Xung quanh chuyện "qua mặt" giám định viên pháp y

Thứ Bảy, 28/11/2009, 11:20

Người ta hay đồn rằng: Trong các vụ án hình sự cố ý gây thương tích, người được giám định tỉ lệ thương tật hay dụng chiêu đánh lừa giám định viên để mong được tỉ lệ thương tật cao, để cho người đánh mình, gây tai nạn cho mình phải đi tù và  được bồi thường nhiều.  Vậy chuyện này có thật không và giám định viên pháp y có dễ bị lừa?

Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an nhận được quyết định trưng cầu giám định (GĐ) lại của Công an (CA) huyện Nam Đàn, Nghệ An... Tóm lược vụ việc như sau: Công an huyện, Thường trực HĐND, UBND huyện Nam Đàn; Ban giám đốc, Cơ quan CSĐT, Thanh tra CA tỉnh và Viện KSND tỉnh Nghệ An nhận được nhiều đơn của Nguyễn Văn Đông và vợ là Nguyễn Thị Hải Yến, trú tại khối Yên Khánh, thị trấn Nam Đàn, khiếu nại CA huyện Nam Đàn ra Quyết định khởi tố bị can đối với Đông là trái pháp luật...

Tài liệu điều tra cho biết: Do cần tiền nên anh Lê Chư Phượng đưa cho Hoàng Hồng Hải (từ đây gọi tắt là Hoàng Hải, đều trú tại thị trấn Nam Đàn) chiếc đồng hồ SK đi cầm. Hoàng Hải vào quán Karaoke của Nguyễn Thị Hải Yến. Yến không cầm nên Hải đi về quán đồng hồ của anh rể là Cường cách đó vài chục mét vay tiền. Các bạn của Hải là Nguyễn Hoàng Hải (gọi tắt là Nguyễn Hải) và Nguyễn Minh Tuấn (đều trú tại TP Vinh) thì ngồi trên xe máy dừng ngoài QL 46 trước cổng nhà Yến đợi. Hai tiếp viên quán Yến ra chèo kéo...

Thấy Trương Thị Hoài Thương chân đạp đạp vào xe, tay lắc lắc giỏ xe của mình với vẻ sàm sỡ thì Nguyễn Hải chửi Thương. Yến chạy ra chửi Nguyễn Hải. Nguyễn Hải chỉ mặt chửi lại. Yến hô: "Quân ni đập tui anh Đông ơi". Nguyễn Văn Đông - chồng Yến hất đổ mâm cơm rượu. Dũng (bảo kê của quán Yến) cầm bát chạy ra ném vào mặt Nguyễn Hải làm Hải chảy máu mặt.

Hoàng Hải thấy ồn liền chạy đến. Hoàng Hải nói: "Quân ni là bạn em, có gì sai mong anh chị thông cảm". Yến hô: "Dắt xe vào bay ơi" và liền tay dắt xe Dream của Tuấn... Hoàng Hải xin đừng đưa xe vào nhà và tay giữ xe thì Yến; Dũng, Lương (bảo kê) gạt ra, Yến đẩy xe vào nhà. Tuấn bẻ cọc bờ rào đánh Đông nhưng không gây thương tích. Yến hô đưa kiếm ra thì Tuấn, Hoàng Hải dìu Nguyễn Hải ra đường đi về.

Trên đường gặp Phượng thì nói cho Phượng biết đồng hồ không cầm được đã mất và xe bị giữ. Khi CA đến nơi thì chỉ còn người nhà Đông. Lúc sau Hoàng Hải đến để xin xe.  Đông bảo vào nhà nói chuyện. Hoàng Hải vào nhà thì Đông và Yến kéo cửa lại. Đông nói: "Hải, răng mi đưa quân Vinh đến quấy phá, tau giết mi", rồi vung lê chém Hải. Hải dùng chai đánh lại. 

Công an Nam Đàn khám nghiệm hiện trường thu được một dao lê, một tuốcnơvit, vỏ chai CocaCola vỡ... Bản GĐ y pháp của Tổ chức GĐPY Nghệ An kết luận: Đông bị tổn hại 11% sức khỏe, trong đó 6% vĩnh viễn do sẹo, 5% tạm thời do "chấn động não rất nhẹ" - một tỉ lệ vừa đủ để khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) Công an huyện Nam Đàn đã khởi tố bị can đối với Hoàng Hải...

