Ân nhân của những người mắc bệnh phong

Thứ Sáu, 09/11/2007, 22:35
Ông từng bị bệnh phong sống cuộc đời cơ cực. Còn bây giờ, ông là một đại gia. Nhưng tên tuổi ông vẫn gắn liền với Trung tâm điều trị bệnh phong của tỉnh Bình Dương. Người ta gọi ông là Cường "Bến Sắn".

Thời niên thiếu cơ cực

Cường “Bến Sắn” giờ được biết đến như là một người hiếm hoi “thoát” khỏi căn bệnh phong quái ác, thành đạt và lao vào làm từ thiện để trả ơn đời. Ít ai biết được, thời niên thiếu anh cũng cơ cực như những ngày anh mang trong người mầm bệnh.

Phạm Mạnh Cường là con thứ sáu trong gia đình có tám anh em. Đói khổ, cả nhà anh dắt díu nhau vào Quảng Nam - Đà Nẵng để mưu sinh. Căn nhà tạm gần sân bay Đà Nẵng thời điểm trước giải phóng đầy rẫy tệ nạn: ma túy, mại dâm, những cuộc đâm chém... Cường không bị cuốn vào lối sống ấy.

Nhưng cái cảnh sáng đi bán rau muống, trưa đi học, tối lại đi bán bánh mỳ dạo và đánh giày, khiến anh ngày càng rời xa sách vở. Rồi Cường nghỉ học hẳn để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đó là khi anh 12 tuổi, năm 1972.

Một người dì của anh ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) thương gia đình chị gái mình khốn khó, đã gọi cả nhà Cường cùng vào sinh sống. Thế là lại di cư. Cả nhà anh oằn mình với vườn trà, cà phê... mà vốn chủ yếu là do người dì bỏ ra giúp. Chưa kịp mừng vì cuộc sống bước đầu ổn định, thì đùng một cái, dì anh lâm vào cảnh khó khăn, kéo theo cả sự khốn đốn của nhà Cường.

Ba anh quyết định di cư cả gia đình thêm lần nữa xuống vùng Tân Phú - Đồng Nai. Cường nói, cả nhà anh lúc đó chính xác là “mỗi người ôm một cái cuốc” để đi... làm mướn. Thời gian sau, thấy anh có sức khỏe, Đoàn 600 thuộc Quân khu 7 đóng ở khu vực này đã nhận anh vào làm công nhân kỹ thuật. Tiếng là công nhân kỹ thuật, nhưng thực chất, anh chỉ làm những công việc ở xưởng cưa như: xẻ gỗ, cưa cây rừng... Cuộc sống anh có lẽ sẽ rất bình lặng nếu như không có cái ngày quái ác vào cuối năm 1982.

Sau một ngày đi làm gỗ về, anh bỗng cảm thấy có những triệu chứng như bị sốt rét. Trung tâm Y tế K20 thuộc Quân khu 7 đã cố gắng hết sức để cứu chữa anh, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng sùi da và phồng nước như bị bỏng. Bắt đầu từ cánh tay, lan lên mặt... và cuối cùng là toàn thân. Anh được chuyển xuống Bệnh viện Thánh Tâm (Đồng Nai) để chẩn đoán bệnh. Kết quả xét nghiệm cho biết Cường đã bị bệnh phong.

Sức khỏe Cường lúc này đã suy sụp rất nhanh. Anh nằm liệt trên giường bệnh. Vài tháng trôi qua, rồi thêm vài tháng nữa... bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Rồi các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa anh về. Lúc này, anh thanh niên cao to Phạm Mạnh Cường chỉ còn da bọc xương với những vết lở loét trên da thịt, các ngón tay co rút.

Một đám tang đã được chuẩn bị sẵn, cả áo quan cũng được đem về. Đúng vào cái giây phút định mệnh ấy, Cường đòi được ăn một bữa thịt. Người anh rể Cường chép miệng “Nó đòi bữa cuối cùng đấy mà!”. Ăn xong bữa cuối, theo lời người anh rể, bụng Cường bỗng trướng lên khủng khiếp. Rồi sáng hôm sau, đột nhiên Cường cảm thấy đỡ mệt, bụng trở lại bình thường và đã biết thèm ăn. Như một phép lạ, sức khỏe Cường dần hồi phục.

Nhưng Cường và gia đình vẫn bị hàng xóm láng giềng kỳ thị, bởi ngày đó người mang bệnh phong là cả một nỗi ám ảnh cho cộng đồng. Người ta xa lánh Cường. Tiếng gọi Cường “hủi”, Cường “cùi” đã xuất hiện. Đau hơn cả là hai người em gái kế anh có nguy cơ không thể lấy được chồng vì “bệnh” của anh mình. Lúc này, có người mách anh về Trung tâm Điều trị bệnh phong Bến Sắn. Cường đã tìm đến đây như tìm đến niềm hy vọng cuối cùng...

Bi kịch... có kết thúc hoàn hảo(!)

