“Vương quốc yến” ở Phan Rang

Thứ Sáu, 15/02/2008, 15:00
Giữa thành phố Phan Rang (Ninh Thuận), có một ngôi nhà lớn lúc nào cổng rả cũng kín như bưng. Người đi đường không biết bên trong ngôi nhà đó chứa cái gì. Chỉ có những người quen chủ nhà mới biết đó là "vương quốc" của loài chim yến. "Ông vua vương quốc" đó là Võ Thái Lâm.

“Vương quốc chim yến” Lớn nhất Việt Nam  

Ngôi nhà đó là rạp hát Thanh Bình, nằm trên đường Thống Nhất, con đường chạy xuyên trung tâm TP Phan Rang.

Khi dò dẫm qua bậc cấp cuối cùng, một thứ mùi tanh nồng, ngai ngái lẫn ẩm mốc xộc vào mũi. Cái thứ đồ thải của giống chim vốn chỉ đu mình trong những hang động tăm tối giữa trùng khơi này thật không lẫn vào đâu được...

“Vương quốc yến” là những phòng ốc kín bưng, lạnh lẽo. Mỗi phòng gồm chi chít vách ngăn mốc meo, ẩm ướt. Đường bay của chim hun hút như đường từ địa ngục xuyên qua giếng trời.

Trong ánh chiều chạng vạng, những con yến như những mũi tên đen từ đâu lao tới, lượn vài vòng ở chỗ tranh tối tranh sáng rồi mất hút trong bóng đen. Trời càng tối càng cảm nhận rõ những luồng gió vun vút đập vào thinh không tạo ra bản hòa tấu với những tiếng kêu “lách cách, lách cách...”.

Anh Lâm Trọng Nhân, trợ lý của “vua yến” Võ Thái Lâm giải thích với tôi: “Giống yến rất tinh khôn. Bầy chim nào cũng có đội quân trinh sát. Trước khi rời tổ đi kiếm ăn hoặc lúc săn mồi no nê trở về, bao giờ nhóm yến trinh sát cũng bay lượn... thám thính, nhận được tín hiệu an toàn, bầy đàn mới bay theo. Kể cả  đã vào trong hang, trong nhà, chúng vẫn lượn đi, lượn lại mấy vòng rồi mới sà xuống tổ”.

Hang sâu thăm thẳm và tối như bưng, tổ yến nằm chi chít cạnh nhau và gần như cùng một lúc cả vạn con chim bay về, ấy thế nhưng không có chuyện nhầm tổ. Với dân nuôi và lấy tổ yến từ xưa đến nay, họ tin rằng đó là bí ẩn nhiệm mầu.

Còn TS Nguyễn Quang Phách, “nhà yến học” đầu tiên của nước ta, sau nhiều đêm cuộn mình trong hang đá dõi theo những tiếng kêu, đã đo được tần số âm dội của chim khi dò đường. Ông cho rằng, âm thanh mỗi con chim phát ra có đỉnh tần số khác nhau và điều đó đã giúp cho chúng nhận biết âm dội của chính mình”.

Theo ánh đèn pin soi lối, thật kỳ thú, tôi nhìn thấy hàng ngàn tổ chim yến hình dạng nửa chiếc bát đóng đều khắp trần nhà và các bức tường. Đàn yến bám đen đặc trên bức tường, trên các vách ngăn. Trong tổ yến, từng đôi một chụm đầu vào nhau ngủ hoặc tình tứ sau một ngày kiếm ăn vất vả. Hàng ngàn cặp khác thì đang đung đưa nhỏ dãi kết tổ.

Kết quả phân chủng của Viện Khoa học công nghệ Paris (Pháp) cho biết, chim yến đang cư trú tại ngôi nhà này thuộc giống Aerodramus, loài A.fuciphagus. Theo tài liệu nghiên cứu của Tiến sĩ sinh học Nguyễn Khoa Diệu Thu, loài yến này có chiều dài trung bình 12cm, trọng lượng 12-20 gr, toàn thân màu nâu thẫm.

Ở Việt Nam, loài A.fuciphagus thường thấy tại các đảo thuộc một số tỉnh như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Kiên Giang... Sự di trú của loài yến này đến Phan Rang cũng là một hiện tượng khá lạ.

