Nước mắt một vị tướng

Thứ Năm, 23/01/2020, 13:26
Mấy mươi Tết như thế này, còn nhiều đồng đội của ông vẫn lặng lẽ nơi đại ngàn xanh thẳm. Ở quê nhà, chỉ là những nén nhang tưởng nhớ, khói hương cứ vấn vít, quện thành dấu hỏi: Tết này các anh ở đâu?

Nhiều năm nay, khi Tết đến, nhà nhà sum họp, ông lại thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên rồi thẫn thờ nhìn về phía xa xăm. Ở đâu đó trong tâm thức của vị Tướng trải bao trận mạc đang hiện ra những nụ cười trong sáng của đồng đội thuở mười chín đôi mươi, là những cuộc hành quân vất vả nhưng hừng hực khí thế chiến đấu bảo vệ Tổ quốc,…

Và, mấy mươi Tết như thế này, còn nhiều đồng đội của ông vẫn lặng lẽ nơi đại ngàn xanh thẳm. Ở quê nhà, chỉ là những nén nhang tưởng nhớ, khói hương cứ vấn vít, quện thành dấu hỏi: Tết này các anh ở đâu?

Nghẹn ngào… mùa khô

Tây Nguyên vào mùa khô. Giữa tháng 11-2019, các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 lại vác la bàn, máy định vị, bản đồ, tài liệu lên đường vào chiến trường năm xưa. Họ đi sâu vào cánh rừng, tìm những địa điểm đã được đánh dấu đỏ trên bản đồ. Đó có thể là chiến hào, là hố chôn các liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến mấy chục năm về trước.

Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm (bên phải) trong lễ truy điệu các liệt sỹ hy sinh ở cao điểm 995 Sa Thầy (Kon Tum).

Từng đám cây rừng được vạch ra, từng hõm đất cũng được xem xét cẩn thận. Bởi, rất có thể ở dưới lớp đất đỏ kia là những gì còn sót lại của một người lính đã ngã xuống năm nào. Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm cùng các đồng đội – những cựu chiến binh già rưng rưng. Và họ chợt lặng lẽ khi nhìn thấy một nhành lan rừng bung nở.

Lần này cũng như mọi lần, họ mang theo chăn, võng, xoong nồi, lương thực dự trữ cho vài ngày lên núi. Đồng hành cùng những người lính già còn có cánh lính trẻ của Ban chỉ huy quân sự địa phương và Sư đoàn 1, Đội quy tập Quân đoàn 3 hỗ trợ. Quân đoàn 3 sau khi nghe các cựu chiến binh báo cáo về phương pháp tìm liệt sỹ mới dựa trên phương pháp khoa học và dữ liệu hồ sơ chiến trường được giải mật đã rất ủng hộ.

Sau 10 ngày khảo sát thực địa ở Ba Lòng, Khe Van, Đắk Krông, Đắk Dục, Đức Cơ, La Đrăng, Plei Me, Tây Nam  thành phố Kon Tum, các thông tin liệt sỹ thu được đều phù hợp với dữ liệu của ta và Mỹ. 10h ngày 30-11, đoàn tìm kiếm đến đúng tọa độ, phát hiện nhiều hố bom tấn (bom B57), bom thường, hố đạn pháo và hầm bộ đội. Bên hố bom B57 khổng lồ, bó hương đã bùng cháy ngay khi Tướng Tâm cất lời khấn.

Thế nhưng, chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ lần này của Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm đã không suôn sẻ. Sau khi bị sốt ở Quảng Trị, vào Gia Lai lại bị căng cơ, sức khoẻ ở tuổi cận kề 80 không cho phép ông tiếp tục hành trình tìm đồng đội. Ông phải quay về Hà Nội trong tiếc nuối.

