Xin đừng ngộ nhận

Thứ Ba, 15/01/2019, 10:44
Từ Đại hội lần thứ XI của Đảng tới nay, mọi hoạt động kinh tế, xã hội nước nhà bừng bừng khí thế đổi mới với bao thành quả to lớn đến không ngờ. Mừng trước thành tựu hiện tại, lại thương về quá khứ một thời – cái thời đạn bom, cái thời khổ đau thiếu thốn trăm bề… đó là cái nhìn nhân nghĩa của toàn dân ta. Song, không phải không có những cái nhìn, những sự so sánh ngộ nhận để than phiền chê bai, oán trách!

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, chỉ xin đi vào lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, mà cũng chỉ dám đề cập tới một loại hình nghệ thuật – đó là âm nhạc.

Vài chục năm trở lại đây, âm nhạc nước nhà quá ư là phong phú, đa dạng, hội đủ các châu lục, vùng miền, quốc gia, dân tộc – nhạc Tây, nhạc Tàu, nhạc Nga, nhạc Nhật, nhạc Hàn… có hết. Trong nước thì hội đủ các dòng: Cổ nhạc, tân nhạc, dân ca các vùng miền, dân tộc. Riêng tân nhạc thì “đồ sộ” hơn: nhạc đỏ (nhạc cách mạng), nhạc Sài Gòn cũ (bolero), nhạc tiền chiến… đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mọi lứa tuổi, mọi giai tầng xã hội. Có thể nói, đó là thời kỳ “bội thực ca hát”. Hát ở sân khấu lớn, sân khấu bé, hội trường to, hội trường nhỏ; hát ở tiệc cưới, tiệc sinh nhật, các buổi hội họp, các quán karaoke, các phòng trà, các tụ điểm ca nhạc, kể cả hát rong trên đường phố các quán ăn để bán kẹo cao su, bút bi, tăm tre và vật phẩm khác.

Văn nghệ vui Tết – đón Xuân Quý Sửu 1973 tại căn cứ H67 (An Phước, Châu Thành, Bến Tre).

Về nội dung thì cực kỳ thoải mái, miễn là không phải nhạc phẩm xấu, hàm chứa nội dung chống chế độ, kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, tuyên truyền chiến tranh phi nghĩa, kích động bạo lực, tuyên truyền lối sống dâm ô trụy lạc… thì cứ thỏa sức mà ca mà nhảy.

Chính vì sự tự do thoải mái đó mà một số người hoài niệm quá khứ với cái nhìn và sự đánh giá vô lối rằng “một thời ấu trĩ, một thời giáo điều, khô cứng… bao nhạc phẩm tiền chiến, nhạc bolero hay thế sao lại cấm đoán? Sao lại không cho phổ biến? Người ta phê phán đó là thời kỳ thiếu tự do dân chủ đâu có oan! Thời đó mà cứ “xả láng” như bây giờ thì mắc mớ gì người ta kêu ca, phiền trách”.

Gốc gác vấn đề cần lạm bàn là ở đây. Trước hết, cần xác định vị trí, tầm quan trọng của công tác văn hóa – văn nghệ trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta. Cụ thể là 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc trong thế kỷ XX; Cố nhiên phải tính cả giai đoạn chống chiến tranh biên giới, cứu Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng của tập đoàn Pol Pot –  Ieng Sari. Có thể gom lại, đó là thời kỳ chiến tranh, với mục tiêu tối thượng là toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dốc lòng, dốc sức để chiến thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. 

Tất cả mọi sáng tác trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật đều phục vụ cho mục tiêu đó. Bởi thế, trên lĩnh vực âm nhạc đã xuất hiện hàng ngàn ca khúc phản ánh, ngợi ca khích lệ tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất… của quân và dân ta, trở thành vũ khí cực kỳ quan trọng trên mặt trận tư tưởng góp phần tạo nên chiến thắng diệu kỳ và có biết bao tác phẩm sẽ còn sống mãi với thời gian. Cũng bởi vậy mà một số nhạc phẩm không phù hợp với giai đoạn cách mạng đó thì không nên phổ biến.

Sở dĩ tác giả bài viết này dùng cặp từ “không nên”, vì thực ra quá trình trên 40 năm tham gia cách mạng, trong đó có 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, chưa bao giờ nghe phổ biến lệnh cấm những tác phẩm âm nhạc không phù hợp thời chiến, mà chỉ nghe lệnh “cấm nghe đài phát thanh của địch; cấm sử dụng ca khúc có nội dung chống cộng”. Rất có thể do nhạy cảm chính trị mà lãnh đạo các cấp, kể cả những người không phải là lãnh đạo thường nhắc khéo nhau “làm bài khác đi, bài đó buồn lắm, nhớ nhà, nhớ người yêu lắm…”.

