A Lăng Bhuốch: Người Cơ Tu đầu tiên làm lúa nước

Thứ Hai, 15/06/2009, 10:30
“Vợ chồng Bhuốch làm ròng rã gần ba mùa trăng mới khai thông được con mương dẫn nước từ suối Đang về ruộng. Mảnh ruộng với trên 5.000m2 của họ ngày ấy đã trở thành nơi học tập kinh nghiệm của đồng bào Cơ Tu làm cây lúa nước ven sông, suối ở rừng Trường Sơn" - ông A Lăng Lớp kể.

Ddường như để câu chuyện hàn huyên không đơn điệu, Bhuốch lụi cụi đi lấy cây đàn Ơng Bhréh do tự tay ông làm ra gảy mấy khúc nhạc mà ông sáng tác. Đó là những lời nhạc mang âm điệu dân ca của người Cơ Tu, triết lý về tình yêu, cuộc sống... Thỉnh thoảng, rỗi rãi là Bhuốch gảy đàn Ơng Bhréh cho hai bà vợ và con cháu nghe. Hôm nay,  nghe ông gảy đàn còn có Trung úy Bling Đức, ông A Lăng Lớp, Chủ tịch xã BhaLêê...

Đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của Bhuốch gảy, bấm dây đàn Ơng Bhréh theo cách riêng của mình làm cho nó bật lên những âm thanh nghe thánh thót, nỉ non như tiếng suối Tà Làng chảy sau nhà, như tiếng chim cu rừng gọi bạn...

Giữa tiếng đàn rơi, Bhuốc nói một tràng tiếng Cơ Tu, rồi cười thật sảng khoái. Hai bà vợ của Bhuốch và ông A Lăng Lớp, Trung úy Bling Đức cũng cười phá lên làm tôi lúng túng. Thật tình, tôi nào có được một chữ Cơ Tu “lận lưng” nên đâu biết Bhuốch nói gì.

Lát sau, như hiểu ý, Trung úy Bling Đức bắt đầu nhiệm vụ phiên dịch. Anh cho tôi biết, Bhuốch nói rằng, nhờ tiếng đàn Ơng Bhréh này mà ông đã có được hai người vợ, cùng họ sống hạnh phúc, no đói có nhau. Bây giờ thì hai bà vợ của ông đều đã già và đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng họ không thể quên tiếng gọi tình từ giọng đàn Ơng Bhréh của ông.

Bà vợ thứ nhất của Bhuốch có họ, tên đầy đủ là Tà Rường Tih, ngoài 60 tuổi, cười bảo tôi, bà thương Bhuốch qua tiếng đàn Ơng Bhréh, nhưng thương nhất vẫn là cái tính chịu khó, chịu khổ của ông. Bà cũng đã từng đi dân công gùi, cõng lương thực, vũ khí cho bộ đội đánh Mỹ, nên chứng kiến cảnh anh thanh niên mù chỉ với chiếc gậy tre dò đường mà vẫn tham gia gùi, cõng hàng hóa, vũ khí trên đường Trường Sơn như con ong cần mẫn nên bà thương ông lắm lắm.

 “Cái bụng của mình ưng nghe tiếng đàn Ơng Bhréh của Bhuốch, con mắt mình thích ngắm Bhuốch siêng năng, chăm chỉ, cái tai mình không nghe Bhuốch than thở cực khổ...  Thế là mình đồng ý làm vợ ông ấy!”. Bà Tih cười tít mắt làm mái đầu tóc bạc rung rung. Bhing Ta Tít là bà vợ thứ hai của Bhuốch, tuổi cũng đã ngoài 55. Tôi hỏi bà Tít: “Vì sao bà thương Bhuốch?”.

Bà Tít cũng cười khoe hàm răng trắng đều như hạt na, chỉ bà Tih nói: “Mình nghe lời bà ấy thôi!”. Không đợi tôi hỏi, bà Tih nói luôn: “Mình cưới nó về làm vợ cho Bhuốch đó. Nó cũng thích tiếng đàn Ơng Bhréh của Bhuốch lắm đó. Hồi mới cưới, nó với Bhuốch thường đi vào rừng đàn, hát với nhau...”.       

Cậu bé Bhuốch năm xưa giờ đã là một ông lão có cháu nội, cháu ngoại ngồi hồi tưởng lại chuyện xưa: “Đôi mắt mình không nhìn thấy, nhưng đường đi, lối lại ở núi rừng này đã ở trong bụng mình rồi. Mình tham gia gùi lương thực, cõng vũ khí cho bộ đội đánh giặc mà được vợ cũng là điều may mắn...”.

