Xung quanh việc Tập đoàn RAAS tuyên bố rút khỏi cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010

Thứ Ba, 16/02/2010, 19:45
Người dân ở cù lao Thới Sơn (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hiện đang lâm vào cảnh "cười dở, mếu dở" khi ông chủ của Tập đoàn RAAS là Hoàng Kiều tuyên bố, tập đoàn này sẽ rút khỏi cuộc thi Hoa hậu Thế giới dự kiến sẽ được tổ chức tại cù lao Thới Sơn vào năm 2010. Bởi đơn giản, khi cù lao Thới Sơn không còn là địa phương diễn ra cuộc thi sắc đẹp danh giá, thì phút chốc cơn điên loạn của thị trường bất động sản bỗng dưng... tỉnh táo hẳn.

Nhiều người dân cứ tưởng mình đang ngồi trên một đống vàng giờ buộc phải nhìn nhận mình chỉ đang ngồi trên một... đống đất, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở chuyện sốt đất và lạnh đất tại cù lao Thới Sơn này.

RAAS được dư luận tại Việt Nam biết nhiều thông qua những lần đưa Hoa hậu Thế giới (HHTG) về Việt Nam làm từ thiện. RAAS cũng được biết đến bởi Dự án Ngàn sao với dự tính ban đầu là xây dựng để phục vụ cho cuộc thi HHTG 2010 (trước khi ông Hoàng Kiều muốn chuyển địa điểm từ Khánh Hòa về Tiền Giang), dự tính được tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), nhưng vấp phải sự phản đối của giới truyền thông. Bởi, một số người cho rằng ông Hoàng Kiều "dựa hơi" HHTG để... chiếm đất làm kinh doanh. Và chắc chắn, nếu dự án này được xúc tiến, thì nó sẽ  xâm hại đến cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, làm mất cân bằng tự nhiên tại Hòn Tre (Nha Trang, Khánh Hòa).

Sau khi những thông tin này được đưa ra, ông Hoàng Kiều rất giận, ông viết thư ngỏ gửi đến rất nhiều nơi tuyên bố: "Tôi không ăn đất". Đương nhiên, cái giận của ông Hoàng Kiều là có lý. Bởi, với tư cách là nhà đầu tư, ông có quyền chọn địa điểm để xin đầu tư, còn cho hay không là việc của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thế nên, việc UBND tỉnh Khánh Hòa khi bị giới truyền thông phản đối đã quay sang đổ lỗi cho Tập đoàn RAAS đương nhiên là không sòng phẳng, xét về bất cứ phương diện nào. Lần ấy, có thể thông cảm cho cái giận của ông Hoàng Kiều.

Ông Hoàng Kiều (giữa) cùng hai HHTG 2007 và 2008.

Nhưng lần này, khi ông Hoàng Kiều tuyên bố rút khỏi cuộc thi HHTG 2010 của RAAS với lý do: "Sợ tổ chức ở Tiền Giang thì sẽ làm hai tỉnh Tiền Giang và Khánh Hòa mất lòng nhau", thì có vẻ dư luận bắt đầu so sánh tuyên bố của RAAS với cái tính trẻ con hoặc cơn giận dỗi của những tay tỉ phú.

Không nói ra, nhưng ai cũng biết chuyện ông Hoàng Kiều rút HHTG 2010 từ Khánh Hòa về Tiền Giang là do ông giận UBND tỉnh Khánh Hòa. Dẫu cho trước đây, khi còn mật thiết, ông rất mạnh miệng tuyên bố sẽ chi 10 triệu USD để RAAS được quyền tổ chức cuộc thi HHTG 2010 tại Nha Trang. Dĩ nhiên, 10 triệu USD ấy nhằm phục vụ cho công tác tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất... Và cho dù Dự án Ngàn sao không thành hiện thực, ông cũng sẽ ủng hộ hết mình cho cuộc thi HHTG 2010 được dự tính tổ chức tại nơi này.

Thế cho nên, khi ông kiên quyết chuyển HHTG về Tiền Giang thì lập tức gây ra một cơn chấn động thông tin. Bởi đơn giản, những ai rành về vùng sông nước miền Tây Nam Bộ này đều hoài nghi về khả năng tổ chức thành công một cuộc thi nhan sắc ở cái xứ mà dòng sông chở lặc lè phù sa, thích hợp cho việc... trồng trọt hơn là những nơi để các người đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về để cùng nhau khoe sắc.