Xin nêu một ví dụ: Tác giả bài viết này hát không hay nhưng lại hay hát, thuộc cỡ ngót nghét trăm bài (không cần màn hình), trong đó có tới cả chục bài thuộc dòng “tiền chiến” (những nhạc phẩm sáng tác trước tháng 8 năm 1945), mà lại thuộc từ xa xưa khi mới có hơn chục tuổi đầu. Số là gia đình thời đó sống trong vùng địch tạm chiếm, một làng quê ven sông Hồng nơi “xứ Đoài mây trắng”. Bởi thế, không biết một bài ca cách mạng nào. Mãi tới ngày hòa bình, có mấy anh bộ đội về làng dạy cho đám thiếu niên chúng tôi, mới biết được một số bài: “Giải phóng Điện Biên”, “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, mới biết điệu múa sạp theo bản nhạc “sòn sòn sòn đô sòn/ sòn sòn sòn đô rê…”.

Múa trống – tiết mục phục vụ nhân dân đón Tết của tổ trinh sát H67 (1972, ảnh trái). Múa lân (trang phục tự làm) – tiết mục phục vụ nhân dân của tổ trinh sát H67 (Tết 1973).

Nhưng những bài hát cũ (đó là nhận thức của chúng tôi thời đó về những nhạc phẩm tiền chiến) thì lại thuộc hơi bị nhiều, tỷ như: “Buồn tàn thu”, “Thiên thai”, “Suối mơ” (của Văn Cao), “Con thuyền không bến”, “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong), “Đêm đông” (Nguyễn Văn Thương), “Dư âm” (Nguyễn Văn Tý), “Trăng mờ bên suối” (Lê Mộng Nguyên), “Lá đổ muôn chiều” (Tuấn Khanh), rồi “Biệt ly”, “Bóng chiều xưa” và một bài nữa cũng có tên là “Lá đổ muôn chiều” nhưng không nhớ tên tác giả. Cái sự biết và thuộc lời bài ca cũng bởi duyên may – xóm ven sông làng tôi có khoảng trên 100 nóc gia, nhưng duy nhất chỉ có một người chữ đẹp, đàn giỏi, hát hay, đó là thầy giáo Lê Đức Sương. Ông hơn tôi dễ đến gần chục tuổi, đã có vợ con, vậy mà trở thành bạn vong niên của nhau. Những bài hát trên là do ông “truyền” lại, nghe và thuộc rồi viết vào sổ tay (một đặc điểm phổ biến của lứa thanh thiếu niên thời đó, để chép bài hát, chép thơ và ghi lưu bút bạn bè, kể cả một số bài thơ tình của Nguyễn Bính, Huy Cận, Anh Thơ...), chỗ nào sai, nhờ ông chỉnh lại.

Ngày tôi đi bộ đội. Thời đó nghèo, chẳng cỗ bàn gì đâu. Mẹ tôi mua một ít kẹo lạc, kẹo vừng, pha một ấm ủ “chè bồm” (lá chè khô). Thầy giáo Sương tới nhà tôi sớm nhất và về sau cùng. Ông nắm chặt tay tôi – “Chúc em lên đường mạnh khỏe, mong sớm lập công đầu”. Ra tới giữa sân rồi, ông còn quay trở lại, vỗ vỗ nhẹ vai tôi – “Anh còn quên một việc, cuốn sổ chép bài hát của em, theo anh, chú không nên đem theo, bởi người lính không được yếu lòng, mềm lòng. Nội dung không có gì phiền toái, nhưng nó không phù hợp với cuộc sống người lính”. Cố nhiên tôi nghe lời khuyên của ông.

Tôi mang theo lời ông bước vào cuộc đời binh ngũ, rồi đi chiến trường biền biệt 10 năm với bom rơi, pháo nổ, giữa máu lửa của cuộc chiến, với bừng bừng khí thế tiến công. Nói vậy, ở chiến trường, vẫn có những ngày thanh bình, yên tĩnh – đó là những ngày hưu chiến, những ngày lễ, tết, ngoài chuẩn bị vật chất, vẫn phải có “món ăn tinh thần”, vẫn tưng bừng văn nghệ. Mang tiếng từ Bắc vô, thành ra đã thủ sẵn một số bài làm vốn liếng và nó được bổ sung bằng việc đêm khuya theo dõi chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, cố nhớ và chép lại rồi hướng dẫn lại cho đồng đội. Như nhạc phẩm “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Hà Tây quê lụa”, “Đường cày đảm đang”, “Trước ngày hội bắn”; rồi “Bài ca may áo”, “Qua sông”, “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Xuân chiến khu”, “Cô gái mở đường”… Kể cả những bài trong kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Nam Bộ - “Tiểu đoàn 307”, “Lá xanh”, “Nhạc rừng”… Tất cả đã trở thành tiết mục biểu diễn trong liên hoan của đơn vị, kể cả trong dịp đón tết, mừng xuân do địa phương tổ chức, có bà con xóm ấp tham dự. Chẳng lẽ những sự kiện như thế lại đem ca khúc tiền chiến ra biểu diễn.

