Những tiếng nổ đóng góp lớn cho chiến thắng trọn vẹn

Thứ Tư, 28/04/2021, 15:00
Những tiếng nổ và cơn bão lửa dội xuống Tân Sơn Nhất đã khiến Sài Gòn rúng động. Tuyệt đại đa số binh sĩ VNCH đều hiểu rõ: Tất cả đã không thể đảo ngược tình thế. Họ chỉ còn duy nhất một cơ hội là buông súng để bảo toàn mạng sống...


Canh bạc cuối cùng

Ngày 2/4/1975, Nha Trang giải phóng. Theo đề xuất của Tướng Feredrich C.Weyand  - Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ (đến Sài Gòn ngày 28/3/1975), Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định lập phòng tuyến Phan Rang để cứu vãn tình thế. Hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận của Quân khu II được sáp nhập vào Quân khu III. Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III đặt đại bản doanh tại Sân bay Thành Sơn, cách Phan Rang 10km về hướng Tây Bắc.

Canh bạc cuối cùng, hơn 75.000 quân các loại đã được ném vào tỉnh Ninh Thuận nhỏ hẹp, vào thời điểm đó có chưa đến 400.000 dân. Theo phân tích và đánh giá của Alain Dowson trong cuốn “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ”, Phan Rang không phải là vị trí chiến lược thích hợp cho một tuyến đại phòng thủ. Nhưng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không còn lựa chọn khác. Phan Rang cách Sài Gòn 350km. Nếu cầm chân được quân đội miền Bắc ở đó, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sẽ có cơ hội kéo giãn cự ly cuộc chiến ra cách Đô thành một quãng dài, có thời gian để củng cố lại lực lượng mong giữ được một phần lãnh thổ miền Nam.

Phi đội Quyết thắng hoàn thành nhiệm vụ đánh bom Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975.

Ngày 3/4/1975,  cầu Du Long cách Phan Rang 25 km về phía Bắc bị giật sập để ngăn xe tăng, pháo binh, xe cơ giới của Quân giải phóng tiến về phía Nam.  Nhưng chỉ 2 tuần sau,  ngày 16/4/1975, sức tiến công như vũ bão của Cách mạng đã đập nát tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống 1.665 sĩ quan binh lính, 11 xe tăng, thiết giáp và 51 máy bay nguyên vẹn. 

Ngược về trước đó chưa đầy 10 ngày, theo mô tả của Alain Dowson, khi quân cách mạng mở màn tấn công phòng tuyến Phan Rang vào ngày 7/4, Trung tá Vũ Quốc Bảo, chỉ huy lực lượng Biệt động quân chốt chặn tại núi Cà Đú, ngay cạnh quê ông Thiệu vẫn ra trận với “bộ đồ trận mới toanh và đôi giày đánh xi bóng loáng”. Ở Sài Gòn, du khách vẫn thong dong dạo phố. Hàng đàn bồ câu vẫn thản nhiên chao đậu xuống quảng trường trước nhà thờ Đức Bà và công viên trước Dinh Độc Lập.  Cuộc chiến khốc liệt vẫn chỉ là những cuộc giao tranh dai dẳng ở tận đâu đâu...

Bất ngờ, sáng 8/4, bốn quả bom từ một chiếc F5E đã nổ tung trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Chỉ có hai  quả bom rơi trúng nóc dinh, nổ làm sập một mảng trần.

Tác giả của vụ không kích được xác định ngay là Trung úy Nguyễn Thành Trung, phi công chiến đấu của Không đoàn 63 chiến thuật, Sư đoàn 3 Không quân đóng tại Biên Hòa. Không rõ động cơ, không chắc chắn hành động ném bom tấn công Dinh Độc Lập là phản chiến hay điệp vụ tình báo, song An ninh quân đội Sài Gòn đã lập tức cho bắt ngay chị Nguyễn Thị Cẩm vợ anh để thẩm vấn. Hai cô con gái 5 tuổi và 2 tuổi cũng bị dẫn đi theo mẹ.

Cuộc điều tra chưa có kết quả thì 20 ngày sau, xẩm tối 28/4, một phi đội 5 chiếc A37 xuất phát từ phi trường Thành Sơn gần Phan Rang lại tiếp tục dội bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay, khí tài và đường băng của căn cứ không quân này. Chỉ huy phi đội lại vẫn là Nguyễn Thành Trung.

