Waltz – Vũ khúc tiêu biểu của thành Vienna

Thứ Tư, 06/04/2016, 08:00
Kéo dài từ đầu tháng 1 tới cuối tháng 3 Dương lịch hằng năm - hàng chục kỳ vũ hội với các tên gọi khác nhau như “Rococo”, “Fortuna”, “Vũ hội lễ Lớn”, “Vũ hội chung”, “Vũ hội với cà phê” và rất nhiều tên gọi hấp dẫn khác trở thành đặc sản tiêu biểu của thành Vienna.

Lịch sử của các vũ hội thành Vienna được tô điểm chính nhờ điệu “Waltz kiểu Vienna”, đã đánh bạt mọi lối nhảy múa cố hữu trước đó nhằm thể hiện niềm mong ước của mọi người về một thế giới tốt đẹp hơn. Trong cuốn Bách khoa toàn thư lưu hành từ cuối thế kỷ XIX, từ “vũ hội thành Vienna” được mô tả như là “chốn tụ tập để mọi người trong xã hội nhảy múa, với tính chất kiều diễm thướt tha, cùng sự tuân thủ các quy tắc nhất định và thời gian thường kéo dài rất lâu”.

Điệu waltz thướt tha xen lẫn cổ điển và hiện đại.

Từ nhiều thế kỷ trước, Vương quốc Áo được xem là vùng “địa linh” của các lễ hội diễn ra trên nền nhạc, tiền thân của các vũ hội sau này. Trong các tu viện, người ta đánh nhạc vì lòng kính Chúa, tại các lâu đài và cung điện là những giai điệu thời Trung cổ, còn mọi người mừng đón lễ hội bằng âm nhạc và nhảy múa vào bất cứ dịp nào: từ sự xuất hiện của bông hoa violet đầu tiên trong mùa xuân, đến những cuộc Thánh lễ và vũ hội hóa trang Carnival, rồi ngày lễ của các ngành nghề truyền thống và các Festival mùa hè... cho đến ngày lễ Thánh St. Catherine nhằm ngày 25-11 hằng năm. Khi mùa Đông đến, mọi cuộc nhảy nhót đều được tổ chức... trong nhà.

Bìa bản nhạc “The Blue Danube” phổ biến khắp Âu lục ngay từ cuối thế kỷ XIX.

Tương tự như ở Pháp, các vũ hội chốn cung đình Áo cũng xuất hiện hoàn toàn tự nhiên theo những nghi lễ hoàng tộc. Chúng là tiền thân của các vũ hội Carnival phổ biến sau này. Rồi thì những giai điệu ưa thích được mặc nhiên chấp nhận trong các dịp vũ hội. Kế tiếp là sự xuất hiện các nghệ sĩ biểu diễn nhạc chuyên nghiệp cũng như các nhóm “thợ nhảy” nhà nghề, màn trình diễn của họ điêu luyện đến nỗi họ được mời tới chơi nhạc và nhảy múa trong tất cả các kỳ lễ cung đình khác nhau.

Mùa Carnival vốn nổi danh ở kinh thành Vienna dưới cái tên “Facing” (Đối mặt), đã trở thành quãng thời gian chính thức hợp pháp cho những ai thích nhảy múa. Vào năm 1805, học giả lừng danh người Phổ Alexander von Humboldt (1769-1859) từng mô tả trong cuốn sách khảo cứu “Aufgenommen in Wien“ (Ghi chép ở Vienna) về “Facing”: “Mối lưu tâm hàng đầu là điệu nhảy - nhảy là trên hết và ai cũng phục tùng điều đó”. Nhưng trong những ngày “Facing”, có nhiều cảnh không “thật hoàn mỹ” giống như trên sàn diễn.