Chuyện bắt đầu từ đầu năm 1999, cứ chập choạng tối, lại xuất hiện chừng 100 con chim yến bay về rạp hát Thanh Bình trú ngụ. Đây là địa điểm tổ chức các hoạt động ca múa nhạc, nhưng cả năm trời có khi mới diễn một buổi, nên ngôi nhà này trở nên khá yên tĩnh, một địa điểm lý tưởng cho đàn yến lưu trú.

Không hiểu đàn yến có ma lực gì mà hút hết hồn vía anh Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Ninh Thuận Võ Thái Lâm đến thế. Sau nhiều ngày ngồi ngắm đàn yến về tổ, anh Lâm quyết định làm đơn... từ chức.

Anh Lâm mạnh dạn đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho thực hiện dự án bảo vệ và phát triển đàn chim yến tự nhiên tại rạp hát Thanh Bình, số 592, đường Thống Nhất.

Nhận nuôi chim yến mà kiến thức về loài chim này bằng không, âu cũng là chuyện lạ. Nhưng với ý chí con nhà võ, không biết thì cắp sách học hỏi, anh đã đi khắp nơi, tìm gặp những người hiểu biết về chim yến để học tập. Sau nhiều ngày cắp sách theo chân các kỹ sư chim yến ở Khánh Hòa, anh rút ra kết luận: muốn giỏi phải sang xứ sở chim yến Indonesia.

Sau khi tham dự khóa đào tạo kỹ thuật viên nuôi chim yến tại Indonesia, anh thấy kiến thức về loài chim này vẫn chưa đủ. Nhiều thứ đã trở thành bí quyết nên họ nhất định không tiết lộ.

Nhiều năm trời, anh đến các làng nuôi chim yến và xin được... làm việc không công giúp họ. Gặp gì ăn nấy, gặp đâu ngủ đấy. Cảm phục tính chịu thương, chịu khó nên họ đã tiết lộ cho anh nhiều thông tin.

Đặc biệt, một giáo sư chuyên ngành điểu học ở Indonesia (duy nhất ở Indonesia có bộ môn chuyên biệt về chim yến), thấy cảnh anh Lâm đi về như con thoi, đam mê chim yến đến quên ăn quên ngủ, nên đã cung cấp cho anh nhiều tài liệu và dạy cho anh phương pháp nuôi ấp chim yến nhân tạo.

Sau khi học hỏi được nhiều kinh nghiệm ở xứ sở chim yến Indonesia, anh tiếp tục balô, túi xách sang sống nhiều tháng ở làng chim yến Par Panăng của Thái Lan, rồi sang tham quan làng nuôi chim yến ở Malaysia. Học hỏi trăm nơi, anh đã có được vốn kiến thức kha khá.

Điều chưa từng có trong lịch sử ngành chim yến nước nhà, cũng như khắp vùng Đông Nam Á là nuôi yến trong nhà. Anh Lâm đã mạnh dạn làm điều này. Chỉ vài năm sau khi nuôi trong rạp hát Thanh Bình, đàn chim yến 100 con lúc đầu đã tăng lên 200 con vào năm 2005, rồi 2.000 con vào năm 2006 và đến cuối năm 2007 đã lên đến con số kỷ lục: 20.000 con. Số lượng đàn yến tăng gấp 10 lần sau mỗi năm. Với số lượng này, rạp hát Thanh Bình đã thực sự trở thành “vương quốc chim yến”.

Xây “khách sạn” cho chim yến

Loài chim yến chỉ sống ở nơi yên tĩnh, nên việc đầu tiên anh làm là mua đứt căn nhà 3 tầng ngay cạnh rạp hát Thanh Bình để tránh ồn ào và mở rộng nơi cư trú cho đàn chim. Ngôi nhà được cải tạo theo hướng dẫn dụ đàn chim.

Các lỗ thông gió, cửa sổ được bịt kín, chỉ chừa một khoảng trống lớn trên cao để chim ra vào, tường vách được sửa chữa lại nhằm tăng độ cách âm, hệ thống máy phun sương được lắp đặt ở nhiều vị trí trong ngôi nhà liên tục hoạt động để giữ độ ẩm không khí luôn ở 95% và nhiệt độ trong nhà không được cao hơn 280C và thấp hơn 260C, kể cả trong những ngày hè, khi vùng Ninh Thuận nóng như chảo lửa.  

Hang yến nhân tạo.

Tạo xong môi trường thuận lợi, nhưng suốt mấy năm trời số lượng đàn chim tăng lên vẫn rất chậm. Võ Thái Lâm liền mua một chiếc máy ghi âm số cực xịn và ăn ngủ nhiều đêm với đàn yến trong các hang động ngoài đảo Yến (Nha Trang) để ghi tiếng động, tiếng kêu của từng loài yến.