Cả hai cuộc không kích, xét cho cùng đều không gây thiệt hại quá lớn về cả nhân mạng lẫn vật chất cho phía đối phương. Nhưng nó có ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược trong việc góp phần kết thúc cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Lần đánh bom Tân Sơn Nhất, chỉ dấu càng rõ ràng: Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn đã gần kề. Cơ hội không còn nữa.

Đó đích thực là một chiến công lừng lẫy, một điệp vụ tình báo chiến lược hoàn hảo. Nguyễn Thành Trung, tác giả của hai lần lập công xuất sắc ấy, đến ngày 20/1/1994 đã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một phần thưởng xứng đáng cho một đóng góp to lớn vào cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

Lót ổ 20 năm

Tuy vậy, mãi đến năm 2000, người ta vẫn còn cãi nhau về chuyện phi công Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung là người của tổ chức nào, là cán bộ thuộc Ban Dân vận, hay Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, hay điệp viên của Tình báo Trung ương Cục? 

Sự thật, Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh năm 1947. Cha của anh là ông Đinh Văn Dậu, nguyên là Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Bến Tre. Ba người anh ruột của ông là Đinh Văn Trĩ, Đinh Khắc Cần, Đinh Khắc Nhàn đều là đảng viên Cộng sản, tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp. Từ nhỏ, Đinh Khắc Chung đã được Tỉnh ủy Bến Tre xếp vào diện “hạt giống đỏ”, cần được bảo vệ và phát triển.

Năm 1956, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thay đổi lý lịch để Đinh Khắc Chung có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, sau này phục vụ Cách mạng lâu dài. Bà Nguyễn Thị Mỹ, mẹ cậu, một mực khai rằng bà chỉ có một mẹ một con. Tòa án địa phương VNCH  đã phán quyết cho cậu bé được mang họ mẹ, làm khai sinh với tên Nguyễn Thành Trung. Mục người cha được ghi là vô danh.

Ngày 2/3/1963, trên đường công tác, ông Đinh Văn Dậu lọt vào ổ phục kích, bị biệt kích bắn chết. Nguyễn Thành Trung - đã 16 tuổi - được những người đồng chí, đồng đội của cha mẹ mình đưa lánh vào căn cứ (ở Mỏ Cày, Bến Tre). Đầu năm 1964, anh trở thành nhân viên của Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam khi vẫn đang công khai theo học Trung học tại Mỹ Tho. Điều này thì một số cán bộ lão thành hoạt động trong Ban Dân vận thời đó biết rõ. Nhưng việc nửa năm sau, tháng 8/1964, Trung trở thành điệp báo viên, hoạt động đơn tuyến trong mạng lưới tình báo Trung ương Cục miền Nam do trực tiếp Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng lãnh đạo thì hầu như không ai biết. Đây là một trong những nguyên nhân sau này sẽ gây ra tranh cãi.

Theo yêu cầu của công tác điệp báo, năm 1965, Trung thi vào Ban MPC (Toán – Lý – Hóa) của Đại học Khoa học Sài Gòn, trọ học ở gần cầu Sắt, khu vực Đa Kao, quận Nhất.  Đợt I của Chiến dịch Mậu Thân 1968, Nguyễn Thành Trung và 8 người khác tham gia vào một tổ vũ trang Thành Đoàn, trực tiếp chiến đấu, tấn công vào mặt trận cánh Nam Sài Gòn. Hơn 10 ngày quần thảo, chiến đấu ở các khu vực cư xá Minh Mạng, vòng qua Chợ Thiếc, đường Vĩnh Viễn, tổ 9 người hy sinh hết 6. Trung và hai đồng đội còn lại cũng hết sạch đạn dược, lương thực, dìu nhau tìm đường lần ra cứ.

Một trong 5 chiếc máy bay A-37 của Phi đội Quyết thắng, do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu, ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975.

