Ám ảnh lá ngón ở Điện Biên Đông

Thứ Tư, 14/12/2011, 20:45

Bản Trung Sua, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có 77 gia đình, 452 nhân khẩu. Ngày 18/11/2011, chỉ suýt nữa thôi, dân số của bản đã đột ngột giảm gần 1%, khi cùng một lúc có 4 cháu bé được phát hiện bị ngộ độc trong tình trạng nguy kịch. Cấp cứu khẩn trương, bác sĩ cũng chỉ cứu sống được 2 cháu. Thủ phạm gây nên bi kịch là một loài dây leo hoa vàng, lá xanh bóng trông khá thích mắt, y văn ghi là hồ mạn đằng, hoàng đằng và nhiều tên khác, dân gian gọi là lá ngón. Trong tiếng Mông, nó được gọi một cách hình tượng là "cua tùa nhủ", tức "thuốc diệt ruột" bởi mang dược tính cực độc.

48 tuổi nhưng ông Mùa Fa Di  đã lên chức  ông  nội từ cách  đây gần chục  năm. Cả 4 đứa trẻ  ăn nhầm lá  ngón đều là cháu nội của ông Di, sống chung trong cùng một nhà. Hai  cháu Mùa Thị  Ly (học  lớp 2), Mùa Thị Súa (lớp 1) là con  của  anh Mùa A Dia, con  trai lớn của  ông Di. Mùa Thị Ghênh học lớp 2 và Mùa  Thị  Bông (học  mẫu giáo), là  con anh  Mùa A Sung, con  trai thứ  của  ông Di.

Buổi chiều của ngày định mệnh, thầy cô giáo bận họp nên học sinh được nghỉ. Mùa Thị Ly và Mùa Thị Ghênh về nhà, dẫn hai đứa  em Mùa Thị Súa và  Mùa Thị  Bông đi nhặt hạt dẻ ở vạt rừng đồi  phía sau nhà. Thấy một  búi  dây leo lá xanh nõn, bóng loáng, hoa  vàng  tươi vẫn còn ngậm nụ, cháu Ghênh và cháu Súa thích quá bèn ngắt  kết thành vòng đội lên đầu.

Mùa Thị Ly biết đó là lá ngón, từng nghe  người lớn bảo rất độc, ăn vào sẽ chết người. Vì tò mò, Ly đã hai lần nhấm thử lá ngón, bị ngộ độc, phải đem đi trạm xá cấp cứu, súc  ruột và may mắn đều qua khỏi. Mỗi lần như vậy, Ly lại thấy bố mẹ và ông nội chạy quáng quàng lên, mua cho nó bao nhiêu là sữa, bánh. Suốt đêm, bố  mẹ còn  thay nhau  ngồi  quạt cho nó ngủ. Chỉ  nghĩ được đến đó, nó bèn bảo với 3 đứa em: "Cua  tùa nhủ đấy. Ăn nó chua chua, không chết đâu. Nó là lá thần. Đứa nào ăn nó  thì  sẽ được bố mẹ… thương lắm".

Không phải sự ngây thơ nào cũng vô tội. Đám trẻ tin ngay lời cô chị  chỉ lớn hơn chúng một vài tuổi, thi nhau bứt lá ngón cho vào miệng. Ly chỉ nhấm có nửa lá. Mùa Thị Bông, đứa nhỏ nhất, thấy vị lá ngón "không ngon" nên cũng chỉ nhấm một tí  rồi nhổ  ra. Hai đứa  bé kia thì vô tư nhai nuốt  mỗi đứa vài ba lá.

Sẩm tối, 4 chị em dắt nhau băng đồi về nhà và một lát sau thì đều kêu đau  đầu, chóng mặt. Chị Vừ Thị Dung hỏi, bé Mùa Thị Ghênh bảo là vừa theo các chị đi rừng về, "có ăn lá thần chua chua". Đoán ra  ngay lũ  trẻ  ăn nhầm  lá ngón, chị Dung cuống cuồng gọi  cả nhà tức tốc đưa bọn trẻ đi cấp cứu. Bé  Bông và bé Ly  chỉ nhấm, không nuốt nên còn kịp cứu. Hai đứa trẻ kia, kém may mắn  hơn, đã bỏ  mạng.

