22 năm lưu lạc và cuộc trở về đầy nước mắt

Thứ Sáu, 02/08/2019, 12:47
Sau khi bài báo về nạn nhân Lê Thị Tám bị bạn lừa bán sang Trung Quốc sau 30 năm mới tìm đường trở về đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới, một câu chuyện khác từ một người phụ nữ ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chị Mai Thị Điều cũng đã được tiết lộ.

Chị có một số phận chua chát không kém bởi hơn 22 năm lưu lạc xứ người mới tìm được về gia đình. Cuộc đời lỡ dở những hạnh phúc, tuổi trẻ bị đánh cắp chỉ đơn giản vì lòng tham tiền của những kẻ lừa đảo. Chị và người bạn thân sau khi uống xong cốc nước đã mê man bất tỉnh và khi tỉnh dậy thì họ hoàn toàn không thể tin được rằng, cuộc đời mình đã bị xô dạt đến cửa ải của sự khổ đau, tủi nhục mất mát và là dấu chấm hết cho những giấc mơ tuổi trẻ...

Chị Điều (đứng thứ 2 từ trái qua) đoàn tụ trong vòng tay gia đình.

Cốc nước có thuốc mê đẩy cuộc đời xô dạt

Chị Mai Thị Điều sinh năm 1973 tại làng quê nghèo ven biển làng Du Độ, thôn Tiền Phong, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình đông con, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối. Biến cố gia đình đầu tiên xảy ra là ngày người mẹ mất sớm, để lại cho bố nuôi 6 chị em, lớn nhất là 8 tuổi và em út bé nhất, mới sinh 26 ngày tuổi.

Nghèo đói nên dù còn bé, chị Điều cùng các chị em phải đi chợ thêm để đổi muối lấy ngô khoai, sống qua ngày. Một năm sau bố chị đi thêm bước nữa. Khi mẹ kế sinh thêm một em trai nữa thì hoàn cảnh gia đình chị đã vất vả lại càng bần hàn hơn. Chị Điều bỏ lại việc học dở dang để ở nhà trông các em.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, khi chị cũng đã đôi mươi, biết bao mơ ước hoài bão nơi vùng quê xa xôi bỗng chốc dở dang khi mối tình đầu của chị tan vỡ. Cú sốc tâm lý đã khiến chị thay đổi ý nghĩ, rằng phải vượt qua cánh cổng làng để tìm kiếm một cuộc sống mới.

Tháng 11 - 1996, sau cú sốc tâm lý, một người chị tên là Thành Cát rủ chị Điều cùng người bạn thân là Nguyễn Thị Minh sang xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia cách con sông Lạch Bạng để đi chơi. Người này cũng hứa hẹn với hai cô gái tuổi đôi mươi về việc sẽ tìm việc làm ăn xa rất có triển vọng.

Chị Điều (thứ ba từ trái sang) và các chị em gái.

Khi Thành Cát dẫn chị cùng người bạn vào nhà người bạn của chị ta là Tâm ở Xóm Mới (thôn Thanh Đông, xã Hải Thanh) thì được chị này mời 2 ly nước. Vừa khát nước, vừa mệt, chị Điều và chị Minh uống cạn ly nước thì lịm đi, mê man không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì chị và bạn đã ở một nơi rừng núi hẻo lánh và gặp những người nói tiếng chị không hiểu. Chị và người bạn đó được nhốt vào một nhà cùng hơn 20 người Việt Nam khác.

Sau gần một tuần bị nhốt tại đây thì chị được một người đàn ông đưa lên ôtô khách đi về một vùng núi hẻo lánh. Bạn chị, chị Minh được đưa lên một xe khác. Lúc đó chị mới biết là mình bị lừa và mang bán cho người đàn ông Trung Quốc ấy với giá 9.500 tệ (khoảng 32 triệu đồng) để làm vợ. Dù không muốn, dù cay đắng và muốn thoát khỏi chiếc xe khách, nhưng chị hoàn toàn bất lực và đành phó mặc cho số phận đẩy đưa.

Nếm trải nỗi bất hạnh của hai lần bị bán làm vợ

Sinh sống cùng gia đình người chồng không hôn thú hơn mình một giáp, chị đã phải trải qua những năm tháng cơ cực nơi xứ người với việc bất đồng ngôn ngữ, chị sinh con và bắt đầu phải chịu đựng những trận đòn đau đớn của chồng cùng bố mẹ chồng. Chị bảo, nỗi cay đắng tủi nhục nhân lên gấp bội khi không một giây phút nào chị không nhớ về quê hương, gia đình, các em.