Cơ duyên đã cho tôi may mắn được biết Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm và những người lính già nghĩa tình ấy. Sinh ra ở làng Viên Nội, huyện Ứng Hoà, Hà Tây (cũ), năm 22 tuổi, chàng trai Lộ Khắc Tâm viết đơn tình nguyện và trích máu điểm chỉ bày tỏ quyết tâm được vào Nam đánh Mỹ.

Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm (trái) cùng ông Hồ Đại Đồng, Trưởng ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 trở lại chiến trường Tây Nguyên.

Chiến tranh cuốn ông đi, nhào nặn ông từ một anh trai làng bỏ học lớp 3 thành một người lính tinh nhuệ trên nhiều chiến trường, rồi một vị tướng, một tiến sỹ khoa học quân sự. Ông đã chiến đấu ở Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 trên chiến trường Tây Nguyên những năm 1965-1969, sau đó sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Vừa chiến đấu vừa học tập, sau này ông làm Phó cục trưởng Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng. Nghỉ hưu rồi, ông vẫn tham gia đào tạo nghiên cứu sinh cho Học viện Quốc phòng.

Tôi gặp ông trong lễ truy điệu và an táng 15 liệt sỹ hy sinh ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum tháng 12-2017. Ông đã cho tôi nhiều cảm xúc khi nhìn thấy bàn tay ông run run trên lá cờ Tổ quốc bọc hài cốt đồng đội, thấy những giọt nước mắt chảy dài trên gò má của người đã kinh qua nhiều trận chiến. Ôm hài cốt đồng đội, đôi vai ông rung lên, vòng tay giữ chặt những kỷ vật mới được đưa lên từ đất mẹ.

Đây cái bút kim tinh màu xanh da trời khắc tên Phạm Bá Thi, chiếc mũ sắt lấm lem đất đỏ - dấu hiệu đầu tiên của “lính mũ sắt” – cái tên đã trở thành bất tử trong lòng nhiều người dân Hà Nội và Kon Tum, đây chiếc võng đã ôm trọn những thanh niên tuổi đôi mươi khi các anh về đất… Ôi! Những trận đánh như hiện ra, từng chi tiết.

Dáng người chiến sỹ kiên cường xông lên lô cốt địch giữa tiếng pháo, rồi bóng đồng đội ngã xuống trên chiến trường không một tiếng kêu rên, tiếng thì thào dặn dò lần cuối của anh lính chiến biết mình sẽ không trở về… tất cả như thước phim quay chậm hiện ra trước mắt người lính già đang xúc động nghẹn ngào.

Đợt quy tập lần đó, ông cùng các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội thuộc Trung đoàn 209 đưa được 15 hài cốt liệt sỹ xuống núi.

Ở phía xa kia, những dãy núi trùng điệp vẫn đang bao bọc nhiều đồng đội của ông – những người chưa được trở về quê hương sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Ở đó, những chiến sỹ tuổi mười tám, đôi mươi đang căng tràn nhựa sống, hừng hực khí thế tiến công đã vĩnh viễn hóa thân vào cây cỏ.

Như những cây thông già lặng lẽ

Giáp Tết, tôi tìm gặp Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm tại nhà riêng của ông trong một con ngõ ở đường Lạc Long Quân, Hà Nội. Trông ông đã xuống sức so với thời điểm 2 năm trước tôi gặp ở Sa Thầy.

Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 209 trong một chuyến đi tìm hài cốt đồng đội ở Kon Tum.

Tôi hỏi, điều gì đã khiến mấy năm nay ông cùng các cựu chiến binh phải chịu đựng gian khổ trở lại chiến trường như vậy. Ông không trả lời trực tiếp mà kể lại câu chuyện: “Trong một trận chiến đấu ác liệt năm 1965, đồng chí xạ thủ trung liên đi bên tôi trúng đạn, trước khi hi sinh anh còn kịp nói: “Anh lấy súng của em… tiến lên!”.