Tuy nhiên, Đông, Hải vừa là bị can, vừa là bị hại  nên kết quả GĐ tỉ lệ thương tật (TLTT) và cơ chế hình thành thương tích của Hoàng Hải cũng đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với Đông. Tài liệu điều tra chứng minh được Đông dùng lê chém Hải, khi vật lộn đã cắn Hải. Đông và Yến không chấp hành quyết định triệu tập của Cơ quan điều tra lại liên tục gửi đơn đi nhiều nơi với nội dung bịa đặt. Thị Yến còn đi vận động người làm chứng cho mình và viết đơn tố cáo cán bộ công an. Để trốn tội, Đông khai man là do bị Hải tấn công trước nên con Đông là Phú phải đánh Hải. Nhưng Phú mới có 13 tuổi không thể gây thương tích trên đầu người cao 1m70 như Hải. Khoảng 7 tháng sau, Nguyễn Văn Đông nhập viện tâm thần Nghệ An, số bệnh án 2171.

Thị Yến khai bệnh sử: Đông bị dao và côn chém, đập túi bụi vào đầu, máu chảy lênh láng. "Thủ phạm" bỏ lại xe máy khi tẩu thoát... Hiện Đông đau khắp đầu và toàn thân; đêm không ngủ; ngồi dậy thì loạng choạng muốn ngã, mắt nhắm nghiền; hoảng hốt sợ hãi; đau thắt trong ngực hoặc cảm giác như ngực bị đè bởi một vật rất nặng; hay cáu gắt; xuất hiện trạng thái trầm uất... Còn bệnh viện mô tả một bệnh cảnh rối loạn tâm thần: tư duy chậm chạp, không muốn trả lời, ngại suy nghĩ; đau đầu dữ dội, tức ngực khó thở... Hội chẩn toàn viện chẩn đoán là suy nhược chấn thương.

Trả lời Công văn số 59 - CANĐ của CA Nam Đàn, BV khẳng định: "... Đông chỉ bị suy nhược sau chấn thương (...) là hoàn toàn phù hợp". Tuy nhiên, nếu đúng Đông mắc di chứng chấn thương này thì TLTT nhẹ nhất theo barem thương tật hiện hành là 21%! Tổ chức GĐPY tâm thần Nghệ An từ chối GĐ (QĐTCGĐ số 11 của CA Nam Đàn) trạng thái tâm thần cho Đông vì bệnh án "có những tình tiết chưa phù hợp"..."vượt quá phạm vi chuyên môn"... Có điều lạ là Tổ chức GĐPYTT  của tỉnh lại nằm trong BV tâm thần?

Việc Tổ chức GĐPY Nghệ An định cho Đông 5% TLTT do "chấn động não rất nhẹ" là quá sai vì barem thương tật không có mục tỉ lệ cho bệnh cảnh này. Chấn động não có những triệu chứng bệnh lý xuất hiện trong vài ngày đầu ngay sau chấn thương. Nguyên tắc phải điều trị ổn định các triệu chứng này mới GĐ, nghĩa là GĐ di chứng của chấn động não (nếu có).

Theo hồ sơ thì sau hai tháng mới GĐ, vậy lấy đâu ra "chấn động não". Khám GĐ cho Đông, các GĐVPY Bộ CA thấy trạng thái tâm thần (tri giác, tư duy, cảm xúc, ý thức, trí tuệ...) của Đông hoàn toàn bình thường. Có điều các biểu hiện lâm sàng của hội chứng suy nhược sau chấn thương sọ não anh ta kể mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với thực thể. Nếu là thực thể, chẳng hạn hẹp hở van tim thì nghe thấy tiếng thổi; viêm họng thì khám thấy họng đỏ, viêm tấy hoặc có mủ... Hội chứng suy nhược chủ yếu là các triệu chứng cơ năng (đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém, đắng miệng...) tức là rặt những cái chủ quan, người kể có thể bịa ra mà bác sĩ GĐ viên không sờ, nhìn, nghe, xét nghiệm thấy được. Nhưng những triệu chứng này không được mâu thuẫn nhau và nếu có phải phù hợp với điện não đồ.

