Đua lạc đà – Môn giải trí vùng Trung Đông trị giá hàng triệu USD

Thứ Ba, 12/04/2016, 10:45
Theo Faisal Ali Sulaiman Al Khaldi, thành viên gia đình gây giống lạc đà đua ở Vương quốc Oman, phong trào đua lạc đà đang bùng nổ và nhanh chóng trở thành thị trường béo bở trị giá hàng triệu USD.

Trong phòng chờ chuyến bay đến thành phố Doha miền đông Qatar tại sân bay quốc tế Dubai, 2 người đàn ông – Faisal và Ahmed - mặc trang phục truyền thống của khu vực Trung Đông. Họ đến Dubai một phần do muốn tham dự một cuộc đua lạc đà tổ chức tại nơi này.

Faisal nói: “Tôi rất mê gây giống lạc đà và những cuộc đua lạc đà. Đó là truyền thống gia đình. Ông nội tôi và cả gia đình ông đều như thế cả. Tôi bị ám ảnh trước những con lạc đà ngay từ khi còn nhỏ”.

Ngoài thời gian làm việc trong ngành viễn thông, Faisal dồn hết công sức để nuôi lạc đà với sự giúp đỡ tận tình từ gia đình. Hiện nay, lạc đà không còn được nuôi để lấy sữa và thịt nữa mà chúng được sử dụng trong những cuộc đua. Từ đó, lạc đà trở thành con vật giúp cho nhiều người kiếm tiền và thậm chí trở thành triệu phú. Faisal cho biết lạc đà đua được cho ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như mật ong, sữa tươi, trứng, quả chà là và đủ loại vitamin.

Lạc đà trong một cuộc đua.

Faisal tiết lộ: “Chúng tôi chi tiêu hàng tháng đến hơn 1.000 USD để tẩm bổ cho lạc đà chuẩn bị cho cuộc đua”.

Theo Faisal, độ tuổi của lạc đà đua trong khoảng từ 2-7 năm - tức là khi người huấn luyện cảm thấy con vật đủ sức để đua. Lạc đà đua không rẻ tiền và nói chung có bảng giá quy định hẳn hoi. Cụ thể, giá lạc đà khởi điểm từ 55.000 USD. Vào năm 2010, một người hâm mộ môn thể thao đua lạc đà ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) chi ra đến hơn 7 triệu USD để sở hữu 3 con lạc đà! Giá một con lạc đà chiến thắng trong cuộc đua còn cao hơn nhiều – trong khoảng 5 đến 10 triệu USD, thậm chí có thể vọt đến 30 triệu USD!

Các quốc gia Vùng Vịnh là thị trường lạc đà lớn. Những cuộc đua lạc đà ở địa phương diễn ra hàng tuần và những con hạng nhất sẽ được chọn để tham gia những cuộc đua quan trọng như Gulf Racing Cup, Lễ hội đua lạc đà hàng năm ở Dubai và Cuộc đua lạc đà Shahanya ở Qatar. Đường đua dài từ 1,5km đến 8km tùy theo độ tuổi lạc đà. Bởi vì những con lạc đà tham gia đua có nhiều độ tuổi khác nhau - 2, 4, 6 và 8 tuổi. Con lạc đà chiến thắng trong vòng chung kết nhận được phần thưởng tượng trưng là thanh gươm và số tiền 3 triệu USD.

Trước đây trẻ em được sử dụng cầm cương lạc đà trong những cuộc đua.

Thời gian gần đây, các quốc gia Vùng Vịnh đã có lệnh cấm sử dụng trẻ em trong những cuộc đua lạc đà và thay vào đó là robot sau khi bị chỉ trích dữ dội từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền với lý do là nguy hiểm cho tính mạng trẻ em. Trẻ em thường được sử dụng trong cuộc đua lạc bà bởi vì các em nhẹ cân hơn người lớn. Tuy nhiên, có báo cáo cho rằng hàng chục ngàn trẻ em (thậm chí một số chỉ mới 2 tuổi) ở Afghanistan, Bangladesh, Iran, Pakistan và Sudan bị bọn buôn người chở đến các quốc gia Arập Vùng Vịnh để phục vụ “nền công nghiệp đua lạc đà”.

Ước tính có khoảng độ 5.000 đến 40.000 trẻ em được sử dụng với mục đích cầm cương lạc đà vô cùng nguy hiểm như thế. Và tai nạn khó tránh khỏi là các em nhỏ bị té ngã từ trên lưng lạc đà gây tổn thương nặng. Hàng trăm trẻ em được giải cứu từ các trại nuôi lạc đà ở Oman, Qatar và UAE và sau đó được trả về quê nhà hay được đưa vào chăm sóc ở các mái ấm từ thiện.

Đua lạc đà là môn thể thao rất phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới - bao gồm Pakistan, Arab Saudi, Ai Cập, Bahrain, Jordan, Qatar, UAE, Oman, Australia và Mông Cổ. Cũng giống như môn đua ngựa, đua lạc đà là sự kiện thể thao có tổ chức cá cược và thu hút mạnh du khách. Lạc đà có thể chạy với tốc độ 40km/giờ (thậm chí 50km/giờ) và liên tục trong suốt 1 giờ.

Lạc đà được nuôi và huấn luyện cẩn thận trước khi vào cuộc đua.

Sheikh Mohammed Bin Rashid Al-Maktoum - Thủ tướng Dubai và Phó Chủ tịch UAE – đã cho thành lập Trung tâm Thí nghiệm Nghiên cứu Thú y (CVRL) với giám đốc là Ulrich Wernery, người theo dõi sát sao môn thể thao đua lạc đà. Ulrich Wernery cho biết: “Hiện nay môn thể thao đã có sự cải thiện lớn trong mọi thứ, về huấn luyện cũng như gây giống, nuôi dưỡng”.

Hàng trăm con lạc đà hạng nhất được thụ tinh nhân tạo ở CVRL, một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao. CVRL cũng được coi là trung tâm đầu tiên trên thế giới nhân bản thành công lạc đà.

An An (tổng hợp)
.
.