Xây dựng hệ thống kinh doanh trên mạng xã hội

Thứ Tư, 27/12/2017, 08:40
“Bạn không cần phải đăng ảnh hằng ngày mà chỉ cần cố gắng xuất hiện vào thời điểm có lượng người dùng truy cập ứng dụng đông đảo nhất. Bởi vì mọi hình ảnh cũng như video sẽ biến mất sau 24 giờ”...

“Instagram chính là mặt tiền cửa hàng của bạn”

Instagram, ứng dụng ảnh thuộc sở hữu của Facebook, đã trở thành “tủ kính trưng bày hàng hóa” độc đáo cho nhiều doanh nghiệp nhỏ. Bí mật thành công của họ như thế nào?

Năm 2012, khi Facebook chi đến 1 tỷ USD để mua Instagram - một công ty khởi nghiệp chỉ mới xuất hiện có 18 tháng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về hành động mạo hiểm của người khổng lồ công nghệ. Nhưng đến năm 2017, ứng dụng ảnh đã xây dựng được cộng đồng đáng nể với 700 triệu người dùng trên thế giới - vượt mặt cả Twitter và Snapchat!

Donna McCuloch tuyên bố: “Instagram chính là mặt tiền cửa hàng của bạn”.

Với gần 20 bộ lọc ảnh được cải tiến cùng với Instagram Stories - tính năng cho phép người dùng đăng những đoạn video ngắn và chúng sẽ tự động biến mất sau 24 giờ - nền tảng càng trở nên hấp dẫn đối với những cá nhân làm nghề tự do và doanh nghiệp nhỏ muốn tìm kiếm khách hàng mới.

Donna McCulloch, nhà tạo mẫu thời trang hành nghề với tên Sulky Doll, thốt lên: “Istagram chính là mặt tiền cửa hàng của bạn. Người ta không còn yêu cầu danh thiếp nữa mà chỉ muốn biết số điện thoại để kết nối”. Đối với nữ huấn luyện viên bộ môn yoga Cat Meffan, những tấm ảnh đẹp chụp với nhiều tư thế yoga thể hiện giữa thiên nhiên giúp thu hút 77.000 người dùng quan tâm theo dõi.

Hơn nữa, những bức ảnh còn cho phép Cat Meffan chiêu mộ học viên. Cô bình luận: “Tôi hết sức thích thú và phấn khích. Đó là sức mạnh của Instagram”. Cat cho biết thời gian dành cho những ghi chú ảnh đôi khi còn nhiều hơn cả thời gian chụp ảnh. Tôi thường ra ngoài thiên nhiên để chụp ảnh cùng với đối tác của tôi. Nhưng, thường thì tôi hay tự chụp bằng điện thoại”.

Cat nhận định: các hashtag - ví dụ như #yoga của cô hay #OOTD (Outfit of The Day - Bộ trang phục của ngày) của Donna McCulloch - thêm vào ảnh là cách hữu ích nhất để tìm kiếm học viên mới hay những người có cùng mục đích sống.

Brooklyn Beckham có 5,9 triệu người theo dõi trên Instagram.

Cả Donna McCulloch và Cat Meffan đều sử dụng Instagram Stories để đăng video về yoga và sức khỏe cho phụ nữ. Danny Coy, nhiếp ảnh gia người Anh có 173.000 người theo dõi, hiện nay làm công việc chuyên gia tư vấn trên Instagram. Coy hy vọng sẽ thu hút được 2.000 người theo dõi vào mỗi tháng. Kỹ thuật thu hút lượng người theo dõi đông đảo bao gồm đăng ảnh thường xuyên lên Instagram đồng thời phải sở hữu ngân hàng ảnh thực sự đáng quan tâm.

Coy có lời khuyên: “Bạn không cần phải đăng ảnh hằng ngày mà chỉ cần cố gắng xuất hiện vào thời điểm có lượng người dùng truy cập ứng dụng đông đảo nhất. Bởi vì mọi hình ảnh cũng như video sẽ biến mất sau 24 giờ”. Đó cũng là lời khuyên của nền tảng Instagram.

Còn Jen Ronan, lãnh đạo một doanh nghiệp nhỏ, lập luận: “Nếu bạn luôn kể một câu chuyện khác vào mỗi lần xuất hiện trên Instagram thì mọi người sẽ tò mò muốn tìm hiểu xem bạn đang cố gắng giao tiếp điều gì”.

Các Instagrammer có lượng người theo dõi cao đáng kể sẽ được những thương hiệu nổi tiếng mời chào hợp tác để trở thành “influencer” (tạm dịch, người gây ảnh hưởng) hay “đại sứ” đại diện cho họ và dĩ nhiên được trả tiền đàng hoàng. Các sản phẩm được chèn vào ảnh hay video của Instagrammer hứa hẹn mang lại khoản tiền thù lao lớn. Nhưng, Donna McCulloch không muốn làm như thế bởi vì “tôi nghĩ mình sẽ đánh mất sự trung thực của mình”.

Nữ huấn luyện viên yoga Cat Meffan thu hút 77.000 người dùng quan tâm theo dõi.

Trong khi Cat Meffan chỉ có thể chấp nhận hợp tác với một vài thương hiệu có chọn lọc và theo cô thì “không có quy định tiền thù lao trong thế giới Instagram” mà “bạn phải bàn bạc với thương hiệu để có được số tiền mà mình đáng được hưởng”. Tuy nhiên, nếu như một Instagrammer “tag” tên một thương hiệu vào ảnh đăng độc lập trên nền tảng thì thương hiệu này có thể sử dụng hình ảnh để quảng cáo mà không phải trả phí.

