XKLĐ sang Hàn Quốc, Nhật Bản: Không “ngon ăn” nếu không làm bài bản

Thứ Tư, 12/05/2010, 09:55
Là thị trường có thu nhập cao nên từ nhiều năm nay, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn là thị trường thu hút sự quan tâm đặc biệt của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Năm nay, mặc dù đã có chính sách thay đổi trong việc thi tuyển, tiếp nhận lao động nước ngoài, tuy nhiên để được một suất vào thị trường này vẫn không đơn giản...

Hàn Quốc: Hơn vạn người xếp hàng, chỉ vài nghìn người được đi

Là năm đầu tiên áp dụng cơ chế mở cửa đối với tất cả những người có nhu cầu đi XKLĐ Hàn Quốc được tự do đăng ký tham gia kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn (do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc thuộc Bộ Lao động Hàn Quốc tổ chức), nhưng cuối cùng thay vì con số dự báo có thể lên tới 60.000 người như ban đầu, thực tế ngày 25/4, 30.571 người đã thi tại 5 địa phương: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.

Nếu như trước kia người lao động chỉ cần đạt 80/200 điểm sẽ được gửi hồ sơ sang dự tuyển tại Hàn Quốc để người sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển chọn thì năm nay, với cơ chế mở cửa cho đối tượng tham gia kiểm tra, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc sẽ chỉ chọn hồ sơ có điểm từ cao xuống thấp để đưa sang dự tuyển tại Hàn Quốc.

Sau cuộc kiểm tra này, 12.500 người có điểm cao nhất sẽ được làm hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc theo chương trình cấp phép mới EPS.  Năm nay, chỉ tiêu mà phía Hàn Quốc phân bổ cho Việt Nam tập trung ở 4 nhóm ngành nghề là: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và thủy sản với  mức lương khoảng 900USD/tháng.

Nhưng, không có nghĩa tất cả người đã đạt yêu cầu trong kỳ thi tiếng Hàn đều có thể xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc, bởi còn phụ thuộc vào việc chủ tiếp nhận. Không những thế, hiện vẫn còn khoảng 4.000 hồ sơ lao động đã trúng tuyển từ kỳ thi tháng 5/2008 vẫn chưa được chủ Hàn Quốc chấp nhận.

Trong khi chứng chỉ thi tiếng Hàn chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm và nếu như tới tháng 5/2010, số lao động này không được nhận thì hơn 4.000 lao động này sẽ phải quay lại thi tiếng Hàn từ đầu. Vì vậy, dù có được tiếp nhận tối đa thì cũng còn hàng ngàn người sẽ tiếp tục phải chờ đợi.

Lao động Việt Nam tại sân bay Hàn Quốc.

Để tránh lãng phí tiền bạc, công sức của những người có nhu cầu đi XKLĐ Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động nước ngoài (QLLĐNN) đã đưa ra phương án là sẽ đàm phán với phía Hàn Quốc để năm 2011 sẽ không tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Hàn mà tiếp tục lấy những ứng viên đạt điểm từ cao xuống thấp còn lại của năm 2010.

Vì thế, đã đến lúc người lao động cần phải hiểu đúng về thị trường này để có định hướng đúng, thay vì mất công đi học tiếng Hàn, bỏ tiền đi thi rồi chờ đợi từ năm này qua năm khác mà vẫn không được tuyển thì chủ động lựa chọn thị trường khác phù hợp, bởi đi XKLĐ không chỉ có mỗi Hàn Quốc.

Nhật Bản: Chính sách có lợi cho người lao động nhưng khó cho doanh nghiệp

Theo thống kê của Cục QLLĐNN, 3 tháng đầu năm 2010, cả nước đã đưa 16.851 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản tiếp nhận 1.046 lao động, đứng thứ 6 trong số các thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất. Vì vậy, năm 2010, Nhật Bản vẫn được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đánh giá là 1 trong 5 thị trường XKLĐ lớn nhất.

Tháng 2/2010, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đã ký lại bản thỏa thuận về chương trình hợp tác đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Từ năm 2010 đến 2011, Việt Nam sẽ đưa 1.000 lao động sang Nhật Bản. Trung tâm LĐNN được giao triển khai chương trình.

Các ứng viên khi tham gia dự tuyển cần có sức khỏe tốt, có kiến thức cơ bản về toán học thuộc chương trình THPT,  viết được bảng chữ cái tiếng Nhật và một số câu giao tiếp thông thường.

Sau khi trúng tuyển, người lao động được tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và rèn luyện thể lực trong thời gian  4 tháng tại cơ sở đào tạo của trung tâm trước khi sang tu nghiệp tại Nhật Bản.

