WTO và bài toán cải tổ

Thứ Hai, 30/07/2018, 15:25
Những diễn biến gần đây trong quan hệ thương mại quốc tế, trong đó có các động thái đáp trả cứng rắn qua lại giữa Mỹ với Trung Quốc, EU... liên quan đến mức thuế quan mới áp lên các sản phẩm nhập khẩu đã lộ ra những vấn đề nội tại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đe dọa nghiêm trọng các giá trị nền tảng của WTO và là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi tổ chức này cần sớm cải tổ để phù hợp với tình hình mới.

Từ khi được thành lập vào năm 1995 đến nay, WTO được cho là thành trì bảo vệ tự do và công bằng trong thương mại giữa các quốc gia. Vai trò của WTO là không thể phủ nhận, với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp. Nhưng nay, các quy định của WTO dường như trở nên lỗi thời và vai trò của WTO trong việc duy trì ổn định thương mại quốc tế trước bối cảnh các nước lớn tìm mọi cách bảo vệ lợi ích quốc gia đang là dấu hỏi lớn.

Việc Mỹ khơi mào và dẫn dắt cuộc chiến thương mại toàn cầu hiện nay được xem là động thái qua mặt WTO và khiến các quy định về tự do thương mại của tổ chức này trở nên kém hiệu quả. 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra thuế nhập khấu đối với nhôm và thép với lý do an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa khi quá phụ thuộc vào kim loại nhập khẩu. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là lời biện hộ của nuớc Mỹ. Những bước đi gây hấn của chính quyền Mỹ đã biến WTO trở thành nhân vật bất đắc dĩ phải đứng ngoài cuộc chơi và các quốc gia có thể xé bỏ cam kết với WTO bất cứ lúc nào nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Những biến động gần đây của bức tranh thương mại toàn cầu cho thấy các quy định của WTO đã trở nên lỗi thời trước sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, thế giới kỳ vọng vào những cơ hội tiếp cận thị trường đông dân nhất cũng như sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế của Trung Quốc. Nhưng nay, các quan chức và nhà ngoại giao nước ngoài chua chát thừa nhận thất bại trong nỗ lực đưa Trung Quốc hội nhập với nền kinh tế thế giới cũng như thúc đẩy nước này tôn trọng các giá trị thị trường tự do.

Trụ sở WTO.

Các nước phương Tây cho rằng, Bắc Kinh đã làm biến dạng thương mại toàn cầu ở một quy mô lớn hơn cả các biện pháp như bán phá giá hay trợ cấp. Và trên thực tế, Trung Quốc chưa thực sự tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc WTO về thị trường tự do và nước này ngày càng xa rời các nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây. Hơn nữa, câu chuyện thần kỳ về tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc với những nguyên tắc phi thị trường càng xói mòn các chuẩn mực của WTO. Trung Quốc đang muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng, một nền kinh tế không tự do vẫn mang lại thành công.

Trung Quốc giờ đây cũng không muốn chỉ là “công xưởng” của thế giới, không muốn tiếp tục để các ngành công nghiệp nặng nhuộm đen bầu trời và các dòng sông của họ và chỉ dựa vào lực lượng nhân công giá rẻ. Trên con đường thực hiện tham vọng phát triển các ngành công nghiệp chất lượng cao làm mũi nhọn, Bắc Kinh được cho là đã sử dụng các chính sách khuyến khích, hướng dẫn và ủng hộ doanh nghiệp trong nước, đồng thời ngăn cản, gây bất lợi hoặc tổn hại cho các công ty nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc còn yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ để đổi lại quyền tiếp cận thị trường nước này.

Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc và các chi nhánh chân rết rộng khắp của họ đã bóp méo các thị trường, gây ra sự dư thừa hàng hóa trên phạm vi toàn cầu. Thép là một ví dụ điển hình. Theo báo cáo từ WTO, Trung Quốc không chỉ trợ cấp nhôm, thép mà còn trợ cấp và có thể dẫn tới nguy cơ dư cung đối với khoảng 10 mặt hàng khác.

Với quy mô nền kinh tế lớn dần, các tranh chấp thương mại gắn liền với Trung Quốc cũng sẽ nhiều hơn. Theo giáo sư Mark Wu tại trường Luật thuộc Đại học Harvard, các luật lệ và cơ chế đã cũ của WTO được thiết lập mà không lường trước sự lớn mạnh cơ cấu phức tạp của nền kinh tế Trung Quốc ngày hôm nay. Sự phức tạp của nền kinh tế Trung Quốc thể hiện ở chỗ, một nền kinh tế định hướng thị trường nhưng không hoàn toàn tuân thủ thị trường.

Nhiều mâu thuẫn cùng tồn tại. Dù động lực tăng trưởng đến từ các doanh nghiệp tư nhân, song vai trò chi phối của nhà nước vẫn rất lớn. Các mối quan hệ đan xen tồn tại trong giới doanh nghiệp, không giống bất kỳ nền kinh tế nào khác trên thế giới.

Trong bối cảnh vai trò, vị thế của WTO trong quan hệ thương mại ngày càng mờ nhạt, niềm tin của các nước thành viên vào tổ chức này đã suy giảm đi nhiều, một số nước đã lên tiếng cảnh báo sẽ rút khỏi WTO nếu WTO không có giải pháp cải tổ. Tổng thống Donald Trump mới đây một lần nữa lên tiếng rằng Mỹ bị đối xử không công bằng về thương mại trên trường quốc tế và chỉ trích WTO vì để điều đó xảy ra.

Còn nhớ, vào đầu năm nay, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kinh tế Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Sergei Kalashnikov tuyên bố nước này có thể rút khỏi WTO trong trường hợp WTO chấp thuận đơn kiện của EU buộc Nga nộp phạt 1,39 tỷ Euro/năm vì hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ liên minh này. Ông Kalashnikov nhấn mạnh chính việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga đã hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc của WTO.

Nhu cầu và yêu cầu cải tổ WTO giờ đây đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi tổ chức này phải có những điều chỉnh, thay đối cả về các quy định, luật lệ cũng như cơ chế vận hành để phù họp với tình hình mới. Tại WTO, các ý tưởng về việc cải tổ cũng đang trong giai đoạn manh nha.

Mới đây, một nhóm tư vấn độc lập đã lần đầu tiên nói về việc cần phải loại bỏ cơ chế đồng thuận của WTO - một cơ chế vốn giúp các nước nhỏ có được lá phiếu tương đương với các cường quốc kinh tế. Cũng có ý kiến giải quyết thế bế tắc hiện tại của Cơ quan phúc thẩm (AP) như kéo dài thời hạn phục vụ của các thẩm phán... Nhưng rõ ràng là để đạt được một thỏa thuận toàn cầu đáp ứng yêu cầu của 164 quốc gia thành viên WTO là điều cực kỳ gian nan.

Nhiều người đã hình dung rồi đây có thể WTO sẽ hướng tới việc xây dựng các quy tắc thương mại được áp dụng cho từng nhóm nước khác nhau theo hướng có nhiều quy định cho nhiều bên thay vì đa phương như hiện nay. Và đó có thể là những giải pháp để giúp WTO thoát khỏi tình cảnh bế tắc này?

Kông Anh
.
.