Xung quanh vụ lưới xơ dừa biến thành...gỗ lậu

Thứ Sáu, 24/08/2007, 10:00

Từ trước đến nay, các vụ buôn lậu, xuất khẩu hàng nằm trong danh mục cấm, đa số đều áp dụng hình thức khai báo một đàng, nhưng hàng một nẻo, mà điển hình là vụ Tân Trường Sanh, vụ Lầu Lý Sáng.

Và mới đây, lại thêm một vụ nữa. Lần này, hàng xuất khẩu khai là bột xơ dừa, lưới xơ dừa, nhưng khi kiểm tra thì nó biến thành... gỗ quý.

 Qua công tác nắm tình hình, ngay từ đầu tháng 5/2007, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan xác định có một doanh nghiệp, trụ sở đặt tại quận Phú Nhuận, TP HCM, liên tục xuất lậu gỗ quý nhóm 1, nhóm 2 (gỗ trắc, gỗ cẩm lai) đi Trung Quốc.

Số lượng mỗi tuần từ 1 đến 2 côngtenơ dưới hình thức khi làm thủ tục hải quan, thì khai báo những loại hàng hóa được phép xuất khẩu – mà cụ thể là bột xơ dừa, lưới chỉ xơ dừa. Nguồn gốc số gỗ ấy, doanh nghiệp nhập khẩu trái phép từ Campuchia, trị giá hàng tỉ đồng.

Doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất những lô hàng nói trên là Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Nam Nguyên, trụ sở đặt tại 694/33/2 đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận TP HCM, Giám đốc là Mạc Văn Nguyện, sinh năm 1978 tại Hải Dương, thường trú tại số 62 đường Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Gần giữa tháng 6/2007, tin trinh sát cho biết, Công ty Nam Nguyên dùng xe đầu kéo, chở 10 côngtenơ từ kho Sóng Thần, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương về cảng Cát Lái. 

Sau đó, ngày 14/6/2007, Nam Nguyên mở 2 tờ khai hàng hóa xuất khẩu bột xơ dừa, lưới chỉ xơ dừa. Ngày 18/6/2007, 2 côngtenơ nói trên đã được thanh lý tờ khai và chuẩn bị bốc xếp lên tàu Victoria Strait, chuyến No.35, đi Trung Quốc.

Chứng cứ đã đủ, lãnh đạo Tổng Cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định kiểm tra hành chính phương tiện vận tải và hàng hóa chứa trong 10 côngtenơ của Công ty Nam Nguyên. Quả thật trong 10 côngtenơ này toàn là gỗ xẻ.

Theo giám định của Vinacontrol, gỗ xẻ ấy là gỗ trắc, gỗ cẩm lai – là loại gỗ nằm trong nhóm 1, nhóm 2 và theo quy định của Nhà nước, thì đó là những loại gỗ cấm xuất khẩu. Tổng khối lượng gỗ trong 2 côngtenơ là 162,466m3, trị giá khoảng 15 tỉ đồng.

Gỗ của ai ?

Sau khi lập biên bản, niêm phong và ra quyết định tạm giữ 10 côngtenơ gỗ lậu, Cục Điều tra chống buôn lậu đã mời Giám đốc Mạc Văn Nguyện đến làm việc. Theo lời khai của ông Nguyện, thì số gỗ này không phải của công ty ông, mà ông chỉ đứng tư cách pháp nhân, xuất ủy thác cho Công ty TNHH Phim quảng cáo Châu Minh, do ông Châu Minh Xuyến làm giám đốc.

Châu Minh Xuyến 46 tuổi  quê ở Bắc Giang, thường trú tại 182/1B/B19 đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP HCM. Là một trong những nhân vật “có số má" trong giới làm phim quảng cáo vì các doanh nghiệp, nếu muốn giới thiệu về đơn vị của mình trên truyền hình, mà ký hợp đồng với Xuyến, thì chắc chắn sẽ được “lên sóng” – kể cả lên sóng vào giờ “vàng”.