Tháng 5/1968, Nguyễn Thành Trung lại theo các mũi tấn công đợt 2 tiến vào Sài Gòn. Nhưng lần này, anh không tham gia trực tiếp chiến đấu. Được xác định là chưa bị lộ, anh được đồng chí Phạm Hùng ra chỉ thị: Tiếp tục học tiếp ở Đại học Khoa học và bằng mọi cách thi vào Không quân VNCH, “nằm vùng” chờ lệnh. Dĩ nhiên, vào binh chủng con cưng của quân đội, lý lịch sẽ bị An ninh quân đội kiểm tra rất gắt gao. Lưới điệp báo của Trung ương Cục đã chuẩn bị rất kỹ, giúp Trung vượt qua hết mọi yêu cầu kiểm tra, xác minh lý lịch. Sức học xuất sắc, Nguyễn Thành Trung đã thi đậu vào Không quân không mấy khó. Đầu tháng 6/1969, anh vác ba lô vào quân trường. Trước đó 1 tuần, ngày 31/5/1969, Nguyễn Thành Trung được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau 6 tháng quân trường tại Nha Trang, 6 tháng huấn luyện tại Tân Sơn Nhất, với kết quả xuất sắc, vượt trội, Nguyễn Thành Trung đã được Không quân gửi sang Mỹ học lái, dù anh chỉ cao 1m65. Chọn loại máy bay để học lái là một cuộc đua chen đầy thách thức. Vượt lên trên hàng trăm thực tập sinh khác, Nguyễn Thành Trung đã giành được quyền ngồi vào cabin học lái máy bay chiến đấu. Trong hai năm rưỡi (từ tháng 4/1970 đến tháng 10/1972), Nguyễn Thành Trung đã được đào tạo kỹ lưỡng qua 4 trường dạy bay: Lackland và Randolph (bang Texas), Keesler (bang Mississippi) và England (Louisiana). Trong bất kỳ hạng mục nào, Trung đều tốt nghiệp hạng TOP – G (đỗ đầu), có hai lần thủ khoa về bomb và rocket.

Về nước, anh thành “của hiếm” trong không lực VNCH vì thành thạo cả hai loại máy bay tiêm kích tối tân F5 và A37. Được lựa chọn đơn vị, anh xin về Phi đoàn 526, sư đoàn 4 không quân đóng tại Trà Nóc, Cần Thơ cho... gần quê hương.

Lót ổ hoàn hảo, Nguyễn Thành Trung rất sốt ruột muốn nhận nhiệm vụ, làm gì đó ngay. Bí thư Phạm Hùng chỉ đạo: Tạm thời nằm yên, chờ cơ hội thực hiện nhiệm vụ chiến lược, dùng máy bay đánh vào đầu não (VNCH). Tháng 1/1975, anh được điều chuyển về Không đoàn 63 chiến thuật, Sư đoàn 3 Không quân đóng tại Biên Hòa.

Vào thời điểm đó, quân đội VNCH có bao nhiêu quân, binh chủng thì Trung ương Cục miền Nam cũng tổ chức bấy nhiêu lưới điệp báo để thu thập thông tin đối phó. Ngay đầu tháng 1/1975, một điệp báo viên của lưới điệp báo phụ trách pháo binh bị địch bắt.  Không chịu nổi đòn tra tấn, người này đã khai báo. Toàn bộ lưới điệp báo pháo binh đều bị bắt sạch. Kẻ đầu hàng còn khai thêm: “Trong không quân có một điệp báo viên người gốc Bến Tre. Vì không cùng lưới nên không biết tên họ, cấp bậc".

Ngay lập tức, mọi sĩ quan quê Bến Tre đều bị An ninh quân đội triệu lên thẩm vấn. Đến lượt Trung, An ninh quân đội hỏi về bản thân anh thì ít, chỉ ráo riết đặt cho anh hàng loạt câu hỏi về Đại úy Nguyễn Văn Thu, cùng quê làng An Khánh với anh. Trung không khai gì bất lợi cho bạn, nhưng rất lo vì cả tháng trời, Đại úy Thu liên tục bị đình chỉ bay để gọi lên thẩm vấn. Đại úy Thu biết về Trung quá rõ, chỉ cần anh hé một lời là Trung sẽ bị còng tay ngay tức khắc. Nhưng Đại úy Thu là một đồng hương chí nghĩa chí tình. Mỗi lần bị thẩm vấn xong, anh đều gặp Nguyễn Thành Trung và nhăn nhó việc phần mình: “Tao khai thế nào tụi nó cũng bảo không đúng, vặn vẹo đủ thứ. Toàn hỏi về mày. Tao bảo có quái gì khác đâu mà kêu khai lại, tôi có đẻ ra thêm được sự thật đâu. Mà có hỏi về mày tao cũng ba không!”.

