Xung quanh dự án năng lượng Kajaki ở Afghanistan

Thứ Ba, 09/08/2011, 19:10

Ngay từ khi lực lượng NATO tấn công vào Afghanistan cách đây 10 năm, họ đã nhận thức được tầm quan trọng của chiến dịch chinh phục tình cảm con người ở xứ sở xa xăm này. Ý tưởng cho rằng phương Tây có thể mang điện đến cho hàng triệu người dân bằng con đường nâng cấp đập Kajaki ở tỉnh Helmand, Afghanistan, trên thực tế đã không được như mong muốn.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí mới đây, tướng chỉ huy lực lượng NATO ở Afghanistan David Petraeus chỉ rõ dự án Kajaki được coi là một bài học trên môi trường thực tế cho phương Tây và Mỹ.

Đập Kajaki nằm trên con sông Helmand cách thành phố Kandahar chừng 161km về hướng tây bắc. Đập có chức năng kép: cung cấp điện và tưới nước cho khoảng 1.800km2 đất khô cằn khác. Đập Kajaki cao 98m, dài 270m với khả năng trữ 1,2km3 nước. Đập được Công ty Morrison-Knudsen xây dựng trong thung lũng Helmand. Đập là một phần của dự án  trợ giúp kinh tế của chính quyền Mỹ dành cho tỉnh Helmand, bao gồm những con kênh dẫn nước, đường xá, trường học, bệnh viện v.v…

Kể từ đó Helmand nghiễm nhiên nổi tiếng là "Tiểu Hoa Kỳ" do hàng trăm giáo viên, kỹ sư và bác sĩ Mỹ đến sống và làm việc tại đây. Năm 1953, USAID cho lắp đặt 2 turbine thủy điện sản xuất 16,5MW điện trong nhà máy điện ở chân đập.

Từ khi Helmand và Kandahar trở thành căn cứ của Taliban. 2 turbine ở Kajaki bị hư hỏng nặng, những con kênh dẫn nước bị tắt, nhiều trường học và bệnh viện bị phá hủy hay đóng cửa. Hiện sản xuất điện năng đủ cung cấp cho 2 turbine này khoảng vài trăm ngàn người dân sử dụng, phần đông trong khu vực Kandahar. Sau khi chính quyền Taliban sụp đổ vào cuối năm 2001, Mỹ - nhất là USAID - một lần nữa chú ý đến Helmand. Như đã nói ở trên, đề án tham vọng nhất của USAID (trị giá hơn 50 triệu USD) nhằm mục đích sửa chữa 2 turbine hư hỏng, lắp đặt thêm turbine thứ 3, và lập mạng lưới cung cấp điện cho Helmand và Kandahar. Hiện thời đập Kajaki chỉ sản xuất 33MW điện năng. Để thực hiện ý tưởng, USAID cố thuyết phục quân đội Anh - lực lượng đang nắm giữ Kajaki - tiến hành công việc lắp đặt turbine thứ 3 này.

Người Anh phải miễn cưỡng làm công việc trong nhiều tháng mà luôn khiến họ thoái chí do tình hình an ninh vô cùng tồi tệ. Chiến dịch vận chuyển cả trăm tấn vật liệu cần thiết cho turbine thứ 3 có tên gọi "Eagle Summit" cuối cùng được tiến hành trong tháng 8-2008, với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ NATO và hàng trăm phương tiện vận chuyển. Turbine thứ 3 được tháo rời thành nhiều bộ phận và chuyển đi dưới sự bảo vệ của binh sĩ NATO. Để đưa cỗ máy từ căn cứ không quân Kandahar đến đập Kajaki, họ phải đi vòng qua thung lũng Sangin, khu vực bạo lực nhất của Helmand nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Tại Kajaki Sofla, ngôi làng cách đập chỉ vài trăm mét về phía nam, binh sĩ NATO đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt. Tại đây, binh sĩ Anh cố gắng dùng tiền mua chuộc bộ tộc địa phương đang nghe theo lệnh của Taliban nhưng cuối cùng một trận đánh vẫn nổ ra và ước tính lúc đó 200 binh sĩ Anh bị giết chết.

Mặc dù đã đổ máu để vận chuyển turbine thứ 3 đến được Kajaki, song cho đến nay nó vẫn chưa được lắp ráp. Một lý do là công việc này cần đến 500 tấn ximăng nhưng yêu cầu này không thể đáp ứng được do Taliban liên tục tấn công. Mặc dù vậy,  USAID vẫn tin tưởng vào giá trị của dự án Kajaki, và một quan chức còn tuyên bố turbine có thể được lắp ráp trong vòng 24 đến 30 tháng nữa, đồng thời tiết lộ một nhà thầu mới sẽ đảm trách công việc này. Nhưng vấn đề thật sự trong tình hình hiện nay là liệu điều đó có thể xảy ra trước khi lực lượng NATO rút khỏi Afghanistan hay không?

Dự án được quan chức Mỹ, Afghanistan và giới lãnh đạo bộ tộc đánh giá cao, coi đó là con đường phát triển kinh tế đồng thời cải thiện đời sống cho hàng chục ngàn người dân Afghanistan. Trong 2 thập niên qua, dự án đập Kajaki đã làm tiêu tốn 20% ngân sách quốc gia Afghanistan, cũng như tiền trợ giúp của Mỹ. Nếu dự án hoàn thành, đập Kajaki sẽ cung cấp sản lượng điện 50 megawatt, song có lẽ chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu năng lượng của Afghanistan

Thục Miên (tổng hợp)
.
.