Ân tình với những người đi “bán” giấc mơ

Thứ Bảy, 11/04/2020, 08:16
Hầu hết những người bán vé số đều là người già, người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Bám nghề để họ có tiền chi tiêu, trả nhà trọ, điện nước, cơm áo, thuốc men... nên khi phải tạm dừng bán vé số, họ phải đối mặt với bài toán khó: ở lại thành phố thì thất nghiệp, không có tiền trang trải, về quê cũng không xong vì không còn xe, vé tàu thì cao...

Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo, cũng có không ít những câu chuyện đầy tình người...

Nhọc nhằn với chiếc vé số

Năm nay đã 78 tuổi, ông Ngàn (ngụ tại phường 8 quận 3) hằng ngày vẫn chạy chiếc xe máy rất cũ của mình đi bán vé số ở khu vực quận 3 và quận 1. Chiếc xe máy cũng là do một người có tấm lòng hảo tâm cho. Chiếc cub 50 cũng... già, đã mất đi nhiều bộ phận. Nhiều năm qua, cứ 6h sáng là ông đến chỗ gần cửa hàng điện máy Thiên Hòa ở đường Cách mạng Tháng Tám, quận 3 ngồi bán đến 10h sáng.

Nắng lên cao, ông lại chạy về đường Nguyễn Trãi, quận 1 ngồi trước chùa Lâm Tế để bán. “Tôi lớn tuổi và mệt mỏi rồi, không thể đi bộ vào các con phố hay các tiệm cà phê bán được nên chỉ ngồi một chỗ mà bán thôi”, ông Ngàn chia sẻ.

Căn nhà trong hẻm 24 ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1 - nơi tá túc của hàng chục người bán vé số dạo đã khóa cửa từ ngày 30-3.

Theo ông Ngàn, có nhiều người ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào thành phố bán vé số. Họ thường ở chung một nhà trọ và có một người chủ đứng ra lo mọi thứ. Nhờ vậy, khi vé số dừng hoạt động, họ cũng đỡ lo hơn. Còn ông, ở nhà thuê, mọi chi tiêu đều dựa vào số tiền bán vé hằng ngày thì sẽ rất lo lắng.

“Từ ngày 1-4, không bán vé số nữa thì thật sự là tôi không biết làm gì để có tiền trang trải cuộc sống. Lâu nay cứ kiếm được đồng nào là chi xài hết trong ngày đó”, ông Nhàn lo lắng. Mấy hôm nay ông cũng gom góp mua được một thùng mì gói, hôm trước được một người hảo tâm cho 5kg gạo. “Có lẽ tôi sẽ cố gắng dè sẻn và để ý xem có chỗ nào người ta cho đồ ăn từ thiện để tới nhận. Tôi dứt khoát không đi ăn xin đâu”, ông cố nở nụ cười nói.

Cô gái tên Thanh chỉ trên dưới 20 tuổi, bán vé số dọc trục đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, quận 1. Cô cho biết: “Ngày 31-3 là ngày cuối cùng em đi bán. Mấy ngày trước việc bán vé số cũng đã rất khó vì người dân ít ra đường, ngồi uống cà phê hay ngồi chỗ đông người. Chưa kể ai cũng sợ người bán vé số lây bệnh. Cứ thấy tụi em là họ né, ế hoài. Em chưa biết nghỉ bán vé số thì làm gì nữa. Quê em ở miền Tây, giờ về quê cũng khó rồi, xe đò đã bị cấm đi lại rồi”.

Một chủ đại lý trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, cho biết ngày 31-3 đa số người bán vé đều đã về quê từ trước, chỉ còn vài người ở lại bán bữa cuối cùng.

Căn nhà một trệt một gác rộng chừng 25m2 nằm khuất trong hẻm 24 ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, lâu nay là chỗ tá túc cho từ 20 đến 30 người, đa số là người già, bị tật nguyền hoặc bệnh đau đều cùng quê Phú Yên tìm vào TP Hồ Chí Minh đi bán vé số dạo kiếm tiền sinh nhai. Thời điểm chúng tôi tới, gần 3h chiều ngày 30-3, căn nhà đã khóa kỹ, không có ai ở nhà...