Gặp nhau qua những chuyến gùi hàng, bà Tà Rường Tih đem lòng yêu thương Bhuốch rồi chịu làm vợ ông. Bà Tih cũng là con nhà nghèo ở thôn A Tép, xã A Nông, địa phương đầu tiên của huyện Tây Giang vinh dự được Đảng và Nhà nước công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong kháng chiến chống Mỹ.

Thương yêu Bhuốch, năm 1970, sau đám cưới đơn giản được dân làng A Vương tổ chức, bà Tih dẫn chàng trai mù ra mảng rừng bên bờ suối Tà Làng làm một chòi tranh nho nhỏ sống với nhau. Nhưng, họ ở bên nhau rất ít, phần lớn thời gian họ đi gùi, cõng hàng hóa, lương thực, vũ khí cho bộ đội Trường Sơn như bao người Cơ Tu khác ở đất rừng này. Họ sống như thế được hơn 10 mùa rẫy, mãi đến năm 1981, bà Tih vẫn không sinh cho Bhuốch đứa con nào.

Bà Tih buồn bã và áy náy trong lòng nên đi tìm vợ hai cho Bhuốch có con nhờ cậy khi tuổi xế chiều. Và bà đã tìm được Bling Ta Tít, người phụ nữ có chồng, song chẳng may chồng bị bệnh chết sớm nên phải sống côi cút nuôi con nhỏ dại. Biết bà Tít mê tiếng đàn Ơng Bhréh của Bhuốch, bà Tih đến gặp nói rõ thành ý của mình. Thế là bà Tít dẫn đứa con nhỏ dại đi theo bà Tih về sống cùng Bhuốch.

Ăn ở với Bhuốch, Bling Ta Tít sinh cho ông một gái, một trai, đó là A Lăng Thị Nước và A Lăng Núi. Cô Nước xinh đẹp có chồng người Kinh dưới đồng bằng, thỉnh thoảng dẫn chồng, con về BhaLêê thăm cha, mẹ. Còn Núi cũng đã lớn khôn, trở thành chàng thanh niên to khỏe như con voi, con gấu. Núi lấy vợ trong làng có được 2 con...

Bhuốch lại “xả” một tràng tiếng Cơ Tu và cả nhà cùng cười vui vẻ. Trung úy Bling Đức phiên dịch cho biết, Bhuốch nói đùa rằng, cây đàn Ơng Bhréh đã mai mối cho ông được hai người vợ hiền để ông có cháu nội, cháu ngoại bế ẵm nên ông “cưng” nó lắm. Nhưng, đêm đêm ông không được ngủ với đàn Ơng Bhréh, vì hai bà vợ bắt phải treo nó lên vách, nhường chỗ cho họ...

Căn nhà tình nghĩa được Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam xây tặng A Lăng Bhuốch hiện đã xuống cấp.

Chủ tịch xã BhaLêê - ông A Lăng Lớp nói với tôi, Bhuốch là người Cơ Tu đầu tiên ở núi rừng Trường Sơn học và làm lúa nước như người Kinh dưới xuôi. Đây cũng là một thành tích đóng góp được Đảng ủy và chính quyền địa phương ghi nhận. Vì, nhờ Bhuốch khởi xướng mà đồng bào Cơ Tu đã làm theo, khai hoang, vỡ hóa đất đai làm ruộng lúa nước, ổn định cuộc sống lâu dài, không du canh, du cư như ngày trước... --PageBreak--

Chuyện Bhuốch vỡ ruộng, cấy lúa đâu phải dễ dàng. Bởi vì, thói quen lâu đời của đồng bào Cơ Tu và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống trong đại ngàn Trường Sơn là tỉa lúa rẫy. Ông Lớp kể, vào năm 1986, khi lực lượng Công an huyện tăng cường về BhaLêê giúp đồng bào làm nhà cửa, đường sá để định canh, sau đó rút đi. Họ để lại một sân bóng đá rộng đến hơn 5.000m2 bên rìa thôn Ga Lốc. Không có các anh Công an nên thanh niên trong xã cũng “quên” đá bóng và một thời gian sau sân bóng đã bị cỏ dại mọc um tùm.

Biết chuyện này, Bhuốch lần mò lên UBND xã xin mảnh đất sân bóng để làm ruộng cấy cây lúa nước. Bhuốch thuyết phục rằng, hồi chiến tranh đi tải đạn, ông đã nghe nhiều cán bộ người Kinh nói về cách cấy cây lúa nước ở đồng bằng thu hoạch năng suất mùa vụ rất cao. Nhiều cán bộ xã không tin, vì cho rằng, người Kinh trồng ruộng lúa nước là ở đồng bằng, không thể áp dụng cho miền núi cao Tây Giang được. Nhưng, vì Bhuốch năn nỉ quá nên họ đồng ý.

