Xóm đèn dầu

Thứ Ba, 05/02/2013, 16:30

Trên quốc lộ 1A, khu vực giáp ranh từ Dốc Dù thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, có một xóm nhỏ đã dính chết với cái tên "Xóm đèn dầu". Cái khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống mưu sinh đã khiến nơi đây thành vùng đất dữ. Nhưng ở đó cũng có những cảnh đời thật thương tâm.

Vào nơi hành lạc

Mới 20 giờ, nhà cửa hai bên quốc lộ 1A đã tắt đèn tối om. Đường vắng tanh không một bóng người. Dưới ánh đèn pha từ những chiếc xe xuôi ngược Bắc-Nam, những chiếc võng trong những căn chòi tạm bợ bên đường thấp thoáng bóng người. Đáp lại ánh đèn pha của ôtô, những vệt đèn pin từ trong các căn chòi này quất ra loang loáng. Khi thấy chiếc xe tải nào chậm lại là từ trong những căn chòi đó mấy cô gái túa ra, quơ tay và đèn pin vẫy lia lịa.

Tại một căn chòi trước một ngôi nhà đóng cửa im ỉm và tối om, một chiếc xe tải tấp vào lề đường. Hai người đàn ông thò đầu ra cửa xe, dưới lề đường là 3 cô gái, mặt tô son trát phấn đang líu lo mời chào. "Một trăm hai là đúng giá rồi đó anh. Lon nước cho anh khi xong việc đã hai chục ngàn rồi…".

Tôi nhìn vào căn nhà tối om tỏ vẻ lo ngại. Đoán được ý, cô gái liến thoắng: "Làm ăn thì phải uy tín chứ anh! Tụi em mà  "làm gì" thì làm sao người ta dám tới nơi này nữa". Cô gái còn nói rằng xe tải, kể cả ôtô con cũng vào đây, đâu có bao giờ xảy ra mất mát gì.

Để khỏi phải vấp ngã, tôi phải nắm tay cô gái và dò dẫm từng bước vì những chiếc võng chăng ngang dọc. Trong ánh đèn pin lóe lên rồi tắt vội, tôi giật thót mình khi nhìn thấy trên một chiếc võng có người. Một ông cụ, chừng 70 tuổi, nằm im lặng như đang ngủ. “Anh đừng lo. Khách có xe cộ hay đồ đạc, ổng coi ngó cho”. Khi đã thỏa thuận xong và chuẩn bị vào "phòng", cô gái lấy theo một chai nước suối Vĩnh Hảo. "Để làm vệ sinh khi xong việc", cô gái nói.

Gọi đây là "nhà" cũng được mà là "chòi" cũng đúng bởi nó được che chắn bằng những mảnh tôn, cót và lá, ọp ẹp và cũ kỹ. Trời tháng chạp gió sâu hun hút, căn chòi như muốn bật lên khỏi mặt đất. Cô gái đưa khách ra phía sau nhà. Nơi hành sự là nền xi măng nhám trát sơ sài, “giường” là một ô vuông mỗi bề chừng 2m được trải một chiếc chăn bông mỏng dính và nhàu nhĩ.

Lấy cớ là không có phòng ốc đàng hoàng như lời "giới thiệu", tôi ra vẻ không hài lòng. Khác với cách vui vẻ mềm mỏng lúc đầu, giọng nói cô gái lúc này có phần đanh lại: "Anh đã vào đây rồi, anh nói không "đi" thì người của em cũng đâu có tin?". Hóa ra, dù đồng tiền bèo bọt, nhưng hoạt động này vẫn có bảo kê, dắt mối hẳn hoi.

Ông bà Năm Tốt.

Đất dữ!

Xưa kia, nơi đây rất heo hút. Là khu giáp ranh giữa hai tỉnh, xa dân cư, xa chính quyền, nên dân nghèo và tội phạm đổ về đây, lập nên cái xóm nhỏ này. Tất cả những công việc, cả việc phi pháp họ đều làm, để có cái ăn mà tồn tại. Đàn ông thì phá rừng, chặt cây, đốt than, xuống biển đào san hô, đánh cá bằng thuyền nhỏ. Trẻ con không đứa nào được học hành chuyên đi lượm mót san hô, mót cá và xin tiền khách qua đường dừng chân. Còn những người phụ nữ, các cô gái đêm đêm ra đứng đường đón khách là cánh tài xế xe tải  và cả dân đánh cá xa nhà tấp vào bờ trú chân.

