Đại gia gốc Phi nhịn ăn “vác tù và hàng tổng” ở TP HCM

Thứ Tư, 01/06/2016, 17:30
Solomon Bamidele Oluwaseyi, ông chủ kiêm giám đốc điều hành của 3 công ty may mặc, du lịch và đầu tư... chẳng bao giờ quên được quãng đời khó khăn lúc bắt đầu đặt chân đến TP HCM. Giấu đi tấm bằng cử nhân kinh tế vừa đạt được, Solomon dấn thân làm... cầu thủ chuyên nghiệp tại đội bóng Cảng Sài Gòn.

Sau 3 tháng thử việc, tương lai của Solomon tưởng chừng khép lại với chấn thương chân, và bản hợp đồng chính thức không bao giờ được ký. Nhưng những ngày tháng lang thang ở TP HCM, đặc biệt tại khu vực phố Tây Phạm Ngũ Lão, chứng kiến hình ảnh đầy gam màu tối của những người gốc Phi, thường bị gọi chung là... Nigeria, đã khiến chàng thanh niên đưa ra một quyết định thay đổi cả cuộc đời anh, và cả những đồng bào: xóa đi những hình ảnh xấu xí của cộng đồng người gốc Phi!

1. Ít ai biết rằng, từ những năm 2005, những quảng bá về cơ hội làm việc tại Việt Nam đã tràn ngập tại những công ty "cò" lao động của Nigeria, nền kinh tế đứng đầu châu Phi, và cũng là một trong những quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Khi đó, Việt Nam được "đánh bóng", xếp hàng cùng với Malaysia, Indonesia,  Thái Lan, Trung Quốc... như những "tân thiên đường", với hàng chục đội bóng đang khát khao những chân sút với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng; là những cơ hội kinh doanh "chỉ cần bước xuống máy bay là có hàng chục công ty đang khao khát nhân lực biết tiếng Anh xếp hàng chờ tuyển dụng...

Và nếu nói về nghệ thuật "lừa đảo", "hệ thống cò" của Nigeria không hề có đối thủ trên toàn bộ lục địa đen. Vị trí "vô đối" này bắt nguồn từ nguyên do chính: sự đa dạng vô cùng của các sắc tộc và ngôn ngữ.

Nigeria là một quốc gia rất đặc thù, nếu lấy ví dụ so sánh với một quốc gia nào đó, có thể nói, Nigeria là một phiên bản thu nhỏ của Ấn Độ. Hơn 250 dân tộc với 521 ngôn ngữ khác nhau, Nigeria luôn chìm đắm vào các cuộc nội chiến, xung đột sắc tộc và tôn giáo.

Giải bóng đá giao lưu thường niên giữa Hiệp hội Cộng đồng Nigeria tại Việt Nam và các đội bóng địa phương.

Vụ việc đỉnh điểm nhất, khiến Nigeria mang tiếng xấu trên khắp thế giới về xung đột sắc tộc và tôn giáo, xảy ra vào năm 2002, khi quốc gia này đứng ra đăng cai cuộc thi Miss World. Sau khi một tờ báo đăng bài bình luận có liên quan đến những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, những cuộc xung đột liên tiếp nổ ra khiến hơn 100 người chết và 500 người bị thương, khiến cho Ban Tổ chức Miss World phải chuyển địa điểm tới London.

Vì sự phức tạp về sắc dân, những cuộc thanh trừng đàn áp tôn giáo, vì sự mất ổn định kéo dài trong quá khứ về an ninh chính trị, vì thiếu điện nước (dù nền kinh tế Nigeria được xếp trong hạng top 40 thế giới), vì áp lực với số dân khổng lồ lên tới gần 170 triệu người (đứng thứ 8 trên thế giới, với phép tính đơn giản là cứ có 4 người châu Phi thì có 1 người Nigeria)... nên Nigeria đã có một truyền thống... di cư.

Hàng triệu người Nigeria đã tạo nên "làn sóng di cư đen" toả đi khắp nơi trên thế giới. Mỹ, Australia, châu Âu… đều có những cộng đồng người Nigeria đông đảo (ở Mỹ thậm chí đã lên tới 1 triệu người).

Khi những quốc gia trên đã "thoả mãn" nhu cầu về nguồn nhân lực có tri thức giá rẻ, và thực thi chế độ kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt, dòng người Nigeria di cư bắt đầu tìm kiếm những chân trời mới, và khi đó, Việt Nam, được hứa hẹn như một miền đất hấp dẫn.

Thành viên Hiệp hội Cộng đồng Nigeria tại Việt Nam làm thiện nguyện tại nhà trẻ mồ côi Thiên Phước.