Danny Coy giải thích: “Thường thì thương hiệu sẽ đưa ra đề nghị. Nhưng, một khi bạn đã tự mình tag tên thương hiệu vào ảnh đăng lên Instagram thì sở hữu chủ thương hiệu sẽ không cần đến sự cho phép của bạn nữa”.

Mạng xã hội làm thay đổi lĩnh vực kinh doanh thời trang

Tốc độ phản ứng nhanh trước những xu hướng trên mạng xã hội ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng cho người kinh doanh sản phẩm thời trang. Ngày càng có thêm nhiều phụ nữ trẻ bị ảnh hưởng bởi những nhân vật nổi tiếng hay những gì mà họ nhìn thấy trên các nền tảng như là Instagram. Các thương hiệu thời trang hàng hiệu bình dân (fast fashion) cũng nhanh chóng hưởng lợi từ xu hướng này. Ngành công nghiệp thời trang rất quan trọng đối với nước Anh - cung cấp 880.000 việc làm và đóng góp 28 tỷ bảng Anh cho GDP.

Sheena Sauvaire, nữ giám đốc marketing toàn cầu cho thương hiệu thời trang nổi tiếng của Anh Topshop, thừa nhận mạng xã hội đang đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo Dan Arden, Giám đốc kinh doanh của Pink Boutique UK - một trong những thương hiệu thời trang đang phát triển nhanh của Anh, mạng xã hội là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang và tác động đến sự chọn lựa trang phục của phụ nữ trẻ.

Smartphone ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh thời trang.

Đó là sự thay đổi lớn lao mà mạng xã hội mang đến cho lĩnh vực thời trang và giúp cho ngành này tiến hóa nhanh. Trong năm 2016, gần 7 trong số 10 phụ nữ mua quần áo trên Internet. Doanh thu thời trang trực tuyến năm 2017 tăng 24% so với 17% năm 2013.

Quiz Clothing, đặt trụ sở tại thành phố Glasgow ở Scotland, tự xác định mình là công ty thời trang phát triển cực nhanh nhờ mạng xã hội. Mới đây, Quiz Clothing xuất hiện trên sàn chứng khoán AIM và được định giá 200 triệu bảng Anh. Giám đốc kinh doanh Sheraz Ramzan của Quiz Clothing cho biết công ty lớn mạnh hơn với trên 300 cửa hàng bán lẻ nằm rải rác ở hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Ramzan phát biểu: “Chúng tôi luôn là thương hiệu “fast fashion”. Và, chúng tôi đang nỗ lực phát triển kênh phân phối nhanh cho phép thương hiệu phản ứng cực nhanh trước những xu hướng thời trang”. Richard Cristofoli, Giám đốc marketing cửa hàng thời trang Debenhams ở London (Anh), tiết lộ “khoảng một phần năm doanh thu của chúng tôi đến từ mạng xã hội.

Burberry sử dụng mạng xã hội để quảng bá những sản phẩm thời trang mới nhất.

Và, ngày càng có nhiều khách hàng mua sắm trực tuyến, duyệt sản phẩm rồi sau đó đặt mua qua điện thoại”. Còn theo Sauvaire, khách hàng của Topshop duyệt sản phẩm trực tuyến rồi sau đó đến cửa hàng để thử quần áo đã chọn.

Mạng xã hội cũng tác động lớn lao đến quyết định lựa chọn người mẫu thời trang. Christopher Bailey, giám đốc công ty thời trang Anh Burberry, đã rất khôn ngoan khi chọn cậu bé Brooklyn Beckham - con trai của David và Victoria Beckham - cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm nước hoa mới nhất của mình. Bởi vì còn hơn cả cha mẹ nổi tiếng, tài khoản Instagram của Brooklyn Beckham có đến 5,9 triệu người theo dõi! Burberry có gần 40 triệu người theo dõi trên hàng chục mạng xã hội khác nhau trên thế giới.

Trong nỗ lực cạnh tranh trên mạng xã hội, Burberry còn lập ra một “tiểu trang” gọi là “Art of the Trench” giới thiệu một loạt hình ảnh trang phục được mặc trên đường phố. Trên một số nền tảng, khách hàng có thể đặt mua ngay trang phục mà họ mới nhìn thấy trên sàn catwalk.

Người mẫu nữ Mỹ nổi tiếng Kendall Jenner được gọi là “Instagirl tối thượng” do có lượng người hâm mộ khổng lồ trên mạng xã hội - 48 triệu người theo dõi trên Instagram và 15,3 triệu người khác trên Twitter! Domenic Venneri, người sáng lập công ty marketing số Vokent ở Malibu bang California miền Tây nước Mỹ, tuyên bố công ty luôn theo dõi các profile cá nhân trên mạng xã hội trước khi quyết định chọn ai cho chiến dịch quảng cáo.

Burberry lập ra “tiểu trang” gọi là “Art of the Trench” giới thiệu một loạt hình ảnh trang phục được mặc trên đường phố.

Trong một số trường hợp, không chỉ những người mẫu mà còn cả đội ngũ hậu trường - bao gồm nghệ sĩ make-up, chuyên gia stylist và nhà sản xuất - được chọn theo ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội. Rõ ràng, việc khai thác mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho các công ty thời trang lẫn khách hàng.

Emma Parlons, nữ lãnh đạo công ty PR thời trang và sắc đẹp Push PR ở London (Anh), thừa nhận mạng xã hội có hiệu quả cao, mang đến một lượng người theo dõi mới và trẻ tuổi hơn so với những khách hàng chỉ sử dụng trang web hay cửa hàng của thương hiệu. Parlons nhận định mạng xã hội giống như là “tạp chí sống” và có 3 nền tảng chính dành cho các hãng thời trang là: Instagram, Facebook và Twitter.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.