Trước đây, Xuyến đã từng vướng vào một vụ: Đó là cử người xuống Cà Mau làm phim, nhưng mạo nhận danh nghĩa của Truyền hình Việt Nam (VTV). Bị các cơ quan chức năng Cà Mau phát hiện, Xuyến phải chạy vạy, dàn xếp cho êm. Theo lời khai của Châu Minh Xuyến, toàn bộ 10 côngtenơ gỗ quý, cũng không phải của... Xuyến, mà của một người tên Hải, ở Bình Phước.

 Tháng 2/2007, trong khi đến cảng Cát Lái để làm phim phóng sự cho Công ty Tân Cảng, thì Xuyến gặp Hải. Qua nhiều lần tiếp xúc, Hải cho biết mình có một số lượng gỗ khá lớn muốn xuất đi Trung Quốc cho một bạn hàng, nhưng Hải lại không có công ty nên Hải nhờ Xuyến đứng ra làm thủ tục hải quan giúp mình. Đổi lại, cứ mỗi côngtenơ, Hải trả cho Xuyến 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, công ty của Châu Minh Xuyến lại không có chức năng xuất nhập khẩu nên Xuyến lại nhờ Mạc Văn Nguyện, Giám đốc Công ty Nam Nguyên – là một người thân quen, xuất giúp (và việc nhờ vả này chỉ là nhờ bằng... miệng, chứ không hề có hợp đồng ủy thác).

Cứ mỗi côngtenơ mà Nam Nguyên xuất giúp, Xuyến trả cho Nguyện 500 nghìn đồng, còn mình bỏ túi 500 nghìn. Đầu tháng 3/2007, lô hàng đầu tiên xuất đi, hàng hóa khai là sản phẩm gỗ, sản phẩm sắt, gang..., bị hải quan phân theo luồng “đỏ” – là luồng hàng có tỉ lệ kiểm tra 5 hoặc 10%.

Để tránh chuyện này, những lần xuất sau Xuyến dặn Mạc Văn Nguyện khai hàng hóa là bột xơ dừa, chỉ xơ dừa để được chuyển sang luồng “xanh” – là luồng không bị kiểm tra.

Trước khi xuất, Hải báo cho Xuyến về địa điểm nhận hàng. Xuyến cung cấp cho Nguyện thông tin về hóa đơn, bản kê chi tiết  để Nguyện làm tờ khai và thuê mướn côngtenơ của hãng tàu, thuê xe đầu kéo. Sau đó, Nguyện fax cho Xuyến biết chi phí để Xuyến thanh toán.

Tất cả những côngtenơ rỗng, Châu Minh Xuyến sai em mình tên là Ơn, trực tiếp đứng ra nhận và đưa về kho Sóng Thần, xếp gỗ lậu vào. Khi mọi việc xong xuôi, Xuyến chuyển côngtenơ xuống cảng rồi điện thoại, báo cho Nguyện biết để Nguyện làm thủ tục đăng ký và thanh lý tờ khai.

Một trong những lái xe thường xuyên vận chuyển côngtenơ cho Mạc Văn Nguyện là Phạm Văn Hùng. Do quen biết, nên Hùng  đã ký hợp đồng với Nguyện. Theo yêu cầu của Nguyện, côngtenơ rỗng được Hùng đưa từ bãi chứa côngtenơ Sông Bé, tỉnh Bình Dương đến kho Sóng Thần.

Tại đây, khi hạ côngtenơ xuống, Hùng quay về ngay. Chỉ đến khi hàng đã được đóng xong, Hùng mới quay lại, chở côngtenơ xuống cảng Cát Lái. Từ ngày 2/3/2007 đến ngày vụ án bị phát hiện (14/6/2007), Công ty Nam Nguyên đã mở 28 tờ khai hàng hóa xuất khẩu, số lượng 102 côngtenơ.

Kết quả điều tra cho thấy trung bình 1 côngtenơ, trọng lượng thừa trên 10 tấn. Như vậy, tất cả 102 côngtenơ đều là gỗ lậu xuất đi Trung Quốc, trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Cuối tháng 6/2007, hồ sơ vụ việc được Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển sang Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm, để đề nghị khởi tố vụ án về tội buôn lậu. Đánh hơi được chuyện này, Châu Minh Xuyến nhanh chân bỏ trốn

V.C.
.
.