Xây dựng đường ống số 2 nước sông Đà: Vì sao lại vẫn là Vinaconex?

Thứ Tư, 13/08/2014, 14:20

Những ngày qua, việc UBND TP Hà Nội tiếp tục đồng ý cho Tổng công ty cổ phần Vinaconex tiếp tục là chủ đầu tư tuyến đường ống số 2 đưa nước sông Đà thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi sau 9 lần vỡ của tuyến đường ống số 1, và những lời phát biểu rất đanh thép của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, cuối cùng Vinaconex vẫn được tín nhiệm làm tiếp.

Những ngày qua, việc UBND TP Hà Nội tiếp tục đồng ý cho Tổng công ty cổ phần Vinaconex tiếp tục là chủ đầu tư tuyến đường ống số 2 đưa nước sông Đà thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi sau 9 lần vỡ của tuyến đường ống số 1, và những lời phát biểu rất đanh thép của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, cuối cùng Vinaconex vẫn được tín nhiệm làm tiếp.

Ống chuẩn quốc tế nhưng vẫn vỡ

Tại cuộc họp giao ban báo chí diễn ra đầu tuần này, lãnh đạo Vinaconex đã trần tình về sự cố của tuyến đường ống số 1.

Theo lãnh đạo Vinaconex, cùng với xây dựng nhà máy nước và hệ thống xử lý, tuyến đường ống số 1 dài 45,8km từ khu xử lý về Hà Nội, hiện Vinaconex đã xây dựng mạng phân phối nước để cung cấp cho khu vực phía tây nam Hà Nội bao phủ diện tích 3.518 ha, gồm phường Mễ Trì, Mỹ Đình, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Xuân Phương, Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); một phần các phường Mai Dịch, Trung Hòa (quận Cầu Giấy); toàn bộ quận Thanh xuân; các phường Đại Kim, Định Công (quận Hoàng Mai); các xã Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, một phần thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) với tổng chiều dài là 827km (gồm tuyến ống truyền dẫn: 41,3km; tuyến ống phân phối: 270km; tuyến ống dịch vụ: 515,4km). 

Ngoài cấp nước cho hơn 70.000 hộ dân khu vực phía tây Hà Nội với khối lượng 220.000 - 240.000m3/ ngày đêm, hiện Vinaconex đang hỗ trợ cấp cho khu vực nội thành Hà Nội 50.000m3/ ngày đêm qua hệ thống của Công ty Nước sạch Hà Nội; 30.000m3/ ngày đêm cho quận Hà Đông và 10.000m3/ ngày đêm cho Khu đô thị Mỹ Đình 2. Nghĩa là mỗi lần vỡ đường ống nước sông Đà, không chỉ có hơn 70.000 hộ dân phía tây Hà Nội mà sẽ còn có hàng ngàn hộ dân ở các khu vực khác bị ảnh hưởng.

Ba năm qua, đường ống đã vỡ 9 lần.

Lý giải việc sử dụng ống cốt sợi thủy tinh cho đường ống số 1, lãnh đạo Vinaconex cho biết doanh nghiệp đã cử cán bộ đi khảo sát tại các nước như Áo, Tây Ban Nha, Trung Quốc về công nghệ sản xuất ống và tham khảo thực tế tại công trường; đơn vị tư vấn đã tiến hành so sánh các loại ống khác dùng trong cấp nước: ống bê tông nòng thép, ống gang dẻo với các tiêu chí kỹ thuật, kinh tế, điều kiện thi công có xét đến việc ứng dụng vật liệu mới tại Việt Nam, Vinaconex đã lựa chọn ống cốt sợi thủy tinh và lập dự án đầu tư dây chuyền sản xuất ống cốt sợi thủy tinh.

"Tổng công ty đã thực hiện đấu thầu quốc tế rộng rãi để chọn nhà cung cấp dây chuyền thiết bị đồng bộ, chuyển giao công nghệ sản xuất ống cốt sợi thủy tinh với điều kiện giá thiết bị hợp lý, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế".