Việc khó nhất là dụ được đàn yến vào nhà, nhưng giữ được chân chúng còn khó hơn nhiều. Thế là, trong mùa sinh sản, anh mở đĩa ghi âm tiếng yến lanh lảnh gọi bạn tình để dụ chim yến hoang dã vào nhà. Khi vào nhà, thấy môi trường thuận lợi thì chúng ở lại làm tổ, sinh sản.

Đến mùa chim yến nuôi con, anh mở băng ghi âm tiếng chim ríu rít lúc mớm mồi, tựa như lời mẹ dỗ dành con ăn. Việc làm này có thể kích thích chim mẹ tiết ra những chất giúp tiêu hóa thức ăn mớm cho con dễ dàng hơn. Ngoài ra, anh còn có nhiều cách để tạo ra nguồn côn trùng để chim mẹ có thể dễ dàng bắt mồi mớm cho chim con.

Điều quan trọng nhất là trong vài năm đầu không được khai thác tổ yến, để tạo sự tin tưởng, an tâm cho chúng về nơi cư ngụ và tập trung sinh sản. Chim yến hoang dã một năm đẻ ba lần, mỗi lần hai trứng, nhưng qua bàn tay chăm sóc của anh, chu kỳ ấy đã tăng lên gấp đôi và như vậy, số lượng tổ thu hoạch được cũng tăng lên hai lần.

Thời gian ấp trứng là 15 ngày, đến ngày tuổi thứ 45 chim yến sẽ bắt đầu bay những vòng đầu tiên. Và 30 ngày sau đó, chim bắt đầu tìm bạn và làm tổ. Con sinh cháu, cháu sinh chắt liên tục, nên số lượng đàn yến tăng lên rất nhanh. Có một điều rất lạ mà anh Lâm nhận ra, đó là loài yến có khả năng sinh sản cận huyết, trùng huyết mà không hề ảnh hưởng gì. 

Sau khi xây dựng thành công “vương quốc chim yến”, mấy năm nay, Võ Thái Lâm đã dốc hết tâm huyết, tình cảm, tiền bạc và thời gian cho giống chim này. Quanh năm suốt tháng anh balô, túi xách đi dọc dải đất ven biển, từ Khánh Hòa đến tận Rạch Giá (Kiên Giang) để tìm bóng yến. Trong tự nhiên có tới 100 loài chim yến, nhưng chỉ có vài loài cho tổ yến ăn được. Những loài cho tổ này được gọi chung là yến hàng.

Sau nhiều năm nghiên cứu, quan sát, anh Lâm phát hiện ra rằng, chim yến là loài cực kỳ chung thủy, luôn sống chết có nhau. Vì nhiều nguyên nhân, có thể một con bị mèo, chuột, chim cắt, đại bàng... ăn thịt. Nếu con đực hoặc con cái đêm đó không về tổ, hôm sau, con còn lại sẽ đi tìm và nếu tìm thấy thì cùng về tổ, còn không thấy thì nó sẽ chết trên đường tìm kiếm. Cả đời chim yến chỉ "cặp" với một con và chúng sống với nhau đến khi già thì cùng chết.

Theo anh Lâm, việc anh nuôi yến trong nhà thành công cũng là duyên may. Loài yến thường sống ở nơi ẩm ướt, mát mẻ, yên tĩnh, nên chỉ có những hang động ngoài đảo mới hợp với chúng.

Hàng ngày, rất chính xác, 4 giờ chúng bay vào đất liền để uống sương sớm, bắt mồi. Điều đặc biệt là chúng không bao giờ đậu trong quá trình đi kiếm ăn. Sau khi uống sương sớm, chúng cứ bay dọc các triền sông để ăn muỗi và những loại côn trùng nhỏ. Đến chiều tối, chừng 16 giờ kém 15 phút thì chúng kéo nhau về tổ ở ngoài đảo.

Tuy nhiên, mấy năm nay thường xuyên biển động, gió lớn. Đàn yến vào đất liền kiếm ăn, khi trở ra biển, gặp gió lớn, không bay nổi, nên nếu đất liền có chỗ trú ngụ phù hợp là chúng ở lại. Đó chính là cơ hội, là dịp may để anh chớp lấy. Hàng ngày, anh lang thang dọc ven biển, thấy ở đâu có yến bay lượn kiếm ăn là anh xây nhà, dựng cửa cho chúng.

