Xã hội hóa nghệ thuật: Có cung nhưng thiếu cầu

Thứ Hai, 15/07/2019, 19:55
Theo lộ trình, đến năm 2020, hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, cho đến nay, yêu cầu này khó đạt được khi hầu như việc xã hội hóa vẫn đang hết sức khó khăn.

Phải chăng cần có những cơ chế phù hợp hơn để việc chuyển đổi các đơn vị nghệ thuật công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước.

Những bất cập trong cuộc “ép duyên”

Cả nước hiện nay có khoảng hơn 110 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), còn lại là các tổ chức nghệ thuật thuộc các sở VHTT&DL; sở văn hóa, thể thao. Trong đó, phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã bộc lộ rất nhiều bất cập từ các đơn vị nghệ thuật Trung ương tới địa phương.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Chủ trương mỗi địa phương chỉ giữ lại một đơn vị nghệ thuật của nhà nước bắt đầu từ năm 2017 khiến cho các địa phương lúng túng trong việc định hướng nghệ thuật. 

Hầu hết các địa phương chỉ làm động thái “cơ học”, làm giảm số lượng đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như: Thanh Hóa sáp nhập 5 đoàn ca múa và kịch, tuồng, chèo, cải lương vào thành 2 đơn vị là Nhà hát Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống; Lạng Sơn sáp nhập Đoàn ca múa kịch vào Trung tâm Văn hóa thành Trung tâm Văn hóa nghệ thuật; Nam Định sáp nhập các đơn vị nghệ thuật đưa về Trung tâm Văn hóa; Hà Tĩnh sáp nhập Đoàn cải lương Bông Sen Trắng với Đoàn kịch dân ca Nghệ Tĩnh... nhiều tỉnh, thành phố khác cũng cơ bản thực hiện theo lộ trình tương tự. Nhiều nghệ sỹ cho rằng đó là cuộc “ép duyên” khi cho tất cả các loại hình sân khấu truyền thống, ca nhạc, điện ảnh... vào chung một “rọ”.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Với những đơn vị như Nhà hát Lớn, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam... có thuận lợi hơn về địa điểm cũng như sức hấp dẫn của loại hình. Cơ chế và mô hình hoạt động của các đơn vị này không đòi hỏi bộ máy con người cồng kềnh như xiếc hay các loại hình như tuồng, chèo, cải lương. 

Các nhà hát có thể chỉ cần giữ lại bộ khung, có thể sa thải những người làm không được việc, ngay cả diễn viên biểu diễn có thể mượn, thuê người của các đơn vị khác như trường múa, nhạc viện... làm theo thời vụ, theo chương trình. Nhưng với xiếc, tuồng, chèo... thì không thể thực hiện theo cơ chế này khi mà ngay từ đầu vào đào tạo đã luôn gặp khó khăn và dàn kịch mục thì phải duy trì biểu diễn thường xuyên, khó có thể thuê người làm thời vụ được”.

Theo ông Tạ Duy Ánh, nghề xiếc là nghề đặc thù và vô cùng khắc nghiệt. Những nghệ sĩ trong biên chế đều có là những người đã cống hiến, đã lao động nghệ thuật nhưng tuổi nghề ngắn, không thể tính chuyện giảm biên chế, sa thải một cách cơ học như các lĩnh vực ngành nghề khác. Mà giữ lại, nếu không có ngân sách thì không thể trả lương cho họ được.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, theo đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công của Bộ VHTT&DL từ 2014-2018, Nhà hát tuyển được 36 diễn viên, nhạc công trẻ. 

“Chúng tôi đã rất cố gắng để các em có việc làm, tiền bồi dưỡng biểu diễn, có nhà công vụ để ở miễn phí. 6 tháng đầu năm 2019, Nhà hát đã diễn tới 140 buổi, diễn có tiền. Tuy nhiên, dẫu thế nào thì thu nhập của diễn viên tuồng là quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì vậy, ngay ở quá trình tập sự thì có tới 9 em bỏ nghề đi làm kinh doanh hoặc đi hát tự do. Con số này còn có thể tiếp tục” - ông Tuấn cho biết.