Vinaconex đã giao cho Công ty Tư vấn xây dựng Vinaconex là tổng thầu thiết kế dự án, đây là doanh nghiệp "đã thiết kế hàng trăm dự án cấp nước tại Việt Nam". Do tuyến ống đi qua nơi có địa hình phức tạp, địa chất đa dạng, sử dụng vật liệu mới, tổng thầu thiết kế dự án đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong và ngoài nước tham gia thiết kế tuyến ống truyền tải:

Công ty Soil&Water Phần Lan: Công ty tư vấn đã từng thiết kế đường ống nước bằng cốt sợi thủy tinh hướng dẫn cung cấp tiêu chuẩn quy phạm thiết kế và kiểm tra tính toán và hồ sơ thiết kế.

Viện Khoa học công nghệ xây dựng- IBST: Thiết kế xử lý đoạn ống qua nền đất yếu.

Công ty Tư vấn thiết kế đường sắt: Thiết kế ống qua đường sắt.

Hồ sơ thiết kế được cơ quan chuyên ngành của Bộ Xây dựng thẩm định. Vinaconex khẳng định "việc thiết kế, thi công và nghiệm thu tuyến ống được áp dụng theo các tiêu chuẩn Việt Nam và Mỹ, bao gồm: tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn nước sinh hoạt, tiêu chuẩn cấp nước, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn xây dựng, tiêu chuẩn chế tạo ống cốt sợi thủy tinh của Mỹ".

Nhưng, thực tế là 3 năm qua, đường ống đã vỡ 9 lần ở những vị trí khác nhau. Ngày 4/7 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có thông báo kết luận giám định nguyên nhân vỡ đường ống là do:

Ống composit cốt sợi thủy tinh có chất lượng không đồng đều, thể hiện ở các hiện tượng: mẫu ống thí nghiệm lấy từ các ống bị sự cố có hiện tượng bong rộp, tách lớp; kết quả thí nghiệm chỉ tiêu độ cứng vòng của mẫu bị vỡ ở cấp nén B (biến dạng 15%) không đạt yêu cầu thiết kế; qua báo cáo của các bên có liên quan cho thấy một số khuyết tật của ống như: bong rộp, tách lớp đã được phát hiện trong quá trình kiểm tra ống trước khi lắp đặt (các đoạn ống này đã không được nghiệm thu).

Quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính của các lớp vật liệu cấu tạo ống, về lâu dài ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của ống giai đoạn khai thác, sử dụng.

Ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composit cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian.

Trong thông báo kết luận này, Bộ Xây dựng xác định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu sản xuất và cung cấp ống cốt sợi thủy tinh, các nhà thầu thi công lắp tuyến ống, nhà thầu giám sát thi công, nhà thầu thiết kế dự án.

Như vậy, với chức năng được Nhà nước phân công, có thể coi đó là kết luận chính thức và có giá trị pháp lý vào thời điểm này.

Vì sao Vinaconex vẫn được làm tuyến đường số 2?

Cách đây 10 ngày, tại cuộc họp của HĐND TP Hà Nội, sau khi đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 9, UBND TP đã quyết định sẽ làm gấp một đường ống dẫn nước thứ 2 để đảm bảo việc cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu rất đanh thép rằng: "Thành phố không thể để cho hơn 70 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, tiếp tục phải chịu đựng cảnh mất nước do vỡ đường ống. Một triệu dân không thể phụ thuộc vào đường ống nước của một công ty, một tuyến đường ống luôn vỡ như vậy. Chúng ta không thể đem người dân ra làm trò đùa. Vì vậy, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Công ty Nước sạch Hà Nội, các đơn vị liên quan, tập trung tối đa nguồn lực để chủ động có giải pháp mới cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân".

Ống composit cốt sợi thủy tinh dùng cho đường ống số 1.

Tại cuộc họp đó, đại diện Tổng công ty CP Vinaconex cố gắng đề xuất: "Vinaconex đã thu xếp tín dụng cho dự án tuyến ống số 2. Nếu thi công trước 10km đoạn thường xuyên xảy ra sự cố, Vinaconex có thể triển khai ngay từ tháng 8, với thời gian thi công 4 tháng".

Nhưng, khi đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, thành phố đã mất niềm tin vào Vinaconex, đã yêu cầu Vinaconex nhiều lần nhưng đơn vị này vẫn lừng khừng. Vì vậy, thành phố chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp. Vinaconex vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 và nâng công suất Nhà máy Nước theo quy hoạch.