Hỏi Đông đau đầu mất ngủ uống thuốc gì? Anh ta bảo uống Lincocin và B12. Độc giả chắc cười vì anh này văn hóa lớp 3. Tuy nhiên, những người đến GĐ không thiếu gì hạng ma mãnh hay có văn hóa cao, nhiều khi lại được bác sĩ "gà" cho, nhưng hỏi sâu đến ngọn nguồn của triệu chứng thì sẽ lòi "đuôi" nói dối vì họ đâu phải là bác sĩ và càng không phải là bác sĩ chuyên khoa. Ghi điện não, chụp cắt lớp sọ của Đông đều không thấy bất thường. PY Bộ CA kết luận: Đông không rối loạn tâm thần, không có hội chứng suy nhược sau chấn thương sọ não và TLTT của Đông được ấn định 6% bởi các vết sẹo đầu.

Trường hợp khác: Do mâu thuẫn anh Đỗ Ngọc Hồng và anh em Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Văn Thọ ở thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa đánh nhau. Thọ ném đá vào vai anh Hồng. Hồng vớ ống nước sắt phi 27 mm, dài 60 cm đánh vào đầu Hậu hai nhát. Hậu được đưa vào Bệnh viện Hợp Lực, Thanh Hóa cấp cứu...

Bản xếp hạng TT số 22 của Tổ chức GĐPY Thanh Hóa kết luận anh Hậu tổn hại 65% sức khỏe, trong đó 61% do liệt nửa người phải, 4% là các sẹo. TLTT này ở vào khoản 3 của tội danh Cố ý gây thương tích (điều 104,BLHS) cộng với hung khí nguy hiểm (ống sắt) nên Hồng bị xử theo khoản 4 điều này, nghĩa là ít nhất cũng bị 15 năm tù giam. Anh Hồng khiếu nại với lý do kết luận GĐ không khách quan. Xem xét bản xếp hạng thương tật của Tổ chức GĐPY Thanh Hóa, các GĐVPY Bộ CA thấy: Các GĐVPY Thanh Hóa cộng thẳng các thương tật của anh Nguyễn Văn Hậu là sai vì trường hợp này hoàn toàn không có đủ điều kiện để được phép cộng thẳng mà phải cộng lùi.

Các bác sĩ giải thích: cho thẳng, cộng thẳng, cộng lùi là các nguyên tắc tính TLTT, nhưng cho thẳng và cộng thẳng TLTT là hãn hữu và phải tuân theo những điều kiện ngặt nghèo, thường chỉ áp dụng trong GĐ y khoa chứ PY thì vô cùng hiếm hoi. Thứ hai là đọc kết quả điện não rất tùy tiện, chẳng hạn "sóng cơ bản Alfa giảm nhiều..., Theta giảm nhiều". Điện não phải đọc hai thông số là tần số (chu kỳ/giây) và biên độ dao động (micronmet) của một sóng. Đọc là giảm thì giảm cái gì? Tuy nhiên, đáng quan tâm hơn là mô tả "nạn nhân không đi lại được phải ngồi xe đẩy; tiếp xúc khó khăn phải thông qua vợ..." và tình trạng này có vẻ phù hợp với kết quả khám chuyên khoa Thần kinh: "Liệt 1/2 người phải trí thức suy giảm".

Cũng theo các GĐV PY Bộ CA thì lại có chuyện đáng nói trong kết luận chuyên khoa này! "Trí thức" là cụm từ để chỉ một thành phần người có tri thức cao hơn các thành phần khác trong một xã hội. Chuyên khoa Tâm thần không có thuật ngữ này mà chỉ có tri giác, trí tuệ, ý thức... Có lẽ bác sĩ này muốn nói đến sự suy giảm các mặt hoạt động tâm thần nhưng lại dùng không đúng thuật ngữ chuyên ngành. Tựu trung lại có thể hiểu họ muốn nói rằng: Liệt nửa người bên phải là do tổn thương não và rối loạn tâm thần cũng là một hậu quả của tổn thương não? Tuy nhiên cả hai vế của kết luận chuyên khoa này đều không thể chấp nhận được về mặt chuyên môn là: không mô tả các triệu chứng của "liệt" cũng như không mô tả các triệu chứng của suy giảm "trí thức".

Nhìn tổng thể, chẩn đoán chuyên khoa Thần kinh này rất logic với thương tích mà Bệnh viện Hợp Lực mô tả trong bệnh án: Rách da vùng trán đỉnh 6cm lộ xương sọ; rách da vùng chẩm 3x1cm; sưng nề bầm tím mắt phải; sưng nề vùng thái dương trái...; chụp cắt lớp sọ não: "vỡ xương thái dương trán, kèm máu tụ ngoài màng cứng não vùng hố thái dương trái". Nhưng cũng bệnh án này lại có chẩn đoán ra viện (chẩn đoán cuối cùng, chính xác nhất) khác trước là: "Dập não, máu tụ ngoài màng cứng, rạn xương sọ".

