Xây đền thờ Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm: Có “ép duyên” không gian kiến trúc?

Thứ Tư, 25/03/2009, 15:45
Ngay sau khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đề xuất với UBND TP Hà Nội việc xây đền thờ Lý Thái Tổ tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đã có nhiều ý kiến trái chiều của các nhà lịch sử cũng như kiến trúc sư. Mới đây, tin chính thức “sẽ xây dựng đền thờ Lý Thái Tổ tại vườn hoa Lý Thái Tổ” được đăng tải càng khiến dư luận xôn xao.

Việc chọn địa điểm xây đền thờ tại vị trí đẹp nhất thủ đô, hẳn Sở VH-TT&DL Hà Nội có lý do, sau 3 năm các cơ quan chức năng lựa chọn, đề xuất. Còn ý kiến của các nhà chuyên môn cũng rất cần được quan tâm.

Vì thế, trước việc UBND TP Hà Nội giao cho Sở VH-TT&DL tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, kiến trúc, chúng tôi xin được đưa thông tin 2 chiều, nhằm đảm bảo tính khách quan.

XÂY ĐỀN THỜ: XUNG ĐỘT VỀ KIẾN TRÚC VÀ VĂN HOÁ

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan

Tôi cho rằng, không nên xây bất cứ ngôi đền mới nào để thờ các nhân vật lịch sử nữa. Bởi đền thờ là dạng kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thời Trung cổ. Thời hiện đại, xuất hiện lớp văn hóa thờ phụng danh nhân bằng tượng đài. Xã hội ta hiện mang ý thức hệ duy lý, càng không thích hợp với xây đền và lễ bái.

Trào lưu tiến hóa văn minh đã đẻ ra hình thức tôn kính danh nhân lịch sử là đến CLB nghe diễn thuyết, học tập, hoặc đến di tích gốc đặt hoa, mặc niệm. Vả lại, đang có sự nhầm lẫn: kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là tôn vinh quá trình 1.000 năm chứ không phải tôn vinh năm thứ 1.000 trước đây.

Mà trong 1.000 năm lịch sử Việt Nam, còn nhiều danh nhân văn hóa, quân sự lừng lẫy như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh v.v... nên nếu không, là chúng ta ứng xử chưa đúng với tiền nhân!

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, KTS Đoàn Đức Thành - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, PGS.TS Huỳnh Đăng Hy - Tổng Thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và TS Đặng Văn Bài - Cục trưởng Cục di sản Văn hoá, Bộ VHTT&DL.

Từ trong quá khứ, nguồn gốc vườn hoa mang tên Lý Thái Tổ không liên quan gì đến ông: Cuối thế kỷ XIX, vườn hoa này mang tên Paul Bert - Thống sứ Pháp, năm 1945, đổi thành Chí Linh - tên ngọn núi diễn ra sự kiện “Lê Lai cứu chúa”. Với ý nghĩa này, vườn hoa đặt trước Hồ Gươm, nơi Lê Lợi trả gươm là hoàn toàn hợp lý cùng với một loạt phố mang tên các tướng lĩnh của Lê Lợi: Nguyễn Xí, Lê Lai, Đinh Liệt, Đinh Lễ, Trần Nguyên Hãn, Lê Thạch v.v... tạo ra chủ đề phức hợp về Lý Thái Tổ ở khu vực này.

Gần đây, ở vườn hoa đã sừng sững tượng đài Lý Thái Tổ với chức năng phụng thờ, tôn vinh ông rồi, giờ lại ghép thêm đền thờ thuộc văn hóa tâm linh vào sẽ không hoàn chỉnh, vì thuộc 2 dạng văn hóa khác nhau.

Ngoài ra, nơi định xây tượng đài là Nhà kèn có từ hơn 100 năm, theo Luật Di sản đã thành di tích, giờ phá đi xây một thứ giả cổ là vi phạm luật.

KTS Đoàn Đức Thành - Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Hơn 100 năm qua, một loạt công trình phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, tạo không gian hài hòa: quảng trường, vườn hoa, tòa thị chính và hệ thống đường vòng cung đã ổn định, và vườn hoa thích hợp trong không gian động của phần lớn công trình là công sở.

Tượng Lý Thái Tổ cũng phù hợp, vì theo phong cách châu Âu và đã đủ tôn vinh danh nhân. Vì thế, dự định xây đền thờ ở vườn hoa này là không phù hợp vì đền thờ là không gian tĩnh lại ép vào không gian động. Đền thờ là kiến trúc truyền thống, không thể hòa nhập với quần thể kiến trúc châu Âu.

Nếu ngôi đền quay lưng lại quảng trường thì càng phá vỡ không gian. Nếu xây đền lớn quá thì lấn át hoặc không đủ diện tích, còn nhỏ quá lại không xứng với vị thế Lý Thái Tổ. Đặt đền thờ giữa không gian ồn ào của hệ thống đường xung quanh thì không có được ý nghĩa tâm linh khi thờ phụng, tế lễ.

Khi đã trở thành đền, không thể cấm mọi người mang xôi, thịt đến, hương khói ngày đêm, kèm theo các dịch vụ thờ cúng. Ở đây, đặt ra vấn đề về kiến thức văn hóa, lịch sử, kiến trúc của mỗi dự án trước khi đệ trình, nhất là với dự án quan trọng như đền thờ Lý Thái Tổ.