Ngày ấy nơi đây chưa có điện. Ánh sáng duy nhất là những chiếc đèn bão đốt bằng dầu hỏa, các cô gái bán hoa dùng làm ám hiệu để mời gọi khách đi đường. Đến nay, khi điện đã có thì đèn dầu đã được thay thế bằng đèn pin, nhưng cái tên "xóm đèn dầu" vẫn dính chết với vùng đất này. Kiếp đời của những phụ nữ ở vùng đất này cũng buồn như những ngọn đèn dầu hiu hắt. Gái giang hồ trai tứ chiếng gặp nhau dễ kết thành chồng vợ. N., từ Cam Ranh vào đây, và gắn kết với một gã đàn ông. Khi đứa con được vài tháng tuổi, chồng N. bị xe tông chết. Chỗ dựa duy nhất mất đi, và cái khổ cái nghèo vây lấy khi không có tiền nuôi con nên chỉ vài tháng sau N. đã ra đường đón... khách.

Ở cái xứ nghèo khó này, không học hành, không nghề nghiệp, không ruộng đất, các cô gái gần như không biết làm gì khác, thậm chí có gia đình, tất cả phụ nữ đều đi đón khách. Vì vậy khi khách trả cho những lần vui chơi có khi là tiền, nhưng có khi là con cá đánh từ biển lên, các cô vẫn nhận. Điều đó lý giải vì sao, có những người chồng đêm đêm lại chở vợ “đi khách” và kiêm luôn... bảo kê cho vợ.

Một phụ nữ từ nhà cầm đèn pin đi đón khách ngay trong lúc các con đang học bài.

Bao giờ thoát khỏi bùn lầy?

Nguyễn Văn Hùng, biệt danh là Hùng "9 ngón" sinh năm 1970, từng là một tay anh chị kiêm bảo kê dắt gái khét tiếng ở vùng đất này trước đây. Nay Hùng đã rửa tay gác kiếm, lấy việc câu mực và bán san hô mưu sinh.

Hùng nói rằng những phận đời tủi buồn của những người phụ nữ bán hoa nơi  này, không thể nào kể cho xiết. Một chị tên Hòa, cả đời đem thân cho người khác mua vui để đổi lấy những đồng tiền, nhưng đến lúc sinh con không có nổi một đồng, hàng xóm phải gom góp người vài ngàn, kẻ lon gạo giúp đỡ. Không thể trụ nổi nơi vùng đất khắc nghiệt này, cách đây mấy năm chị đã bỏ đi sau khi giao một đứa con cho người khác nuôi, còn mình dẫn theo hai đứa.

Vợ của Hùng "9 ngón", chị Đặng Thị Mai, nói rằng ở vùng đất này chị không thấy được tương lai. Mấy chục năm qua, người dân đến nơi đây lập nghiệp vẫn không được xem như là cư dân hợp pháp. Tất cả đều không có hộ khẩu. Trẻ em không có giấy khai sinh. Nhà cửa không có giấy tờ. Đã không an cư thì làm sao lạc nghiệp, nên người dân nơi đây chỉ biết làm ngày nào ăn ngày ấy. Không dám đầu tư, không dám làm nghề, cuối cùng lại lao vào làm những việc phi pháp vì nhanh có tiền.

Người dân vùng đất này vẫn thường kể về hai vợ chồng ông bà Năm Tốt như bà Tiên, ông Bụt. Năm 1995, ông bà về đây, mở quán cơm, giờ chính là quán Suối Vĩnh Hảo. Không muốn những đứa bé lớn lên lặp lại cuộc đời của cha mẹ nó, bà Năm Tốt đã mở lớp học tình thương, dạy từ mẫu giáo đến lớp 5. 15 năm qua, lớp học này vẫn được duy trì. Hiện nay ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận đã công nhận lớp học này, những đứa bé học hết bậc tiểu học ở đây được quyền thi vào trung học cơ sở. Nhưng tiền lương giáo viên, tất cả mọi chi phí trường lớp vẫn do bà Năm chi trả.

Ngày đó vùng đất này không có nước, người dân vùng này phải mua với giá 150.000 đồng/10m3 do các xe bồn chở đến. Nước khan hiếm nên không dám tắm, trẻ con nổi ghẻ chóc đầy người. Ông Năm Tốt đã khảo sát và xây dựng một đường ống với số tiền gần 7 tỉ đồng, dẫn nước từ đỉnh núi cao cách đó hơn 8 cây số về cho dân dùng. Ai cũng thừa nhận, việc làm của ông bà Năm, ít nhiều cũng là một thứ ánh sáng soi rọi vào vùng đất này. Nhưng đó chỉ là những việc làm của tấm lòng từ tâm, giúp nhau trong cơn hoạn nạn.

"Khát khao lớn nhất của người dân nơi đây là có công ăn việc làm tử tế, để có một cuộc sống ổn định. Không ai muốn ra đứng đường hay làm việc gì phi pháp", ông Năm Tốt trầm ngâm nhìn ra mặt biển mênh mông

Đặng Vỹ
.
.