Xung quanh quy trình xét tặng giải thưởng trong lĩnh vực sân khấu

Thứ Năm, 20/10/2011, 09:45

Theo đúng kế hoạch, lẽ ra kết quả xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2011 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) long trọng công bố đúng dịp Lễ Quốc khánh 2-9. Nhưng vì nhiều lý do, mà một trong số đó là quy trình xét duyệt tới thời điểm này vẫn chưa kết thúc, nên ngày xướng danh bảng vàng sẽ phải hoãn lại, ít nhất cũng đến quý I năm 2012.

Mọi tranh cãi về vấn đề quy chế ngay tại cơ quan được Nhà nước giao điều hành việc xét giải, như có nên duy trì Hội đồng chuyên ngành như thường lệ hay làm tắt, hồ sơ của các tác giả được chuyển thẳng lên Hội đồng cấp Trung ương, đến nay vẫn chưa có đáp án cuối cùng.

Ngay từ Thông tư của Bộ VH-TT&DL ban hành, quy định điều lệ của lần xét giải năm nay cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn nội tại, gây khó cho Hội đồng cơ sở lẫn các tác giả ứng cử viên.

Từ căn nguyên đó, cộng thêm sự phức tạp vốn có của thế giới văn nghệ sĩ, cái “tôi” quá lớn của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ, đã dẫn tới hàng loạt sự việc đáng tiếc kèm theo những khiếu kiện tranh cãi gây ầm ĩ trong dư luận như: bỏ lọt người xứng đáng được vinh danh, vinh danh người chưa hội tụ đủ tài năng và quá trình cống hiến, trao giải cho tác phẩm, cụm công trình hay tác giả…

Thêm cả cách ứng xử thiếu văn minh, không có chuẩn mực khoa học ở nhiều Hội đồng cấp cơ sở lẫn bản thân văn nghệ sĩ đã khiến cho quá trình xét tặng giải thưởng cao quý này trở thành vấn đề thời sự, “nóng” vào bậc nhất trên các phương tiện truyền thông nhiều tháng vừa qua.

Vô hình trung, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, sự ghi nhận kịp thời và là nguồn động viên to lớn, hữu ích của Đảng, Nhà nước đối với một tầng lớp đặc biệt trong xã hội, những người làm công việc sáng tạo văn học nghệ thuật đã được chính giới văn nghệ sĩ đón nhận bằng đủ các điều tiếng hoàn toàn không đáng có. Và tự bản thân các văn nghệ sĩ đã phô ra một mặt trái chẳng hề lấp lánh ánh hào quang của chính con người mình như công chúng vốn quen mường tượng, hình dung.    

Giáo sư Hoàng Chương: Xét giải thưởng cần nhất sự công tâm

Trong số tạp chí Sân khấu mới nhất của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có đăng tải danh sách của những ứng cử viên được Hội đồng Sân khấu bỏ phiếu tín nhiệm đề cử Giải thưởng Nhà nước, 2 trong số những nhân vật có tên là  Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang (95 tuổi) và Giáo sư Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam), với số phiếu 5/7. Tuy nhiên, ngay sau đó, thì sự công bố của cơ quan đại diện tờ báo của Hội Sân khấu đã bị một phen… “tẽn tò” vì số phiếu quá bán lại không đủ tương xứng với điểm các Hội đồng Giải thưởng ở các chuyên ngành khác và lẽ dĩ nhiên, hai đại diện của ngành Sân khấu đã không có tên trong danh sách lọt vào “vòng trong” của Giải thưởng Nhà nước.

Thông qua câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Hoàng Chương về sân khấu nói riêng và việc xét giải thưởng nói chung.

PV: Thưa Giáo sư Hoàng Chương, ông có cảm nhận gì về việc mình bị “mừng hụt” khi “suýt” được vào “vòng trong” của Giải thưởng Nhà nước?

Giáo sư Hoàng Chương: Thực ra phải nói thật thế này, ngay từ ban đầu, tôi không có ý định làm hồ sơ, làm đơn gì cả, tôi rất ngại ngần việc người ta nghĩ là mình xin xỏ này nọ. Nhưng rồi anh Minh Sử, Phó giám đốc ở Trung tâm chúng tôi đã làm hồ sơ và cũng được thông qua lần này, nên anh ấy cứ động viên tôi mãi. Khi làm thì hồ sơ của tôi rất đơn giản. Mặc dù thú thật là tôi mà liệt kê tất cả các giải thưởng, bằng khen, sách của mình thì hẳn phải thuê người chở đến chứ tôi mang đi không nổi.