2. Sự thực cay đắng là, nếu như những đội ngũ di cư tìm kiếm chân trời mới mà toàn những trí thức đã tốt nghiệp như Solomon, thì việc tồn tại và thành công ở Việt Nam vốn không phải là điều dễ dàng.

Huống chi, đa phần trong số họ, là những thanh niên mới lớn, thất học và kém văn hoá, từ các miền quê nghèo, tràn xuống những thành phố lớn như Lagos, Kaduna, Port Harcout và Abuja… với hy vọng đổi đời. Ở đây, với sự cạnh tranh khốc liệt và tương lai mờ mịt, họ quyết định đi tìm những chân trời mới, thông qua các công ty "cò việc làm" nhan nhản ở các thành phố lớn.

Hiệp hội Cộng đồng Nigeria tại Việt Nam làm thiện nguyện tại làng trẻ em SOS.

"Năng lực phóng đại của đội ngũ "cò việc làm" ở Nigeria thì khỏi phải bàn cãi. Và 90% những người lang bạt ở các công viên 29/3, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, thực hiện các hành vi phạm tội có liên quan đến nhập cảnh, ma túy, lừa đảo hay trộm cắp... mà tôi từng phải đứng ra giải quyết, hay gom góp tiền mua vé cho họ về khi bị trục xuất... đều là nạn nhân của những vụ lừa đảo này", Solomon Bamilede cười chua chát.

3. Chàng trai đến từ vùng quê Oyo có tên Solomon may mắn không rơi vào thảm cảnh như nhiều đồng bào của mình. Trong những ngày thử việc tại đội bóng Cảng Sài Gòn, khi rảnh rỗi, anh vẫn lang thang qua giao lưu những nơi mà cộng đồng người Nigeria hay tụ tập.

Với mức lương thử việc tạm đủ sống, và với 5.000 USD giắt lưng do gia đình cho làm vốn, Solomon chìa bàn tay ra giúp đỡ những người khó khăn: anh mua thức ăn, đồ uống cho họ, và động viên họ về mặt tinh thần, thậm chí còn góp tiền mua vé về quê cho những người bị trục xuất.

Nhưng những tháng ngày tốt đẹp không kéo dài. Tháng 4/2009, chấn thương ở chân khiến cho Solomon không thể tiếp tục sự nghiệp tại CLB Cảng Sài Gòn. Anh chỉ còn 2 lựa chọn: về lại quê hương hoặc đổi nghề.

Chỉ còn hơn 1.000 USD trong túi, Solomon thuê một căn phòng rẻ tại khu phố Tây, đồng thời bắt đầu đi xin dạy thêm tiếng Anh. Là một thuộc địa của Anh, cộng thêm thực trạng tồn tại tới hơn 500 phương ngữ, Nigeria bắt buộc phải đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính để đảm bảo tính thống nhất của nhà nước liên bang. Là một cử nhân tốt nghiệp Đại học Lagos, Solomon đủ vốn liếng Anh ngữ để trở thành một giáo viên tiếng Anh tại TP HCM.

Có thể nói, quãng thời gian không dễ dàng phiêu bạt qua các trường học, các trung tâm Anh ngữ, nghị lực sắt đá và sự tiết kiệm đến mức tằn tiện… đã khiến Solomon thành công kiên trì đi theo tín niệm làm mọi cách để hỗ trợ đồng bào mình.

Chàng thanh niên Solomon không tiệc tùng hội hè, không thư giãn xả láng mỗi cuối tuần theo phong cách sống của người dân châu Phi. Mỗi đồng tiền tiết kiệm được, anh đều dùng để hỗ trợ những người Nigeria gặp khó khăn. Solomon nhớ lại, trung bình, đều đặn tháng nào cũng như tháng nào, 1/3 thu nhập của anh để riêng ra dành cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng Nigeria.

Mà khó khăn thì đủ kiểu và đa dạng! Bị lừa đảo sang Việt Nam hết sạch tiền sinh sống, cũng tìm đến Solomon. Visa hết hạn bị trục xuất, cũng phải tìm đến Solomon xin tiền mua vé. Thực hiện hành vi phạm tội, bị trục xuất khỏi Việt Nam, cũng phải nhờ người đánh tiếng tới Solomon, để anh này chạy vạy gom góp từ đủ mọi nguồn, thậm chí cầu cứu cả cơ quan chức năng Việt Nam hỗ trợ… để tống khứ mấy "ông mãnh" về quê cho an lành…

Với những đóng góp trong quá trình xây dựng và làm trong sạch cộng đồng Nigeria tại Việt Nam, Solomon vinh dự được trao Giải thưởng Kim Cương của ANCV.