Ông Mùa Fa Di và trưởng bản Trung Sua Mùa A So bên mộ đứa cháu, nạn nhân của lá ngón.

Vùng người Mông ở Điện Biên Đông và nhiều địa phương khác, năm nào cũng có người chết vì lá  ngón, chủ yếu đều là các trường hợp cố ý tự tử. Đa số nạn nhân dại dột đều đang ở độ tuổi thanh - thiếu niên. Tất  cả đều vì những lý do rất không đâu. Gia  đình tổ chức đi Mường Nhé, nhưng  hai chị  em Vừ Thị Cá, sinh năm 1988 và Vừ Thí Pà, sinh năm 1990 ở Mường Tỉnh B, xã Xa Dung, Điện Biên Đông lại không muốn đi. Vậy là cả  nhà cãi nhau to.

Thấy bố mẹ dứt khoát không thay đổi ý định, Cá  và Pà bèn rủ  nhau ra rừng ăn lá ngón, tự kết liễu đời  mình. Cá biệt hơn nữa, thấy bạn bè cùng tuổi, đứa nào cũng có điện thoại di động dắt kè bên mình, em Sùng Thị M. sinh năm 1996 ở Na Nếnh, xã Pú Hồng cũng về xin  bố mẹ  mua  cho  mình một chiếc. Gia  đình đang khó khăn, yêu cầu  của  em không được  đáp ứng, ngược lại còn bị bố quát  cho mấy câu. Tủi thân vì thua kém chúng bạn, lại tự ái vì  bị  mắng, em M. cho rằng mình "không muốn sống nữa". Ngày 14/4/2011, lá  ngón đã được em chọn làm phương tiện để thực hiện quyết định. Và thiệt mạng.

Trẻ con  dại dột nhưng người lớn cũng chẳng chín chắn gì  hơn. Đi khắp vùng Điện Biên Đông, từ thị trấn huyện cho đến những  bản, xã  xa xôi  như Háng Lìa, Phì Nhừ, Keo Lôm, Mường Luân… đâu đâu cũng nghe chuyện ăn lá ngón tự tử. Bị chồng đánh, giận cũng ăn lá ngón để "đi chết". Trai gái yêu nhau  bố  mẹ không đồng tình cũng chọn đêm trăng thanh  gió mát, ra  suối vắng ngồi ôm nhau với nắm lá ngón trên tay. Cả những con nghiện oặt xà lai, bị địa phương đem ra  kiểm điểm, buộc  đi cai nghiện nhiều lần nhưng không bỏ được thuốc, không có tiền hút chích cũng chọn  cách tránh xa  ma túy vĩnh viễn bằng lá ngón, chấp nhận… xa luôn cả cuộc sống.

Em Mùa A Gấu, học sinh lớp 8 cũng sống tại bản Trung Sua, xã Keo Lôm. Gấu hiền lành, học khá, hòa nhã với  mọi người, không mất lòng ai. Đầu tháng 6/2011, Gấu  bỗng nhiên hay "tâm sự" với bạn  bè rằng "tao ngủ  thường thấy cái… lá ngón rủ tao theo nó… đi chơi". Khi  kể  chuyện này, Gấu rất hồn nhiên, vừa kể vừa cười, chẳng tỏ ra có  gì buồn phiền hay bức xúc. Có người còn  đùa: "Con ma lá ngón  nó rủ  mày  đấy", Gấu cũng chỉ "ừ", không cãi vã  gì. Trưa ngày 18/6, đi học về, Gấu vẫn ăn cơm, ngủ  trưa  một chút  như mọi khi. Nhưng  ngủ dậy, cậu bé lại nhúm vài hạt muối rồi đi thẳng ra vạt rừng sau nhà, bứt  mấy chiếc lá ngón, dường như cậu đã  nhìn thấy từ trước, cho vào miệng. Người Keo Lôm bảo: "Lá ngón mà ăn với muối thì không còn đường cứu". Và thế  là Gấu chết. Không ai hiểu vì sao cậu bé lại tự tử. Dân trong bản cứ đinh ninh  "nó bị ma lá ngón gọi, không tránh được, kiểu  gì  cũng phải đi chết thôi".