Rồi một buổi sáng tôi nhận được điện thoại chúc mừng của chị bạn Thanh Hương (trước làm ở Hội Nghệ sĩ sân khấu). Tôi hỏi chị chúc mừng gì thì chị bảo, báo đăng anh được 5/7 phiếu, quá bán rồi có nghĩa là lọt vào tốp những hội viên của Hội được Giải thưởng Nhà nước kỳ này mà. Tôi cũng vội đi tìm mua tờ báo để xem thì quả thật có việc đó.

Lẽ dĩ nhiên, khi báo đã đăng thì có nghĩa là đã được duyệt. Vì thế tôi cũng mừng, thôi thì cả đời cống hiến cuối cùng cũng được vinh danh. Rồi đến một hôm khác, tôi lại nhận được điện thoại báo là: 5/7 phiếu vẫn thiếu điểm (mấy phẩy đấy) so với "điểm chuẩn" của các hội đồng khác, nên hầu hết những người được 5/7 phiếu đều bị “rớt”. Ngay sau đó, lãnh đạo Hội Sân khấu, cũng như Chủ tịch Hội đồng đã gọi điện thoại “an ủi” tôi và báo rằng, với 2 trường hợp của tôi và Nhà nghiên cứu Mịch Quang sẽ làm đơn kiến nghị lên trên vì đây là do sơ suất trong việc làm thủ tục.

PV: Nói gì thì nói, việc này hẳn cũng khiến cho Giáo sư phải suy nghĩ, vì có lẽ vấn đề không phải là sơ suất hay tắc trách, mà vấn đề là với hàng chục cái bằng khen trong và ngoài nước đã có, với hàng chục đầu sách lớn nhỏ và nhiều huy chương vàng, bạc mà ông đã được trao tặng, thì cũng có những người không ủng hộ mình…

Giáo sư Hoàng Chương: Tôi rất đồng cảm với ý kiến của nhà văn Hữu Ước: Quan trọng nhất là đối với việc xét giải thưởng ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khi cấu tạo các hội đồng cơ sở thì phải làm sao cho nó kỹ, cho chuẩn về các thành viên hội đồng. Ngay cả hội đồng trên cũng thế. Nếu không sẽ trật ngay. Họ phải thực sự xuất sắc trong lĩnh vực mà mình xét giải cả tài lẫn tâm.

Và một điều quan trọng nữa, anh Hữu Ước nói rất đúng, có những người không xem, không đọc gì của mình, không biết những việc mình đã làm, đã cống hiến cho nền sân khấu nước nhà trong suốt thời gian qua, người có xem thì không phải ai cũng ủng hộ mình vì nhiều lý do khác nhau thì làm sao mà vừa lòng hết thảy. Mình lại suốt ngày đọc sách, đi thuyết giảng, nghiên cứu viết sách… thì làm gì còn thời gian tụ tập ăn uống, trà đá, bia hơi, chén chú chén anh… Nên người ta không biết mình hoặc cố tình không biết mình cũng phải chịu thôi.

Chẳng hạn như anh Hữu Ước, anh ấy có tới 17 vở kịch được công chiếu hàng trăm buổi, ngoài ra anh viết tiểu thuyết, làm thơ, còn vẽ tranh, sáng tác nhạc. Tôi rất thích bài hát “Lời ru cỏ non” (do ca sĩ Thái Bảo thể hiện). Đó là một trong những bài hát mà lần nào nghe tôi cũng xúc động vô cùng bởi giai điệu và âm hưởng của ca khúc, ngoài ra anh đi làm từ thiện, giúp đỡ bao nhiêu người… nhưng có phải ai cũng đủ công tâm để mà nhìn nhận cái tài, cái tâm của người ta đâu. Xét giải thưởng là phải xét trên bình diện tác phẩm cùng những cống hiến của họ, tác động của họ đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà chứ không nên dựa trên những chuyện cá nhân, riêng tư…

PV: Giáo sư Hoàng Chương là một trong những người đã dành tâm sức của mình để gìn giữ và phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc. Vậy theo ông, làm thế nào để thế hệ trẻ yêu những bộ môn nghệ thuật truyền thống này, khi mà thời đại bùng nổ thông tin này rất ít người trẻ quan tâm đến sự tồn vong của nó?

Giáo sư Hoàng Chương: Đó là điều mà những người cả đời gắn bó với sân khấu truyền thống như tôi luôn trăn trở. Những năm qua, tôi và NSND Phạm Thị Thành đã đề xuất và được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ VH-TT&DL chấp nhận triển khai thành công dự án “Sân khấu học đường” trong nhiều trường học và một số tỉnh.

Tôi cùng Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh sáng lập nên giải thưởng Đào Tấn, được các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong và ngoài nước trân trọng, đánh giá rất cao.

