Xung quanh đề xuất cấm xe khách giường nằm chạy trên các tuyến đường đèo, dốc

Thứ Sáu, 19/09/2014, 22:45

Liên tiếp các vụ xe khách giường nằm gây tai nạn xảy ra thời gian qua, đặc biệt là vụ việc xe khách bị lao xuống vực khi lưu thông từ Sa Pa về Hà Nội ngày 1/9 vừa qua khiến 48 người thương vong đã khiến các cơ quan quản lý hoạt động vận tải khách đường bộ phải lên tiếng xem xét việc cấm xe khách chạy trên các chặng đường đèo. Thông tin này khiến nhiều chủ doanh nghiệp có xe giường nằm hoạt động trên các tuyến miền núi tỏ ra hoang mang, lo lắng và bày tỏ những ý kiến trái chiều.

Xe giường nằm soán ngôi trong vận tải khách đường bộ 

Chỉ sau vài năm đồng loạt xuất hiện, xe khách giường nằm gắn máy lạnh mát rượi, sạch sẽ với cung cách phục vụ chuyên nghiệp đã tạo nên hiện tượng đột biến trong vận tải khách liên tỉnh đường bộ để nhanh chóng soán ngôi, dần thay thế cho những dòng xe khách ghế ngồi đời cũ.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho hay, hiện trong số 2.790 đầu xe của các doanh nghiệp, nhà xe hoạt động trong bến xe này, thì xe giường nằm đã chiếm chừng 1.198 chiếc. Tuy chỉ chiếm 43% về số đầu xe, nhưng xe giường nằm đã chiếm ưu thế với tỉ lệ 55% trong tổng số 97.880 chỗ dành cho khách. Hầu hết các tuyến liên tỉnh có cự ly trên 300km đều đã được doanh nghiệp vận tải, nhà xe ở đây đầu tư xe giường nằm.

Công bằng mà nói, dòng xe xịn với giá trên dưới 3 tỉ đồng mỗi chiếc này ngay từ khi mới xuất hiện đã được hành khách nhiệt tình đón nhận. Cứ nhìn vào hiện tượng hành khách phải đặt chỗ trước mấy tháng; rồi xếp hàng rồng rắn đợi tới lượt lấy phiếu hẹn mua vé hoặc chờ lấy vé xe giường nằm của các nhà xe thương hiệu, doanh nghiệp vận tải khách chất lượng cao ở Bến xe Miền Đông, Miền Tây của TP HCM mỗi dịp lễ, tết… dù giá vé có cao hơn gấp rưỡi xe thường và cao bằng vé tàu hỏa hạng khá đã đủ thấy hành khách khoái đi loại "xe được nằm” này tới mức nào. Như dịp tết Giáp Ngọ vừa qua, trong khi các nhà xe giường nằm bán trước được cả trăm ngàn vé trước tết 2 - 3 tháng trời, thì ngược lại, lượng vé do Bến xe Miền Đông bán trước để đi các dòng xe thường, ghế ngồi khác chưa được 1.000 chỗ.

Cục Đăng kiểm cho biết, hiện cả nước hiện có hơn 4.500 xe khách giường nằm, trong đó có 859 xe được hoán cải từ các dòng xe chở khách vốn lắp ghế ngồi; hơn 3.600 xe sản xuất, lắp ráp mới trong nước; số còn lại là xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài và xe chở khách giường nằm một tầng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ tháng 4 vừa qua, Cục Đăng kiểm cũng đã ngưng cấp phép hoán cải xe ghế ngồi thành xe giường nằm. Trên thực tế, nhìn vào kinh nghiệm kiểm soát tốc độ, ngăn ngừa tai nạn giao thông (TNGT) của Hãng xe khách Phương Trang, với 600 chuyến xe chạy trên đường mỗi ngày, trong đó có 300 chuyến xe giường nằm và cũng có tuyến chạy qua đèo hoặc các tuyến có mật độ phương tiện dày đặc. Song tỷ lệ gây TNGT của hãng chỉ này chiếm 0,1% do nguyên nhân khách quan đưa đến.

Để giảm thiểu TNGT trên đường, hãng xe này đã bố trí nhân sự kiểm soát tốc độ xe khách qua hộp đen, chỉ cần tài xế nào chạy quá tốc độ, lập tức bị gọi điện thoại trực tiếp nhắc nhở. Để đảm bảo thời gian hành trình trên tuyến, hãng xe đã rút ngắn thời gian dừng chờ không cần thiết, chứ dứt khoát không cho phép tài xế chạy quá tốc độ cho phép để bù vào thời gian "chết" do dừng nghỉ đón trả khách, lên xuống hàng hóa và dừng nghỉ trên đường. Trước khi xe xuất bến, việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật cũng được hãng tuân thủ. Vì vậy, chỉ cần các chủ xe, hãng vận tải khách thực hiện được như trên, TNGT liên quan đến xe khách giường nằm nói riêng, xe khách chất lượng cao nói chung sẽ giảm.

