Vượt qua số phận

Thứ Hai, 08/06/2015, 15:00
Sinh ra ai cũng mong muốn có một gia đình nguyên vẹn, có mẹ, có cha cùng đồng hành với mình trong mọi nẻo đường cuộc sống. Nhưng niềm ước mơ ấy, không phải bất cứ người con nào cũng có được. Có những gia đình bố mẹ vì những lý do nào đó, phải chia tay và trong những hoàn cảnh sống cụ thể, các con của họ chấp nhận thực tại để vươn lên, trở thành những người có vị trí và ảnh hưởng nhất định đối với xã hội.

Chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người trong cuộc, họ là hai người đàn ông đã biết cách vượt qua định kiến, vượt qua nỗi đau, vượt qua số phận để khẳng định mình trong xã hội.

NSƯT Chí Trung: Vết thương ấy sẽ không lành lại

Trong cái nắng oi ả của mùa hè, NSƯT Chí Trung vẫn miệt mài trên sân khấu. Anh có mặt từ lúc mở đầu chương trình đến khi cánh màn nhung đã khép lại và ánh đèn sân khấu đã tắt. Tôi nói đùa với anh, giờ này anh còn ngồi đây thì để chị Ngọc Huyền ở nhà mong ngóng à? Chí Trung cười hiền: "Kệ chứ, vợ anh quen rồi. Ừ mà để anh gọi điện thoại hỏi thăm xem chị ở nhà một mình có buồn không nhé!". Chí Trung đã nói và làm thật. Nghe giọng vợ đầu dây bên kia, Chí Trung cười mãn nguyện, yên tâm dõi theo vở diễn "Ai là thủ phạm" của Lưu Quang Vũ do anh làm đạo diễn.

Gia đình nghệ sĩ Chí Trung - Ngọc Huyền.

NSƯT Chí Trung là người hay đùa, là người có khả năng làm người khác cười đến… chảy nước mắt, nhưng trong câu chuyện về gia đình, vợ con thì anh dường như luôn có một "miền riêng" không chạm tới. Anh có một nỗi niềm tuổi ấu thơ thiếu vắng sự ấm áp của gia đình, nên bao giờ hỏi về những ngày tháng ấy, anh cũng cười xã giao cho xong, hoặc lảng tránh sang chuyện khác. Nhưng, như các cụ ta vẫn nói, không ai chối bỏ được quá khứ, vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, khi đã an phận với chức "ông ngoại", bên cạnh là một gia đình êm ấm, hạnh phúc, NSƯT Chí Trung đã có những chia sẻ chân tình về cái được và cái mất của sự chia ly, của một khoảng lặng trong ký ức đã xa, mà mỗi khi chạm vào lại cứa lên một vết thương khó lành khiến trái tim anh như rỉ máu...

NSƯT Chí Trung đã chia sẻ: Bố anh, NSND Quý Dương và mẹ anh, một người đàn bà xinh đẹp, đam mê nghệ thuật nhưng không may mắn như nhiều bè bạn cùng thời. Họ đã cùng chung sống và có những tháng ngày hạnh phúc, dù ít ỏi… Khi bố mẹ chia tay nhau, Chí Trung còn quá bé để cảm nhận sự mất mát mà mình phải hứng chịu trong những chuỗi ngày dài dằng dặc sau đó của cuộc sống. Một đứa trẻ, rõ ràng chẳng có niềm vui vì sinh ra trong một gia đình hạnh phúc chẳng vẹn toàn. Chí Trung bảo, anh là một đứa trẻ như thế. Những năm tháng đầu tiên sống trong cảnh chia ly ấy anh chưa ý thức được sự mất mát, chỉ không hiểu vì sao, cuối tuần mình lại được mẹ đến nhà bố đón đi chơi, nhồi nhét đủ thứ vào bụng no căng, rồi kể những câu chuyện chẳng mấy gì tốt đẹp gì về quan hệ của hai người và cuối ngày thì… trả về chỗ cũ, mẹ lại trở về gia đình riêng của mẹ.

