Xuân Bắc - Tự Long: Trẻ mãi không già

Thứ Ba, 17/06/2014, 15:45

Ngay từ đầu những năm 2000, tên của hai danh hài Xuân Bắc, Tự Long đã dính liền nhau, nổi như cồn. Người ta nhắc đến Xuân Bắc là có Tự Long. Nhắc đến Tự Long là có Xuân Bắc, như một tổng thể không thể tách rời. Công chúng khắp nơi yêu quý Tự Long, Xuân Bắc, nhưng thích nhất hai danh hài này phải nói là các cháu thiếu niên, nhi đồng. Quả là hai diễn viên này có lực hấp dẫn lớn với các trẻ nhỏ. Bọn trẻ hò reo ầm ĩ khi gặp hai danh hài và không ít trẻ ôm ấp, mến mộ coi hai danh hài là thần tượng. Cả hai được mệnh danh là những người đàn ông không tuổi...

Xuân Bắc và Tự Long ngay từ thời còn là sinh viên Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh (SK&ĐA) Hà Nội đã nổi như cồn. Trường đại học SK&ĐA Hà Nội vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước rất ít sinh viên. Cả trường biết nhau. Không những thuộc mặt mà thuộc cả tính cách của nhau. Cả Xuân Bắc và Tự Long khi ngồi trên giảng đường đại học đều là những sinh viên ưu tú và khá ấn tượng.

Xuân Bắc thì khỏi phải nói, gương mặt trong veo, trông hiền và tươi tắn, đặc biệt là nụ cười rất gây thiện cảm với người đối diện. Chả thế mà, với ngoại hình bắt mắt của mình ngay từ năm học đầu tiên, anh đã vượt qua bao nhiêu đối thủ, lọt vào cặp mắt xanh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên để đóng phim “12 A và 4 H”.

Phim truyền hình dài tập của đạo diễn họ Bùi nói về tình yêu, tình bạn trong sáng, ngây thơ, mơ mộng của lứa tuổi học trò. Cùng với nhiều gương mặt trẻ trong phim, Xuân Bắc trở nên rất “hot” và là gương mặt bắt đầu được các đạo diễn khác chú ý tới.

Năm thứ tư đại học cũng là năm tốt nghiệp ra trường, Xuân Bắc ghi điểm đậm khi đóng vai Núi trong phim truyền hình dài tập “Sóng ở đáy sông”. Bắc hóa thân xuất sắc đến độ bộ phim này ngay từ khi lên sóng và nhiều năm sau này người ta gọi Xuân Bắc là anh Núi. Đấy là trên phim, Xuân Bắc đóng sinh viên trong sáng, hiền lành hay nhân vật cùng cực của nỗi đau, nỗi khổ, vạ vật ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, số phận vô cùng thảm thương bi thiết, chứ ở ngoài đời, đúng như cái tên của anh - Xuân Bắc, đời Bắc rất Xuân.

Xuân Bắc sinh vào tháng 8/1976. Nói theo thuật tử vi có nghĩa là anh cầm tinh con rồng và sinh vào mùa hè nghĩa là được mùa sinh. Ngay từ năm đầu khi các bạn sinh viên cùng lứa mới lướt qua màn hình với những vai quần chúng nhỏ lẻ, xuất hiện vài phút vài giây thì Xuân Bắc đã in hình mình vào vai cậu học trò trong veo trong “12 A và 4 H”. Sau đó với gương mặt gây nhiều thiện cảm,  anh lại tiếp tục chiếm ưu thế với nhiều phim truyền hình khác.

Quê anh ở thành phố Việt Trì nên khi đỗ đại học, anh ở khu nội trú dành cho sinh viên trong trường. Một phòng thường có từ 4 đến 6 sinh viên. Người khóa trên ở cùng phòng với người khóa mới vào. Khu nội trú chỉ chia ra các phòng theo lớp khác nhau. Phòng dành cho lớp diễn viên, lớp mỹ thuật, lớp đạo diễn, lớp múa… Xuân Bắc ở cùng phòng với những diễn viên khóa trên và khóa dưới của lớp diễn xuất.

Tuy nổi tiếng như vậy nhưng Xuân Bắc không có kiểu kênh kiệu, làm hàng của một ngôi sao. Anh hòa đồng và vui vẻ với tất cả mọi người. Nói Xuân Bắc là một sinh viên ấn tượng nhất trường thì hơi quá, bởi vì Trường SK&ĐA Hà Nội là trường nghệ thuật, sinh viên mỗi người một cá tính rất riêng và không ít người trong số họ phong cách đặc biệt rất ấn tượng.