Chừng đó thôi ngẫm cũng đủ lạm bàn với những ai còn lăn tăn, ngộ nhận về một thời gọi là “cấm đoán”!

Về những nhạc phẩm sáng tác trong vùng địch tạm chiến được phổ biến trên hệ thống truyền thông, xuất bản của chế độ Sài Gòn trước ngày 30-4-1975. Cố nhiên thời đó thuộc diện cấm. Thực ra cái sự cấm đoán của đối phương còn bài bản, triệt để hơn ta nhiều.

Xin nêu một ví dụ: Ngoài việc loan báo lệnh trên hệ thống truyền thông, trong quân đội, từ cấp đại đội trở lên họ đều bố trí sĩ quan tuyên úy (người chăm lo phần hồn của binh lính) anh nào không chấp hành sẽ bị xử lý ngay. Đối với dân chúng, tất cả các khu gom dân, ấp chiến lược, họ xây dựng nhà cửa theo mô hình giám sát lẫn nhau, hình thái “ngũ liên gia bảo” (5 gia đình theo dõi, bảo vệ nhau). Mỗi nhà đều được lắp một radio chỉ duy nhất một sóng FM, chủ yếu là chương trình ca nhạc có xem tin tức thời sự với nội dung “sặc mùi chống cộng” mà hồn cốt của nó được nhào nặn từ cơ quan chiến tranh tâm lý cực kỳ nguy hiểm nhằm tác động tư tưởng người nghe. Nhà nào mà tự động tắt đài, có dấu hiệu nghe đài “Việt cộng” hoặc có khách lạ lui tới thì sớm muộn cũng bị “Hội đồng tề sờ gáy”.

Thực lòng mà nói ngoài những nhạc phẩm chống cộng điên cuồng, thô thiển và những sáng tác ca ngợi người lính cộng hòa thái quá thì cũng có không ít nhạc phẩm vô thưởng vô phạt, tiết tấu, ca từ, giai điệu na ná dòng tiền chiến dễ tạo ngộ nhận cho người nghe. Thú thực tác giả bài viết này, để sẵn sàng phục vụ cho yêu cầu công tác nghiệp vụ, đã bí mật sưu tầm một số nhạc phẩm của nhạc sĩ Sài Gòn thuộc loại “vô thưởng vô phạt” ấy. Dẫu công tác trong căn cứ bám trụ của đơn vị ở vùng giáp ranh, nhưng phải sẵn sàng tư thế khi cần sẽ vô hoạt động hợp pháp trong thành, lại bình phong thủ vai nhà giáo, nhà văn không hiểu gì về văn hóa – văn nghệ Sài Gòn thì dễ gì tiếp cận. Thế là những ngày căng võng ngủ dưới hầm tại rừng Chiến khu “D”, mật khu “C”, kể cả ở rừng dừa sông nước Bến Tre, những nhạc phẩm tiền chiến, những bản bolero của Sài Gòn như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Hoa sứ nhà nàng”… lại trôi về trong trí nhớ. Nhẩm mãi rồi thuộc, thuộc cho tới bây giờ để được anh em, bạn bè ở quán cà phê “hát cho nhau nghe” tại ngõ 113 phố Hoàng Cầu của cặp chồng Bình Oanh xếp vào loại “người thuộc nhiều bài hát nhất, riêng dòng nhạc tiền chiến và bolero xếp hàng đầu của quán”.

Đó là chuyện cũ. Còn bây giờ, trong bối cảnh nước nhà độc lập, thống nhất, non sông quy về một mối thì tất cả tác phẩm âm nhạc dù sáng tác trong thời kỳ nào, dòng nhạc nào cũng là cái của người Việt làm ra, kể cả những sáng tác của người Việt hải ngoại mà cơ quan chức năng (hẳn nhiên là ngành văn hóa) cần nghiên cứu, khai thác.

Rõ ràng từ đổi mới tới nay, cơ quan chức năng người ta đã làm tốt việc này, dẫu rằng đôi khi có những “trục trặc kỹ thuật” mà ngộ nhận dẫn tới phủ nhận nó. Quả là điều vô lý!

Có thể nói phong trào ca hát nước nhà đang ở thời kỳ nở rộ, người yêu âm nhạc, sành âm nhạc đều nhận ra dòng nhạc nào cũng có tuyệt tác sống mãi với thời gian.

Khổng Minh Dụ
.
.