Đâu rồi đại phố đất phương nam

Thứ Ba, 21/07/2015, 06:25
Từ cửa biển Cần Giờ, xuôi theo sông Nhà Bè một đoạn dòng sông này chia làm hai ngã, khiến người ta chợt nhớ câu ca dao của thời cha ông đi mở cõi: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Từ cái ngã ba sông ấy, ai muốn về Đồng Nai thì rẽ phải, ai về Gia Định thì rẽ trái.

Đồng Nai khi ấy là vùng đất mới của xứ Đàng Trong, nơi từng đón nhận những đợt di dân lớn từ miền Ngũ Quảng vào đây khai khẩn. Năm 1698, chúa Nguyễn sai Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam. Trong tiến trình mở cõi, Cù Lao Phố được chọn làm nơi đặt đại bản doanh hành chính - "kinh đô" của xứ Đàng Trong.

Trong suốt gần một thế kỷ sau đó, Cù Lao Phố trở thành thương cảng sầm uất nhất Phương Nam. Nhưng tiếc thay, cuộc giao tranh khốc liệt giữa nhà Tây Sơn với Nguyễn Ánh đã làm cho Cù Lao Phố tàn lụi…

Thương cảng đệ nhất phương nam

Từ thác Trị An chảy ra biển Đông, sông Đồng Nai tạo ra nhiều cù lao lớn nhỏ, trong đó ở địa phận TP Biên Hòa dòng chảy bỗng chia làm hai nhánh ôm trọn một dải đất nằm giữa sông có hình dáng chiếc chuông chùa treo nghiên chính là Cù Lao Phố.

Từ nhiều thế kỷ trước, địa danh này còn được biết đến với nhiều tên gọi: Nông Nại Đại Phố, Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu. Ngày nay, Cù Lao Phố thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có diện tích 6,6km2, dân số vào khoảng 12.400 người.

Cù Lao Phố là bãi bồi phù sa nằm giữa dòng sông Đồng Nai hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây có con đường sắt xuyên Việt và Quốc lộ 1 băng qua mỏm phía tây cù lao nối đôi bờ sông Đồng Nai bởi 2 chiếc cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh xây dựng năm 1903. Nhiều năm qua, nơi đây đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái của tỉnh.

Cho đến nay, sử liệu cũng chưa có một dòng nào cho biết khởi thủy Cù Lao Phố do ai khai phá, thành lập vào năm nào. Chỉ biết rằng vào năm Kỷ Dậu (1679), một nhóm di thần nhà Minh do Tổng binh Trần Thượng Xuyên, một tướng trung thành với triều Minh, không chấp nhận sống dưới triều Thanh đã làm một cuộc đào thoát từ Quảng Đông dẫn theo đoàn tùy tùng 3.000 người cùng với 50 chiến thuyền xin chúa Nguyễn cho tị nạn xứ Đàng Trong. Được chúa Nguyễn Phúc Tần đồng ý và cho người dẫn đường họ vào làm ăn sinh sống ở Bàn Lân, xứ sở này lúc bấy giờ thuộc đất Đồng Nai.

Sau khi vào đến nơi, nhóm người Trần Thượng Xuyên tiến hành thành lập xã Thanh Hà, kéo dài từ Bàn Lân đến Bến Gỗ, trong đó Cù Lao Phố được xem là trung tâm. Cùng với những lưu dân người Việt đã định cư trước đó đang làm nghề dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng… ra sức khẩn hoang, lập chợ, xây dựng phố xá, thương cảng. Không lâu sau, Cù Lao Phố trở thành thương cảng sầm uất nhất của phương Nam trong suốt gần một thế kỷ (1679 - 1776).

Sự danh tiếng của thương cảng Nông Nại Đại Phố thu hút các thương thuyền của những nhà buôn lớn trên thế giới từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai… tấp nập vào ra. Hàng xuất cảng chủ yếu lúc bấy giờ là gạo, cá khô, dược thảo, ngà voi, mật ong… Hàng nhập khẩu chính vẫn là tơ lụa, đồ xa xỉ phẩm, gạch ngói, nhang đèn, giấy vàng mã… Khúc sông Đồng Nai thuộc vùng Cù Lao Phố lúc bấy giờ còn được biết đến với danh xưng Sông Phố.

