Đôi dòng tâm sự

Thứ Năm, 18/12/2014, 15:15
Nhớ lại ba mươi năm trước, Báo có xưởng in typô tận mãi Thanh Xuân, cách Tòa soạn 10 cây số. Giao lưu với xưởng in bằng còng lưng xe đạp. Chỉ có một máy điện thoại ho hen suốt ngày, không có dế di động. Bố trí cán bộ cũng theo vốn tự có. Chọn bó đũa rút cột cờ. Thấy anh Đặng Văn Lân viết chữ sạch sẽ, tính tình cẩn thận, không nề hà khó khăn, thế là Ban Biên tập phong ngay cho cái chức trình bày báo.

1. Nếu tính từ ngày bác Nguyễn Tài đến Sở Kiểm duyệt Bắc Kỳ xin giấy phép xuất bản tờ “Công an Mới” – tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay – Báo đã tròn 68 năm. Tuổi của báo vào hàng thượng thọ. Sức của Báo vẫn xuân tươi. Chặng đường đi lắm lúc lên thác xuống ghềnh, nhưng mục tiêu phấn đấu của Báo vẫn vững vàng, kiên định.

Báo được Nhà nước ta tuyên dương “Đơn vị Anh hùng”, được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý… Từ ngày non sông liền một dải, kế thừa những truyền thống cách mạng xa xưa, Báo đã rèn luyện, đào tạo được những cán bộ, phóng viên đủ sức đảm nhiệm công việc; và không ít trong đó đã được tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam. Và tương lai còn nhiều hứa hẹn…

Bác Nguyễn Tài thuở ấy, giờ đã là cây cổ thụ duy nhất trong làng báo Công an đang che bóng cho chúng ta tiến lên. Bác nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Còn những anh chị em khác đã và đang tiếp bước những người tiền bối. Vậy là kỷ niệm năm nay gần như đông đủ những nhân vật lịch sử chứng minh cho sự kế thừa liên tục: Có cây cao bóng cả, có tân binh còn thơm mùi áo lính, có tướng có quân, càng về sau càng sung sức. Tất nhiên cũng có ít nhiều biến động. Đó là sự đối lưu của dòng chuyển dịch, là quy luật của sự vận động phát triển. Đó cũng là điều đáng mừng cho sự lớn mạnh chung. Các cụ ta có câu: “Con chị đi, con dì lớn”. “Đoàn kết, tự tin, hăng hái tiến lên!”. Đó là một trong những truyền thống quý báu của Báo Công an nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Báo CAND thăm Di tích lịch sử Nhà in Báo Rèn luyện tại Nha Công an Trung ương (Sơn Dương, Tuyên Quang - năm 2001).

2. Mừng ngày Báo Công an nhân dân phát hành số đầu tiên không phải là theo lễ nghi “áo the khăn đóng” mà là dịp để chúng ta ôn cố tri tân, khơi trong gạn đục, tìm ra những địa chỉ đỏ, những việc cần làm ngay.

Nhớ lại ba mươi năm trước, Báo có xưởng in typô tận mãi Thanh Xuân, cách Tòa soạn 10 cây số. Giao lưu với xưởng in bằng còng lưng xe đạp. Chỉ có một máy điện thoại ho hen suốt ngày, không có dế di động. Bố trí cán bộ  cũng theo vốn tự có. Chọn bó đũa rút cột cờ. Thấy anh Đặng Văn Lân viết chữ sạch sẽ, tính tình cẩn thận, không nề hà khó khăn, thế là Ban Biên tập phong ngay cho cái chức trình bày báo.

Mỗi tuần 1 số 16 trang. Phải có 16 trang làm bản nháp. Thôi thì kẻ ngang, sổ dọc đủ kiểu. Rồi đặt vị trí cho từng bài. Mỗi bài phải đếm từng từ cụ thể. Ấy vậy mà khi xếp chữ lên máy in có khớp cho đâu. Có lúc còn có tiếng gọi đột xuất: “Gay rồi chú ơi, thiếu bài”. Bài thì có dự trữ, nhưng thiếu ở “cột” nào phải rất cụ thể, sao cho rách mà khéo vá. Vậy là, Tổng Biên tập phải vã mồ hôi đạp xe vào tận nơi. Nhà in có thay ca trưa – nhà báo thì không. Tay lọ lem. Bụng đói meo. Hồi đó làm gì có mỳ ăn liền mà mơ!

Những buổi ban đầu là thế. Chưa có máy móc đỡ chân tay. Về sau, Đặng Văn Lân biết cải tiến cách làm việc, tự rút kinh nghiệm “cân đong đo đếm” và tính toán cách làm ma két. Rất đáng khen. Chính xác cực kỳ. Duyệt một lần là ăn ngay. Nhưng một giả thiết khác được đặt ra. Chỉ có mình Đặng Văn Lân “đơn thương độc thỏ” (Cái xe máy cà tàng “Con thỏ”) giao dịch với xưởng in, nhỡ khi trái gió trở trời, không ai làm ma két thì sao đây? Vậy đấy, người chỉ huy khi xung trận không có thể tới 2 dự bị, gặp cơn nguy biến dễ lúng túng lắm chứ! Sau nhiều lần thương thảo, Cục Cảnh sát bảo vệ “thắt lưng buộc bụng” cho Lương Xuân Tý về hỗ trợ khâu trình bày minh họa với Báo CAND. Từ đó, bộ đôi Lân – Tý hợp lực nhau phát huy tài năng, sáng tạo, hình thức tờ báo từng bước được cải tiến, phần nào làm hài lòng mắt xanh của độc giả.