Có một chuyện khá vui, anh Lâm và các nhân viên trong công ty của anh đều gọi những ngôi nhà anh xây cho chim yến là “khách sạn yến”. Đến nay, anh Lâm đã đầu tư vài chục tỉ đồng để xây “khách sạn” cho đàn yến ở dọc vùng biển nước ta.

Riêng ở Cần Giờ (TP HCM), anh đã đầu tư xây dựng hơn chục “khách sạn yến” với trị giá 30 tỉ đồng. Mỗi ngôi nhà đều cao 3-4 tầng và mỗi tầng cao 4-6m. Mỗi ngôi nhà đều được trang bị hệ thống camera hồng ngoại, quan sát được trong đêm. Ngôi nhà được thiết kế như những hang động. Cửa ra vào cho chim như cửa hang, sơn màu đen, quay về hướng đông. Thậm chí, còn có cả phòng chờ cho chim bay lượn trước khi vào phòng nghỉ và dưới nền nhà là những dòng suối ngày đêm nước chảy róc rách.

Trần nhà được lót trấu và vỏ sò để chống nóng, giữ nhiệt độ, độ ẩm và chống ồn, cùng rất nhiều thiết bị kỹ thuật cao cấp khác. Ngoài ra, mỗi “khách sạn” còn có một người  phục vụ các “thượng đế yến”. Khi về tổ, các “thượng đế” được nghe nhạc là những âm thanh gọi bạn tình. Khi các “thượng đế” đi ngủ thì mọi âm thanh phải tắt hết, chỉ còn tiếng suối chảy róc rách mà thôi. Việc giữ nhiệt độ và độ ẩm trong phòng cho các “thượng đế” cũng phải thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt...

Võ Thái Lâm là “vua yến”, còn là người đầu tiên và người thành công nhất trong việc nuôi yến sinh sản.

Theo Võ Thái Lâm, hiện tại, nguồn yến ở nước ta mới dựa vào tự nhiên, đến một ngày chúng sẽ cạn kiệt, nếu như không biết nhân giống. Thế là anh đầu tư công sức ngày đêm nghiên cứu, quan sát cách chim yến đẻ trứng, sinh và nuôi con.

Năm 2005, anh quyết định thực hiện một công việc táo bạo: ấp trứng chim yến bằng phương pháp nhân tạo. Nguồn trứng được nhập từ Indonesia và thu được trong quá trình lấy tổ yến. Sau 5 lần thất bại liên tiếp, tốn kém bạc tỉ, rồi anh cũng thành công với một kết quả bất ngờ: 95% trứng nở với tỉ lệ chim non rời tổ và nhập đàn tại các ngôi nhà yến lên tới 50%.

Kết quả này không những gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học hiểu biết về chim yến mà còn ngạc nhiên đối với các nhà điểu học ở Indonesia. Với tài năng và sự hiểu biết kỳ lạ về loài chim yến, nên hàng chục “khách sạn yến” vừa xây dựng ở Cần Giờ, đã có rất nhiều chim yến về sinh sống, đông gấp nhiều lần rạp hát Thanh Bình.

Không muốn hưởng riêng “lộc giời” nên mới đây anh Lâm đã đề xuất với UBND tỉnh Ninh Thuận cho tổ chức hội thảo khoa học để nhân rộng mô hình nuôi yến trong nhà, để nhân dân cùng làm giàu. Mong ước của anh là biến Ninh Thuận thành một vùng nuôi chim yến độc nhất vô nhị của cả nước. Anh sẽ xây dựng một nhà máy chế biến để bà con có thể bán dãi yến được tận gốc, còn anh xuất được hàng với giá cao nhất.

Trời sầm sập tối, từng đàn chim yến lũ lượt kéo nhau bay về “vương quốc yến” là rạp hát Thanh Bình, bôi đen cả một góc trời Phan Rang. “Vua yến” Võ Thái Lâm và người dân nơi đây chiều nào cũng dõi theo cánh chim với ánh mắt đầy hy vọng. Ai cũng mơ một ngày nào đó giống chim kia mang thứ “vàng trắng” vào nhà mình. Họ sẵn sàng đón chúng như thượng đế. Bởi dãi của “thượng đế” này có giá từ 2.500 đến 5.000USD/kg

Phạm Ngọc Dương
.
.