Ông cho biết thêm: “Theo quy định của Nhà nước thì các đơn vị không được hợp đồng chuyên môn, hợp đồng lao động, không được ký hợp đồng thì lấy đâu căn cứ để trả tiền cho lớp diễn viên trẻ hợp đồng này. Nhà hát đang chấp nhận làm sai để giữ người. Việc áp dụng cơ chế, chính sách giống như các đối tượng ngành nghề khác trong xã hội đang là những bất cập lớn đối với các đơn vị nghệ thuật chúng tôi”.

NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, Ban Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đang phải đối diện với bài toán là hiện nay Nhà hát vẫn đang được Nhà nước cấp 90% kinh phí mà hoạt động biểu diễn vẫn rất khó khăn, nếu cắt giảm hết theo đúng lộ trình xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật vào năm 2020 cầm chắc là cải lương cũng như các đơn vị tuồng, chèo... phải “đầu hàng”.

Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.

NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Có ý kiến là vì những tác phẩm của chúng tôi chưa tốt nên khán giả không tới nhưng thực tế có nhiều tác phẩm hay, có chất lượng được đồng nghiệp, truyền thông thừa nhận cũng không có khán giả”. 

Ông nói thêm: “Sân khấu TP Hồ Chí Minh từng có một thời được coi là điểm sáng về xã hội hóa thì hiện nay các mô hình sân khấu xã hội hóa đều đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ bị giải thể. Sân khấu TP Hồ Chí Minh có thị trường biểu diễn, có khán giả mà còn như vậy huống hồ sân khấu phía Bắc, người xem hầu như không có, không bán được vé biểu diễn để có doanh thu. “Cầu” đã không có thì làm sao có thể xã hội hóa được?”.

Vẫn có những điểm sáng cần được nhân rộng

Tự chủ tài chính được xem là bước đi đúng đắn để nâng cao tính chủ động, khuyến khích sự bứt phá, đổi mới của từng đơn vị nghệ thuật. Khi được trao quyền tự chủ, việc quản lý, phân phối, chi tiêu tài chính của từng đơn vị sẽ gắn liền chất lượng, hiệu quả công việc. 

Đây sẽ là động lực để đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật của đơn vị, tạo cơ hội mang đến doanh thu lớn hơn, cải thiện thu nhập của nghệ sĩ. Đặc biệt, việc tự chủ cũng xóa bỏ lực cản của tư duy bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, từ đó giải phóng sức sáng tạo, từng bước giúp các đơn vị dần thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nghệ thuật truyền thống, vẫn có những đơn vị nghệ thuật ở Trung ương và các thành phố lớn dần khẳng định được năng lực độc lập của mình, trở thành điểm sáng về tự chủ tài chính. 

Đơn cử như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long... Nhờ thế mạnh nghệ thuật rối nước độc đáo cùng ý thức liên tục nâng cao chất lượng nội dung, dịch vụ, hàng chục năm qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long là nhà hát duy nhất luôn đỏ đèn 365 ngày/năm. Mỗi ngày duy trì 6-8 suất diễn.

Việc Nhà nước đặt hàng sáng tác và dàn dựng đã được thực hiện trong vài năm trở lại đây được xem là “thay thế” hình thức bao cấp trước đây. Tuy nhiên, việc đặt hàng trực tiếp từ những tác phẩm lại tạo cú hích tốt cho nhiều nhà hát. 

Các nhà hát như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam... đã cho ra mắt công chúng các vở diễn xã hội hóa theo hình thức hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước... Không ít vở diễn được dàn dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhưng vẫn gây tiếng vang về giá trị nội dung, nghệ thuật. Đây là những tín hiệu đáng mừng khẳng định hiệu quả bước đầu trên hành trình tự chủ của các đơn vị nghệ thuật.

Hiện Nhà hát Chèo Hà Nội với chương trình “Long thành diễn xướng” hướng đến phục vụ du khách quốc tế, “Hà Nội đêm Thứ bảy” dành cho người yêu chèo đang duy trì hoạt động, đã có thể tự chủ được khoảng 40%. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tự chủ được từ 30% đến 50%.

Cần cơ chế đặc thù để tránh “thị trường hóa”

Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là một chủ trương lớn được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ thời kỳ đổi mới. Việc thực hiện xã hội hóa cũng là xu hướng tất yếu khi ngân sách không thể mãi “bao bọc” các hoạt động này. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào để nhân lên cái “được”, hạn chế cái “mất” là điều cần bàn.

