Xin đừng để đất quê ta “hoá” sân golf!

Thứ Năm, 11/09/2008, 08:10
Khi một nông dân miền Nam mất 1 công ruộng (1.000m2) vì chuyển sang làm sân golf, trung bình họ được đền bù 35 triệu đồng, bình quân 35.000đ/m2, tức là chưa được 3kg gạo. Tuy vậy, cái giá 3kg gạo/m2 đất vẫn còn cao hơn ở Đà Nẵng. Giá đất bồi thường cho dân tính ra chỉ có 28.000đ/m2.

Đồi Cù (Đà Lạt), sân golf cổ xưa nhất được xây dựng năm 1920 để phục vụ cho ông vua ham chơi Bảo Đại. Mãi đến năm 1993, sân golf Đồng Mô ra đời, đánh dấu mốc một thú chơi quý tộc không thể không có của một thời mở cửa hội nhập thế giới. Đến nay, cả nước đã có tới 141 sân golf ở 39 tỉnh, thành với tổng diện tích 49.268ha đất, trong đó có 2.625ha đất trồng lúa “bờ xôi ruộng mật” mất trắng để làm sân golf.

Chỉ từ tháng 7/2006 đến tháng 5/2008, đất quê ta sẽ hóa thành 104 dự án sân golf, nếu như không có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải rà soát lại việc cấp phép đầu tư sân golf và đánh giá hiệu quả.

Chớ hồ đồ mà quy chụp cho sân golf là thú chơi quý tộc, xa xỉ không hợp thời. Và cũng chớ hồ đồ mà cho rằng tất cả các sân golf đều là lấy đất nông nghiệp. Những loại đất hoang hóa, chó ăn đá gà ăn sỏi mà “golf hóa” được thì tốt quá đi chứ.

Nhiều doanh nhân tìm đến sân golf để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Không gian sân golf mênh mông được ví như một “phòng họp” trên thảm cỏ xanh rì, một không gian giao lưu, giao tiếp thoáng đãng. Không ít hợp đồng kinh tế, đầu tư đã được thương thảo và ký kết sau khi hai bên “đi” hết một vòng sân golf 18 lỗ hoặc 36 lỗ.

Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sân golf Australia, khi được chiêm ngưỡng sân golf ở Việt Nam cũng phải trầm trồ, xuýt xoa: “Việt Nam có những yếu tố thuận lợi để cỏ sân golf phát triển xanh tươi, các tay golf có thể chơi quanh năm”.

Gần đây bắt đầu gia tăng dòng người chơi golf từ Australia, Mỹ và châu Âu tới Việt Nam. Dự báo Việt Nam sẽ là điểm đến mới của golf châu Á. Triển vọng, viễn cảnh phải nói là tuyệt vời, nhưng đó là trong con mắt của giới kinh doanh kiếm lợi nhuận.

Ngay từ hôm nay đã có thể nhìn thấy đằng sau những sân golf “cỏ non xanh rợn chân trời” là tình trạng “lạm phát” sân golf, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất quý giá, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và an sinh xã hội.

Ở Trung Quốc, từ mấy năm trước đã có kế hoạch hạn chế xây dựng sân golf vì gây lãng phí đất trồng trọt, chăn nuôi và nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Ở Philippines, Chính phủ cũng vừa ngừng việc chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng sân golf.

Ở ta, trước tình trạng xây dựng sân golf tràn lan sẽ dẫn đến những hệ lụy kinh tế và xã hội chưa lường hết được, ngày 25/8 vừa qua Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh đánh giá đầu tư sân golf, diện tích đất sử dụng từng sân golf, nêu rõ diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao cho các sân golf.

Trên cơ sở đó, xác định cụ thể hiệu quả cũng như những bất lợi (nếu có), báo cáo Thủ tướng trong quý 4/2008. Sân golf đầu tiên thời mở cửa ra đời năm 1993, tròn 10 năm sau (năm 2003) cả nước đã mọc lên hơn chục sân golf, số các doanh nhân có “máu mặt” rủ nhau chơi môn thể thao quý phái này cũng tăng theo.

