XKLĐ sang Canada, Nhật Bản: Những cái khó được báo trước

Thứ Ba, 06/07/2010, 15:45
Đầu năm nay, thông tin về việc thị trường Canada sẽ được khai thông đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người có nhu cầu xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hấp dẫn hơn khi thông tin mà doanh nghiệp đưa ra là mức chi phí mà người lao động phải chi trả khi đi làm việc tại thị trường này có thể bằng hoặc thấp hơn so với chi phí sang Nhật Bản.

Canada: Tuyển công nhân nhưng đòi trình độ như... tiến sĩ

Theo thông tin từ các doanh nghiệp thì ngành nông nghiệp, thợ hàn, thợ làm bánh, thợ xây dựng, nhân viên bán quán càphê là những ngành người lao động dễ có cơ hội đi làm việc ở Canada nhất (mà những nghề này đối với lao động Việt Nam thì... quá đơn giản). Tuy nhiên, thực tế thì để có được tấm visa lao động tại Canada là không hề đơn giản.

Không phải tới bây giờ các doanh nghiệp mới quan tâm tới thị trường này. Năm 2004, một số doanh nghiệp XKLĐ đã thâm nhập và tìm kiếm hợp đồng ở Canada. Khi đó, Công ty Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco) đã ký một thỏa thuận hợp đồng với đối tác Canada về việc đưa 200 lái xe tải sang Canada làm việc với thời hạn 2 năm. Mức lương 35.000 đôla Canada /người/năm. Tuy nhiên, sau đó hợp đồng này đã phải ngừng.

Sau Suleco, Công ty Cổ phần Thương mại Châu Hưng cũng đã đầu tư rất mạnh để tiếp cận thị trường này với phương thức rất bài bản. Thậm chí, để đáp ứng yêu cầu của phía Canada là người lao động phải được một trường đào tạo của Canada chứng nhận trình độ, doanh nghiệp này đã chấp nhận chi hơn 100.000 USD để mua một chương trình đào tạo của Canada đưa về trường dạy nghề của mình để đào tạo lao động. Tuy nhiên, sau mấy năm thực hiện chương trình, hiệu quả vẫn không như mong đợi.

Một xưởng sửa chữa ô tô ở Canada.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Simco Sông Đà cũng được cấp phép khai thác thị trường này. Công ty này đã ký được hợp đồng với đối tác Canada để cung ứng thợ hàn, thợ cơ khí xây dựng cho một nhà máy lọc dầu từ trong cát với mức lương khoảng 3.000 đôla Canada.

Để người lao động đạt chuẩn về nghề, Simco cũng đã tính phương án liên kết với trường đào tạo nghề của Canada để đào tạo, cấp chứng chỉ cho người lao động. Nhưng, cho tới lúc này Simco vẫn chưa có lao động nào được cấp visa lao động vào Canada, và mới đây doanh nghiệp này đành phải thanh lý hợp đồng với những lao động đã được công ty tuyển chọn và đào tạo vì không thể lấy được visa.

Ông Chu Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Simco Sông Đà cho biết ngoài việc trả lại toàn bộ chi phí cho người lao động, Simco Sông Đà còn mất gần 300 triệu đồng chi phí chương trình này mà không được kết quả gì và "đành coi đó là rủi ro trong kinh doanh".

Từ sự trả giá của chính doanh nghiệp mình, ông Chu Minh Tuấn cho rằng điều kiện để được cấp phép lao động vào Canada quá khó vì "họ tuyển công nhân nhưng lại đòi trình độ như... tiến sĩ". Để được cấp phép lao động vào làm ngành xây dựng, phía Canada yêu cầu người lao động phải đạt được chuẩn tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc 6.0. "Những người đã có tiếng Anh tới trình độ này thì ở Việt Nam cũng tha hồ chọn việc chứ cần gì phải đi xuất khẩu lao động" - ông Tuấn than thở.

Nhưng, cách đây không lâu, một lao động với trình độ tiếng Anh IELST đạt 5.5 mà vẫn bị Cơ quan lãnh sự Canada từ chối cấp visa với lý do: "Bạn không chứng minh được là sau khi kết thúc hợp đồng lao động bạn sẽ về nước".