Không chỉ với sân khấu, âm nhạc, điện ảnh là lĩnh vực xã hội hóa rất mạnh mẽ. Nhưng, nhìn từ những thành quả của việc xã hội hóa điện ảnh, chúng ta không khỏi lo lắng khi thiếu vắng những bộ phim do Nhà nước cấp kinh phí đồng nghĩa với việc thiếu những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nở rộ những tác phẩm chạy theo thị hiếu, hài nhảm...

Theo TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, thực tế các nhà sản xuất tư nhân khi đầu tư hoặc huy động vốn làm phim thường nhằm mục đích thu lãi nên hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Nhiều bộ phim xa rời cuộc sống, lấy con người và đời sống Việt Nam là cái cớ để chở những câu chuyện giật gân hoặc tình ái ướt át. Rất nhiều phim vi phạm những điều cấm trong Luật Điện ảnh, phải chỉnh sửa mới có thể phát hành. Trường hợp cá biệt, có phim bị cấm phát hành.

Chung suy nghĩ này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ: “Quy luật giá trị đã phát huy tính năng động trong hoạt động biểu diễn thì lợi nhuận tối đa và tính chất thương mại hóa nghệ thuật đã trở thành mục tiêu kiếm sống, làm giàu cho một số nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật. Họ tổ chức những chương trình nghệ thuật chạy theo mục đích thương mại tầm thường nhằm phục vụ số khán giả nhiều tiền nhưng kém thẩm mỹ. 

Kết quả là sinh ra những tác phẩm chiều lòng khán giả, như ca nhạc “thập cẩm” rẻ tiền, tấu hài, tục tĩu, sướt mướt - sến... Điều nghịch lý là những loại chương trình này lại được một bộ phận công chúng đón nhận và sẵn sàng bỏ tiền để mua vé giá cao. Hiện tượng này khiến môi trường văn hóa bị rối loạn và thước đo về giá trị nghệ thuật bị “lệch chuẩn”."

Nghệ thuật là loại hình văn hóa đặc biệt, vì vậy lộ trình tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống cần được tiến hành hết sức thận trọng. 

Một cảnh trong vở kịch “Quan thanh tra” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: H.T..

Để xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật thành công, theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cần có nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên dành cho các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân đầu tư, phát triển nghệ thuật truyền thống như miễn giảm thuế, tạo điều kiện xây dựng điểm diễn, đầu tư trang thiết bị sân khấu hiện đại. Bên cạnh đó, nên có quy hoạch chi tiết cho ngành nghệ thuật biểu diễn và từng môn nghệ thuật truyền thống.

Đồng quan điểm, NSƯT Triệu Trung Kiên thì cho rằng, nhìn từ sự tan rã và khủng hoảng của một số đơn vị sân khấu xã hội hóa được coi là điểm sáng về xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh cho thấy Nhà nước cần có sự hỗ trợ không chỉ với các đơn vị nghệ thuật công lập mà cả với khu vực xã hội hóa. 

Đấu thầu đặt hàng tác phẩm chất lượng cao là một biện pháp hiệu quả thúc đẩy sân khấu phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhà nước đặt hàng, mua sản phẩm tốt qua việc kiểm định chất lượng. Việc kiểm định phải được giao cho những người thật sự có tâm, có tầm.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thì cho rằng, cần có các giải pháp như khuyến khích đầu tư có trọng điểm vào việc sáng tác và phổ biến tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cùng với đó là xây dựng các chế tài tăng cường vai trò, trách nhiệm trước pháp luật đối với các đoàn tư nhân trong công tác cấp phép, thực thi bản quyền tác giả, nghĩa vụ đóng thuế. Đây là một nguồn thu không nhỏ để tái sản xuất các sản phẩm nghệ thuật.

Để tiến tới việc tự chủ trên thực chất chứ không chỉ trên giấy tờ, rõ ràng, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng lộ trình, cơ chế đặc thù trên cơ sở các bất cập nảy sinh và dành thời gian hợp lý để các đơn vị có được sự chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất trước khi tự chủ hoàn toàn.

Thảo Nguyên
.
.