Đất nước Chùa Tháp: Bí ẩn chùa… quái thú

Thứ Tư, 17/12/2014, 09:00
Nhắc đến những ngôi cổ tự nổi tiếng ở Nam Vang (tên gọi xưa của thủ đô Phnôm Pênh), hướng dẫn viên của các công ty lữ hành ở đất phương Nam chuyên đưa khách đi tour sang Campuchia nghĩ ngay đến các ngôi chùa như chùa Bà Pênh và chùa Vàng chùa Bạc trong cung điện hoàng gia. Ít hướng dẫn viên nào biết được chỉ cách Phnôm Pênh chưa đầy 5km, có ngôi cổ tự rất kỳ lạ mà khi vào đó, khách không khỏi choáng ngợp trước rừng quái thú, tượng lạ cùng nhục thân của các vị thiền sư đã viên tịch sống động như người thật… Ngôi cổ tự nhuốm nhiều sắc màu lạ kỳ này có tên Wat Yim Funera, dịch nghĩa Việt là “chùa An táng”.

Tôi biết đến Wat Yim Funera từ một vị sư người Khmer gốc Việt, pháp danh hiểu theo tiếng Việt là Tuệ Tâm, khi vị sư này cùng các vị sư khác từ nhiều ngôi chùa trong lãnh thổ Campuchia, đến viếng chùa Vàng chùa Bạc trong cung  điện hoàng gia. Thấy khách mặc áo có hình quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, sư Tuệ Tâm chủ động hỏi chuyện và cho biết về mình rằng "mẹ Campuchia, cha Việt, tu từ nhỏ".

Từ cái duyên gặp gỡ ấy, biết tôi thích tìm hiểu các ngôi cổ tự nhuốm những sắc màu lạ, sư Tuệ Tâm giới thiệu chùa Wat Yim Funera với tiết lộ rằng, ngôi chùa ấy có cả ngàn năm tuổi, từng lưu dấu chân các bậc quân vương người bản xứ, và lưu giữ nhiều truyền thuyết Phật giáo đặc trưng Khmer được thể hiện qua những hình tượng chim muông kỳ lạ!

1. Người đưa tôi đến chùa Wat Yim Funera là anh Son, phật tử chùa Wat Phnôm và là người thân của sư Tuệ Tâm. Thông tin từ ngành du lịch Campuchia cho biết, chùa Wat Phnôm được xây dựng vào năm 1373 trên một ngọn đồi nhân tạo cao gần 30m, do một  quả phụ giàu có tên là Daun Penh phát tâm. Truyền thuyết kể rằng, trong một trận lụt, khi nước rút, bà Penh vớt được một khúc cây trôi sông, ẩn trong bọng cây có 4 tượng Phật và bà đã phát tâm cho đắp đồi xây chùa thờ Phật. Cùng với tượng bà Penh, hàng ngàn báu vật tượng Phật  bằng vàng, bạc và nanh vuốt mãnh thú được phật tử dâng cúng qua bao đời, chùa  Bà Penh còn nổi tiếng với bảo tháp khổng lồ chứa tro của Hoàng đế Ponhea Yat (1421-1462) - người đã có quyết định táo bạo cho di chuyển kinh đô của vương quốc Khmer từ Ăngkor (Xiêm Riệp) về Phnôm Pênh cách hơn 300km.
Bên mộ tháp của các vị sư trụ trì viên tịch.

"Với khách du lịch, Wat Phnôm là ngôi chùa điển hình lạ và linh thiêng nhưng trong tâm trí của nhiều người bản xứ, những ngôi chùa xa xưa, thưa vắng khách thập phương kiểu như Wat Yim Funera mới là chốn huyền linh đích thực. Mà ở ngoại ô Phnôm Pênh này, những ngôi chùa như thế nhiều lắm. Ở đây có linh miêu, chùa bạch tượng, chùa cá sấu, chùa chim muông… Mỗi chùa có phong thái riêng, có linh thú riêng nhưng nhìn chung đều u tịch, cổ kính mà những ai thích vãn cảnh chùa u linh đều thích" - anh Son cho biết.