Cơn “lạm phát” sân golf chỉ thực sự bùng nổ từ giữa năm 2006, tức là từ khi có Nghị định 108/CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư ra đời, trong đó phân quyền cho UBND tỉnh, thành phố cấp phép cho hầu hết các dự án đầu tư.“Cơn sốt” sân golf lên đến cực điểm, trung bình một tuần ở nước ta lại “đẻ” ra một sân golf.

Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, riêng tỉnh Long An đã đón nhận đơn xin cấp phép 18 dự án sân golf, đặc biệt huyện Cần Giuộc có đến 7 dự án. Đạt “kỷ lục” là chỉ một xã Long Hậu đã có tới 5 dự án chiếm tới 1.555ha. Ở TP HCM, Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng... sân golf bạt ngàn.

Trung bình, đất trồng lúa theo đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 0,1ha/người. Khi 2.625ha đất lúa mất trắng để làm sân golf thì sẽ có 2,6 triệu nông dân mất đất, mất nghề. Ở các tỉnh đồng bằng, nhất là hai vựa lúa lớn nhất cả nước, muốn làm sân golf nếu không “xơi” đất trồng lúa thì lấy đâu ra? Một sân golf ra đời tức là đời sống của vài trăm hộ nông dân với khoảng 2.000 nhân khẩu lao đao, khốn đốn.

Bằng chứng hiển nhiên là, khi một nông dân miền Nam mất 1 công ruộng (1.000m2) vì chuyển sang làm sân golf, trung bình họ được đền bù 35 triệu đồng, bình quân 35.000đ/m2, tức là chưa được 3kg gạo. Tuy vậy, cái giá 3kg gạo/m2 đất vẫn còn cao hơn ở Đà Nẵng. Giá đất bồi thường cho dân tính ra chỉ có 28.000đ/m2.

Không hiểu các sân golf trên cả nước đóng được bao nhiêu tiền thuế cho Nhà nước? Sân golf đem lại lợi lộc gì cho những người nông dân mất đất? Cầm trong tay một “cục” tiền bồi thường có thấm vào đâu, họ sẽ sống ra sao khi sân golf mọc lên?

Ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở xã bị thu hồi để làm sân golf Phượng Hoàng. Sau khi nhận tiền đền bù, nông dân mua sắm, tiêu xài thoải mái. Rồi sau đó có đến 20% hộ tái nghèo, chỉ có 20 người “có phúc” được vào nhặt bóng trong sân golf.

Người ta đã tính rằng, nếu bình quân một tỉnh xây dựng 3-4 sân golf với diện tích 150ha/sân, thì đất quê ta sẽ mất đến 30.000ha. Mất 3 vạn ha đất nông nghiệp để phục vụ cho cuộc chơi xa xỉ của mấy nghìn người, hỏi có xứng đáng không?

Mặt trái của sân golf đâu chỉ có chừng ấy? Theo các chuyên gia môi trường và thủy lợi, một sân golf 18 lỗ mỗi ngày ngốn cạn 5.000m3 nước, đủ cho 20.000 hộ sử dụng. Chưa hết, mỗi sân golf còn tiêu thụ 1,5 tấn hóa chất/năm, cao gấp 3 lần so với đất canh tác.

“Nguồn” hóa chất này hòa tan vào nước tưới, nước mưa trôi ra hồ ao, sông ngòi, kênh rạch, thẩm thấu vào nước ngầm gây ô nhiễm lâu dài. Ấy là chưa kể máy phun thuốc trừ sâu cỏ sân golf còn phát tán tới 90% độc tố vào không khí. Sân golf cỏ xanh mát rượi, đẹp như tranh sau mỗi bận phun thuốc trừ sâu, thuốc giữ ẩm cho cỏ, khiến cả bầu không khí sặc sụa mùi hóa chất ngột ngạt, tức thở.

Chơi gì thì chơi, nhưng để mất hàng chục ngàn ha đất, tài nguyên quốc gia “hóa” thành sân golf thì không thể chấp nhận được. Cỏ sân golf lan tới đâu, đất nông nghiệp mất tới đó, nông dân càng thêm khốn khó

Hồng Hạc
.
.