Không biết tiếng, chị phải chịu đựng những trận đòn vô cớ dù làm lụng vất vả hết ngày này qua ngày khác. Cuối năm 1997, chị đã sinh một bé gái. Khi không được như ý, chị liên tục bị những trận đánh của bố mẹ chồng. Trong nỗi uất hận, chị tìm mọi cách để trốn về nhưng cuộc sống bị kìm kẹp, bế tắc như tù ngục, chị không thể trốn khỏi nhà chồng.

Chị Điều sau 22 năm bị bắt cóc bán sang Trung Quốc.

Đến năm 1998 khi đó chị đang mang bầu đứa con trai thứ 2 được chừng 5 tháng, trên tay đang bế đứa con gái mới được gần 1 tuổi thì chị được một người Việt Nam tên là Hương rủ đi chơi và đưa đến nhà một người gốc Hà Nội tên là Thu.

Cuộc sống nơi xứ người, gặp được một người Việt Nam chị như bắt được vàng, không nghĩ ngợi gì cả. Chị ta lại hứa hẹn đủ điều sẽ tìm đường về Việt Nam cho chị, nên không chút đắn đo, chị đi theo chị ta ngay lập tức. Nhưng rồi, chị đâu ngờ, ngay khi đến nhà chị Thu kia thì chị bị nhốt trên gác tầng 2, không cho ra ngoài. Chị đã linh tính điều chẳng lành, nhưng nơi xứ người, chị không còn bất cứ sự lựa chọn nào cả.

Sau khi ở lại đây chừng 3 ngày thì chị được một người đàn ông già mua với giá 5.500 tệ. Chị biết mình đã bị chính những người Việt Nam tại xứ người vì tiền đã mang đi bán lần thứ hai.

Bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, đứa con đầu hơn 1 tuổi, chị ngậm đắng nuốt cay đi theo người đàn ông già hơn chị vài chục tuổi. Người này cũng chính là người chồng hiện tại của chị đang chung sống tại Quảng Đông, Trung Quốc.

May mắn nhất với chị Điều, người chồng hiện tại làm thầy lang hàng ngày hái lá cây về làm thuốc đi chữa bệnh cho dân làng đã sống tử tế với mẹ con chị. Sau đó chị cũng đã sinh cho ông ấy một đứa con gái và chị chấp nhận số phận chung sống cùng ông vì chị không biết tiếng, cũng không biết mình đang ở vùng nào trên đất nước Trung Quốc.

Chị Điều và con gái út.

Trong thời gian ấy, gia đình người chồng cũ của chị, bằng cách nào đó đã tìm được mẹ con chị và thương lượng đưa 2 con của chị với người chồng đầu về nuôi. Xót xa vì dù hôn nhân không tình yêu, nhưng đứa con chị đứt ruột sinh ra, chị không nỡ rời xa. Nhưng chị không có lựa chọn nào khác. Đành phải để hai con đi theo gia đình người chồng Trung Quốc.

Dù cuộc sống với thầy lang già cũng được gọi là yên ổn, nhưng trong lòng chị vẫn muốn trở về quê hương, bản quán. Mấy lần chị trốn tìm đường về Việt Nam nhưng dường như vô vọng. Tháng ngày dần quen ăn cơm chan nước mắt, chị chấp nhận với số phận mình. Hơn nữa, khi đó chị đã sinh thêm hai con trai và một con gái (lần lượt vào các năm 2001, 2002 và 2003).

Chị bảo, người Việt Nam sang bên đó chủ yếu làm nhiệm vụ sinh con và sống cuộc đời như một người giúp việc đúng nghĩa, bị bóc lột và coi rẻ, ít ai có được tình cảm dù là tình người. Chủ yếu chị sống vì các con, dẫu sao con mình sinh ra, chăm sóc nên tình cảm mẹ con và nỗi mong ngóng được về lại quê hương là điều đáng để chị sống tiếp những năm tháng nhọc nhằn nơi xứ người.

Tìm đường về quê hương sau 22 năm lưu lạc

Ròng rã 22 năm bên xứ người, mãi đến tháng 10 - 2018 chị thông qua một người bạn tên là Hồng người gốc Sài Gòn cùng chị đi chợ và vào quán cắt tóc, gội đầu gần đó thì quen được một người Việt gốc Thái Nguyên tên là Lan. May mắn cho chị Điều là chị Lan lại quen thân một người tên là Dung gốc Việt quê ở Xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia cách quê nhà chị Điều 25km.