Son mới ngoài 40 tuổi nhưng trông anh khắc khổ, gầy guộc như người xấp xỉ tuổi 60. Son kể, hồi anh mới 5-6 tuổi đầu thì từ rừng sâu, quân  Pôn Pốt tràn về Phnôm Pênh tiến hành chiến dịch đưa thủ đô trở về thời kỳ đồ đá với các kiểu giết chóc dã man. Son kể trong hàng triệu người Campuchia bị đội quân đồ tể của Pôn Pốt dìm trong bể máu có ông bà, cha mẹ, các anh chị em của anh tổng cộng hơn 30 người. Son kể với tôi mà nước mắt lã chã rơi.

Từ chùa Wat Phnôm, sau khoảng 20 phút xe lăn bánh hướng về phía cánh đồng diệt chủng Chung Ek được thế giới biết đến với tên gọi Killing Field (Cánh đồng tử thần), Son dừng xe trước cổng chùa Wat Yim Funera. Cửa chính dẫn vào chùa uy nghi với 2 con mãnh sư ngồi chầu, xung quanh là tường bao với các hoa văn phù điêu rất lạ, đặc biệt là các bức bích họa đắp nổi cảnh quân lính với đao giáo rợp trời theo hầu phía sau đôi bạch tượng (voi trắng) mà trên bành voi có những người quyền quý ngự dưới lọng vàng. Thật may, tại đây tôi gặp một phụ nữ người Việt tên Loan ghé chùa dâng hương lễ Phật và được chị kể cho nghe nhiều chuyện bí ẩn của ngôi chùa có tên gọi "An táng" này: "Có nhiều cách giải thích tên gọi "An táng" của chùa. Người bảo do truyền thống giúp gia đình phật tử khi có hữu sự mà không phải trả bất kỳ khoản tiền nào nên chùa có tên gọi ấy. Nhưng cũng có người nói rằng, ở lối vào cổng tây của chùa có treo tấm bảng "dịch vụ mai táng" nên chùa chết luôn cái tên ấy".

- Còn tên gọi "chùa quái thú" chính xác bắt nguồn từ đâu - Tôi hỏi.

- Trong khuôn viên chùa có rất nhiều tượng chim thú được đắp tác từ đôi tay tài hoa của các nghệ nhân quanh vùng và các vị sư tu hành ở chùa. Nghe nói ngày xưa chùa còn được gọi là chùa Hoàng gia vì từng là chốn dừng chân của các hoàng thân quốc thích. Các bức phù điêu có cảnh quân lính hầu bạch tượng nói lên điều đó!

2. Bước qua cánh cổng có mãnh sư ngồi chầu, có tượng thần mình người đầu chim dùng đôi cánh tay nâng đỡ các đỉnh cột với những rắn thần Naga - linh vật trong tâm thức của phật tử Khmer, chúng tôi ngay lập tức bước vào một thế giới nhuốm sắc màu tâm linh thoát tục. Lúc này 8 giờ sáng, ánh nắng vàng tươi chiếu xuyên qua các tầng lá soi vào các vị sư mặc áo tu đỏ rực như ngọn lửa cứ di động, thoắt ẩn thoát hiện qua những ngôi mộ tháp ấp ủ thi hài của các vị sư từng tu hành và tịch ở đây, trông khá huyền bí. Khuôn viên ngôi cổ tự rộng hơn 1ha này có hơn trăm bảo tháp chóp nhọn uy nghi. Chị Loan cho biết sau khi viên tịch, thân thể các vị sư đã được hỏa táng và tro cốt được bảo quản trong những bảo tháp qua ngàn năm bất hoại.
Tượng các vị sư sống động như người thật.