Ông Thành hành nghề xe ôm, ngồi phía trước căn nhà cho biết, mới nghe thông tin từ 1-4 sẽ tạm dừng phát hành vé số, lại cũng ế ẩm, những người bán vé số dạo thuê căn nhà này đã nhanh chóng thu xếp để về quê. Họ cũng may mắn vì chỉ cần trễ 1-2 ngày là khó có thể về được vì xe khách liên tỉnh đã dừng hoạt động.

“Tôi chạy xe ôm, thường chở những người bán vé số này đi tới các con đường họ hay bán. Họ về hết, tôi cũng thất nghiệp theo luôn. Nay mai hết dịch, họ lại vào thôi. Nghề của họ rồi, không làm thì chẳng biết làm gì nữa cả”.

Ở căn nhà thuê trong hẻm 406 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, nhiều người bán vé số vẫn chưa thể về quê và đang rơi vào tình cảnh ở cũng dở mà về cũng dở. Họ có những nỗi niềm riêng.

Ông Nguyễn Thanh Hương (65 tuổi, quê Phú Yên) đã hành nghề bán vé số ở TP Hồ Chí Minh hàng chục năm nay. Ông bị cụt chân do giẫm phải mìn năm 12 tuổi. Vợ ông ở quê làm ruộng, mắt yếu, bà thường phải thuê công thợ nên cũng chẳng lời bao nhiêu. Hằng tháng, với việc bán vé số dạo, ông gom góp gửi về cho vợ từ 3-4 triệu đồng để trang trải các chi phí ở nhà.

“Mỗi ngày tôi bán được khoảng 200 vé nhưng từ hôm hàng quán đóng cửa tới nay đi cũng không biết bán cho ai. Tôi nghỉ, tính đợi vài hôm rồi bán tiếp nhưng giờ vé số không ra nữa, không biết tính sao”, ông Hương bộc bạch.

Ông Ngàn, 78 tuổi, ngồi trước chùa Lâm Tế, đường Nguyễn Trãi, quận 1, bán những tờ vé số cuối cùng trước khi vé số tạm dừng phát hành.

Mấy người con của ông ở nhà liên tục gọi điện thoại kêu ông về quê. Theo lời ông thì giờ mà về, ông sẽ mang tâm lý lo ngại không biết mình có nhiễm bệnh cho vợ con hay không. Chưa kể về thì chi phí này kia sẽ mất một khoản kha khá, cũng chưa biết có mua được vé để về hay không vì xe khách đã gần như dừng khai thác.

Anh Trần Minh Trung (35 tuổi, cũng quê Phú Yên) hằng ngày đi xe lăn để bán vé số do tật nguyền sau một vụ tai nạn giao thông. Anh Trung cho biết giờ muốn về nhưng giá vé xe thì hôm 29-3 đã tăng gấp đôi ngày thường. Nhưng ngay sau đó thì có tin là không còn xe nữa, chỉ còn cách đi tàu hỏa. Khổ nỗi là giá vé tàu lại cao quá, khó...

Lan tỏa những hành động đẹp

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh vào chiều 30-3, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định thành phố sẽ hỗ trợ người bán vé số phải ngưng việc trong thời gian thực hiện chủ trương cách ly toàn xã hội.

“Chúng ta cần có sự chia sẻ với những người này trong thời điểm dịch bệnh khó khăn”. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Hồ Chí Minh có phương án hỗ trợ những người bán vé số để chia sẻ với họ trong lúc gặp khó khăn.

Ông cũng đề nghị các cơ sở lưu trú dành cho người lang thang cơ nhỡ chỗ ở, lực lượng y tế phải đảm bảo việc chăm sóc, giám sát với những người này, đặc biệt đối với người già, nhóm có nguy cơ cao nhiễm COVID-19.