Bốn năm ở Trại phong Bến Sắn là chừng ấy thời gian Cường vật lộn với ước mơ sớm được trở lại với đời sống của một người bình thường. Anh thức dậy từ lúc 3h sáng, nhóm bếp nấu nước ấm, hơ hai bàn tay co rút cho mềm da và bắt đầu các thủ pháp trị liệu. Các ngón tay dần dần co dãn được...

Ngày anh hết bệnh, đang băn khoăn tìm một công việc cho mình thì ông Tư Quang, Giám đốc trung tâm bảo Cường ở lại trung tâm để giúp đỡ các bệnh nhân khác, và Cường đã đồng ý. Công việc chính của anh là ẵm những người bệnh từ gia đình họ ra xe về trung tâm. Khi ấy, không người bình thường nào dám đụng vào những bệnh nhân phong.

Tranh thủ thời gian rảnh, Cường nuôi thêm vài con gà, dăm con heo, trồng một ít rau ngay trên mảnh đất của trung tâm để kiếm thêm thu nhập. Nhưng, sản phẩm từ trại phong làm ra thì chẳng có ai dám sờ vào chứ chẳng nói đến mua.

Vậy là Cường phải tự tìm đầu ra riêng cho sản phẩm của mình. Anh lẳng lặng kết thân với những người làm nghề mổ lợn. Dăm bữa lại nhậu nhẹt với họ một lần. Có lúc mời họ vào trại phong ăn đêm và ngủ lại. Có lúc, ngồi nói chuyện với họ suốt đêm. Cứ vậy, họ quên bẵng anh là bệnh nhân phong vừa khỏi lúc nào chẳng biết. Con heo, con gà, mớ rau do Cường sản xuất, đã tìm được đầu ra.

Năm 1996, cơ hội đến với Cường khi anh được ông Trần Long, một thương gia ở TP HCM xuống đề nghị anh làm đại lý thu mua phế liệu tại Tân Uyên. Tiền do ông Long bỏ ra, Cường chỉ việc mua và ăn hoa hồng. Công việc cứ thế suôn sẻ. Thấy anh thật thà, Trần Long bảo: “Cường làm em tôi được đấy!”. Vậy là Cường trở thành em nuôi của ông Long.--PageBreak--

Lúc này, cái trại gà nhỏ của Cường trong Trung tâm đã được hơn trăm con. Chất thải của chúng đã khiến môi trường của khu trung tâm bị ô nhiễm, các y bác sĩ yêu cầu Cường nên chuyển gà ra ngoài để nuôi. Sẵn có một ít vốn chắt chiu bấy lâu nay, anh bèn mượn thêm tiền của ông Long để mở trang trại nuôi gà. Nghe Cường mượn tiền, ông Long chỉ nói rất gọn: “Cường làm đi, thiếu bao nhiêu tôi tính”.

Vậy là tậu đất, phát triển đàn gà. Một trang trại rất quy mô ra đời. Anh nói: “Cứ như là trời thương. Nuôi 30 nghìn con gà công nghiệp, sau khi xuất chuồng, mình lãi ròng 300 triệu mà thời điểm đó giá vàng dưới 400 nghìn đồng/chỉ”. Có vốn lớn trong tay, Cường bắt đầu nghĩ đến nhiều chuyện làm ăn hơn.

Rồi thêm lần nữa anh lại nhờ đến sự giúp đỡ của ông Trần Long để mở thêm nhà máy giấy Vạn Phong. Không chỉ giúp đỡ Cường tiền, ông Long còn cho con trai ông xuống phụ Cường kinh doanh nhà máy giấy. Nói về ông Long, anh cứ xuýt xoa: “Ông ấy là ân nhân lớn nhất đời mình đấy. Không ngờ mình gặp được con người tốt như thế. Ông là người anh mà trời đã ban cho mình”.

Chuyện tình trong trại phong

Bây giờ thì Cường “Bến Sắn" đã là một đại gia. Nhưng, khi gặp chị, người vợ của anh, anh vẫn chỉ là người phụ việc trong trại phong. Tài sản lớn nhất là vài con gà và mấy con heo cộng với những luống rau tự túc. Chị sinh năm 1971, mẹ chị cũng là bệnh nhân trong trại phong này.

Ngày anh gặp chị, mặc cảm với căn bệnh vừa mới khỏi lẫn tuổi tác của mình, anh gọi chị là cháu xưng chú. Rồi tình cảm nảy nở lúc nào không hay. “Sao lại nói thương tui?”. “Tại tui thấy anh... chịu khó”, cô gái quê ở Cà Mau trả lời Cường. Vậy là ưng nhau.

Ban đầu, mẹ anh có phản đối vì bà sợ tuổi tác chênh lệch, họ khó có hạnh phúc. Nhưng anh nói riết rồi cũng thuyết phục được mẹ mình. Một đám cưới nho nhỏ nhưng ấm cúng diễn ra với sự có mặt của đầy đủ người thân hai bên. Hiện tại, chị đã sinh cho anh hai cháu một trai một gái, rất xinh và ngoan. Đó là tài sản quý giá nhất của cuộc đời Cường.

