Xa xỉ đến khó tin trong giới siêu giàu ở Trung Quốc

Thứ Năm, 08/02/2018, 14:01
Họ lái những chiếc siêu xe, không nghĩ tới gì khác ngoài việc chi tiêu hàng trăm nghìn đô-la mỗi đêm ra sao và khoe khoang sự giàu có.

Năm 2006, Trung Quốc là quốc gia khách hàng lớn thứ 3 của hãng Rolls Royce, nhưng năm 2011, họ đã là số 1, với cả các thương hiệu của Rolls Royce lẫn Lamborghini. Nhu cầu từ Trung Quốc cho những chiếc Phantom giá 381.000 USD cao tới mức Rolls Royce phải thuê thêm 200 nhân viên và yêu cầu toàn bộ nhân viên hiện hữu của họ làm tăng ca.

Trong năm 2011, hãng cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm “Năm rồng” chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc, với giá khởi điểm 1,6 triệu USD.

Trong một ví dụ khác, Hội chợ Triệu phú ở Thượng Hải chất đống những chiếc điện thoại nạm kim cương, socola Pháp và những con chó cảnh giá 100.000 USD. Ở hội chợ đó lần thứ hai năm 2007, 11.000 người đã tới tham dự. Các thương hiệu châu Âu là đắt khách nhất.

Golf không còn là sang trọng, polo và ngựa đua là thú chơi mới của dân siêu giàu.

Tạp chí Vogue xuất bản ở Trung Quốc nhiều quảng cáo tới mức bạn gần như phải là một tay cử tạ mới mang nổi nó. Những phụ nữ giàu có từ Thượng Hải và Bắc Kinh giờ ngồi ở hàng đầu các sô diễn thời trang tại Paris, nơi các ngôi sao điện ảnh và giới quý tộc châu Âu từng ngồi. Vào năm 2011, ở những khu mua sắm chuyên biệt tại Bắc Kinh bắt đầu có các máy bán hàng tự động chỉ bán vàng.

Ngay cả trong giới mới giàu, Trung Quốc cũng áp đảo. Những tỉ phú và triệu phú nói tiếng Hoa đang thay thế dần giới nhà giàu Nga và Trung Đông để trở thành những người chi tiền mạnh tay nhất ở khu West End xa hoa của London. Theo số liệu do West End Company công bố, doanh số ở các khu mua sắm chính trên đường Bond, Oxford và Regent ở London cho thấy một người Hoa trung bình chi 1.300 USD, nhiều hơn 21% vào năm 2009 so với 2008, cao hơn so với người Mỹ, chỉ ít hơn một chút so với các tỉ phú Nga.

Jane Tyrell của New West End Company nói: “Thị trường Trung Quốc còn tương đối mới... Nhưng họ muốn hàng xa xỉ, trang sức thượng đẳng và đồ vest thương hiệu. Các giao dịch ngày càng đáng giá hơn với chúng tôi”.

Các triển lãm xe siêu sang ở Trung Quốc lúc nào cũng đông đúc.

Trung Quốc cũng là một trong những thị trường du thuyền và máy bay cá nhân nóng nhất hiện nay. Tới năm 2010, số du thuyền ở Trung Quốc là 1.000 chiếc, nhưng năm 2015, con số đó đã tăng gấp 10 lần! Tương tự là với những con ngựa đua, với nơi cung cấp chủ yếu là các trang trại ngựa lớn tại Nhật Bản. Chỉ một trang trại ở tỉnh Cát Lâm mới đây đã mua hơn 100 con ngựa từ Hokkaido, cũng là điểm đến ưa thích của giới nhà giàu Trung Quốc để chơi golf, nghỉ dưỡng, và trượt tuyết.

Khắp thế giới, các thương hiệu xa xỉ đều nỗ lực nắm bắt xu hướng này: đồng hồ Patek Philippe, xe hơi, Mercedes dòng E, máy bay phản lực cá nhân Gulfstream, đồ vest Armani, du thuyền Azimut và rượu brandy Louis XIII. “Họ cũng thích chi tiền cho kim cương, chẳng có gì ngạc nhiên, rượu vang, du lịch, và cho con cái học hành - Clifford Coonan, một phóng viên lâu năm chuyên theo dõi Trung Quốc ở Anh, nói - hơn 50% người giàu Trung Quốc cho con đi học ở Mỹ và Anh.

Canada xếp thứ 3, tiếp theo là Thụy Sĩ. Hơn 50% những người giàu nhất ở đại lục, với tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ (1,57 triệu USD) chi từ 1-3 triệu nhân dân tệ mỗi năm, và có nhiều hơn 3 chiếc xe hơi”.

