Điều ít biết về nhà xuất bản Tự điển Danh nhân Quốc tế “Who is Who”

Thứ Tư, 17/02/2016, 15:30
Nếu có dịp đến con phố Bloomsbury xa hoa và náo nhiệt của thủ đô London, chúng ta sẽ không khỏi bất ngờ khi thấy một trụ sở văn phòng khiêm nhường ngay giữa khu phố cùng tấm bảng không mấy bắt mắt gắn ngoài cửa, ghi “Adam & Charles Blek, những nhà xuất bản chuyên nghiệp”.

Nhưng khách bộ hành vô tình ít ai biết rằng, đây chính là đại bản doanh của một cơ quan mang tính tối mật không kém cơ quan tình báo tại đảo quốc sương mù, là bản doanh của tòa soạn một ấn bản định kỳ danh tiếng thế giới: Tự điển Danh nhân Quốc tế - “Who is Who” (Ai là ai).

Cuốn tự điển về các danh nhân nổi tiếng - cả trong quá khứ lẫn đương đại - xuất hiện lần đầu cách đây gần 170 năm, vào năm 1849. Tuy ở Mỹ, Đức hoặc Hungary cũng có những ấn phẩm tương tự, nhưng không một nơi nào dạng ấn bản bán chạy ấy lại được bao phủ bởi một vòng hào quang huyền bí như với "Who is Who" của giới xuất bản Anh.

Tự điển danh nhân "Who is Who" kỳ ấn bản thứ 168, năm 2016.

Nếu ai đó cố thử moi thông tin từ bất kỳ người nào trong đội ngũ 20 biên tập viên thuộc "Who is Who", đều… uổng công vô ích, vì họ là những người cực kỳ kín tiếng. Ngay cả khi nói chuyện qua điện thoại, họ cũng chẳng bao giờ xưng tên. Còn trong trường hợp bất khả kháng phải phúc đáp lời đề nghị cho biết quý danh, họ thường nhã nhặn trả lời chung chung rằng: "Tôi là một nhân viên xuất bản thuần túy", hay cụ thể hơn nữa là: "Chúng tôi chuyên làm tự  điển", và… chấm hết!

Tương tự như giới thầy bói hay nhà tiên tri của thời hiện đại, 20 biên tập viên "đánh vật" với mỗi ấn bản "Who is Who" thường niên sắp ra mắt. Nhưng để tránh một sự thiên vị vô thức nào đó, không ai trong số họ giữ vai trò chủ đạo cả, nôm na là tại tòa soạn "Who is Who" không có người giữ cương vị Tổng Biên tập - chức danh không thể thiếu theo thông lệ chung. Một điều thoạt nghe thật vô lý, nhưng đó là sự thật.

Người ta thường bầu ra theo định kỳ, trong giới biên tập viên, một ban tuyển chọn mang tính chịu trách nhiệm tập thể, ban này toàn quyền quyết định xem ai xứng đáng lọt vào các trang thuộc ấn bản "Who is Who" kế tiếp, như niên giám năm 2016 có tới hơn 3.000 tên tuổi từ cổ chí kim khắp thế giới đã được ghi danh. Lẽ đương nhiên các thành viên thuộc ban tuyển chọn hàng năm luôn được giữ kín, nhằm bảo đảm yếu tố khách quan - vô tư được giới biên tập "Who is Who" coi là kim chỉ nam trong phương châm hoạt động của mình.

Đây là sự thận trọng cần có, bởi sẽ loại trừ được nguy cơ ai đó không được đàng hoàng cho lắm, nhưng lại muốn "lưu danh với hậu thế" và sẽ tìm mọi cách để mua chuộc được chí ít là một thành viên trong ban tuyển chọn - kể cả bằng con đường "đi đêm", hay hối lộ… Bởi đơn giản chỉ cần một lần có tên trong "Who is Who" thôi, mặc nhiên sẽ được người đời trân trọng cho tới lúc "nắp quan tài quàn kẻ ấy đã đóng lại", như lời nhận định đầy chất hài hước của một biên tập viên từng có chân trong Ban Giám khảo Tự điển Danh nhân thế giới niên giám 2015.

Vậy chúng ta hãy thử xem ai quả thực xứng đáng được ghi danh vào cuốn tự điển "đáng giá nhất" này? Dĩ nhiên tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào nhãn quan của ban tuyển chọn, mà người Anh vốn nổi tiếng thế giới về thói bảo thủ cố hữu của mình. Do vậy không phải nhất nhất mọi quan điểm của tòa soạn "Who is Who" đều được độc giả năm châu mặc nhiên chấp thuận.

Tòa nhà trụ sở “Who is Who” trên phố Bloomsbury, London.

Như trong lĩnh vực thể thao chẳng hạn. Ai cũng biết rằng cha đẻ của bộ môn cricket (bóng chày) là 2 công dân Anh Dekster và Cawdry, tên họ có trong "Who is Who" cả thế kỷ nay; còn David Hoower - huấn luyện viên tài ba nhất trong toàn bộ lịch sử môn thể thao cricket quốc tế - lại không có diễm phúc được ghi danh vào những "trang vàng" thuộc Tự điển Danh nhân.

Còn trong địa hạt âm nhạc vốn là phạm trù rất rõ ràng - xác đáng, những ai thật nức tiếng mới xứng được nêu danh. Vậy mà chẳng hiểu sao - theo một thứ logic "rối rắm" nào đó từ ban tuyển chọn, tên của nam ca sĩ Cliff Richard lại được ghi, trong khi người đồng nghiệp là Sir Mick Jagger của ban nhạc The Rolling Stones cũng lẫy lừng không kém thì vô tình bị bỏ sót(!)…

Điều nực cười là sự nổi tiếng ở đây cũng được xếp theo… thứ bậc và "dần… mai một" đấy nhé! Với bất cứ  lĩnh vực nào cũng vậy - chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… đều thể hiện rõ điều trên. Tuy "Who is Who" vẫn xếp thứ tự theo chuyên ngành và vần chữ cái - như truyền thống cấu thành một cuốn tự điển; khác chăng là số hàng cùng dung lượng âm tiết chứa trong đó - tương ứng với mỗi tên tuổi được nêu.

Như trường hợp nữ văn sĩ kỳ cựu người Anh Barbara Cartland (1901-2000) được "điểm" qua hàng chục dòng lê thê trong "Who is Who", đơn giản vì người ta cố sức liệt kê hết tất cả hơn 500 đầu sách tiểu thuyết mà cây bút giàu có này đã viết ra; còn "người cùng thời" với B. Cartland, chính khách xã hội cự phách Anthony Benn (1925-2014) lại bị "lưỡi kéo biên tập" cắt xén không thương tiếc: Lúc đầu vào năm 1973, A. Benn được ghi tới 42 dòng trong "Who is Who", 10 năm sau "rút" xuống còn 17 dòng, một thập niên sau nữa còn 9 dòng và từ đó đến nay "không đổi"(!)

Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của ngành kinh doanh xuất bản phẩm trên thế giới hiện nay, "Who is Who" vẫn là một "kỳ tích" vì là một trong những đầu sách dạng best-seller có giá bìa không hề rẻ: 85 bảng Anh. Vậy mà giới độc giả ruột của sách vẫn không ngừng tăng, với hàng triệu phiếu đặt mua trước hàng năm.

Quang Phú (theo The Burlington Magazine)
.
.