Những đám đông đeo mặt nạ hóa trang tỏa đi khắp phố phường, nhiều vụ tội ác giấu mặt đã xảy ra ngay trong thời gian đang có vũ hội. Chỉ riêng điều này đã đủ khiến Nữ hoàng Maria Theresa (1801-1855), nổi tiếng qua biệt hiệu “Người mẹ nghiêm khắc của nước Áo” khi ấy liền ra tay can thiệp. Bà quyết định cấm mọi sự tổ chức vũ hội trên đường phố và chỉ được phép tiến hành trong nhà. Vũ hội cung đình là những kỳ lễ khép kín và chỉ có khách mời mới được tham dự… Mãi sau này, lệnh này mới được bãi bỏ và lễ hội hóa trang mở rộng cửa cho tất cả mọi người.

Vũ hội chốn cung đình Áo vào đầu thế kỷ XX.

Dần dà các điệu nhảy đã thay thế các kiểu mặt nạ hóa trang, trở thành điều quyến rũ nhất tại các kỳ lễ hội trong thời Baroque. Nhưng các lối nhảy chốn cung đình với những quy định nghiêm ngặt không gây hứng thú mấy, người ta liền quay về với các điệu nhảy dân gian phóng khoáng hơn. Ngay cả các bậc “tai to mặt lớn” trong xã hội cũng ưa thích lối nhảy “mốt nhất”: waltz. Sở dĩ người ta gọi như  vậy vì đặc điểm quay liên tục của kiểu nhảy này.

Theo Đức ngữ là thứ tiếng xuất xứ của tên gọi về lối nhảy thịnh hành mới, thì “walzer” có nghĩa là “quay - đảo”. Các cửa tiệm được phép mở cửa khuya hơn khiến mọi người được cùng nhảy với nhau lâu hơn. Đây cũng là một nguyên nhân nữa làm bùng nổ “cơn sốt waltz” ở Áo. Cứ mỗi mùa “Facing” - kéo dài từ đầu tháng 1 tới cuối tháng 3 dương lịch hàng năm - bao gồm 30 kỳ vũ hội với các tên gọi khác nhau như “Rococo”, “Fortuna”, “Vũ hội lễ Lớn”, “Vũ hội chung”, “Vũ hội với cà phê” và rất nhiều tên gọi hấp dẫn khác nữa…

Trong năm 1807 ở Vienna khai trương “Salon Apollo”. Kỹ thuật gia gạo cội Zigmund Volfszone là người sáng chế ra sàn nhảy tuyệt vời này. Ông sử dụng tới 5.000 ngọn nến sáp lớn để thắp sáng, quy tụ tới 8.000 người cùng nhảy. Những dịp vũ hội tại đây được tổ chức thật vui nhộn, bất chấp bầu không khí chính trị căng thẳng bên ngoài.

Khoảnh khắc khai mạc “Vũ hội Opera” thường niên.

Trong thời gian này, các nước có chủ quyền còn lại sau các cuộc chiến tranh với Napoleon đã đổ về đây tham dự Hội nghị Vienna phân chia lại bản đồ Âu châu. Suốt trong giai đoạn có cuộc hội nghị lịch sử này (từ tháng 9-1814 đến đầu tháng 3-1815), ngày họp nào cũng được kết thúc bằng các màn vũ hội tưng bừng. Thậm chí các cuộc tụ tập nhảy nhót còn được tổ chức lén lút vào dịp Giáng sinh năm 1814, ngay giữa lúc Hoàng gia Áo đang cử hành lễ Quốc tang nữa.

Với các chính khách và các nhà ngoại giao, việc tổ chức vũ hội tại gia là biểu hiện của danh dự - mà người Vienna luôn kháo nhau. Trong thành phố này các salon, casino và vũ trường mọc lên như nấm. Nhưng thật là không đầy đủ khi mô tả những năm tháng sôi động này, mà không đề cập tới vị “Vua của nhạc waltz”.

Thực ra họ gồm 2 người là Joseph Lanner (1801-1843) và Johann Strauss II (1804-1849), sau đó nổi danh hơn như J. Strauss-con. Khi mới 14 tuổi, J. Strauss-con đã kết hợp cùng chơi với ban nhạc nhỏ của J. Lanner. Sau khi hiểu ra rằng tự mình có thể viết các vũ khúc cho waltz và chỉ huy dàn nhạc, ông trở thành tác giả độc lập.