Ni Xiao là một người điển hình như thế. Ông sở hữu một chuỗi cửa hàng và là gương mặt quen thuộc trên sàn chứng khoán. “Mỗi tháng tôi tiêu hết khoảng 100.000 nhân dân tệ (15.700 USD) vào ăn uống, giải trí và cho các cô bạn gái. Tôi đi Mỹ rất nhiều, có lẽ 1/3 thời gian của tôi là ở đó. Thu nhập hằng năm của tôi vào khoảng 4 triệu nhân dân tệ (629.100 USD), tôi có vài căn hộ ở Bắc Kinh và Thượng Hải”.

Đáng chú ý hơn, không khó gặp những chủ doanh nghiệp mới ngoài 20 tuổi ở Trung Quốc lái những chiếc BMW trị giá 100.000 USD trở lên. Tại bữa tiệc Babyface tổ chức trong một tòa nhà nằm ven sông Châu Giang ở thành phố Quảng Châu chẳng hạn, một món đồ uống rẻ nhất có giá 12 USD, và chỉ dành cho người dưới 30 tuổi.

Khi được hỏi tại sao một sân golf ở thành phố Ninh Ba được xây mới bên cạnh một sân khác trong điều kiện còn hoàn hảo mới khai trương 10 năm, chủ đầu tư đáp: “Người giàu ở Ninh Ba khá trẻ, không như ở Mỹ khi người giàu lớn tuổi hơn. Mọi thứ ở Trung Quốc thay đổi quá nhanh, nên phải xây nhanh, phải mới thì người trẻ mới thích”.

Một phụ nữ 20 tuổi, Guo Meimei, từng gây náo loạn Internet khi đăng trên blog cá nhân của mình bộ sưu tập túi Hermes nhập khẩu và chiếc xe thể thao Maserati, bên cạnh chiếc Lamborghini màu cam của bạn trai cô. Vụ việc sau đó đã bị đẩy đi quá xa và Guo bị chính quyền bắt giữ với các cáo buộc vận hành một đường dây cờ bạc bất hợp pháp.

“Dân tình thích phô ra sự giàu có - Yang Xu, chủ cửa hàng Vogue 2 chuyên bán túi xách hàng hiệu đã xài rồi, giải thích - sức tiêu thụ hàng hóa xa xỉ đang tăng ngoài sức tưởng tượng”. Một ví dụ ngược đời: thương hiệu Hermes giờ đã trở nên “phổ thông” hơn Louis Vuitton ở Trung Quốc vì một lý do đơn giản: chúng đắt tiền hơn.

Các chuyên gia nói hiện tượng phô ra sự giàu có là khá phức tạp, có gốc rễ từ bao năm vất vả nghèo đói của Trung Quốc. “Khoe khoang sự giàu có cho thấy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc chưa được lâu, và tâm lý tiêu dùng của xã hội Trung Quốc chưa trưởng thành - Hu Xingdou, giáo sư kinh tế học ở Viện Công nghệ Bắc Kinh, nói - ở Trung Quốc, tài sản là tiêu chí quan trọng để đo địa vị xã hội. Mọi người hy vọng cho thấy họ có địa vị xã hội cao bằng cách đeo những chiếc túi hàng hiệu”.

Rất nhiều người trong số đó là con cái của những tỉ phú, “thế hệ giàu có thứ hai”, hay phụ nữ có bạn trai giàu có. “Họ muốn mọi người ngước nhìn họ - giáo sư Hu nói về hiện tượng Guo Meimei - Họ muốn mọi người biết rằng họ có người chăm sóc và yêu thương. Lý do sâu xa hơn là điều đó giúp làm tăng tự tin cá nhân. Nếu bạn mặc đồ hiệu, hay có túi xách hàng hiệu, bạn sẽ được tôn trọng hơn. Một người phục vụ sẽ bảo đảm dịch vụ tuyệt vời cho bạn nếu bạn đi mua sắm hay ăn trưa với một chiếc túi Hermes. Nó giống như thẻ căn cước của bạn”.

Dân có tiền đích thực ở Trung Quốc là phải sở hữu du thuyền.

Trên mạng, rất nhiều người Trung Quốc đặt câu hỏi với hiện tượng phô diễn sự giàu có đó. Một giáo sư của ngôi trường danh tiếng Đại học Bắc Kinh từng bị chỉ trích dữ dội sau khi ông viết trên blog cá nhân rằng các sinh viên cũ chưa có ít nhất 6 triệu USD trước năm 40 tuổi thì tốt nhất là đừng tới thăm lại ông.