Song dù đã có thể kiểm soát tốc độ xe khách giường nằm qua hộp đen, nhưng ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM vẫn lo ngại trước tình trạng chưa có bản đồ tốc độ giao thông cụ thể trên từng tuyến, từng đoạn. Hiện cơ quan chức năng mới chỉ có thể kiểm soát được tốc độ tối thiểu và tối đa với xe khách giường nằm qua hộp đen trên từng tuyến.     

Xe khách giường nằm có an toàn?

Tính từ tháng 1/2013 đến nay, cả nước đã xảy ra 22 vụ TNGT thảm khốc liên quan đến xe khách giường nằm. Và không có vụ nào được xác định là do nguyên nhân kỹ thuật, và 19/22 vụ tai nạn xảy ra đối với xe được sản xuất, lắp ráp mới chứ không phải xe hoán cải.

Cụ thể hơn, đã có hơn 86% số vụ TNGT xảy ra trong thời gian đêm và sáng sớm. Đồng thời có khoảng 30% số vụ xảy ra trên các đoạn đường đèo núi hẹp, dốc, tầm nhìn hạn chế. Thời gian gần đây, Cục Đăng kiểm cũng đã kiểm tra được 650 xe giường nằm, với đánh giá chất lượng được khẳng định là ổn.

Trước đó, trong một lần trả lời trước công luận vào cuối năm ngoái về vấn đề an toàn kỹ thuật đối với xe giường nằm, một lãnh đạo Cục Đăng kiểm đã khẳng định: xe khách giường nằm 2 tầng được sản xuất, lắp ráp, cải tạo giống như ôtô khách thông thường nên có cùng kích thước cơ sở và trọng lượng toàn bộ với ôtô khách thông thường. Việc xem xét độ ổn định, tức khả năng kháng lật đổ ngang của xe khách giường nằm 2 tầng tập trung vào kiểm tra thiết kế và thử nghiệm theo quy định. Khả năng chống lật ngang khi chuyển động trên đường của ôtô được thể hiện qua thông số góc ổn định ngang.

Cơ quan Đăng kiểm cũng đã sử dụng thiết bị đo góc nghiêng ngang để kiểm tra góc ổn định tĩnh ngang không tải để thực hiện đo kiểm tra chiều cao trọng tâm thực tế của một số xe khách giường nằm 2 tầng.

Kết quả thử nghiệm, kiểm tra cho thấy góc ổn định ngang của các xe đã được thẩm định thiết kế đều đạt yêu cầu. Như vậy, về mặt kết cấu, xe khách giường nằm hai tầng có các đặc tính, thông số kỹ thuật thỏa mãn các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo ổn định khi tham gia giao thông. Tính ổn định của xe khách giường nằm khi tham gia giao thông phụ thuộc kết cấu các hệ thống tổng thành như kích thước xe, chiều cao trọng tâm, tốc độ xe, quãng đường phanh, hệ thống treo và việc điều khiển của người lái như sử dụng phanh; tốc độ xe; cách lái xe; cách sử dụng tay số trên đường vòng, đường đèo dốc…

Nên việc nhiều xe khách giường nằm gặp tai nạn, vị đại diện Cục Đăng kiểm cho rằng cần phải kiểm tra xem lái xe chạy trên đường có đảm bảo tốc độ theo quy định; có tuân thủ các biển báo hay không khi vào các đoạn đường cua, đường đèo dốc hoặc các đoạn nguy hiểm. Nếu không đảm bảo các điều này thì không chỉ xe hoán cải hay không hoán cải, 1 tầng hay 2 tầng giường nằm mà cả các loại xe khác cũng vẫn có thể gặp tai nạn.

Vẫn có nhiều ý kiến trái chiều

Dù DN đang có tới vài trăm đầu xe giường nằm, song ông Trương Ngọc Thu, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Trang lại tỏ rõ quan điểm ủng hộ việc cấm xe giường nằm chạy trên các tuyến đường đèo. Thậm chí ông Thu còn ủng hộ việc cấm hoàn toàn xe giường nằm chạy trên tất cả các tuyến khác vì cho rằng xe giường nằm nguy hiểm.

