the World, Bộ trưởng Osborne đã đón ngay ông về làm việc cho đảng Bảo thủ. Sự xuất hiện của Osborne tại ủy ban lần này có thể giải thích phần nào về vai trò quan trọng và kín đáo của ông trong các công việc thường nhật của bộ máy chính phủ. Cùng với việc giám sát hoạt động của ngân khố, Bộ trưởng Osborne còn đóng vai trò quan trọng ở phố Downing và liên quan mật thiết đến nhiều quyết định đưa ra từ đây.

Ông Osborne trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trẻ nhất của Vương quốc Anh trong vòng 120 năm trở lại đây, khi nhậm chức ở độ tuổi 38 sau cuộc tổng tuyển cử năm 2010. Từ khi đảm nhiệm vai trò này, ông Osborne đã phải vật lộn với việc nắm vững các ghi chép thâm hụt tài chính và nền kinh tế trì trệ dai dẳng của đất nước. Công việc của ông tưởng như gặp nhiều khó khăn hơn khi ông trở thành một phần của chính phủ liên minh, nơi vốn đã có rất nhiều quan điểm khác nhau giữa các thành viên của đảng Bảo thủ và Công đảng. Tuy nhiên, dù người ta có đồng tình với cách làm của ông hay không, Osborne vẫn thể hiện một tác phong rất tự tin trong vai trò của mình. Với vai trò chính trị bao trùm nhiều lĩnh vực như vậy, ông từng bị châm biếm rằng chức bộ trưởng đối với ông chỉ như một công việc part-time (bán thời gian), bộ trưởng có "chân ngoài dài hơn chân trong".

Theo một lẽ tự nhiên, người ta đang đoán già đoán non xem liệu vị bộ trưởng này sẽ phải đối mặt với một quyết định sa thải hay sẽ có thể hất cẳng lãnh đạo của mình tại số 10 Downing.

Trong khi đó, Thủ tướng Cameron và Bộ trưởng Osborne có khá nhiều điểm giống nhau về xuất thân và cả tính cách. Cả hai cùng xuất thân từ những gia đình giàu có, ông Osborne thừa kế tước hiệu nam tước cùng gia tài là công ty sản suất vải vóc và giấy dán tường cao cấp Osborne & Little do cha ông để lại. Họ cùng học ở những trường công lập hàng đầu trước khi học tập tại Đại học Oxford. Cả hai người cùng từng là thành viên của câu lạc bộ ăn tối Bullingdon, nổi tiếng với việc uống các loại rượu mạnh tuy không cùng một thời điểm.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Osborne đã nhanh chóng rẽ sang lĩnh vực báo chí trước khi về làm việc tại Bộ Nghiên cứu, nơi có truyền thống đào tạo những chính trị gia kỳ cựu cho đảng Bảo thủ. Osborne trở thành thành viên của Quốc hội năm 2001. Ông còn nổi tiếng khắp Westminster với hình ảnh của một nhà chiến lược với tư duy chính trị sắc xảo và là ứng viên sáng giá cho vị trí kế nhiệm ông Cameron.

Andy Coulson (trái) và George Osborne.

Liên quan hay không liên quan đến scandal nghe lén?

Ở phiên điều trần lần này, cả ông Osborne và Thủ tướng Cameron đều có trách nhiệm giải trình trước Hội đồng Leveson về việc quản lý gói thầu Công ty truyền thông vệ tinh BSkyB của Tập đoàn News Corp (công ty mẹ của tờ News of the World). Năm 2010, Thủ tướng Cameron đã giao quyền cho Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa trọng trách trông coi gói thầu. Trước đó, ông Hunt từng hết lời ca ngợi đế chế truyền thông của Murdoch và đã có những trao đổi rất riêng tư với ban điều hành của tập đoàn này. Phiên điều trần hồi tháng trước cho biết, chỉ vài giờ trước khi ông Hunt được giao trọng trách giám sát, Osborne đã bật mí cho Hunt về chỉ định này bằng cách nhắn tin cho Hunt rằng "Tôi hy vọng ông sẽ thích giải pháp này".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Osborne tuyên bố: ông không hề nhấn mạnh vụ việc đế chế của ông trùm Murdoch có nên bới ra hay không mà là về việc ông và Thủ tướng Cameron đã vội vàng trong việc giao toàn bộ quyết định cho Jeremy Hunt, trước khi tham khảo các cố vấn luật pháp. Ông Osborne thưa với Ủy ban Leveson rằng, ông chỉ đơn thuần là người đứng ngoài quan sát gói thầu 8 tỉ bảng của Tập đoàn News Corp, từng được chính Osborne miêu tả là "rào cản chính trị" mà thôi. Và một mực từ chối đề cập đến Jeremy Hunt về vấn đề này.