Bhuốch về nhà bàn bạc với hai người vợ. Lúc này, bà Bling Ta Tít đang có 2 con nhỏ dại nên công việc nương rẫy hầu như giao cho bà Tà Rường Tih. Họ chỉ tranh thủ phụ giúp với Bhuốch làm cái ruộng lúa nước mà họ chưa hề biết nó như thế nào...

Bhuốch mày mò phát cỏ dại trên sân bóng phơi khô rồi đốt, sau đó ông lầm lũi cuốc cái sân bóng lên, vun bờ xung quanh. Khó khăn nhất là dẫn nước về ruộng. Bhuốch lò dò tới con suối Đang ở tận thôn Tà Làng, cách sân bóng hơn một cây số, rồi định hướng, khai mương đưa nước suối về.

Hết ngày này qua ngày nọ, ông lầm lũi xoi, lật từng hòn đá để xẻ mương nước chạy theo triền núi. Hai bà vợ mỗi ngày đem cơm cho ông ăn cũng hè vào phụ giúp. Bà con trong làng, trong xã thấy vợ chồng Bhuốch làm kiểu “Ngu công dời núi”, ai cũng cười; thậm chí không ít người cho rằng, không bình thường. Song, kết quả cuối cùng đã làm họ ngạc nhiên và thán phục, rồi học làm theo vợ chồng Bhuốch...

Không giấu được tự hào, ông A Lăng Lớp nói với tôi: “Vợ chồng Bhuốch làm ròng rã gần ba mùa trăng mới khai thông được con mương dẫn nước từ suối Đang về ruộng. Mảnh ruộng với trên 5.000m2 của họ ngày ấy đã trở thành nơi học tập kinh nghiệm của đồng bào Cơ Tu làm cây lúa nước ven sông, suối ở rừng Trường Sơn.

Nhưng, Bhuốch không chịu dừng lại ở đó... Ông đã mày mò tìm kiếm các giống cây ăn quả, cây quế trồng thành một vạt rừng cạnh ruộng, trong đó hiện có trên 200 gốc quế đã hơn 7 tuổi”.

A Lăng Lớp nói tiếp: “Anh có tin một người mù cả hai mắt như Bhuốch mà dám đào gốc tre rừng lấy giống để trồng không. Vậy mà ông đã vào tận rừng, đào cõng về hàng chục gốc tre giống để trồng tạo nên một rừng tre um tùm ở bìa thôn Ga Lốc. Bây giờ, người dân trong xã cần đan lát gì là tới Bhuốch xin tre. Ông sẵn lòng cho không lấy một đồng nào. Mỗi khi xã có tổ chức văn nghệ cũng xin tre của Bhuốch để làm sân khấu đó...”.   

Nói đến chuyện đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý cho Bhuốch, tôi gặp Chủ tịch huyện Tây Giang, ông Bh’riu Liếc, thì ông Liếc mở máy điện thoại di động cho tôi nghe đoạn ghi âm Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhận xét về sự cống hiến lớn lao đó của Bhuốch, một người mù xứng đáng danh hiệu con người huyền thoại...

Nhưng, Bh’riu Liếc lắc đầu buồn bã: “Tôi nghe phong thanh việc đề nghị cấp trên phong tặng Anh hùng LLVTND cho Bhuốch không được như ý, vì một số người nói rằng, việc phong tặng danh hiệu Anh hùng chỉ dành cho những người trực tiếp chiến đấu với kẻ thù trong chiến tranh...”.

Tuy nhiên, ông Liếc cũng khẳng định quan điểm là Đảng bộ và chính quyền Tây Giang là  sẽ tiếp tục đề nghị và chờ đợi sự xem xét của cấp trên đối với trường hợp Bhuốch. Cuộc trao đổi giữa tôi và Bh’riu Liếc là sau này. Còn lúc ngồi ở nhà Bhuốch, uống với ông cốc rượu Tơ Rđin, tôi cũng hỏi chuyện này, ông trả lời: “Khi tham gia vận chuyển lương thực, hàng hóa, vũ khí cho bộ đội Trường Sơn, mình không hề nghĩ tới công lao, thành tích mà chỉ muốn đóng góp công sức cho công cuộc kháng chiến đánh đuổi kẻ thù, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...”.

Ngừng một lúc, Bhuốch khẽ thở dài nói tiếp: “Cách đây mấy năm, mình được Sở Giao thông vận tải Quảng Nam xây tặng cái nhà nhỏ. Nay lại nghe cấp trên đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho mình, mình và vợ, con cũng mừng lắm. Nhưng không biết mình có sống được đến ngày nhận danh hiệu cao quý đó nữa không. Mình đã già rồi, sức khỏe đã sút kém lắm rồi...”

Long Vân
.
.