Tác giả Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí”, viết: "… Phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc đến 5 dặm, chia vạch ra 3 đường phố lớn lót gạch xanh, đường rộng bằng phẳng; ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau. Ấy là một chỗ đại đô hội, nhà buôn bán to lớn duy ở đây là nhiều hơn" (Trịnh Hoài Đức, Tập thượng, tr 34).

Cảnh mua bán nhộn nhịp cũng đã được tác giả Trịnh Hoài Đức mô tả trong “Gia Định Thành Thông Chí”: Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là "hồi đường", chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua giùm. Như thế khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy hàng rất là thuận lợi…

Từ đây có thể hình dung, thương cảng Nông Nại Đại Phố hình thành như một cảng sông sâu trong nội địa nhờ đặc điểm địa lý tối ưu của nó. Tuy nằm cách xa biển nhưng là một nơi sông sâu, có thể đi ngược lên phía Bắc khai thác nguồn lâm thổ sản dồi dào, đi về phía Nam ra biển Cần Giờ hay sang tận Campuchia cũng thuận lợi. Ngoài ra, còn do nhu cầu thực tế đòi hỏi phải có một trung tâm thương mại, một thương cảng để giao dịch quốc tế cho khu vực, Cù Lao Phố đáp ứng được điều đó. Qua đây cho thấy, từ nhiều thế kỷ trước cha ông ta đã có tầm nhìn chiến lược, và sẽ rất hữu ích để người đời sau suy ngẫm.

Trần Thượng Xuyên mất vào năm 1720, triều đình Nguyễn ghi nhận công ơn và phong chức "Thượng đẳng thần". Ông được người dân tín ngưỡng tôn thờ ở đình Tân Lân, nằm bên bờ sông Đồng Nai, cạnh chợ Biên Hòa. Đình Tân Lân cũng đã được Bộ Văn hóa  - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Nơi đây hàng năm dân chúng vùng Biên Hòa lấy ngày ông mất, ngày 23 tháng 10 Âm lịch để làm ngày giỗ Đức ông.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Cù Lao Phố là vùng đất địa linh nhân kiệt có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa đối với các nhà khảo cổ, nghiên cứu về Đàng Trong. Bởi, Cù lao Phố, một địa danh nổi tiếng gần một thế kỷ (97 năm) với tên gọi Nông Nại Đại Phố phải được coi như nơi xuất phát quan trọng trong việc hoàn thành công cuộc mở mang bờ cõi p Nam.

Chùa Ông hay còn gọi Thất Phủ có miếu ở Cù Lao Phố, một ngôi chùa hoa sớm nhất ở Nam Bộ.

Phố xá lụi tàn trong cơn binh lửa

Kể từ khi Nông Nại Đại Phố trở thành xứ đô hội của vùng đất mới, nó trở thành điểm nóng của những cuộc tranh chấp quyền lực chính trị. Một thương cảng sầm uất bỗng chốc biến thành chiến địa hoang tàn.

Theo cố nhà văn Sơn Nam, vùng Cù Lao Phố xứng danh là ải địa  đầu, có đường bộ lên Campuchia, đường thủy xuống Sài Gòn. Sau khi nhóm dân binh Trần Thượng Xuyên đến đây chừng 5 năm, cùng với lưu dân người Việt đã biến nơi này thành thương cảng nổi tiếng trong khu vực. Sự thịnh vượng của nó có thể kéo dài hơn 97 năm nếu như không xảy ra 2 sự kiện lớn.

Đó là vào năm 1747, một nhóm thương hồ người Phúc Kiến thường xuyên giao thương với thương cảng Nông Nại Đại Phố, chúng thấy nơi đây giàu có nên nổi lòng tham và tổ chức đánh chiếm. Cuộc bạo loạn diễn ra chớp nhoáng do Lý Văn Quang tự xưng là Giản Phố Đại Vương cầm đầu, tập hợp bè đảng rồi bất ngờ đánh úp dinh Trấn Biên. Âm mưu bạo loạn tuy bị dập tắt nhưng cũng gây nhiều thiệt hại cho Cù Lao Phố.