Lúc này,  làng An Khánh và toàn vùng Châu Thành quê của Nguyễn Thành Trung đều do cách mạng kiểm soát nên muốn thẩm tra lý lịch anh, An ninh quân đội cũng không thể thực hiện được ngay. Đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo: “Trường hợp xấu nhất thì cướp máy bay, bay ra Lộc Ninh nhảy dù, sẽ có người đón”.

Cuộc điều tra chưa ngã ngũ thì tỉnh Phước Long thất thủ, lọt hoàn toàn vào tay quân Giải phóng (6/1/1975). Nắm rõ phía VNCH không có kế hoạch tái chiếm Phước Long, Nguyễn Thành Trung đề xuất cho sửa lại sân bay Phước Long, anh sẽ cướp máy bay đáp xuống  đó.

Cấp trên chuẩn y. Bị bom pháo đôi bên giã nát bét, công binh phải mất gần 2 tháng mới sửa xong sân bay, nhiều đoạn phải lót tạm bằng vỉ sắt. Chưa hết, sân bay Phước Long lại nằm trên vùng đồi gò, đường băng chỉ 1.000m, trong khi tiêu chuẩn đáp an toàn của loại máy bay F5E là 3.000m. Ông Phạm Hùng liên tục cho liên lạc hỏi: “Có đáp được không? Tuyệt đối không được liều”. Nguyễn Thành Trung căng óc tính toán và quyết định: “Sẽ đáp được.”

Nguyễn Thành Trung (phải) và Trung tá Đỗ Thôn (trái), chính ủy căn cứ C50 (sân bay Phước Long) chụp khi Nguyễn Thành Trung vừa đáp chiếc F5E xuống sân bay Phước Long an toàn, sáng 8/4/1975.

Quyết tâm chứng minh bằng thực nghiệm, những chuyến xuất kích đầu năm 1975, khi trở về căn cứ, Nguyễn Thành Trung đều cố tình giảm bớt độ dài đường đáp của chiếc F5E, cho máy bay dừng đột ngột. Lần thứ nhất: Nổ lốp. Lần thứ 2: Gãy càng bánh. Lần thứ 3: Cháy phanh... Cả quân chủng đều ngạc nhiên. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Không quân bay ngay ra căn cứ Biên Hòa, triệu Nguyễn Thành Trung lên hỏi: “Tại sao?”. Nguyễn Thành Trung cố giữ bình tĩnh, tỏ ra thành thật: “Tôi cũng không biết. Có lẽ do mấy chuyến liền, tôi bay kém.”

Không có bằng chứng kết tội, tướng Minh ra lệnh trừ của Nguyễn Thành Trung 30 điểm tiêu cực, trong khi nếu được cộng 50 điểm tích cực là đủ lên lon trước niên hạn. Vì thế, khi các sĩ quan đồng ngũ, đồng niên hạn đã đeo đại úy hết thì phi công xuất sắc, được coi là giỏi nhất Nguyễn Thành Trung vẫn chỉ là một anh Trung úy tép riu. Nhưng anh mãn nguyện: Chiếc F5E đã ngoan ngoãn dừng ở 1.000m mà không có bộ phần nào bị hư hỏng nữa. Anh báo cáo lên ông Phạm Hùng: “Đã sẵn sàng. Xin cho chỉ thị thời gian hành động”.

Trung ương Cục trả lời: “Thời gian cướp máy bay: Từ ngày 1 đến ngày 10/4/1975. Mục tiêu tấn công trước khi rút: Dinh Độc Lập hoặc Tòa Đại sứ Mỹ”.

Chiến công hoàn hảo

Cướp máy bay là điều gần như không thể thực hiện được. Dưới mặt đất, không có lệnh điều động, mon men đến gần buồng lái, phi công sẽ bị an ninh, quân cảnh bắn hạ ngay. Trên trời, nếu gặp trục trặc, cả phi đội sẽ “áp tải” anh về căn cứ. Cố tình bay chệch đội hình, chính các máy bay khác cùng phi đội sẽ hạ anh ngay lập tức. Cơ hội duy nhất mà Nguyễn Thành Trung tìm ra chỉ vỏn vẹn có 10 giây trước và cho đến khi máy bay cất lên khỏi mặt đất. Anh không được phép nhanh hay chậm hơn dù chỉ 1 giây.