Chí Trung sống cùng bố, dì và hai người em cùng cha khác mẹ, đó là sự sống giữa những thái cực khác nhau của yêu thương, hờn giận, trách móc, vỗ về từ các bậc sinh thành, nuôi dưỡng. Những lúc êm ấm không sao, những lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" thì anh luôn là tấm bình phong để ai đó ghen ghét mắng chửi cho hả giận…

Đối với Chí Trung, trên đời này nếu có một người có thể mang lại cho anh tình yêu thương chân thành vô hạn, thì đó chính là bà nội. Sau những ngày tháng sống trong sự thiếu thốn của tình yêu mẹ cha, thì những ngày ở chùa cùng bà, Chí Trung đã được hưởng một cuộc sống đạm bạc nhưng an lành, nó giúp anh quên đi cảm giác bị bỏ rơi, đó là những khoảnh khắc mà tâm hồn anh bình tâm trở lại sau những sóng gió, những bất ổn của thế giới người lớn.

Chí Trung khẳng định, nếu được lựa chọn, có lẽ không một đứa trẻ nào muốn lạc vào những hoàn cảnh ấy. Bởi có những khoảnh khắc sẽ khiến nó bị ám ảnh suốt cuộc đời. Anh là con người khắc kỷ dù anh luôn cười và luôn mang tiếng cười đến cho người đối diện, nhưng mảnh vỡ trong tâm hồn anh thì không thể nào hàn gắn được.

Ai tinh ý sẽ nhận ra rằng, Chí Trung bao giờ cũng lặng lẽ ở một góc nào đó của cuộc vui, không hể hả chuyện trò, không cười vui hết cỡ, anh sẽ hý hoáy cái điện thoại để vào facebook, cũng có thể sẽ ngồi để viết một vài câu thơ châm nào đó để cho người đọc bàn luận, tán dóc, có lúc anh cảm thấy cô đơn cả ở chốn đông người… Chẳng phải Chí Trung tự làm khổ mình, song, có một điều gì đó trong tâm hồn anh đã níu lại sự trong sáng, sự chan hòa, thậm chí, cả sự độ lượng…

Chí Trung bảo, cuộc sống vất vả và tự lập quá sớm đã mang lại cho anh tất cả, nhưng cũng đã lấy đi mất của anh sự thi vị của cuộc sống. Chính vợ con anh là người thiệt thòi. Lấy nhau và sống mấy chục năm song ngoài một tình yêu chân thành dành cho vợ con, anh thiếu sự quan tâm tới những điều nhỏ nhặt mà vợ và hai con mong muốn. Anh hiếm khi tặng hoa, tặng quà cho vợ, anh không biết cách chơi với con, không biết dạy con học, không biết nói những lời động viên kịp thời…

Để "bảo toàn hạnh phúc" khi anh thành danh trên con đường công danh với cái chức "to oành" Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, thì anh chấp nhận để vợ anh, diễn viên Ngọc Huyền lui vào hậu trường, thậm chí tránh xa ánh đèn sân khấu, chấp nhận đóng bảo hiểm chờ hưu, để ở nhà kinh doanh và… làm đẹp...

Chí Trung bảo, những người không có sự chỉ dạy của cha mẹ suốt cả thời ấu thơ sẽ có những ám ảnh ghê gớm với mọi thứ xung quanh mình, ám ảnh, hoài nghi và hành động theo cách đặt dấu hỏi ấy. Dù sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật nhưng Chí Trung là một đứa trẻ không có kỷ niệm ngày sinh, không có ai dắt đi ăn quà sáng, không được nghe kể những câu chuyện trước khi đi ngủ... cho nên, như một bản năng, điều đáng lẽ anh phải làm đối với vợ con mình, anh đã quên đi trong vô thức dù một người thông minh như anh đủ biết rằng, nó là một phần quan trọng khiến cuộc sống trở nên giàu có, đẹp đẽ, sẽ giúp những đứa con vững lòng. Anh lao đi kiếm tiền, dù là nghệ sĩ nhưng anh sống rất thực tế.