Sinh viên của Trường SK&ĐA Hà Nội ấn tượng đến độ, nếu một người lạ “lạc” đến đây nhìn sinh viên của trường theo hình thức bên ngoài đã biết ai học ngành nào, lớp nào. Trông ra “chất” ngay. Đương nhiên sinh viên lớp quay phim khác với sinh viên lớp biên kịch, khác xa với lớp diễn viên, hay lớp mỹ thuật. Mỗi lớp có một gu riêng, rất riêng. Nhưng, có một điều không thể phủ nhận Xuân Bắc là gương mặt nổi như cồn trong trường, không phải vì đóng phim mà vì cứ gặp Bắc là đã thấy ríu rít, líu lo như chim sẻ và mặt tươi như hoa. Xuân Bắc hay kể những câu chuyện vui, nói năng lại hài hước, dí dỏm nên được thầy cô và bạn bè  yêu quý.

Nổi đình nổi đám với Xuân Bắc còn có một nhân vật khác nữa ở trong ký túc của trường với biệt danh: Long “chèo”, đó chính là Tự Long. Lúc đấy hai cái tên Xuân Bắc - Tự Long chưa gắn chặt nhau như sau này, mà là hai cá thể đứng tách rời riêng biệt. Cùng là diễn viên nhưng Xuân Bắc là diễn viên Khoa Sân khấu. Tự Long là diễn viên khoa Kịch hát dân tộc.

Tự Long gương mặt tròn xoe, mắt cũng tròn, miệng càng tròn hơn nữa. Chưa nhìn thấy người đã thấy tiếng. Long “chèo” hát véo von suốt ngày. Cũng líu lo ríu rít như chim sâu và cười tươi như hoa. Nếu mở cuộc thi nói và miệng lúc nào cũng nở nụ cười cho khoảng 500 sinh viên trong trường thì chắc chắn Xuân Bắc và Tự Long sẽ đoạt giải.

Tự Long sinh ra trong cái nôi quan họ Bắc Ninh. Cả bố và mẹ đều là liền anh, liền chị. Ngay từ thủa thơ bé tiếng hát lời ca giai điệu đã ngấm vào máu thịt trong con người anh để anh trở thành sinh viên ưu tú của lớp chèo với biệt danh Long “chèo”.

Tự Long thì chưa thấy người đã thấy tiếng. Anh hát khá mùi mẫn và ấn tượng. Trên tay hay cầm quạt giấy phe phẩy trông rất ra chất chèo. Tự Long nói nhiều, nói duyên, đúng chất của một diễn viên khoa kịch hát, miệng nói, mắt nói, tay chân nói. Khi Long mấp máy môi cả cơ thể của anh chuyển động nghiêng ngả như gió. Hội sinh viên ở ký túc bảo nếu có chuyện buồn gặp một trong hai người này coi như một liều thuốc cực mạnh chống căn bệnh stress.

Là sinh viên, cả hai đều ăn cơm bụi, ngồi trà đá, đạp xe đạp giống như tất cả các sinh viên khác. Tự Long cầm tinh con trâu, sinh năm 1973. Anh thổ lộ đời anh không có gì khổ cực bằng “bịt miệng và trói chân”. Chính vậy mà sinh viên chúng tôi đến trường rồi qua khu ký túc nhìn thấy anh luôn. Long “chèo” chẳng chịu ngồi yên, hay đi lại tứ lung tung và nói như súng liên thanh nhưng rất duyên và ấn tượng.

Có lẽ sự độc đáo và duyên dáng của cả hai nam sinh viên đặc biệt này mà nữ sinh ở trong trường bủa vây và bắn trúng tim đen. Hồng Nhung, sinh viên Khoa Diễn viên sân khấu đã “tóm gọn” Xuân Bắc trong tay. Và Minh Trang - sinh viên Khoa Mỹ thuật cũng dính chặt Long “chèo” như hình với bóng. Năm 1998, cả hai đều tốt nghiệp ra trường. Xuân Bắc về đầu quân ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Tự Long về Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần. Chỉ một thời gian ngắn sau cả hai tham gia chương trình Gặp nhau cuối tuần và là gương mặt hài khó thay thế.