Theo qui định, toàn bộ máy bay chiến đấu hoạt động trên vùng trời VNCH đều chỉ liên lạc với mặt đất cùng một tần số. Quá tải nên luôn rất ồn, phi công  được dạy cách liên lạc với phi công khác cùng phi đội bằng ký hiệu ngón tay, quan sát qua cửa kính. Đài quan sát không can thiệp được vào kiểu liên lạc này, kể cả khi máy bay chưa cất cánh.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung và tác giả bài viết tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 10/2010.

Ngày 8/4, lúc 8h sáng, Nguyễn Thành Trung nhận lệnh xuất phát ở vị trí số 2. Thiếu tá chỉ huy bay vị trí số 1 và số 3 là một đại úy khác. Phi đội vào vị trí, Trung báo với đài kiểm soát: “Đã sẵn sàng”. Nhưng anh lại cong ngón tay báo cho viên thiếu tá chỉ huy: “Số 2 gặp trặc, không xuất phát”. Viên thiếu tá cũng ra hiệu bằng ngón tay: “Số 2 trục trặc cứ ở nhà, số 1 và số 3 sẽ bay”. Số 3 cũng nhận được dấu hiệu thông báo tương tự và cũng trả lời đồng ý. Nổ máy, Trung giữ chặt phanh. 5 giây sau khi chiếc số 1 xuất phát, chiếc số 3 cũng vút lên. Chờ thêm đúng 5 giây, Trung nhả phanh cho chiếc F5E của anh vút lên theo. Đúng quy trình, đài kiểm soát không lưu không hề phát hiện ra chiếc F5E của Nguyễn Thành Trung đã không hề bay vòng nhập đoàn theo đội hình phi đội. Hai vị trí số 1 và 3 thì tin chắc anh đã ở lại. Cất cánh sau, Trung đã tách đoàn bay thằng về hướng trung tâm Sài Gòn.

Quan sát thấy lần cắt bom đầu tiên không trúng mục tiêu, cả hai quả bom đều rơi phía cửa đông Dinh Độc Lập, Nguyễn Thành Trung bất chấp đạn phòng không từ Dinh đang bắn lên như mưa, đã bay vòng lại ném nốt 2 quả bom còn lại xuống nóc Dinh, sau đó lao ra phía Đông trút hơn 200 viên đạn 20 ly xuống kho xăng Nhà Bè rồi cho máy bay vóng lên hướng Tây. Ở sân bay Phước Long mới sửa vội, còn rất tạm bợ, dù không có hướng dẫn nào từ mặt đất, Nguyễn Thành Trung cũng đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu: Cho chiếc F5E dừng ở mốc 900m. Chỉ trượt thêm chừng hơn 100 m nữa, máy bay sẽ nhào xuống khỏi ngọn đồi và tan tành.

Ở lại Phước Long 10 ngày, Nguyễn Thành Trung được điều ra sân bay Chu Lai bằng đường bộ. Ở đó, anh gấp rút huấn luyện cho một tổ gồm 4 phi công khác (3 người là phi công miền Bắc vốn chỉ quen lái Mig 17) là Lục, Quang, Vượng, Để  điều khiển thành thạo máy bay A37 chỉ trong một tuần. Sau đó, phi đội 5 người đã được đưa vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Tại đó, 18h ngày 28/4, họ đã điều khiển 5 chiếc A37 bay vào Sài Gòn trút bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy đường băng và nhiều máy bay quân sự, ngăn không quân VNCH sử dụng căn cứ Tân Sơn Nhất đem máy bay oanh tạc vào vùng chiến địa đã sát nách Sài Gòn.

Những tiếng nổ và cơn bão lửa dội xuống Tân Sơn Nhất đã khiến Sài Gòn rúng động. Tuyệt đại đa số binh sĩ VNCH đều hiểu rõ: Tất cả đã không thể đảo ngược tình thế. Họ chỉ còn duy nhất  một cơ hội là buông súng để bảo toàn mạng sống.

Chỉ 36 giờ sau, Sài Gòn giải phóng. Thành phố vẫn được giữ lại gần như nguyên vẹn. Vợ và con Nguyễn Thành Trung cũng được giải thoát kịp thời để đoàn tụ cùng anh ngay sau ngày thống nhất.

Nguyễn Hồng Lam
.
.