Tôi chỉ kịp vuốt mắt cho người bạn thân thiết ấy rồi vơ khẩu súng RPD từ tay anh, lao lên phía trước. Cái ánh nhìn và lời trăng trối cuối cùng của người xạ thủ ấy cứ ám ảnh tôi mãi như một lời nhắc nhở, lại như một mệnh lệnh.

Trận đánh càng lúc càng ác liệt, quân số thương vong càng nhiều. Khắp cánh rừng cỏ cháy nham nhở. Số anh em hy sinh nằm lẫn với xác chết của quân Mỹ la liệt khắp nơi. Có chiến sỹ hy sinh đè lên lính Mỹ trong tư thế đang vật lộn…”.

Dừng lại nhấp chén trà, giọng ông chùng xuống: “Ám ảnh nhất với tôi có lẽ là lần chứng kiến đồng đội hy sinh trong tư thế ngồi ôm cây súng trong hố bom. Tôi đã chỉ huy anh em chôn cất cậu ấy. Nhưng rồi hết trận đánh nọ đến trận đánh kia, anh em mình hy sinh nhiều quá. Cũng không thể nhớ nổi mình đã đặt đồng đội nằm tại đâu”.

Khi hoà bình, cuộc sống lại cuốn ông vào nhiệm vụ mới. Nhưng, đến một thời điểm mọi thứ như lắng đọng, nỗi ám ảnh về cuộc chiến trở lại day dứt khôn nguôi. Ông nhớ về đồng đội và những người nằm lại nơi sương gió và cùng một số cựu chiến binh  quay trở lại chiến trường tìm đồng đội. Thế rồi, cái duyên của những người cùng tâm nguyện, cùng day dứt về nỗi đau chiến tranh đã đưa họ đến với nhau.

Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm đã gặp Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn lính mũ sắt 209, cùng đồng hành trên những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội. Trận đánh ngày 26-3-1968, hơn 200 người lính Hà Nội đã ngã xuống, máu thấm đỏ cao điểm 995 Sa Thầy, Kon Tum.

Một số trận đánh sau đó, nhiều anh lính trẻ cũng nằm lại dưới những làn đạn pháo. Gần 50 năm sau, những cựu chiến binh như ông Hồ Đại Đồng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Văn Chúc, Đặng Ngọc Linh, Nguyễn Minh Ngọc, Dương Lục… vẫn bị ám ảnh về cuộc chiến, ám ảnh với nỗi đau của những bà mẹ mất con, và trái tim thôi thúc họ quay trở lại chiến trường, mò mẫm đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Nỗi day dứt về các đồng đội nằm xuống chiến trường ở tuổi 20 đã thôi thúc họ lên đường. Ở tuổi ngấp nghé 80, đôi chân Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm và đồng đội lại bước tiếp những bước chân trên đại ngàn Trường Sơn. Ăn cơm rừng, lội suối, trèo đèo, ngủ võng, đằm mình trong những cánh rừng… những người lính già cùng chạy đua với thời gian tìm những gì còn lại cho gia đình, quê hương đồng đội.

Hơn 100 hài cốt liệt sỹ được những người lính già tìm thấy cùng sự hỗ trợ của quân đội, chính quyền địa phương, trong đó có 5 liệt sỹ xác định được danh tính, còn lại phần lớn hài cốt trong các hố chôn tập thể. Dù hầu hết các liệt sỹ chưa xác định được tên bởi sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng ở phương trời nào đó, chắc các anh cũng cảm thấy ấm lòng.

Đêm đông Tây Nguyên lạnh thấu xương, Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm phải tạm gác hành trình đầy tiếc nuối do tuổi tác, nhưng trong ông vẹn nguyên tấm lòng với đồng đội đã nằm xuống. Các cựu chiến binh, mà Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm chỉ là một cá nhân trong đó đã phải sống cả đời với cuộc chiến. Những người lính nhân nghĩa ấy như những cây thông già kiên cường trước bão tố, luôn vươn thẳng, vững vàng trước mọi gian nan, thử thách.

Việt Hà
.
.