Tu nghiệp sinh đi theo chương trình này hầu như không phải đóng các chi phí trước khi xuất cảnh, ngoại trừ các khoản chi phí khám sức khỏe, lệ phí làm hộ chiếu và visa, chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo trước phái cử.

Thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản được hưởng trợ cấp tu nghiệp trong năm đầu với mức 80.000 yên/tháng (tương đương 800USD/tháng), từ năm thứ hai được trả lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận (cao hơn trợ cấp tu nghiệp). Sau khi hoàn thành chương trình tu nghiệp, mỗi tu nghiệp sinh được hỗ trợ 600.000 yên để tái hòa nhập và phát triển sự nghiệp.

Ngoài chương trình này, hiện các doanh nghiệp XKLĐ đang đưa lao động sang Nhật Bản theo chương trình hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng.

Tháng 3/2010, Cục QLLĐNN và Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) đã ký lại Bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang Nhật Bản để phù hợp với những nội dung sửa đổi của pháp luật Nhật Bản, đối với chế độ thực tập sinh kỹ năng nước ngoài ở Nhật Bản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.

Giám đốc một doanh nghiệp XKLĐ thuộc hàng "top ten" cho biết, ông vừa mất đúng nửa tháng trực tiếp sang tiếp xúc với các chủ sử dụng ở 5 tỉnh của Nhật. Hiện nhu cầu của các xí nghiệp ở Nhật khá đa dạng. Tuy nhiên, số lượng sẽ không được nhiều và tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe nên "sẽ không dễ ăn nếu không làm bài bản".

Theo chương trình thực tập kỹ năng sửa đổi, tổng số ngành nghề và loại hình công việc mà thực tập sinh kỹ năng được thực hiện tăng từ 63 lên 64 ngành nghề và từ 116 lên 120 loại hình công việc.

Tham gia chương trình này, phía Nhật xác lập tư cách lưu trú mới là "thực tập kỹ năng" cho lao động nước ngoài đến Nhật Bản tham gia Chương trình thực tập kỹ thuật với thời gian không quá 3 năm và được gọi là thực tập sinh.

Chương trình thực tập kỹ năng được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thực tập kỹ năng I có thời gian là 1 năm. Hết 1 năm, thực tập sinh phải tham gia kỳ kiểm tra để đánh giá về tay nghề, trình độ... để chuyển sang giai đoạn thực tập kỹ năng II.

Sau khi nhập cảnh, lao động nước ngoài phải tham gia khóa học về phong tục tập quán, luật pháp, tác phong làm việc của Nhật Bản, bồi dưỡng và nâng cao trình độ tiếng Nhật... Kết thúc khóa học, thực tập sinh được ký hợp đồng lao động với xí nghiệp tiếp nhận và được đối xử như người lao động Nhật Bản. Phía Nhật bổ sung biện pháp xử lý là trục xuất đối với các trường hợp thực tập sinh vi phạm quy định của chương trình như: làm giả hồ sơ, giấy chứng nhận...

Đặc biệt, phía Nhật yêu cầu nâng cao vai trò và việc quản lý, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo của tổ chức tiếp nhận đầu mối đối với xí nghiệp tiếp nhận trực thuộc; minh bạch các khoản thu và việc sử dụng nguồn thu của các tổ chức tiếp nhận đầu mối; tăng cường quản lý, giám sát và xử lý đối với tổ chức tiếp nhận có hành vi vi phạm quy định; kiểm soát và khống chế việc thu tiền bảo lãnh từ tu nghiệp sinh nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp phái cử và đối sách xử lý đối với việc thu tiền bảo lãnh với mức quá cao bằng cách dừng, không cho tiếp nhận tu nghiệp sinh từ những doanh nghiệp phái cử đó, kiểm tra, xác nhận nội dung hợp đồng phái cử ký giữa thực tập sinh với tổ chức phái cử...

Với những quy định như vậy thì người lao động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều về tài chính, vì ngoài chi phí sẽ không phải gánh khoản đặt cọc cho các doanh nghiệp XKLĐ.

Tuy nhiên, mọi rủi ro lại thuộc về phía doanh nghiệp, bởi nói như một giám đốc doanh nghiệp XKLĐ: "Trước kia đặt cọc cả chục ngàn đôla mà vẫn có lao động bỏ trốn ra ngoài. Bây giờ không còn khoản này, nếu lao động bỏ trốn thì biết lấy gì mà đền cho đối tác". Xem ra, để thực hiện được quy định mới này sẽ không hề đơn giản mà điều quan trọng đầu tiên thuộc về ý thức người lao động

Tân Lương
.
.