Sự kiện lớn thứ hai là biến cố năm 1776 - 1779, nơi đây diễn ra một cuộc giao tranh quyền lực được cho là khốc liệt giữa nhà Tây Sơn với Nguyễn Ánh. Tiếc thay, trong cuộc giao tranh này, trên mảnh đất cù lao mà trong đó có thương cảng Nông Nại Đại Phố bị tàn phá gần như không còn gì. Nhà cửa, tiệm buôn, phố xá, chợ búa… bị lụi tàn trong cơn binh lửa. Đường sá bị đào bới, dân chúng bị sát hại… cả một vùng tang thương, cảng Nông Nại sầm uất ngày nào đã trở thành chiến địa hoang tàn.

Tác giả Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định Thành Thông Chí: sau biến cố, nơi đây biến thành gò hoang, sau trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước. Chợ búa, phố xá bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa kéo nhau xuống vùng Chợ Lớn, Sài Gòn sáp nhập với làng Minh Hương sinh sống và lập những cơ sở thương mại khác.

Kể từ đó, Cù Lao Phố đánh mất vai trò trung tâm thương mại của Đàng Trong mà thay vào đó là vùng Chợ Lớn và Mỹ Tho. Trả lại cho Cù Lao Phố gần một thế kỷ thuyền bè tấp nập cảnh làng quê thanh bình vốn có.

Cho dù phố xá giờ đây đã tàn lụi, thôn làng có đổi thay, nhưng người ta vẫn gọi là Cù Lao Phố, như hàm chứa ký ức thời xưa cũ, lúc xứ sở này còn vang danh là Nông Nại Đại Phố. Nơi mà từ Á sang Âu biết đến từ hơn 300 năm trước, một cù lao nằm ở trung tâm TP Biên Hòa bốn bề sông nước vây quanh.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Toàn Thắng, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói chung, Cù Lao Phố nói riêng, đã từng lưu dấu bước chân của các bậc tiền nhân trong hành trình đi mở cõi. Về mặt lịch sử, nơi đây đã in hằn bao thăng trầm, biến đổi. Bởi từng là trung tâm, chốn đô hội một thời của đất phương Nam. Những lớp bụi mờ của thời gian có thể xóa nhòa một thương cảng sầm uất, nơi giao thương của các nền văn hóa nhưng không thể xóa đi những chứng tích còn lại của nó qua các di tích, di vật trải qua nhiều thế kỷ vẫn và sẽ còn đang hiện hữu nơi này.

Nơi có nhiều đình, chùa nhất Việt Nam?

Theo Ban Quản lý Di tích Đồng Nai, năm 1836, địa bạ xứ Nam Kỳ được lập, lúc ấy Cù Lao Phố có 13 thôn, ước độ 2.000 dân. Đến năm 1867, Thống đốc Nam Kỳ chia Biên Hòa thành 5 hạt tham biện, Cù Lao Phố thuộc tổng Phước Vinh Thượng, huyện Phước Chánh, hạt tham biện Biên Hòa. Đầu năm 1879, Pháp tiến hành tổ chức lại các làng xã. Cù Lao Phố từ 13 thôn gom lại thành 3 làng: Nhứt Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa. Đến khoảng năm 1928, ba làng trên được hợp nhất thành một làng là Hiệp Hòa, thuộc tổng Phước Vinh Thượng, nhưng là quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa. Sau năm 1975, Cù Lao Phố thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Với diện tích hiện thời, Cù Lao Phố chỉ bằng xã (phường) trung bình của tỉnh Đồng Nai. Song, nơi đây có mật độ đình, chùa đậm đặc và được cho là xã có số lượng đình, chùa nhiều nhất Việt Nam: 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 3 ngôi miếu và một thánh thất. Trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia: Đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông và chùa Đại Giác.

Lý giải về sự khác biệt này, các nhà nghiên cứu cho rằng, trong tiến trình mở cõi phương Nam, với tài kinh lược của Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ông đã nhìn thấy vùng đất Cù Lao Phố trù phú nên cùng với dân binh khai hoang, lập ấp từ rất sớm. Do vậy, hầu hết các đình, chùa ở đây có từ thời khai hoang mở cõi, tức vào thời kỳ đầu khi mới thành lập thôn, làng.