PGS.TS. Huỳnh Đăng Hy - Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Việc xây dựng đền thờ Lý Thái Tổ lẽ ra phải được bàn bạc công khai, dân chủ, lấy ý kiến của các nhà chuyên môn nghề nghiệp, nhưng đến nay, tất cả mới chỉ được biết thông tin qua báo chí. Đoàn chủ tịch của Hội đã trao đổi với nhau và ai cũng ngạc nhiên và không tán thành việc xây đền thờ ở nơi đó.

Vị trí đó về mặt tâm linh là không xứng tầm với Lý Thái Tổ, mà phải là một nơi hoành tráng. Về cảnh quan, vườn hoa quá nhỏ, không nên xây thêm đền. Hiện nay, chỉ còn duy nhất vườn hoa là không gian mở của Hồ Gươm, không nên đặt một công trình chắn vào, khiến không gian đã chật hẹp càng chật hẹp, đồng thời làm tủn mủn về quy hoạch, về công trình kiến trúc.

Xây ngôi đền vào đó là xung đột về kiến trúc và phá không gian mở ra cuối cùng của Hồ Gươm. Đó là chưa nói sinh hoạt của đền là tĩnh mịch, không thích hợp ở vị trí bao bọc là giao thông.

TS. ĐẶNG VĂN BÀI – CỤC TRƯỞNG CỤC DI SẢN VĂN HOÁ, BỘ VH-TT&DL: “KHÔNG AI CẤM KẾ HỢP HÀI HOÀ”

PV: Có nhiều ý kiến về địa điểm dựng đền thờ Lý Thái Tổ: Bách Thảo, Hồ Tây, Hoàng thành và vườn hoa Lý Thái Tổ. Ý kiến ông thì sao?

TS. Đặng Văn Bài: Bách Thảo đã có sẵn một miếu thờ, không thể đặt 2 miếu thờ trên một diện tích nhỏ. Còn dựng ở Hồ Tây, công trình sẽ phải hoành tráng, rất tốn kém và vào mỗi dịp tưởng niệm Lý Thái Tổ, người chủ trì sẽ phải dâng hương ở tượng đài và đền thờ cách xa nhau, thì không hợp lý.

Nếu xây dựng ở Hoàng thành sẽ ảnh hưởng tới quyết định đưa Khu di tích là di sản văn hóa thế giới và nhất là, việc tôn vinh các vị vua có gắn bó với Thăng Long sẽ ra sao? Dựng đền ở vườn hoa, đỡ tốn kém, tiện lợi khi tưởng niệm và đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng công chúng.

PV: Nhiều kiến trúc sư cho rằng, sẽ phá vỡ cảnh quan khi chen một ngôi đền hoàn toàn văn hóa phương Đông vào khu vực kiến trúc cổ phương Tây?

TS. Đặng Văn Bài: Vấn đề là kiến trúc sư sẽ đưa ra giải pháp nào để tạo được sự hài hòa. Chẳng hạn, dựng miếu thờ bằng đá quý với quy mô thích hợp. Kiến trúc Khách sạn Hilton phù hợp với Nhà hát Lớn, chùa Một Cột trong không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh và Lăng Bác dù quy mô rất nhỏ nhưng vẫn là một điểm và có sự hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. Miễn là có được thiết kế kiến trúc phù hợp.

PV: Tượng Lý Thái Tổ đã mang ý nghĩa tôn vinh, tưởng niệm theo hình thức châu Âu, có cần phải thêm một ngôi đền?

TS. Đặng Văn Bài: Không ai cấm kết hợp hài hòa các yếu tố văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây. Có cả miếu và tượng, càng tạo sức hút cho công chúng, vì đa dạng hóa khả năng sử dụng và đáp ứng nhiều đối tượng.

PV: Đền thờ gắn với văn hóa tâm linh, nên cần sự yên tĩnh liệu có thích hợp khi đặt ở một trung tâm giao thông ồn ào 24/24 giờ?

TS. Đặng Văn Bài: Cần phải nhìn về tương lai. Theo quy hoạch mới về Hồ Gươm, quanh vườn hoa sẽ chỉ còn đường đi bộ. Mà đền thờ càng tấp nập người đến, càng giá trị. Đền Hùng, Đền Trần luôn có người chen vai thích cánh đó chứ! Quan trọng là người đến đó tâm có tĩnh không và việc quản lý ở khu vực đó như thế nào.

PV: Thưa ông, đã có nơi nào ở Việt Nam và thế giới vừa dựng tượng lại vừa xây đền chưa ạ?

TS. Đặng Văn Bài: Chưa có nơi nào làm thế, nhưng không ai cấm chúng ta làm điều đó! Bên kia hồ, sau tượng Vua Lê dựng theo phong cách phương Tây có đình thờ thần và phía trước là một nhà bia theo phong cách Á Đông trong khuôn viên nhỏ hẹp hơn vườn hoa Lý Thái Tổ mà vẫn tạo lập được sự hài hòa đáng kinh ngạc.

PV: Xin cám ơn ông!

Ngô Thanh Hắng
.
.