4. Câu chuyện trớ trêu nhất mà Solomon Bamilede vẫn còn nhớ tới, là một vụ việc cười ra nước mắt của một đồng hương người Nigeria. Anh này bị cơ quan chức năng tạm giữ rồi ra quyết định trục xuất vì hành vi phạm tội. Nhưng sờ đến giấy tờ tuỳ thân thì không có bất cứ mẩu giấy nào.

Nhận được tin báo từ các cơ quan chức năng, Solomon chạy đến, một mặt làm phiên dịch, một mặt động viên tinh thần, thì anh này mới khai rằng hộ chiếu đang để tại một khách sạn tại khu Đầm Sen, quận 11. Khi đến nơi, chủ khách sạn tóm dính lấy Solomon, yêu cầu phải thanh toán gần 20 triệu mới trả lại hộ chiếu.

Thì ra anh này, mới từ ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, với "bánh vẽ" phác ra từ các công ty "cò việc làm" tại Nigeria, đã chắc mẩm là sẽ dễ dàng kiếm tiền, nên thuê hẳn khách sạn ở dài hạn, thậm chí còn gọi bia rượu, đồ ăn lên sống thoải mái. Đến khi đối diện sự thực phũ phàng, không có tiền thanh toán, bèn trốn khỏi khách sạn, sống lang thang vạ vật, rồi túng bấn quá mà phạm tội.

Để tránh những rắc rối có thể phát sinh, Solomon đành dốc tiền túi ra được gần 10 triệu, huy động đóng góp thêm từ cộng đồng, mới đủ tiền để chuộc hộ chiếu. Còn tiền vé máy bay đưa "ông mãnh" về quê, Solomon đành phải cắn răng nhờ cậy các cơ quan chức năng phía Việt Nam.

5. Những công việc thiện nghĩa âm thầm, với một mục tiêu tốt đẹp, của Solomon đã đem lại cho anh uy tín trong cộng đồng người Nigeria tại TP HCM. Tháng 5/2009, Solomon được tiến cử vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội cộng đồng Nigeria tại Việt Nam (ANCV). Chỉ một tháng sau, Solomon vinh dự được trao vị trí Chủ tịch Hiệp hội.

Trong vòng 7 năm qua, ANCV đã phát triển thành một tổ chức chặt chẽ, với hơn 150 thành viên đăng ký, đã qua thẩm tra lý lịch và đóng góp, sinh hoạt thường xuyên, mỗi quý một lần. Solomon cho biết, đây thực sự là một thành công của Hiệp hội, vì với đặc thù rất đa dạng về sắc dân và sắc tộc, tới hơn 250 dân tộc khác nhau, hơn 500 ngôn ngữ khác nhau, việc thuyết phục những người Nigeria ngồi lại với nhau trong một tổ chức thực sự rất vất vả.

Cũng trong vòng 7 năm qua, ANCV đã liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Nigeria tại Việt Nam, hỗ trợ Phòng quản lý XNC Công an TPHCM và các cơ quan chức năng khác, đưa gần 300 người Nigeria rời Việt Nam trở về quê hương.

Đây thực sự là một công việc còn khó khăn, còn nhạy cảm hơn cả việc điều hành ANCV trong 7 năm qua. Rất thẳng thắn, Solomon tâm sự, đã có nhiều đồng bào gọi điện chửi bới đe doạ anh là không biết bảo vệ người Nigeria. Thậm chí, có những người đe dọa khi Solomon đặt chân về Nigeria sẽ bị "làm thịt". Không chỉ đe dọa cá nhân Solomon, họ còn đe doạ là trả thù cả người thân của anh tại quê nhà.

Nhưng tất cả những lời đe doạ đó không khiến Solomon và 150 thành viên khác của Hiệp hội Cộng đồng Nigeria tại Việt Nam sờn lòng. Họ quyết tâm bằng mọi cách phải lấy lại hình ảnh của cộng đồng Nigeria trong mắt xã hội, trong mắt hệ thống truyền thông, và trong mắt cả những người dân Việt Nam.

"Không thể để những kẻ trộm cắp vặt, buôn bán ma tuý, lười biếng và thiếu văn hoá… ảnh hưởng đến những thương nhân, những chủ doanh nghiệp, những người Nigeria, gương mặt đại diện cho nền kinh tế thịnh vượng nhất châu Phi, muốn đến Việt Nam làm ăn chân chính", Solomon khẳng định!

Việt Đông
.
.