Lúc Cường lấy vợ, cũng là khi anh nhận tin vui, 2 người em gái của anh đã lập gia đình và sống hạnh phúc.

Và "đàn bò xóa đói"

Ngày mang bệnh, Cường luôn nguyện rằng khi nào có tiền, anh sẽ làm hết sức để trả ơn cho cuộc đời. Và nhiều năm nay, anh đã bắt tay vào thực hiện tâm nguyện đó. Hàng chục căn nhà tình nghĩa, tình thương đã được Cường trao cho các hộ nghèo. Cách làm từ thiện của anh cũng lạ.

Huyện Tân Uyên có nhiều dân nhập cư. Mà đã là dân nhập cư thì đâu có sổ sách gì ghi nhận là họ giàu hay nghèo. Cường âm thầm điều tra từng hộ một. Hộ nào khó khăn, anh cho nhà. Con cái họ chưa được đến trường anh can thiệp cho các cháu được đi học.

Cái trang trại ngày trước của anh, giờ anh chỉ chuyên nuôi bò. Đàn bò gần 50 con nhưng nuôi đã hơn 5 năm chưa đem lại cho Cường một đồng lợi nhỏ. Lý do rất đơn giản, tất cả thu nhập từ trang trại này, anh đều làm từ thiện. Bò cái sinh con, anh mang con bê giao cho hộ nghèo mượn trong vòng 3 năm. Hết 3 năm, sẽ chuyển cho hộ tiếp theo. Cứ thế, anh giúp họ cần câu thay vì cho họ con cá. Nhiều lắm những mảnh đời đã được sang trang khi nhận những "con bò xóa đói giảm nghèo" của anh.

Cũng đã mấy năm nay, anh duy trì phiếu bồi dưỡng cho những bệnh nhân khó khăn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Tân Uyên. Mỗi phiếu bồi dưỡng đủ để bệnh nhân ăn thêm tô hủ tiếu, uống thêm ly sữa bồi dưỡng mỗi ngày. Mỗi tháng, anh phân phát vài trăm phiếu bồi dưỡng như thế.

Cứ đến dịp tết, Cường lại cẩn thận đi mua từng thùng hàng gồm vài ký nếp, đậu xanh, thịt heo, lạp xưởng... chất tất cả lên xe tải để đưa đến các xã nghèo, tặng các hộ khó khăn. Cứ thế, anh làm từ thiện như một thói quen. Tính trung bình, mỗi năm anh bỏ ra gần 500 triệu để làm từ thiện.

Trong căn biệt thự của anh, nổi bật là bằng Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tặng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì những hoạt động thiện nguyện...

Ông Cường và những bằng khen của Chính phủ tặng về hoạt động thiện nguyện.

Chúng tôi kể thêm câu chuyện về con người đáng kính này mà chúng tôi đã vô tình thu thập được.

Chuyện rằng, có một thương gia người Đài Loan đặt cọc cho Cường 60 nghìn USD để thuê căn nhà xưởng nằm trên khu đất rộng 5.000m2 của anh. Hợp đồng thuê mướn mặt bằng có cam kết, nếu anh không giao nhà xưởng đúng hẹn sẽ phải bồi thường cho thương gia Đài Loan kia gấp 3 lần số tiền đặt cọc. Và ngược lại, nếu thương gia vì lý do gì đó không mướn nhà xưởng của anh thì sẽ chịu mất toàn bộ tiền cọc.

Chuẩn bị đến ngày giao nhà xưởng thì vị thương gia Đài Loan phát hiện khu đất của anh không hợp với việc làm ăn của mình. Vậy là thương gia Đài Loan đơn phương xóa bỏ hợp đồng. Về luật, Cường hoàn toàn có thể lấy hết 60 nghìn USD tiền đặt cọc. Nhưng rồi cái hôm vị thương gia Đài Loan ấy đến nhà anh cùng người phiên dịch, mong anh thương tình cho xin lại một phần từ số tiền đặt cọc. Cường chỉ lặng im nghe phiên dịch trình bày ý định của vị thương gia kia và hẹn ngày mai sẽ trả lời.

Sáng hôm sau gặp lại vị thương gia, Cường nói rất thong thả: “Tiền đặt cọc của ông, xét về lý thì đó đã là tiền của tôi. Hoặc là tôi lấy hết tất cả hoặc là không lấy xu nào, chứ không có chuyện cho ông lại vài nghìn hay 20 nghìn USD. Nhưng thôi, 1 nghìn USD của ông tôi đã biếu cho người giới thiệu ông đến gặp tôi. 1 nghìn khác tôi làm những việc giấy tờ, thủ tục nhà xưởng. Còn lại 58 nghìn này, là tiền của ông. Ông có thể mang về để đầu tư cái khác”. Nghe thế, vị thương gia Đài Loan bật khóc!

Thuận Thiên - Kinh Luân
.
.