Quan điểm của ông Thu là đối với chặng hành trình đường dài, hành khách nên lựa chọn phương tiện xe ghế ngồi vì nó đảm bảo được sự an toàn cao nhất. Bởi khác với loại xe ghế ngồi, xe giường nằm thiếu sự cân trọng. Xe giường nằm thường được thiết kế 2 tầng, chẳng hạn một xe giường nằm loại 40 chỗ, thì tầng 1 có 20 giường, tầng 2 là 20 giường. Do cân trọng của xe không đều nên khi đi trên những tuyến đường cua, đường dốc xe hay bị rung, lắc… rất dễ xảy ra tai nạn. Do đó việc thay đổi xe khách giường nằm thành xe ghế ngồi sẽ giúp DN đảm bảo được tài sản và quan trọng hơn là sinh mạng của hành khách.

Về vấn đề Bộ GTVT có cho phép DN cải tạo xe khách giường nằm thành xe ghế ngồi hay không, ông Thu tin chắc rằng, khi Bộ có chủ trương cấm xe giường nằm thì Bộ sẽ có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải khách, chủ xe.

Đồng quan điểm trên, luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cũng nêu ý kiến rằng, chủ trương của Bộ GTVT cấm xe khách giường nằm chạy trên một số tuyến đường đèo núi có độ dốc nguy hiểm nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên cần thận trọng và có sự phân tích, khảo sát, đánh giá một cách khách quan, toàn diện dựa trên cơ sở khoa học để chứng minh sự không phù hợp giữa kích thước, kỹ thuật của từng loại xe khách giường nằm hiện nay với đặc điểm của từng tuyến cụ thể vì nhìn chung cơ sở hạ tầng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên là đường có nhiều đèo dốc, đường cua khó đi và nguy hiểm.

Do vậy, chính sách ban hành ra phải hợp lý để không gây cản trở đến việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp vận tải và gây trở ngại cho người dân lưu thông. Vì xe khách giường nằm hiện nay vẫn là phương tiện có chất lượng và dịch vụ tốt hơn so với xe khách ghế ngồi trước đây. Không nên cấm một cách chung chung, khó hiểu sẽ dẫn đến việc các lực lượng thực thi pháp luật triển khai áp dụng một cách tùy tiện gây khó khăn, phiền hà cho các nhà vận tải.

Đáng ra với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải, Bộ GTVT đã ban hành quyết định cấm này từ lâu rồi mới phải để các nhà đầu tư kinh doanh hoạt động vận tải hành khách nắm được thông tin để đầu tư phương tiện phù hợp với đặc điểm về địa hình, địa vật, thời tiết, khí hậu và cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của từng tuyến đường, từng địa phương cụ thể. Có thể là vẫn cho xe khách giường nằm nhưng kích thước nhỏ gọn hơn, điều kiện an toàn kỹ thuật bảo đảm chất lượng hơn vẫn được lưu thông.

Điều này sẽ hạn chế được tình trạng nhà vận tải đầu tư phương tiện không phù hợp nhưng đã đưa vào khai thác chuyên tuyến theo giấy phép đã được cấp, nay lại bị cấm không được phép kinh doanh nữa sẽ gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư.

Phản ứng trước đề xuất cấm xe giường nằm hoạt động trên các tuyến đường có đèo dốc quanh co, đại diện một DN vận tải thương hiệu ở Bến xe Miền Đông cho rằng, trong vận tải khách liên tỉnh bằng đường bộ, chỉ trừ các tuyến về đồng bằng sông Cửu Long và các tuyến ngắn là không có đèo dốc; còn lại các tuyến ra miền Trung, Tây Nguyên hay khu vực phía Bắc và Tây Bắc đều buộc phải chạy trên nhiều đoạn đường đèo.

Chẳng hạn, từ TP HCM đi Đà Lạt ít nhất cũng đã phải chạy qua 2 cung đường đèo dài hơn chục kilômét với nhiều khúc cua tay áo, dốc ngược là đèo Bảo Lộc và đèo Frenn. Ra khu vực Trung Trung Bộ xe phải qua đèo Cả, đèo Cù Mông…do vậy, nếu cấm xe chạy đường đèo, những DN vận tải khách liên tỉnh đã đầu tư vài chục xe giường nằm sẽ ra sao, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại này của DN, chủ xe khi cho mua bán xe, cho đăng kiểm nay không cho chạy?

Chưa hết bức xúc, vị này chia sẻ thêm: Nhìn lại các vụ TNGT thảm khốc liên quan đến xe khách giường nằm thời gian qua chủ yếu do mất phanh, phóng nhanh vượt ẩu rồi không làm chủ tốc độ gây ra chứ không phải do xe tự lật

Bảo Nhiên
.
.