Sau hàng giờ đối chiếu các bằng chứng, ông Osborne tuyên thệ rằng: Chính thư ký nội các, ông Jeremy Heywood, người đầu tiên đề xuất giao trách nhiệm về gói thầu cho một bộ khác của chính phủ. Nhưng Osborne thừa nhận việc ông ta đã không thể chắc chắn việc ông Heywood có bất kỳ gợi ý đặc biệt nào cho ông Hunt về việc giải quyết gói thầu hay không.

Quyết định giao quyền hành và trách nhiệm cho Hunt về gói thầu là do Thủ tướng Cameron và chính ông đưa ra nhưng đó là trước khi họ nhận được các tham vấn pháp luật, trong đó có quy định rằng những phát biểu ủng hộ của ông Hunt đối với News Corp có thể loại Hunt ra khỏi danh sách điều phối.

Ngài bộ trưởng đã liên tục bị James Murdoch - con trai của ông trùm Robert Murdoch hối lộ về lệ phí cấp giấy phép của BBC.

Ông Osborne đã chất vấn Coulson về những vụ nghe lén bị bóc trần, về tờ Notw, điều khiến Coulson phải từ chức nhưng bổ sung rằng ông thực hiện những điều đó vì đấy là một vụ vi phạm pháp luật không hơn không kém, ông không hề có ý đồ nào khác. Ông cũng không thừa nhận việc gặp riêng Chủ tịch Murdoch trong một căn biệt thự tại khu trượt tuyết ở Thụy Sĩ vài tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử 2010 diễn ra và rằng có một thỏa thuận với tập đoàn này về các kế hoạch nắm quyền BSkyB.

Qua đây, ông Osborne cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ việc thay đổi quy định cho giới truyền thông. Bộ trưởng này đã chỉ rõ rằng, chính phủ sẽ không ủng hộ các đề xuất cho việc thay đổi hoàn toàn các quy định về truyền thông dù cho một số các đề xuất là do Hội đồng Leveson  đệ trình. Đưa ra luận điểm cho tuyên bố này, ông Osborne cho biết ông không tin việc quy định truyền thông mới sẽ đặt một nền tảng pháp lý và ngăn chặn việc các phe phái phản đối giới báo chí. Osborne cũng cho hay, ông không ủng hộ bất kỳ âm mưu ngăn cản các tờ báo che giấu thông tin cùng những bình luận và khăng khăng rằng mọi sắp xếp mới trong tương lai sẽ không chỉ áp dụng cho báo chí mà cả các dịch vụ mạng Internet cũng vậy.

Ông Osborne là vị bộ trưởng thứ hai trong nội các bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc thay đổi cục bộ các đạo luật của giới truyền thông. Theo dự đoán, Thủ tướng Cameron cũng sẽ đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên các bộ trưởng có thể sẽ hậu thuẫn đề xuất này đến cùng để thanh lọc nền công nghiệp truyền thông. Để chốt hạ luận điểm của mình, ông Osborne cho biết ông sẽ ủng hộ một sự thay đổi chỉ khi nó đền bù những người bình thường khoản bồi thường khi bị giới truyền thông gây hại, nhưng lại gợi ý rằng không cần thiết phải áp dụng cả cho các chính trị gia hay những người nổi tiếng khi họ kiện các công ty truyền thông

Hoàng Cúc - Hoàng Thy (theo Telegragh, BBC)
.
.