Từ hai bàn tay trắng anh mua nhà, mua xe, mua trang trại… Anh muốn các con mình sẽ có "của để dành" vì anh không muốn con mình ở trong hoàn cảnh phải chạy ăn từng bữa mà chẳng biết cậy nhờ ai, phải làm đủ nghề để tồn tại... như bố. Và dù thế nào đi chăng nữa, anh cũng luôn muốn các con mình luôn có bố, có mẹ bên cạnh. Bởi có làm một đứa con thiếu vắng tình yêu thương mới biết, những lúc cuộc sống trắc trở, khó khăn, đứa con ấy cần một bàn tay, một cái ôm, một lời khuyên bảo của cha mẹ biết nhường nào. Và anh cho rằng, dù là một người thành đạt hay không, thì những vết thương thời thơ ấu sẽ không bao giờ có thể lành lặn trở lại kể cả đã được phẫu thuật thẩm mỹ…

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm: Không ai chống được số phận

Gặp họa sĩ Doãn Hoàng Lâm, vào đúng ngày bận rộn, khi anh một mình vừa phải làm nhiệm vụ đón các con giờ tan sở, lại phải mời bác sĩ đến nhà để khám cho cha anh, đạo diễn Doãn Hoàng Giang vì ông bị viêm phổi khá nặng. Doãn Hoàng Lâm chạy đi chạy lại như con thoi giữa cái nóng bức, ngột ngạt của mùa hè Hà Nội.

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm.

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm được sinh ra bởi người bố nổi tiếng là đạo diễn Doãn Hoàng Giang và người mẹ xinh đẹp diễn viên Nguyệt Ánh. Bố mẹ anh vốn là một cặp đôi long - phượng mà giới sân khấu ai cũng biết đến. Doãn Hoàng Lâm là kết quả của mối tình đẹp ấy. Nhưng rồi, như thể số trời đã an bài, họ chỉ đi được cùng nhau một chặng đường ngắn ngủi và chia tay. Khi đó Lâm 6 tuổi, độ tuổi đủ lớn để hiểu mọi chuyện. Nhưng anh không bao giờ trách móc cha mẹ mình bởi anh cho rằng, khi một mối tình tan vỡ thì có nghĩa là mỗi người trong cuộc đều có một lý do riêng, có thể tình yêu đã hết, có thể quan niệm sống không hợp và một lý do đơn giản là vì định mệnh. Đó là một cuộc chia tay đầy văn minh.

Anh ở với cha, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, vì mẹ anh khi đó đã có người đàn ông khác. Lâm ở với một bác giúp việc trong ngôi nhà trên phố Huế. Mẹ anh ở phố Nguyễn Gia Thiều. Một quãng đường ngắn để hai mẹ con gặp nhau, chăm nhau thường xuyên. Mẹ anh là người phụ nữ đẹp, chu đáo, bà dù không ở với anh nhưng tình cảm và sự quan tâm dành cho anh thì không có gì thay đổi. Bà vẫn thường xuyên sang dạy anh học, cho anh ăn, tắm táp và chơi cùng anh. Lâm bảo, sự đổ vỡ của cha mẹ, dù không đứa con nào mong muốn, song đối với anh, đó là một sự an bài giúp anh tự lập từ rất sớm. Anh biết cách tự lo cho mình, tự ngủ, tự chơi, tự tìm đến những trò tiêu khiển cùng bạn bè trên phố.

Cuộc sống tự do đã mang lại cho anh nhiều cơ hội được thả sức bay bổng cùng chúng bạn, những trò chơi thơ bé, những đêm cả phố mất điện lũ trẻ con lôi chiếu ra hè phố ngủ, muỗi cắn đầy tay… nhưng nó là ký ức không bao giờ nguôi ngoai để anh thể hiện nó trong những tác phẩm hội họa như một phần đời sống.