Trong một sự cố khác, một triệu phú ở tỉnh Sơn Tây đã nhận đủ “gạch đá” khi xuất hiện trên một đoạn video rất nhiều người xem chiếu cảnh ông ném tiền vào mặt một người bảo vệ khu lăng mộ thời Tần khi người này nói với ông rằng khu này hiện đóng cửa, không cho công chúng vào xem. Ông này bị gọi là trọc phú khi la hét rằng ông ta có đủ tiền để mua cả khu lăng mộ đó.

Zheng Huizhong chẳng hạn, khi anh lớn lên ở quê nhà vùng nông thôn tỉnh Hà Nam, niềm tự hào là có một chiếc máy cày 3 bánh. Ngày nay, anh sở hữu một cửa hàng ở khu mua sắm chính tại Bắc Kinh, Jinbao (Kim Bảo) và có một chiếc Bentley. “Trước kia tôi thích Aston Martin vì thường xem phim James Bond - Zheng nói - nhưng tôi nghĩ tôi thích Ferrari hơn, dù chúng đắt hơn”.

Đường Kim Bảo, một khu rợp bóng cây nằm giữa Tử Cấm Thành và quận kinh doanh trung tâm, có một bên là phòng trưng bày của Ferrari, Rolls-Royce, Maserati, Jaguar và BMW, còn bên kia là Lamborghini, Aston Martin và Mercedes. Doanh số xe hơi siêu sang ở Trung Quốc tăng 30% mỗi năm liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Bentley, hãng Anh, bán nhiều xe hơi ở Trung Quốc hơn ở Anh (chiếm 25% doanh số của họ). Mercedes-Benz đang chuyển dần việc thiết kế sang Bắc Kinh, lần đầu tiên họ làm như thế bên ngoài nước Đức. Thị trường Trung Quốc cũng đã vượt qua chính quê nhà Đức để trở thành thị trường lớn nhất của Audi. Điều trớ trêu là trong khi hầu hết những chiếc xe đó có tốc độ tối đa lên tới 300 km/giờ, tốc độ trung bình vào giờ cao điểm ở Bắc Kinh hiếm khi quá 20 km/giờ.

Quá nhiều tiền, giới nhà giàu ở Trung Quốc không ngần ngại ngay cả việc chi bạo tay để hưởng đặc quyền ở cả những nơi tưởng là bất khả xâm phạm như Tử Cấm Thành. Chính quyền đã đứng trước nhiều chỉ trích khi năm 2011, báo chí phanh phui việc điện Kiến Phúc trong khu Cấm Thành di sản văn hóa thế giới này đã bị biến thành một câu lạc bộ của giới nhà giàu. Báo chí nói ban quản lý khu di tích đã cho hai công ty thuê một phần điện này cho mục đích đó, mở một nhà hàng cực sang với giá tiền ăn trung bình mỗi bữa cho một người là 920 tệ (142 USD), cùng một khu bán đồ mỹ nghệ và đồ cổ.

Giới nhà giàu Trung Quốc cũng làm dịch vụ vệ sỹ riêng phát triển. Micheal Zhe của công ty chuyên cung cấp dịch vụ này, Beijing VSS Security Consulting, ước đoán ngành này hiện có trị giá 1,2 tỉ USD, với khoảng 3.000 công ty đang hoạt động, cạnh tranh quyết liệt.

Ni Shoubin, giáo sư Viện Ngoại thương Thượng Hải, nói: “Sự bùng nổ của dịch vụ an ninh cho thấy nỗi lo của người giàu cho sự an toàn của họ và gia đình họ. Dân chúng thì giận dữ vì cách một số người làm giàu, và tâm lý chung của xã hội vẫn là không thích người giàu. Người giàu ở đây rõ ràng cảm thấy điều đó”.

Và đôi khi thái độ đó không phải là hoàn toàn vô cớ. Trong khi những trò như mua ngựa đua, chơi polo (cưỡi ngựa và đánh bóng), golf, và cả chơi bồ câu nhập khẩu từ Bỉ (nhà tư bản công nghiệp Hun Zhen Yu từng bỏ ra 250.000 euro - tức hơn 320.000 USD cho một con bồ câu hiếm như thế)... là việc ai làm ra tiền thì người ấy tiêu, những vụ việc như uống sữa người ở Thâm Quyến lại là cực kỳ phản cảm.

Tháng 7-2013, báo South China Morning Post phát hiện trong một phóng sự điều tra rằng trong khi nhiều ngay cả sữa bột an toàn vẫn còn là điều xa xỉ với nhiều gia đình Trung Quốc, những người lớn tại Thâm Quyến lại có đủ tiền để mua sữa người uống. Theo tờ báo, một phụ nữ cung cấp dịch vụ này có thể có mức lương tới 16.000 nhân dân tệ mỗi tháng (hơn 2.500 USD).

Ngọc Minh
.
.