Chị Dung nhờ người nhà tìm về quê chị Điều và hỏi thăm đến nhà chị gái và em trai chị Điều. Em trai út cùng mẹ cùng cha với chị là anh Mai Tiến Dũng, một bác sĩ nhi khoa tại Thanh Hóa. Khi nghe tin có chị gái mất tích gọi điện thoại, anh sung sướng đến chảy nước mắt.

Sau khi hỏi han tình hình và biết chắc chắn đây chính là người chị gái của mình lưu lạc, anh đã thắp hương khấn vái cho người cha đã mất năm 2005 với niềm đau đáu trước khi ra đi, rằng bằng mọi giá hãy tìm chị Điều. Dường như ông trời phù hộ, người cha linh thiêng phù hộ nên chị em đã có cơ hội để đoàn tụ sau 22 năm xa cách biền biệt tưởng không có ngày gặp lại.

Chị Điều và em trai Mai Tiến Dũng - người đã tìm chị về.

Sau khi ăn Tết năm 2018, anh Mai Tiến Dũng đã lên kế hoạch đưa chị Điều về Việt Nam để đoàn tụ cùng gia đình. Trước đó, chị Điều cũng đã kể toàn bộ câu chuyện cho chồng chị thì may mắn đã được ông ủng hộ cho chị về quê thăm gia đình, thắp hương cho cha mẹ và người em trai đã mất.

Chồng chị mặc dù nghèo nhưng đã vay mượn tiền, đưa chị lên xe khách đi chặng đường 750km ra đến cửa khẩu Bằng Tường. Người em trai chị đã chờ sẵn đón chị. Chị em gặp nhau sau 22 năm mất liên lạc đã ôm nhau nghẹn ngào, xúc động. Vượt hơn 400km từ cửa khẩu về quê nhà Thanh Hóa - nơi mọi người đã chờ sẵn. Họ đón nhau trong nước mắt mừng tủi, hạnh phúc.

Có những nỗi hạnh phúc tưởng chừng giản đơn nhưng lại vô cùng thiêng liêng với gia đình chị, với bản thân chị Điều. Cô gái 20 tuổi khi xa quê, nay trở về tiều tụy hao gầy vì nỗi nhớ thương quê nhà. Chị Điều lên thắp hương cho mẹ cha mà quỵ gối bởi chị không ngờ, chỉ một phút giây nông nổi mà chị lưu lạc 22 năm, không có mặt khi người cha thân yêu lìa xa thế giới.

Sau gần 6 tháng đoàn tụ cùng gia đình, chị Điều đã được địa phương tạo điều kiện để làm giấy tờ tùy thân, để được là công dân Việt Nam có hộ chiếu cùng visa để trở về cùng chồng con ở Trung Quốc. Chị bảo, bản thân chị là một người may mắn hơn bạn chị, tên là Minh. Sau khi thất lạc gia đình, chị Minh có 1 lần cũng liên lạc được cùng người thân nhưng rồi cho đến nay, bặt vô âm tín.

Còn nhiều người phụ nữ Việt Nam nữa bị bắt cóc, lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, làm mẹ trong tủi nhục. Nhưng đau đớn hơn nữa, là sang xứ người, họ chưa phải là đã hết cạm bẫy. Chính những người Việt Nam sinh sống ở nước sở tại, lại chính là những người bán buôn kiếm sống trên thân xác người phụ nữ nghèo khổ, đơn độc và cần tìm một nơi bấu víu, một lần nữa đẩy họ vào bước đường cùng, tủi nhục và đau đớn.

Anh Đỗ Văn Nghĩa, Trưởng công an xã Hải Bình, Tĩnh Gia, người quản lý địa bàn và cũng là người tạo điều kiện để chị Điều được làm giấy chứng minh thư cho chị được trở lại là người Việt Nam. Anh chia sẻ, thực sự việc của chị Điều bị lừa bán sang Trung Quốc là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với hầu hết mọi người.

Các cấp chính quyền cũng tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước kẻ xấu, nhưng với mọi người, nâng cao ý thức cảnh giác sẽ là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng chống tệ nạn buôn bán người. Việc chị trở về được đoàn tụ cùng gia đình là một niềm hạnh phúc không chỉ riêng chị, riêng gia đình, mà còn cả với nhân dân trong xã.

Cuộc sống luôn có những phép nhiệm màu, nhưng không phải bao giờ điều ước cũng đến với tất cả mọi người. Đúng dịp Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm nay, câu chuyện chị Điều trở về sau 22 năm lưu lạc như một lời cảnh tỉnh day dứt. Còn  những số phận khác không may đang trôi dạt tại một bến bờ xa lắc nào đó bên ngoài tổ quốc, họ đang từng ngày trông mong về gia đình, trong nước mắt tủi hờn và đau đớn...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.