Nhưng, với tiềm lực kinh tế của ông Hoàng Kiều, dư luận vẫn có thể tạm tin khi những chiến lược trong công tác chuẩn bị cho cuộc thi liên tục được cập nhật trên báo chí, nhất là lúc ông Hoàng Kiều bỏ ra vài chục tỉ để mua đất tại cù lao Thới Sơn phục vụ cho việc xây sân khấu, nơi ăn nghỉ của các thí sinh...

Rồi đột ngột, ông Hoàng Kiều dội một gáo nước lạnh vào mặt dư luận khi tuyên bố, HHTG được tổ chức ở đâu là chuyện do... Chính phủ quyết định, còn RAAS không dính dáng gì.

Trước khi "phủi tay", ông chủ của Tập đoàn  RAAS còn nói sẽ "nhường quyền tổ chức cuộc thi HHTG 2010 lại cho tỉnh Khánh Hòa". Và cũng trong cuộc điện đàm ngày 27/1/2010, Tổ chức HHTG cũng đã đồng ý để UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc thi vào năm 2010 với điều kiện phải có văn bản xác nhận số tiền 10 triệu USD trước ngày 12/2/2010 nếu muốn tổ chức cuộc thi này.

Tuy nhiên, bởi những cuộc thi sắc đẹp ở nước ta đã được xã hội hóa nên UBND tỉnh Khánh Hòa không thể sử dụng ngân sách để "ứng" 10 triệu USD được, nên buộc phải huy động sự tài trợ của các doanh nghiệp. Nhưng, trước một cuộc thi mà RAAS đã biến nó thành "bó hành, quả ớt" ngoài chợ chiều, thì chẳng doanh nghiệp nào muốn dây vào để vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng đến thương hiệu.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi tuyên bố "Khánh Hòa không chi tiền cho thi HHTG". Vậy là, một cuộc thi sắc đẹp rất danh giá được nhiều quốc gia trên thế giới xin đăng cai tổ chức, phút chốc tin vào "ông RAAS" để... đi lạc vào nước mình và biến ngay thành cái... của nợ, mà "muốn ôm vào thì ôm chẳng được, muốn vứt ra thì cũng chẳng biết vứt đi đâu". Tất cả những sự rắc rối ấy, được "Tổng đạo diễn" Hoàng Kiều một mình dựng lên.

Vô hình trung thông qua sự việc này, ông Hoàng Kiều cứ như là một tay câu chuyên nghiệp với "miếng mồi" là HHTG 2010 để... đi câu những "con mồi" mình thích.

Lần này, thì ông Hoàng Kiều đã minh chứng được "quyền lực" của mình đối với hai tỉnh Khánh Hòa và Tiền Giang. Bởi, HHTG cứ như con rối trong tay ông, ông bảo "Đi thì đi, ở là ở mà về là về". Thích thì ông làm, không thích thì ông... nghỉ chơi. Mà theo chỗ tôi được biết, thì ở những địa phương ông muốn xin đăng cai tổ chức cuộc thi HHTG 2010, ông buộc phải ký vài bản cam kết để làm tin.

Tổ chức một sự kiện văn hóa lớn, luôn có những ràng buộc nhất định về nhiều mặt, chứ đâu phải là chuyện trẻ con để rồi "hôm nay thương cho cái bánh, ngày mai ghét nên đòi lại". Vậy thì không hiểu sao, ông Hoàng Kiều vẫn có thể "tọa sơn quan... dư luận" bởi những tuyên bố của mình mà không vấp phải bất cứ một sự phản ứng nào, ngoại trừ sự phản ứng của dư luận.

Đã đến lúc, các địa phương cần phải tỉnh táo bởi những cuộc thi mang tính hình thức nhiều hơn là có ý nghĩa về mặt tinh thần, để tránh tự biến mình thành trò cười cho dư luận bởi chủ ý của một ai đó. Có thể, đó là một trọc phú hợm hĩnh hoặc là một người lớn nhưng mang trong mình tính khí thất thường của trẻ con(?!)

K.L.
.
.