3. Kể một mẩu chuyện cũ để mà “ôn cố”, bây giờ xin nói chuyện “tri tân”. Suốt 68 năm qua, sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung Báo CAND là anh chị em làm báo đã luôn nắm vững và thể hiện sắc sảo, sinh động đúng đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước; Đúng với đường lối, sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an nhân dân tiến lên chính quy, từng bước hiện đại, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Có tiêu chí phấn đấu nhân văn, tin cậy, kịp thời. Có công tác từ thiện xã hội thật đáng khen. Uy tín của Báo ngày càng tăng cao trong nhân dân, bạn đọc chưa lần nào “hỏi thăm sức khỏe”. Tự hào lắm chứ!

Vậy việc cần làm ngay bây giờ là gì? Trước hết là chữa morát (morasse) – theo tôi. Báo ta còn  kha khá lỗi này. Việc gì phải giấu. Có lỗi mà biết xin lỗi, biết nghiêm túc sửa chữa là việc làm đáng hoan nghênh. Nhưng phải có lý, có tình. Một mặt phải tôn trọng bạn đọc. Đọc bài báo hay như đang tiệc vui, bỗng nhai phải hạt sạn, ê buốt cả hàm răng, ai mà chẳng phàn nàn. Nhưng mặt khác, phải hết sức thông cảm với những anh chị em “vạch lá tìm sâu”. Đọc cả ngày, hoa cả mắt, tuy cảnh giác đấy mà dễ sót lọt. Cái sai bày ra trước mắt mà đọc qua rồi chẳng nhìn thấy. Công… nhân dân, thiếu chữ “an” vẫn cho qua luôn; ông Miu-ra, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, rút tít to đùng, in là ông Mui-ra, không bị tuýt còi phạt việt vị. Mong mỏi lắm những anh chị em có trách nhiệm phải kiên trì, tỉnh táo, phải bình tâm, trước hết là phải chữa morát cho chính mình.

Thứ hai, phải chịu khó, phải kiên nhẫn tự học để nâng cao trình độ. Đây là sự cần thiết lắm lắm, quan trọng lắm lắm. “Kiến tha lâu đầy tổ” mà. Phải học ngữ pháp tiếng Việt. Phải học từ việc nhỏ là cách đặt câu cú. Đừng xem nhẹ việc nhỏ. Đừng hào phóng buông thả các dấu chấm câu ( , - ; - . - ? - ! v.v…) không đúng chỗ. Tôi đã đôi lần đứng khựng trước dấu chấm câu, nghĩ mãi mới hiểu, đành co cẳng nhảy qua rào!

Không có những lỗi gì lớn thì phải kiên trì, nghiêm túc sửa những lỗi nhỏ, đừng để kéo dài dễ thành bệnh mãn tính, kinh niên.

4. Đôi dòng tâm sự của người cao tuổi, viết chưa bốc lửa bằng tuổi thanh niên, nhưng bầu nhiệt huyết trong tôi với Báo Công an nhân dân, với anh chị em làm Báo Công an nhân dân, luôn đượm lửa nghĩa tình!

Hà Nội, 20/10/2014

Những phần thưởng cao quý của Báo CAND

Quá trình 68 năm xây dựng và trưởng thành, Báo CAND đã được tặng thưởng:

A- Khen thưởng của Nhà nước:

- 1985: Huân chương Chiến công hạng Nhất

Đã lập thành tích xuất sắc trong sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc 40 năm  (1946–1986).

- 1996: Huân chương Quân công hạng Nhất

Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1986 – 1995, góp phần giữ  vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- 2001: Huân chương Lao động hạng Ba

Đã có thành tích xuất sắc tham gia tuyên truyền vận động tổ chức thực hiện công tác Xã hội - Từ thiện, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- 2001: Huân chương Chiến công hạng Nhất

Đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, giáo dục về XDLL CAND và phong trào bảo vệ ANTQ từ 1996 – 2000, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- 2003: Huân chương Lao động hạng Nhì

Đạt thành tích trong công tác Xã hội - Từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

- 2007: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 1996  đến năm 2005, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

B- Khen thưởng của Chính phủ và Bộ Công an trong Phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”:

- 2005: Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Công an;

- 2006: Cờ thi đua của Chính phủ;

- 2007: Cờ thi đua của Chính phủ;

- 2008: Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Công an;

- 2009: Cờ thi đua của Chính phủ;

- 2010: Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Công an;

- 2011: Cờ thi đua của Chính phủ;

- 2012: Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Công an;

- 2013: Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ Công an;

Trần Liêu (nguyên Tổng Biên tập Báo CAND)
.
.