Đi qua những khu mộ tháp của các vị thiền sư, vào sát khu trung tâm chùa, muốn hay không để đến gần với chánh điện, khách nhàn du phải đi qua khu vực có nhiều tượng chim thú khổng lồ được sơn vàng sống động. Ở đây có tượng sư tử, tượng chim phượng hoàng, có cả cá sấu, tượng voi cổ đeo lục lạc vàng, bành có lộng… Các giống chim thú này được đắp tạc dưới nhiều dáng thế, ví như tượng linh sư (sư tử) có con được đắp thô nhưng cũng có con được trang hoàng với đai vàng đai ngọc lại đeo mũ miện quyền uy… Hỏi ra mới biết những con thú này trong tín ngưỡng của người Khmer từng được đức Phật cảm hóa và hết lòng tu tập, trở thành những linh vật thiêng linh một lòng theo hầu -bảo vệ đức Phật chống lại các thế lực yêu ma có tà ý ngăn cản con đường cứu nhân độ thế của người.

Nên hình hài từ những đôi tay phật tử phần lớn là nông dân, người lao động nhưng các linh thú khổng lồ kia sống động đến lạ thường. Sự sống động ấy càng đậm nét khi chúng tôi đứng trước tượng các vị sư khổ hạnh gầy trơ xương. Cùng đó là tượng các vị sư trụ trì ngồi trong thế kiết già sống động đến không tưởng, nhìn cứ như người thật…

Nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi là tượng đoàn xe bạch mã chở phía sau một người có khuôn mặt thanh tú, đội mũ tháp uy nghi được xếp sau một phụ nữ quyền quý ngồi cạnh một hài nhi kháu khỉnh: "Xét theo bố cục của các phù điêu này, tùy vào nhận thức và tâm trí mà mỗi người có cách hiểu khác nhau. Người thì cho rằng đó là kiếp luân hồi của một con người, lúc sinh ra là con nhà quyền quý, lớn lên trong nhung lụa sau bao tranh đoạt rồi cũng khép lại ở tuổi già và cái chết. Nhưng tôi thiên về ý niệm rằng đó là đoạn trích nói về sự chào đời của một thái tử chính tại ngôi chùa này. Bạch mã (ngựa trắng) là biểu hiện của đấng quân vương. Có thể hiểu sau khi ổn định vị thế của mình, vị quân vương kia đến chùa thăm hài nhi của mình…".

3. Bước vào khu chánh điện, một lần nữa tôi lại sững sờ trước những pho tượng bằng thạch ngọc lên nước bóng loáng. Ngoài ra có những tượng Phật bằng đá đen, hay được dát vàng huyền bí. Có một điều ấn tượng khác mà khi ghé chùa quái thú ở ngoại ô Phnôm Pênh, người viết nhận thấy phật tử địa phương khi ghé chùa lễ Phật rất nghiêm cẩn, không xô bồ và nhang khói mù mịt như thường gặp ở không ít ngôi  chùa ở ta. Ở đây không có chuyện nhà chùa phóng loa kêu gọi mỗi người vào chùa chỉ nên thắp 1 - 3 cây nhang, nhiều phật tử người bản địa mà người viết quan sát chỉ thắp duy nhất một nén tâm hương. Chuyện đốt vàng mã hay phóng sanh thái quá thì hầu như không thấy. "Để tỏ lòng thành, tùy điều kiện mà phật tử lễ chùa dâng Phật các vòng hoa nhài trắng tinh mà thôi" - chị Loan bộc bạch.       
Những tượng linh thú và hình nhân kỳ lạ.

Ngôi cổ tự mang trong mình nhiều bí ẩn trong một sớm một chiều không thể khám phá hết được. Trong đời, có những điểm đến ta đến một lần và nhớ mãi, chùa "quái thú" Wat Yim Funeral là một nơi như vậy!

Bích Kiều
.
.