Ngoài ra, tôi cũng đã đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề giảng dạy về tuồng và kịch hát dân ca Bài Chòi… cho sinh viên các trường: Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… tôi vừa giảng vừa cho học sinh thị phạm bằng việc trực tiếp biểu diễn những động tác rất khó trong nghệ thuật tuồng, như: động tác bắt ngựa, phi ngựa, thông qua những động tác ước lệ bằng chiếc roi ngựa, hát và biểu diễn võ tuồng, tự đệm đàn, đánh trống chầu và hát Bài Chòi…

Những lúc như thế, tôi thấy sinh viên và các bạn trẻ chăm chú theo dõi rất thích thú vì đối với hầu hết các em, các cháu, việc “ngấm” các môn nghệ thuật truyền thống phải dần dần, từ từ, “mưa dầm thấm lâu”… điều đó chứng tỏ là không phải họ không yêu, không ham mê mà những người truyền nghề chúng ta chưa có một phương cách chính xác, cụ thể và hấp dẫn.

Thay vì việc mang theo giáo án để thuyết giảng, thì “giáo án” của tôi là roi ngựa, bộ râu giả, thanh kiếm gỗ, chiếc mặt nạ tuồng, những đạo cụ và phục trang của tuồng cùng chiếc trống chầu mà thôi. Mà tôi không chỉ làm thế với các sinh viên, các bạn trẻ trong nước mà khi đi thuyết giảng, biểu diễn về nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở nước ngoài, “gia tài” của tôi cũng chỉ có ngần ấy thứ, vậy mà không ít những khán giả đến để đòi… mua lại vì quá yêu thích!

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Làng sân khấu quá hiểu nhau

PV: Nghe tin ông là 1 trong 14 cá nhân vừa được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước ở lĩnh vực sân khấu năm 2011. Cảm giác của ông thế nào?

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Thế à? Chị nghe tin ở đâu thế? Quả tình tôi không biết! Nhưng nếu đúng là thật thì cũng mừng vì sự đóng góp của mình đã được xã hội công nhận. Tất nhiên 100% người sáng tác chân chính khi sáng tác chắc chắn họ chả nghĩ đến giải thưởng nhỏ to ngoài việc đăm đắm vào vấn đề  mình quan tâm để thể hiện nó qua ngôn ngữ nghệ thuật. Đấy là người sáng tác đích thực chứ không phải ông đi mượn danh, háo danh. Người sáng tác đích thực chỉ biết làm việc, còn đánh giá như thế nào phụ thuộc vào xã hội, Nhà nước.

Kịch tôi viết ra hay hay không hay, dư luận khen, được thưởng hay không được thưởng, Hội khen, Bộ khen, Nhà nước khen. Đấy là việc của nơi có trách nhiệm. Còn anh khen hay không khen tôi vẫn viết cơ mà.  Bản chất là thế. Một nghệ sĩ đích thực là thế. Chẳng bao giờ vì không được giải thưởng tôi chán quá tôi không viết, hoặc tôi buồn bã  đi uống rượu. Còn những ông sáng tác dởm chứ. Nhưng tôi muốn nói đây là giải thưởng chúng ta đang bàn đến những tác giả chân chính, cũng như chúng ta bàn về chức danh giáo sư, tiến sĩ. Là giáo sư, tiến sĩ xịn. Thế còn tiến sĩ rởm đi ăn cắp tài liệu, đấy là trách nhiệm của hội đồng xét duyệt đánh giá.

PV: Với ông đây là may mắn, sự công nhận xứng đáng cho những đóng góp của cá nhân ông trong hoạt động sân khấu hay đơn thuần chỉ là sự “chia phần” kiểu “sắp hàng chờ rồi sẽ đến lượt”?

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Như đã nói ở trên, giải thưởng là một ghi nhận xã hội đối với những đóng góp của người cầm bút và không nên xúc phạm đến những ghi nhận chân thành ấy. Để những ghi nhận được chính xác lại phụ thuộc vào hội đồng giới thiệu. Rất mừng là sân khấu không có chuyện lình xình, kiện tụng vì quá biết nhau, vì làng sân khấu quá hiểu nhau. Báo chí cũng có đăng những thắc mắc về giải thưởng bên một số hội, còn đúng sai thì tôi làm sao hiểu được.

PV: Đúng là sân khấu không có kiện tụng nhưng vẫn xầm xì lời ra tiếng vào?

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Cái đáng quý nhất của cuộc sống là thẳng thắn và minh bạch vì giá trị của bất kỳ giải thưởng nào dù to hay nhỏ nếu ai thấy còn sót những tài năng, “tài năng oan” thiết nghĩ nên công khai, giới thiệu, phát hiện thay vì xì xầm rối lòng công chúng, làm nhân dân buồn…

PV: Vâng, xin cảm ơn Giáo sư Hoàng Chương và Nhà viết kịch Lê Quý Hiền!

Thiên Kim - Khánh Bằng (thực hiện)
.
.