J. Lanner thường phổ những vũ khúc waltz tế nhị và thanh lịch, còn J. Strauss - sôi động và rộn rã. Như vậy người thành Vienna có thể tha hồ chọn giữa 2 trường phaí tiêu biểu về waltz với những giai điệu mà họ ưa thích nhất. Thủ đô Áo đã thực sự bị chinh phục và mê hoặc bởi waltz. Nhưng J. Strauss I là người đầu tiên đã khiến điệu nhảy thượng lưu này nổi tiếng khắp thế giới, sau khi đã phổ cập những “nhịp 3 - 4” bất hủ của mình ở Anh và Pháp.

Ngày 15-10-1844 xuất hiện một Strauss mới, người trong thực tế đã trở thành “Hoàng đế waltz”. Johann Strauss II chính là tác giả của những vũ khúc nổi tiếng nhất viết cho waltz - kể từ nhạc phẩm “The Blue Danube” (Dòng Danube xanh), được ông thực hiện lần đầu vào năm 1866. “Giai điệu  nhạc waltz bất hủ này đã trở  thành bài Quốc ca thứ 2 của nước Áo!”, như nhận định của nhà phê bình âm nhạc cự phách người Đức Eduard Hanslick (1825-1904) ngay từ năm 1874.

Khi Strauss và dàn nhạc huyền thoại của ông xuất hiện trong chương trình của một vũ hội nào đó, với các nhà tổ chức thì điều này đồng nghĩa với các sàn nhảy đều chật cứng. Còn nếu như kiểu nhảy waltz mới vừa xuất hiện trong một vũ hội, đó là đề tài khiến người Vienna bàn tán mãi. Để được nghe nhạc của Strauss, bạn phải mua vé vào cửa, nhưng ngay cả khi các vũ hội đã trở thành những trò giải trí đắt tiền, đa số người Vienna vẫn không bỏ thói quen muốn được tham dự của mình.

Lễ hội lớn nhất được tổ chức trong thời nước Áo quân chủ là Vũ hội Cung đình. Nhưng vào nửa cuối thế kỷ XIX, Vũ hội thành Vienna do đích thân Thị trưởng thành phố đứng ra tổ chức cũng gây được tiếng vang lớn không kém gì Vũ hội Hoàng gia. Ngày nay những vũ hội đầy đủ nhất thường là “Vũ hội khuyến nhạc”, “Vũ hội Concord”, “Vũ hội của ngành y”, hay “Vũ hội của các luật sư”… Còn tại các khu phố và các câu lạc bộ người ta cũng tổ chức thường xuyên các vũ hội với quy mô nhỏ hơn. Nhưng “Vũ hội của các vũ hội” hiển nhiên là “Vũ hội Opera”. Đây là dịp vũ hội lớn nhất tại Áo và lôi cuốn rất nhiều vĩ nhân nổi tiếng từ khắp thế giới đến tham dự. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1877 như là “Opera Soiree”, trước hết dựa theo khuôn mẫu vũ hội “D’Opera” của người Paris.

Sự kiện trọng đại khi ấy được tổ chức trong tòa nhà của Nhà hát Opera Vienna, ngày nay nổi tiếng là Nhà hát Opera Quốc gia. Người ta đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để biến trụ sở này thành “Thánh đường của waltz”, với những sàn nhảy khổng lồ. Nhưng truyền thống của “Vũ hội Opera” huyền thoại bị gián đoạn trong 36 năm kể từ năm 1899, tới năm 1935 lại được phục hồi.

Từ đó đến nay, cứ vào mỗi dịp lễ mừng mùa xuân về, vào ngày 1-3 hàng năm, hằng trăm cặp nam thanh nữ tú lại quy tụ trong các cuộc tranh tài, để được quyền vinh dự tham gia lễ khai mạc “Vũ hội Opera”. Sự kiện này đồng nghĩa với việc bắt đầu mùa “Facing” và đi vào lịch sử của waltz như là “Vũ hội của các vũ hội”.

Thu Hường (tổng hợp)
.
.