Tuy nhiên, cuối cùng thì thành phố lại giao cho "Vinaconex khẩn trương tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư, tài chính để đầu tư xây dựng giai đoạn II của dự án cấp nước sạch sông Đà - Hà Nội. Trước mắt triển khai phân kỳ 1 của giai đoạn II xây dựng tuyến ống số 2 dài khoảng 28 km từ Quốc lộ 21 về Vành đai 3 (Hà Nội) vào đầu tháng 9/2014. Đường ống mới này sẽ chạy song song đối diện với hệ thống đường ống cũ đã nhiều lần vỡ trước đó”.

UBND TP Hà Nội đã ấn định, tháng 8 tới sẽ khởi công thi công đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 làm bằng thép, những nhà thầu thi công tuyến ống 1 để xảy ra sai sót sẽ bị "cấm cửa". Thành phố Hà Nội cũng không quên lưu ý Vinaconex khi thi công công trình phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, đúng tiến độ. Thành phố sẽ giám sát chủ đầu tư xây dựng tuyến đường ống này.

Nếu theo đúng chỉ đạo này thì một loạt nhà thầu sẽ bị "cấm cửa", đó là đơn vị tổng thầu thiết kế: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex; các nhà thầu thi công xây dựng những đoạn ống để xảy ra sự cố đều là công ty con của Vinaconex như Công ty CP Xây dựng số 6, 7, 11, 12 đều sai phạm khi không quản lý được chất lượng khi thi công, lắp đặt đường ống. Nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) đã không sát sao giám sát thi công, nghiệm thu không chặt chẽ, có trách nhiệm lớn trong việc để xảy ra các sự cố nứt vỡ. Nhà thầu sản xuất, cung ứng ống cốt sợi thủy tinh đã không sản xuất được đường ống chất lượng tốt, thiếu tiêu chí đánh giá chất lượng đường ống gây ra tình trạng chất lượng đường ống nhiều đoạn khác nhau, giảm khả năng chịu lực.

Theo lãnh đạo Vinaconex, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông với công suất 600.000m3/ ngày đêm của Tổng công ty được Thủ tướng cho phép đầu tư năm 2003, chia làm 2 giai đoạn. Vì vậy, Tổng công ty dự kiến khởi công xây dựng giai đoạn 2 của dự án theo đúng phê duyệt, bổ sung thêm 300.000m3/ ngày đêm, trước mắt triển khai phân kỳ 1 của dự án giai đoạn 2 xây dựng tuyến ống đường kính DN 1.500 - 1.800 với chiều dài 29km Quốc lộ 21 về đường Vành đai 3 ngay trong tháng 9/2014, hoàn thành sau 10 - 12 tháng thi công.

Tuy nhiên, những ngày qua sau khi có thông tin tuyến ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 có chiều dài 45,8km sẽ làm bằng ống thép sản xuất trong nước theo công nghệ Nhật Bản, đã có những ý kiến cho rằng không nên dùng ống thép để xây dựng các đường ống chìm dưới lòng đất mà phải dùng ống gang hoặc thép đúc trong tráng gốm mới phù hợp với môi trường kín ngâm nước vì ống thép hàn cuốn dùng một thời gian sẽ có hiện tượng rò rỉ, nước từ sông Đà là nước thô, có thành phần sa khoáng sẽ nhanh chóng bào mòn lớp sơn bảo vệ Epoxy, đặc biệt là phần đáy ống...

Trong văn bản gửi báo chí, Vinaconex đề nghị báo chí khi phát hiện vấn đề cần thông tin thì liên hệ với Tổng công ty để được cung cấp, giải đáp kịp thời để có thông tin hai chiều, khách quan.

Với hy vọng có được thông tin chính thức từ Vinaconex, ngày 23/7, chúng tôi đã liên hệ với ông Phạm Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại - Pháp chế và là người phát ngôn của Tổng Công ty để có buổi làm việc trực tiếp. Nhưng ông Sơn đề nghị gửi trước nội dung vào email. Chúng tôi đã gửi nội dung, tuy nhiên cho tới lúc bài báo này lên trang, chúng tôi vẫn không nhận được hồi âm từ ông Sơn

Nguyễn Thiêm
.
.