Ngày 1-4, Sở LĐTB&XH đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người bán vé số gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với mức 50.000 đồng/ngày trong suốt 15 ngày dừng phát hành xổ số, kể từ ngày 1-4.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố cho biết qua thống kê ban đầu của các quận, huyện, hiện có 7.978 người bán vé số cư trú trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sau khi dừng phát hành xổ số. Do vậy, tổng kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ là gần 6 tỷ đồng. Sở đề xuất sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo của thành phố và các quận, huyện để hỗ trợ cho người bán vé số.

Ngày 31-3, ông Đỗ Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP Hồ Chí Minh cũng cho biết công ty đang phối hợp Hội Chữ thập đỏ thành phố lên danh sách toàn bộ người bán dạo vé số trên địa bàn và chi 1 tỷ đồng để mua 2.000 phần quà (trị giá 500 ngàn đồng/phần) để hỗ trợ người bán vé số dạo. Đồng thời, nhiều đại lý vé số tại TP Hồ Chí Minh cũng chủ động kế hoạch hỗ trợ người bán dạo và nhân viên của mình...

Ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam cũng đã có những hành động đẹp, nghĩa tình của một số cá nhân, tổ chức để giúp đỡ những người bán vé số dạo khó khăn. Trong ngày 31-3, tức là ngày cuối cùng vé số truyền thống còn phát hành, nhiều người ở TP Hồ Chí Minh đã góp sức mua giúp đỡ người bán vé số. Hành động đầy nghĩa tình ấm áp giữa khó khăn khiến nhiều người xúc động.

Bữa ăn chung của những người bán vé số.

Trưa 31-3, MC - diễn viên Đại Nghĩa đã lên đường phát 200 phần gạo, mỗi phần 10kg cho những người bán vé số hoặc có hoàn cảnh khó khăn tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang); 5 tấn gạo ở Cà Mau. Tại Sóc Trăng, An Giang và TP Hồ Chí Minh, anh cũng đang lên danh sách những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ.

“Ở  TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã liên hệ được với quận 6, quận 8, Bình Tân và đang chờ câu trả lời cũng như danh sách (người bán vé số dạo khó khăn). Tôi đang cần sự hỗ trợ từ các đại lý vé số vì những nơi này sẽ kết nối trực tiếp với những người bán vé số nhanh chóng nhất. Và các bạn giới thiệu giúp Nghĩa nhé”, MC Đại Nghĩa viết trên trang mạng xã hội của mình.

Ông Nguyễn Văn Giao (62 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) và gia đình cũng đã hỗ trợ 200 phần gạo, mỗi phần 10kg cho người bán vé số... Số gạo này sẽ được phân phát tại nhà riêng của ông Giao ở đường Vũ Tùng, phường 2, quận Bình Thạnh. Theo ông Giao, trong đợt này ông hỗ trợ tổng cộng 2,5 tấn gạo cho 250 người bán vé số. Trong đó, 500 kg gạo được chuyển cho nhóm từ thiện Tâm Sen, quận 8, để tặng cho 50 người bán vé số trên địa bàn.

“Tôi muốn san sẻ với bà con nghèo mưu sinh bằng công việc bán vé số đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực lực của tôi có hạn nên chỉ giúp được phần nào”, ông Giao chia sẻ. Ông được nhiều người biết đến như một người hay làm từ thiện. Đến nay, ông Giao và gia đình đã giúp đỡ, hỗ trợ hàng ngàn người nghèo, đóng góp xây nhà tình thương, tặng hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Hai ngày nay, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều quán cơm chay, các cửa hàng tạp hóa người dân cũng đã treo biển “Hỗ trợ người bán vé số”. Những hành động đẹp này đã được chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều sự tán dương, đồng cảm của mọi người cũng như lan tỏa tới cộng đồng. 

Ở miền Tây, số lượng người già, trẻ em nghèo khó bán vé số dạo để kiếm kế sinh nhai cũng khá đông. Trong những ngày vé số ngừng phát hành, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành cũng đã có những chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ, trao quà cho những người này, giúp họ vơi bớt khó khăn.

Phú Lữ
.
.