Khi đến GĐ ở Viện KHHS anh Hậu ngồi trên xe lăn (đem lên tàu từ nhà), hai mắt nhắm nghiền, không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Quan sát toàn thân nhất là khí sắc (biểu hiện của nét mặt) các GĐV thấy anh ta không phải là người liệt và rối loạn tâm thần đã 7 tháng. Cầm cổ tay "liệt" kéo, bảo anh ta kéo ngược lại thì cảm giác anh ta không kéo chứ không phải mất cơ lực (khả năng xách, kéo, đẩy...) của tay. Kiểm tra trương lực cơ (độ rắn chắc của cơ bắp) thấy đồng đều hai tay phải và trái. Cầm tay phải giơ lên cao rồi bỏ rơi đột ngột thì tay không rơi đến mặt giường, nghĩa là anh ta dùng cơ lực để tay không rơi tự do, điều đó nói rằng tay phải anh ta vẫn có chỉ huy, nghĩa là không liệt. Nếu làm như vậy với người liệt thì tay rơi xuống giường như một khúc gỗ.

Quan sát thấy khi ở tư thế gây khó chịu hoặc đau (lúc chụp X-quang hay được bế vào ôtô) thì anh ta xoay trở nhẹ nhàng tay, chân về tư thế thuận lợi, dễ chịu. Không khám được cảm giác vì anh ta "không hợp tác". Nhưng khám phản xạ (PX) gân xương, da bụng, da bừu thấy rất đồng đều ở hai nửa người. Đây là những PX rất khách quan, với người liệt thì các PX này tăng ở bên liệt. Mặt khác, khi liệt thì những PX bệnh lý chứng tỏ bó tháp của thần kinh trung ương bị tổn thương phải dương tính. Anh ta luôn nhắm nghiền hai mắt nhưng đồng tử lại PX tốt với ánh sáng.

Khám 12 đôi dây thần kinh sọ não, trong đó có những dây chi phối mắt cũng thấy bình thường. Trương lực cơ và cơ lực bình thường; không thấy teo cơ (liệt lâu ngày sẽ teo cơ bên liệt)... Chụp lại X-quang thấy đúng là có vỡ rạn xương thái dương trái. Các GĐVPY Bộ CA kết luận: Không liệt 1/2 người phải; tổng hợp tổn thương xương sọ và các sẹo theo nguyên tắc cộng lùi, TLTT của anh ta còn 26,4%, nghĩa là khung hình phạt áp dụng cho anh Hồng ở vào khoản 2, điều 104 BLHS (ít nhất là 2 năm tù giam, TLTT ở khoản 1, nhưng dùng hung khí nguy hiểm).

Hậu vụ GĐ này các GĐV được biết anh Hồng gửi đơn tố cáo anh Hậu (có xác nhận của một số người dân thị trấn) sau khi ra viện vẫn đi lại bình thường. Khi đi GĐ ở tỉnh giả vờ ngồi trên xe lăn, mắt nhắm nghiền, không nói không rằng. Vì hai nhà sát nhau nên anh Hồng đã bí mật theo dõi và quay video cảnh sinh hoạt nhà Hậu rồi chiếu cho mọi người xem, thấy Hậu vẫn đi lại, làm việc bình thường. Ban ngày không ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi đêm khuya... Sau khi từ Hà Nội về nhà Hậu đàng hoàng đi ra khỏi nhà vào ban ngày vì đã biết không cần giả vờ thêm nữa!

Để kết thúc xin kể chuyện: Một chị người dân tộc ít người đi GĐ TLTT, chị ta bị thương tay trái và khai đó là tay thuận. Một lúc sau, rất tự nhiên BS bảo chị lấy hộ một vật và chị ta cầm vật đó bằng tay phải không hề gượng gạo. Gạn hỏi, chị ngượng ngùng nói vì tay thuận được tỉ lệ cao hơn (rất đúng barem thương tật). Thế mới biết, ai đi GĐTLTT cũng muốn được tỉ lệ cao. Nhưng để lừa dối những GĐ VPY có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng và tâm trong sáng thì không dễ tí nào, trừ khi họ "muốn" bị đánh lừa như những chuyện kể trên

Kiên Cường
.
.