Cũng chính cuộc sống tự do đã kết nối anh cùng những người bạn để anh có một ngày trở thành họa sĩ như hôm nay. Doãn Hoàng Lâm kể: "Năm cấp 3, tôi hay đi chơi với một người bạn vẽ đẹp lắm. Một hôm cậu ấy rủ tôi cùng đến nhà thầy cậu ấy, họa sĩ Phạm Viết Song. Tôi chỉ nghĩ đi cùng cho vui, ai ngờ đến nhà thầy, thử vẽ nguệch ngoạc vài nét đầu tiên, tôi đã thấy thích. Hồi đó, tôi mải chơi lắm, chả đam mê thứ gì cụ thể, nhưng khi cầm cây cọ, lại thấy có sức hút kỳ lạ, vậy là xin thầy học vẽ, cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy niềm đam mê của mình". Năm 2014 vừa qua anh ra mắt triển lãm "Xác phàm" với 14 bức tranh nhận được nhiều lời khen của bạn bè trong giới.

Doãn Hoàng Lâm là một họa sĩ trẻ thành công và tự tin, anh bước đi bằng chính sự nỗ lực của mình, để thoát ra khỏi cái "bóng" của người cha đào hoa và tài năng Doãn Hoàng Giang. Anh cảm ơn số phận và cha mẹ đã cho mình một hình hài, một cuộc sống, một sự trải nghiệm và khác nhiều người anh không bao giờ cố gắng lý giải những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình, cũng chẳng bao giờ ủy mị để khiến trái tim phải rung lên những hồi ức thơ ấu đã xa. Mỗi cuộc hôn nhân hạnh phúc hay đổ vỡ đều được định mệnh an bài. Và có lẽ, không ai muốn giữa đường đứt gánh để con cái phải chịu những nỗi thiệt thòi trong sự đổ vỡ ấy.

Anh bây giờ cũng đã có gia đình, luôn làm tròn nghĩa vụ của một người cha đầy trách nhiệm và chu đáo với vợ con. Anh bảo, cuộc sống bây giờ quá nhiều bất an, nó không lãng mạn và đẹp như tuổi lên 6 thuở xưa của anh, một cậu bé đầy non nớt nhưng đầy tự tin với thế giới thiên nhiên và cuộc sống đầy sắc màu của một gia đình nghệ sĩ. Anh nhớ đến bàn chân và con đường với những buổi đi bộ suốt cả chiều đầy nắng gió từ nhà của bố đến nhà của mẹ, rồi lại từ nhà của mẹ về nhà với bố với đầy ắp kỷ niệm và ký ức ngọt ngào.

Họ đã có những khoảng trời riêng nhưng luôn cố gắng để anh không bao giờ cảm thấy thiệt thòi hay mất mát. Họ dù chia tay nhưng vẫn có những cuộc trò chuyện đầy văn minh giữa những người bạn, giữa đạo diễn và diễn viên, giữa hai người cha và mẹ để có thể bù đắp tất cả cho anh những điều mà họ nghĩ là chưa dành đủ cho cậu con trai bé bỏng.

Doãn Hoàng Lâm bảo, điều duy nhất anh làm được cho cha là vẫn chăm sóc ông chu đáo khi trở trời ông ốm đau với tuổi già. và với mẹ, điều anh làm được là anh đã vào miền Nam để chăm bà được một tháng rưỡi trước khi bà qua đời vì bị tai biến, dù bà nằm đó không hề biết đến thế giới xung quanh, có lẽ cũng không biết đến sự hiện diện của đứa con trai duy nhất của bà trong chặng cuối cuộc hành trình trên cõi đời này. Lâm bảo, hạnh phúc lớn nhất là Lâm đã thiết kế và xây được cho bà một ngôi mộ giản đơn nhưng đẹp và lạ tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh mà với sự thấu hiểu mẹ, anh nghĩ rằng bà mãn nguyện…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.