Vì vậy, những người có nhu cầu đi XKLĐ cần tỉnh táo cân nhắc  trước những lời mời chào đi Canada để tránh bị lừa đảo để rồi "tiền mất nợ mang" vì những lời hứa hão.

Nhật Bản: Luật mới sẽ làm khó thêm cho doanh nghiệp

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong tổng số gần 30.000 lao động đưa đi trong 5 tháng qua, Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường tiếp nhận nhiều nhất với 2.216 người. Sau khủng hoảng kinh tế, thị trường này đã hồi phục và nhu cầu về lao động bắt đầu gia tăng.

Hiện các doanh nghiệp đang trình Cục Thẩm định nhiều đơn hàng tuyển tu nghiệp sinh đi tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập khá tốt: hợp đồng 1 năm lương cơ bản 70.000 yên/tháng (khoảng 14 triệu đồng/tháng).

Với hợp đồng 3 năm, lương cơ bản năm thứ nhất từ 60.000 - 75.000 yên/tháng, năm thứ hai và ba lương khoảng 120.000 - 130.000 yên/tháng không kể tiền làm thêm giờ...Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là bắt đầu từ ngày mai, 1/7, Luật Xuất nhập cảnh mới của Nhật Bản có hiệu lực.

Theo quy định này, sau 1-2 tháng nhập cảnh vào Nhật Bản, tham gia khóa học bổ trợ tiếng Nhật, kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật nước sở tại, người lao động sẽ được chuyển sang chế độ lưu trú thực tập kỹ năng. Có nghĩa là họ được xác lập tư cách lao động, có tư cách quan hệ lao động, được đối xử như lao động bản địa.

Tiếp đó, sau khi trải qua thời gian thực tập kỹ năng, người lao động sẽ được ký kết hợp đồng lao động, được làm thêm giờ và trả lương cùng các chế độ bảo hiểm đầy đủ. Mức thu nhập của lao động nhờ thế cũng sẽ được tăng lên khoảng 30% sau khi ký hợp đồng lao động.

Một quy định cực kỳ quan trọng đối với người lao động là luật này nghiêm cấm doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam thu tiền đặt cọc của người lao động. Nếu tổ chức tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật phát hiện doanh nghiệp trong nước có thu khoản tiền này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị từ chối cung ứng lao động sang Nhật.

Với quy định này thì từ nay, những người đi XKLĐ Nhật Bản sẽ "nhẹ gánh" rất nhiều khi ngoài các chi phí (khoảng 100 triệu đồng) sẽ không phải lo thêm khoản đặt cọc khá lớn là đặt cọc chống trốn, thông thường là  10.000USD nữa. Trong khi người lao động khấp khởi mừng thì các doanh nghiệp lại rất lo lắng trước quy định này.

Sở dĩ phải thu tiền đặt cọc cao như vậy là nhằm mục đích hạn chế người lao động bỏ trốn (đã có thời điểm tỷ lệ tu nghiệp sinh bỏ trốn rất cao lên tới 30% khiến không ít doanh nghiệp "chết dở" vì phải đền bù cho đối tác). Vì vậy thu tiền đặt cọc để ràng buộc người lao động nghiêm túc thực hiện hợp đồng và không bỏ trốn, vì nếu lao động bỏ trốn, doanh nghiệp sẽ lấy khoản tiền này để đền bù cho đối tác.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại hàng không (Airseco) Nguyễn Xuân Vui, một trong những người đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc cho thị trường này, khẳng định nhờ việc thu tiền đặt cọc mà thời gian gần đây tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm xuống còn khoảng 2%.

Vì thế, với quy định này, doanh nghiệp sẽ lại gặp khó khăn trong việc "quản quân". Nhưng, làm thế nào để không phải thu tiền đặt cọc mà người lao động không bỏ trốn hiện vẫn đang là "bài toán khó" chưa lời giải với cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý

Nguyễn Thiêm
.
.