Thượng tá Cà Văn Ánh, Phó trưởng Công an huyện Điện Biên Đông cho biết, vấn nạn tự tử bằng lá ngón nhức  nhối đến nỗi UBND huyện đã giao cho các tổ chức, ban  ngành trong huyện, trung tâm là Cơ quan Công an phải  lập cả một "Chương trình phòng chống nạn  tự tử bằng lá ngón" trên địa bàn. Tuy nhiên theo ông Ánh, Công an vào cuộc cũng chỉ có thể khám nghiệm tử thi, đưa ra kết luận nguyên nhân tử vong vì lá ngón chứ không phải là đưa ra được cách phòng chống nó. Chỉ danh sách người thiệt mạng vì lá ngón  là vẫn không hề giảm mà đang có chiều hướng tăng.

Thống  kê mà Thượng úy Vũ Văn Hừng, Đội phó Đội Tham mưu Tổng hợp Công an huyện cung cấp cho thấy:  Năm 2010, huyện Điện Biên Đông có 13 người tự tử chết bằng lá ngón.  Năm 2011, mới tính đến hết tháng 8, con số này đã nhảy vọt lên 21 người. Theo  anh Hừng, trước  đây, số vụ tự tử  xảy ra lẻ tẻ thì nay lại có vẻ như xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ tính từ đầu  năm đến nay, tháng 2 có 6 vụ, tháng 3 xảy ra 4 vụ và tháng 4  nhảy  vọt lên tới 9 vụ. Những tháng về sau, "có lẽ đã hết mùa xuân, không còn lễ  hội, do bận bịu mùa màng, nên hình như số vụ ăn  lá ngón tự tử... cũng giảm".

Danh sách này chưa tính  đến số nạn  nhân chết do ăn nhầm lá ngón. Nạn nhân các vụ  này đều là trẻ em, chưa có  con  số thống kê  nhưng chắc cũng không ít  hơn số vụ chết  do tự tử.

Cây lá ngón mọc ở Keo Lôm.

Trong đông y, lá ngón  được xem là loài cây cực độc thuộc họ hoàng đằng, được  sử dụng hạn chế  để sát khuẩn và điều trị  một số vết thương ngoài da.  Y học xếp nó vào 1 trong 4 chất độc bảng A. Có 17 đơn phân ancaloid được chiết xuất  ra từ lá, thân, củ, quả  của loài cây  này, trong  đó độc tính gelsenicin trong lá ngón được xếp cao nhất.

Theo  kinh nghiệm dân gian mà Thượng úy Hừng nói  lại, một người khỏe mạnh chỉ cần ăn 3 chiếc lá ngón  là đủ tử vong. Từ  khi ăn đến khi ngộ độc và chết  mất khoảng 45 phút. Khoảng 15 phút sau khi ăn vào, nạn nhân sẽ cảm thấy khô rát  cổ  họng, khát nước, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… Nếu không  được súc ruột và cấp cứu ngay, nạn nhân sẽ bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, co giật, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp. Tử thi của nạn nhân có  những dấu hiệu ngộ độc  lá ngón rất rõ ràng với những vết thâm tím ở  một số  điểm đặc  trưng trên cơ thể.

Để  cấp cứu, đồng bào  thường cạo mùn thớt hòa nước đổ vào  miệng cho nạn nhân uống, giúp nạn nhân nôn ra hết  lá ngón, sau đó đưa ngay  đi bệnh viện để súc  ruột. Một số nơi, thay  cho mùn thớt, đồng bào còn dùng phân trâu, phân bò khô bóp vụn  hòa nước cho nạn nhân uống để dễ nôn. Nếu  ở  quá xa bệnh viện, trung tâm y tế, để giải độc, bài thuốc dân gian sẽ là rau má  hoặc rau muống tươi giã  nát  vắt lấy nước cho nạn  nhân uống. Tuy nhiên, việc trung hòa độc tố sẽ vô tác dụng, nếu nạn nhân  ăn lá ngón  kèm với  muối trắng.

