Xoa dịu vết thương lòng của trẻ mồ côi bằng âm nhạc

Thứ Sáu, 27/03/2009, 18:15
Với mục đích kêu gọi các em trút hết những cảm xúc từ kinh nghiệm thương đau của cuộc đời bị ruồng bỏ và hành hạ vào âm nhạc, Santa Luisa Home, nơi nuôi dưỡng những trẻ em đường phố ở Manila, Philippines, đã dạy cho các bé gái tuổi vị thành niên chơi đàn guitar và sáng tác nhạc.

Những bản nhạc do các em sáng tác gồm nhiều thể loại rock, rap... cho đến những giai điệu buồn, vui, giận dữ... Các em đã viết về sự phản bội và mong mỏi tìm được tình yêu trong cuộc sống. Tuy nhiên, dạy cho giới trẻ từng bị vùi dập bởi cuộc đời trên đường phố không phải là một công việc dễ dàng.

Cựu chuyên gia ngành tài chính Ramon Chito Ramos, người tình nguyện bỏ thời gian để hướng dẫn những lớp học đàn guitar tại Santa Luisa Home, cho biết, lúc đầu các em rất ngần ngại. Một số em không nghe lời, một số thì rất ngang bướng và điều này khiến việc dạy nhạc cho các em gặp nhiều khó khăn, nhưng giáo viên chỉ cần một chút kiên nhẫn là các em sẽ nghe lời và làm theo chỉ dẫn.

Gladys Cruz, một bác sĩ tâm lý xã hội làm việc tại đây, nói rằng trong khi những vết thương lòng của các em không thể chữa lành một cách nhanh chóng, thì âm nhạc là một bước tiến quan trọng tạo niềm tin cho chúng.

Các nhà tâm lý học trên khắp thế giới đều khẳng định rằng âm nhạc có thể là một phương pháp chữa trị cho những bệnh nhân bị khủng hoảng tinh thần như những người sống sót từ bạo động, xung đột và ngược đãi hành hạ hiệu quả nhất.

Kể từ khi các lớp học dạy đàn guitar bắt đầu vào đầu tháng 2 vừa qua, những cư dân của vùng Tahanan Santa Luisa đã nhìn thấy lợi ích chữa trị bằng âm nhạc. Diwata, người đã bị lạm dụng tình dục khi em còn sống trên đường phố, nói rằng lúc chơi đàn guitar, em có thể giãi bày sự đau khổ, giận dữ đến những người chung quanh vốn không hiểu được em.

Chơi đàn guitar cũng giúp cho các em cảm thấy được sống như những người cùng lứa tuổi có gia đình, quên đi cảm giác bị ruồng bỏ và bạc đãi. Một nghiên cứu của Trường đại học Melbourne, Australia, cho thấy giới trẻ từng trải qua kinh nghiệm đau thương có chiều hướng chia sẻ những cảm giác tiêu cực qua âm nhạc giúp các em bày tỏ nỗi lòng, quên đi quá khứ đau buồn và bắt đầu một đời sống mới.

Ngoài ra, việc dạy nhạc cho các em còn phát hiện được những tài năng âm nhạc trong số các em đã từng bị xâm hại. Theo thống kê của Bộ Trợ cấp xã hội Philippines, có ít nhất 20.000 em đã là nạn nhân của nạn buôn người kể từ năm 2001, và hơn 7.000 em đã bị hành hạ về thể xác hay tinh thần vào năm 2008 trong số 200.000 trẻ em đường phố ở Manila

Đ.K. (theo Reuters)
.
.