Trong số những đình chùa nổi tiếng ở đây, chùa Thủ Huồng (hay còn gọi là chùa Chúc Thọ) gắn liền với huyền tích của một nhân vật được cho là có thật khai sinh ra ngôi chùa này có tên Võ Thủ Hoằng, nhưng được dân gian đọc "trại" thành Thủ Huồng; và hai câu ca dao "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”, gắn liền với nhân vật này.

Câu chuyện truyền tụng đến nay, đại thể vào đầu nhà Nguyễn, vùng đất Trấn Biên có một thư lại tên là Võ Thủ Hoằng. Bằng nhiều thủ đoạn luồn lách, xảo trá… trong khoảng 20 năm làm quan đã vơ vét không biết bao nhiêu là tiền của dân chúng. Ông có người vợ xinh đẹp chẳng may bị mất sớm.

Quá yêu thương vợ, một ngày kia có người trong trấn mách bảo rằng có một ngôi chợ Ma, hàng năm vào ngày mồng 1 tháng 6, lúc nửa đêm người sống và người chết có thể gặp nhau. Thủ Huồng tìm đến ngôi chợ này. Tại đây, ông gặp được vợ, sau giây phút vui mừng ông được vợ đưa xuống âm phủ dạo chơi. Thủ Huồng chứng kiến nhiều cảnh hãi hùng ghê rợn, những linh hồn tội lỗi bị tùng xẻo, bị móc mắt, cắt lưỡi, bị ném vào vạc dầu… tiếng kêu khóc của các linh hồn vang dậy chốn diêm đình…

Tới kho gông cùm, Thủ Huồng thấy một chiếc to và dài hơn những chiếc khác. Ông ta dò hỏi một tên quỷ sứ và biết chiếc gông đó dành cho mình. Thủ Huồng vô cùng hoảng sợ, không ngờ mọi việc làm gian ác của mình trên trần gian đều được Diêm Vương ghi nhận. Ông ta dò hỏi tên quỷ sứ: Nếu người đó hối cải có được không? Quỷ sứ trả lời: Nếu muốn thoát khỏi ách gông xiềng thì phải đem hết của cải bất nhân ra bố thí.

Thủ Huồng trở về dương gian ra sức giúp đỡ người nghèo. Cứ thế, sau mấy năm bố thí của cải chẳng còn bao nhiêu. Ông lại lên đường đi gặp vợ. Lần này ông thấy chiếc gông của mình nhỏ lại. Lân la hỏi quỷ sứ, ông mới biết do mình đã biết chuộc lỗi, nếu cố làm thêm việc thiện sẽ khỏi cảnh gông cùm.

Trở lại trần gian lần này ông bán hết gia sản, tiếp tục bố thí, đến Cù Lao Phố dựng chùa Chúc Thọ. Đồng thời tại ngã ba sông Đồng Nai và Nhà Bè lúc đó còn rất hoang vu, chưa người ở. Ghe thuyền qua lại gặp lúc ngược nước phải dừng lại chờ, nhiều lúc thiếu nước uống và lương thực rất khó khăn. Thủ Huồng quyết định bỏ tiền làm chiếc bè lớn, trên bè có chỗ nghỉ ngơi, sẵn nồi niêu, củi gạo, mắm muối… cho những người lỡ đường độ nhựt miễn phí. Ngã ba sông có chiếc bè đó gọi là ngã ba Nhà Bè. Kể từ đó Thủ Huồng sống những ngày cuối đời thanh thản và được dân chúng gần xa ca tụng ân đức.

Hiện nay, Cù Lao Phố là một trong những điểm đến thu hút du khách trên tuyến du lịch sông Đồng Nai. Điều khiến du khách đến đây ngạc nhiên không phải là những câu chuyện huyền tích về những ngôi chùa cổ trên đất cù lao. Cái chính là thái độ ứng xử và lựa chọn của người dân đối với di tích.

Tại đình Bình Quan, ngoài thờ Thành hoàng, người ta còn thờ liệt sĩ, những người tham gia chiến đấu bảo vệ cho vùng đất cù lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó mới chính là sự cảm nhận các giá trị thật sự về tính cách lịch sử đặc thù, về văn hóa, phong cách sinh hoạt hồn nhiên và về nét sinh thái đang tràn ngập ở nơi đây.

Kỳ Phương
.
.