Trong các buổi quay hình của Xuân Bắc - Tự Long, ở hàng ghế khán giả người ta thấy Hồng Nhung và Minh Trang mặt mày rạng rỡ, cười nghiêng ngả bởi sự thông minh, dí dỏm của hai chàng. Sau này, cả hai cô sinh viên Trường đại học SK&ĐA Hà Nội làm vợ của hai danh hài. Cả Hồng Nhung và Minh Trang đều là con gái đất Hà thành. Tự Long sau khi lập gia đình anh ở trong khu phố cổ Hà Nội, trên con phố Hàng Bồ. Tổ ấm của vợ chồng anh có một cậu con trai kháu khỉnh đáng yêu.

Tự Long vẫn thường tâm sự rằng cầm tinh con trâu nên số anh vất vả, cày bừa trên cánh đồng nghệ thuật rộng mênh mông, lao động cật lực để có được thành quả. Tự Long yêu công việc của mình và là người cầu toàn nên gắng sức chỉn chu hết mình cho công việc. Có những khi việc ngập đầu, lịch quay ở đài truyền hình, lịch tập ở nhà hát chèo khiến anh quay như chong chóng và anh sợ nhất là tắc đường.

Có những khoảng thời gian lịch quay, lịch tập, lịch diễn chồng chéo liên miên, anh ngậm ngùi bảo phục vụ khán giả còn nhiều hơn phục vụ vợ con.  Và, mỗi khi nghĩ về cậu con trai bé nhỏ của mình lòng anh lại se sắt, dâng lên tình yêu thương vô hạn.

Xuân Bắc cũng kịp cho ra đời hai cậu nhóc đáng yêu. Xuân Bắc tham gia nhiều chương trình truyền hình đa phần liên quan đến trẻ con. Mỗi khi bật tivi bắt gặp Xuân Bắc trong chương trình “Đuổi hình bắt chữ” là lại thấy anh ăn mặc hoa hòe với nụ cười thường trực trên môi. Chúng tôi, những cựu sinh viên, mỗi lần gặp nhau thường đùa Xuân Bắc phải có đến hàng trăm áo sơ mi hoa, chim cò các loại.

Nhiều đến độ có thể đưa vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Không còn giáp mặt chạm trán nhau liên tục như hồi còn sinh viên, chúng tôi gặp hai người bạn cũ gián tiếp trên chương trình truyền hình hay trực tiếp những buổi đi xem kịch ở nhà hát. Thỉnh thoảng lại đọc những bài phỏng vấn các anh trên các trang báo mạng và bật cười về độ hài hước của cả hai, vẫn tinh nghịch như thuở nào.

Xuân Bắc khi được hỏi nếu không làm nghệ sĩ anh sẽ làm gì?. Anh trả lời: “Nếu không làm nghệ sĩ tôi sẽ làm… y sĩ”. Hỏi tiếp: “Nếu không đóng kịch, đóng phim anh sẽ làm gì?”. Xuân Bắc dí dỏm: “Nếu không đóng phim, đóng kịch, tôi sẽ đi… đóng gạch”.

Các bạn sinh viên ngày ấy, giờ ai nấy đều đã yên bề gia thất, chồng con đề huề. Bọn trẻ nhỏ, con chúng tôi cứ mỗi dịp 1-6 là lại ỉ ôi bằng được đi xem chú Xuân Bắc - Tự Long đóng Đại Ma Vương.  Có đứa lại nì nèo đòi nối máy để nói chuyện bằng được với hai chú.

Cả hai danh hài đều có tình yêu đặc biệt với trẻ nhỏ. Đã qua đi bao nhiêu mùa hè với hoa phượng rực rỡ, và những cánh bằng lăng tím biếc, tuổi học trò trong trắng và ngây thơ, tuổi sinh viên mộng mơ và hoài bão, hình như cả hai chưa bao giờ già theo tháng năm. Họ vẫn sống trong thế giới mà xung quanh là trẻ nhỏ, để đến  tháng 6 là cả hai lại có kịch bản mới hết người dơi, người nhện, đến Đại Ma Vương để phục vụ cho các em thiếu nhi.

Lúc họp lớp, họp trường chúng tôi vẫn hình dung một Xuân Bắc, một Tự Long của 10 năm sau sẽ như thế nào?! Chắc vẫn vậy mà thôi. Vẫn vây xung quanh các anh là một đàn trẻ nhỏ. Vẫn ầm ào và bão giông trên sân khấu. Cả hai đều đã được bầu chọn là Công dân ưu tú của Thủ đô. Điều đấy, với chúng tôi cũng chả có gì đáng ngạc nhiên vì cả hai, ngay khi ngồi trên giảng đường đại học đã là người mang trong mình một ngọn lửa của nhiệt huyết, say mê cống hiến

Trần Mỹ Hiền
.
.