Những vụ được cứu sống đều rơi  vào các trường hợp ăn nhầm của trẻ  em và chỉ mới ăn từ nửa lá đến  một lá, được phát hiện ngay. Còn  các  trường hợp cố ý tự  tử thì gần như  đều không thể cứu chữa. Các vụ tự tử đều xảy ra trong tình trạng bột phát sau khi xảy ra mâu thuẫn  hoặc bế tắc gay gắt cho nên người thân, gia  đình, bạn  bè của nạn nhân đều không thể biết trước để  ngăn chặn.

Các cơ quan hội đoàn ở địa phương, tuy có chú tâm vào công tác hòa giải, động viên  nhằm giải tỏa các mâu thuẫn gia đình, xã hội trong cộng đồng dân cư, song  những biện pháp này vẫn chưa tỏ ra hữu hiệu để ngăn  chặn nạn tự  tử bằng lá ngón. Cả ông Mùa Fa Di, ông nội của  4 cháu  bé nạn nhân  hôm 18/11 lẫn trưởng  bản Mùa A So đều đề cập tới giải pháp vận động người dân địa  phương nhổ bỏ, triệt phá cây lá ngón, tránh việc trẻ  em không biết ăn  nhầm. Song rừng núi bạt  ngàn, giải pháp này xem  ra không thể thực hiện được. Cán bộ huyện, xã đã từng về tận thôn bản vận động bà  con nuôi nhiều dê, hy vọng dê sẽ ăn  hết lá ngón trừ họa.

Theo kinh nghiệm của người Mông thì trong ruột non, dạ  dày của dê  có một loại dịch  vị nào đó khiến lá ngón trở nên vô hại với loại động vật này. Trong khi đó, con người và nhiều loại động vật khác nếu ăn  lá ngón vào, ruột  sẽ bị phình to, thâm đen và - như cách nói của đồng bào Mông - có thể sẽ bị nổ tung. Chính vì thế, trên bàn tiệc của người Mông, người Thái ở tây Bắc  luôn có  chén nậm pịa - một loại nước chấm làm từ dịch vị ruột dê giã với muối và vài loại rau thơm, có tác dụng tốt trong việc ngừa ngộ độc thức ăn.

Không có giải pháp, cơ quan ban ngành địa phương vẫn loay hoay trước vấn nạn. Giới khoa  học và các đơn vị nghiên cứu cũng bế tắc. Trong  một chuyến khảo sát đầu tháng 12/2011 tại Điện Biên Đông, một nhà nghiên cứu am hiểu về người Mông và  một số dân tộc khác vùng Tây Bắc, tiến sĩ Mai Thanh Sơn ở Viện KHXH Việt Nam lại có cái nhìn khác: Lá ngón chỉ là phương tiện, dễ kiếm, dễ có, không tốn tiền, chết nhanh, nếu  muốn tự  tử. Nó là phương tiện chứ không phải nguyên nhân hay thủ phạm để phải đề ra cả "chương trình" quy mô nhằm loại trừ nhưng  chỉ  nằm trên giấy  chứ không thực hiện được  một cách khả thi.

Vấn đề cần quan tâm là "tại sao các bạn trẻ lại tìm đến cái chết”. Vấn đề này cần được địa phương và các nhà khoa học tìm hiểu thêm để đề xuất giải pháp khắc phục. Đây mới thật sự là vấn đề cần quan tâm, nằm trong chuỗi phân tích về vấn  nạn tự tử trong độ tuổi thanh thiếu niên, đặc  biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Như một phản ứng trước những áp lực của cuộc sống, bạo lực gia đình, sự xung đột giữa nhu cầu và khả năng thỏa mãn…

Nguyễn Hồng Lam
.
.