Xây dựng cầu Sài Gòn 2: Giảm được hàng trăm tỉ đồng so với dự tính ban đầu

Thứ Năm, 26/04/2012, 10:55

Kể từ khi các tuyến nối vào cầu Sài Gòn hiện hữu như đường Điện Biên Phủ được mở rộng lên 12 làn xe; đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp thành 8 làn xe cách đây mấy năm, cầu Sài Gòn hiện hữu mỗi ngày đã phải oằn mình gánh ít nhất 40 ngàn lượt xe ôtô các loại dồn về. Ấy là chưa kể hàng trăm ngàn lượt xe gắn máy hàng ngày qua lại.

Để giảm kẹt xe trên cầu, TP HCM đã phải cho nối thêm 2 bên thành cầu để mở rộng mặt cầu thêm 2 làn dành cho xe máy lưu thông. Phương tiện đông, không thể giữ khoảng cách, cầu Sài Gòn xuống cấp nhanh. Đến nay, khi ở phía đầu cầu quận 2, tuyến xa lộ Hà Nội hiện cũng đã được mở rộng thênh thang, tới 113 - 115m mặt đường; xa hơn, 2 nhánh chính của cầu Rạch Chiếc đã được đưa vào khai thác, nhánh thứ 3 cũng đang được TP HCM khẩn trương hoàn thành, cầu Sài Gòn hiện hữu tiếp tục trở thành nút "thắt cổ chai" ngay tại cửa ngõ thành phố. Kẹt xe thường trực tại đây, chỉ cần một va chạm nhỏ về giao thông, trời mưa hoặc một xe ôtô chết máy trên cầu vào giờ cao điểm, là ùn tắc giao thông lập tức xảy ra.

Nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn cho cầu Sài Gòn hiện hữu, cách đây mấy năm, phương án xây dựng cầu Sài Gòn 2 đã được TP HCM đưa ra. Song gỡ được “nút thắt” này TP HCM lại phải loay hoay đối mặt ngay với "nút thắt" khác, đó là chuyện giành giật quyền làm chủ đầu tư giữa 2 doanh nghiệp. Trong ngày khởi công xây dựng cầu, ông Lê Vũ Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) đã thông tin: Cầu được đầu tư theo hình thức B.T(Xây dựng - Chuyển giao) với tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.495 tỉ đồng.

Tiền làm cầu cũng đã được CII huy động đủ thông qua việc vay vốn từ Công ty Đầu tư tài chính thành phố; Ngân hàng Vietcom Bank và Maritime Bank. Thông tin về việc CII huy động được cả ngàn tỉ đồng trong thời điểm lãi suất cao đã cho thấy các nhà đầu tư tài chính vẫn đặt tin tưởng vào khoản lợi nhuận cao thu về từ dự án này. Cho dù số vốn đầu tư làm cầu được CII đưa ra thấp hơn rất nhiều so với mức vốn 1.872 tỉ đồng nếu đầu tư theo hình thức B.O.T (Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao) cầu Sài Gòn 2 do Công ty CP Xây dựng Phú Mỹ (PMC) ra giá từ cách đây hơn 3 năm. Chuyện chênh lệch vài trăm tỉ đồng giữa các phương án đầu tư xảy ra tại một dự án này cũng là lời cảnh tỉnh cho việc lựa chọn dự án của thành phố theo kiểu "Rẻ tiền mặt, đắt khi dùng tiền B.O.T" sau này.

Kẹt xe về đêm tại cầu Sài Gòn hiện hữu .

Ít người biết rằng, trước khi dự án xây cầu Sài Gòn 2 được giao cho CII, đầu năm 2008 PMC đã được thành phố giao bắt tay vào nghiên cứu đầu tư làm cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT. Đến tháng 8/2009, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc PMC đã tự tin khẳng định chắc nịch với công luận, ngày 9/9/2009 sẽ khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2. Nhưng do CII đã đặt trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội từ lâu, nên "người đến sau" là PMC dù khẳng định sẽ quyết tâm thu phí riêng chiều ra trên cầu Sài Gòn 2, còn CII cứ việc thu phí chiều vào trên xa lộ Hà Nội. Thì cuối cùng cũng đã phải nhún nhường đề xuất biện pháp dung hòa với CII nhằm "xơi" được vài trăm tỷ đồng từ dự án này. Phương án mà PMC đưa ra là hai bên cùng tiến hành thu chung tại Trạm thu phí xa lộ Hà Nội hiện hữu.

Sau đó sẽ chia doanh thu, lợi nhuận theo chiều đường, chiều cầu ra, vào trung tâm cho từng chủ đầu tư. Thậm chí PMC còn dụ CII rằng biện pháp này đáp ứng được yêu cầu không thu "phí chồng phí" ở hai công trình mở rộng xa lộ Hà Nội và cầu Sài Gòn 2 do thành phố đặt ra. Và nhằm che đậy chuyện dư luận soi mói vào mức giá đầu tư xây cầu quá cao do mình đưa ra, PMC cũng "lòe" rằng nếu áp dụng phương án này, thời gian thu phí sẽ phải kéo dài ra; Có thể thành 70 năm thay vì 50 năm và mức thu phí cần tăng thêm 1,7-2 lần so với mức quy định cho hình thức đầu tư B.O.T từ vốn ngân sách.

Được giao dự án trước, lại không muốn bị vuột khỏi tay, PMC liên tục "áp đảo" CII tại dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2. Song, với lý lẽ cứng rắn, CII đã một mực khẳng định rằng, trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội hiện tại là do CII xây dựng; Không thể cho thu thêm được bất kỳ dự án nào khác. Lý do, trạm này đang phải gánh việc thu phí hoàn vốn cho dự án đường Điện Biên Phủ mở rộng. Trong năm 2012 sẽ lo thu thêm phí hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc; rồi thu hồi vốn đầu tư của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội nên ít nhất cũng phải kéo dài việc thu phí đến năm 2045 mới có thể hoàn vốn cho các dự án này. Quyết định cứng rắn của CII đã buộc PMC phải "văng" ra khỏi dự án B.O.T cầu Sài Gòn 2.

Tranh chấp quyết liệt, đến tháng 1/2011, Sở Giao thông vận tải đã phải chọn lại nhà thầu làm chủ đầu tư dự án cầu Sài Gòn 2. Tháng 9/2011, CII chính thức giành quyền làm chủ đầu tư cây cầu này. Dù vậy, để giải quyết được “nút thắt” thứ hai, người dân đã phải chịu thảm cảnh kẹt xe tại cầu Sài Gòn kéo dài tới 2 năm. Song nhiều người cũng nén giận, đồng tình cho rằng: Rất may có CII ra sức cản địa, chứ nếu để PMC "thò" được chân vào dự án B.O.T cầu Sài Gòn 2, thành phố không chỉ mất ngay 377 tỷ đồng mà người dân lưu thông qua cầu còn có nguy cơ phải chịu mức phí cao hơn nhiều.

Chuyện tranh giành giữa 2 chủ đầu tư kéo dài chính là lý do giải thích tại sao phải chờ mãi đến ngày 14/4 vừa qua, chủ đầu tư cầu Sài Gòn 2 là CII mới có thể khởi công xây dựng cầu. Và như vậy, ít nhất phải sau gần 2 năm nữa, cầu Sài Gòn 2 mới có thể được đưa vào khai thác để gánh tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu. Chỉ có những người dân hàng ngày cần mẫn qua cầu là vẫn còn phải tiếp tục trần mình hứng chịu hậu quả từ cuộc tranh giành dự án của các nhà đầu tư

Đ.T.
.
.