Áo trắng "đại náo" Hà thành

Thứ Năm, 28/02/2008, 14:30
Thế giới học trò thời nào cũng vậy, hồn nhiên, trong trắng, vô tư và… cũng lắm trò nghịch dại. Tuy nhiên, bên cạnh những mảnh sáng ấy vẫn tồn tại nhiều mảng tối của một bộ phận học trò Hà Nội. Đây là một hiện tượng rất cần được xã hội quan tâm, bởi nó có thể là mầm mống của tội ác…

9X đi đêm

Là học trò, ban ngày các em phải đến lớp, thế nên, thời gian buổi tối chính là lúc các teen nhà ta tha hồ "xả stress". Và với một bộ phận teen "khủng" (giàu có, nhiều tiền) thì phải lên các quán bar, vũ trường mới là sành điệu.

Toilet Pub (còn gọi là T-Pub) - quán bar trên phố Trần Quốc Toản - là một trong những địa điểm luôn được giới học trò "sành điệu" của Hà thành mệnh danh là một nơi chơi bời hoàn hảo. Theo chân một "hot boy" tên Quân, tôi được tận mục sở thị chốn ăn chơi nổi tiếng ấy.

21 giờ ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt tại T-Pub. Ấn tượng đầu tiên khi đến T-Pub là cảnh tối tăm nơi trước cửa. Ánh sáng ít ỏi, vàng vọt hắt ra từ mấy ô cửa khiến người cảm thấy "ngại" khi bước vào.

Bên cạnh đó, xe máy gửi không cần vé và xe nào cũng như xe nào, khách tự chọn chỗ để, tự dắt khi về. Không có sự phân biệt bãi VIP hay không VIP (như các quán bar, vũ trường khác). Lối vào khá bé, giống như một cái ngõ nhỏ.

T-Pub có một không gian hẹp, chật chội và... nồng nặc mùi mồ hôi người. Thế nhưng teen vẫn nườm nượp ra vào. Toàn những gương mặt "triển vọng" của thế hệ "thanh niên dạt nhà". Teen đứng chật chội chen lấn khiến người đến lần đầu khó có thể phân biệt được đâu là lối đi.

Vào tới bàn, nhìn xung quanh cảm giác như đây là sàn diễn thời trang vậy. Một góc, nhiều teen đeo cà vạt, áo sơ mi, quần âu kẻ đồng bộ như nhau. Rồi váy, rồi áo, rồi quần hip-hop với xích dây lủng lẳng.

Bên này lại là một "tập đoàn" các cô gái xinh tươi, chỉ khoảng 15 đến 20 tuổi ăn mặc mát mẻ và vô cùng khêu gợi. Mô típ dập khuôn hàng loạt của các cô là: tóc kiểu Nhật, áo mỏng rườm rà hở vai, váy xòe nở tứ tung, hoặc là quần bò đi với áo bà chửa. Quân ghé tai tôi, thì thầm: "Bọn này là học sinh các trường V.Đ, Đ.T.H... Toàn dân “đú” mà anh".

Các quán Games-Internet là một trong số những nơi tiềm ẩn tội ác.

Ấn tượng thứ hai là dân chơi ở T-Pub luôn được tự do. Ai thích làm gì thì làm. Cho dù có hành động như người điên thì cũng chỉ như đang dạo chơi trong công viên vậy. Một góc, 3 chàng "tóc đỏ” đang quấn lấy một em váy hồng hở vai, trên tay mỗi người cầm một ly rượu mạnh. Họ cười, nói, trêu đùa ầm ĩ.

Quân khẽ kéo tôi, chỉ tay về phía hai teen là đực rựa hoàn toàn nhưng đang ôm hôn nhau thắm thiết. Quân bảo: "Bọn này là gay đấy anh ạ".

Khoảng 24 giờ, đột nhiên tay DJ trèo lên bàn mix và mở nhạc cực lớn. Thế rồi những tiếng gào rú ầm ĩ cất lên. Các teen lập tức trèo lên bàn bi-a và nhảy. Những vũ điệu bốc lửa và vô cùng... sexy khiến dân tình tha hồ "no con mắt".

Tôi để ý đến một cô bé váy hồng nhảy rất đẹp và hỏi Quân: "Cô bé nhảy khỏe nhỉ". Quân cười: “Cô ấy được teen Hà Nội mệnh danh là "siêu mẫu" HN. Công nhận là nó nhảy rất đẹp, nhưng chắc phải "cắn" thuốc".

Trong năm 2007, Công an Hà Nội đã phá hàng loạt vụ lắc tại quán bar, vũ trường hay quán karaoke mà trong đó, giới teen là lực lượng tham gia nhiệt tình. Mới đêm 19 rạng sáng 20/1/2008, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã phát hiện 15 nam nữ thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc) tại một quán bar trên phố Lương Ngọc Quyến.

Thời điểm kiểm tra quán bar, Cơ quan Công an phát hiện nơi đây tụ tập khá đông nam nữ thanh niên đang lắc lư, quay cuồng trong tiếng nhạc mạnh. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ được 18 viên thuốc lắc, 1 gói ketamin.

Có 36 người gồm cả khách và nhân viên, chủ quán bar được đưa về trụ sở công an để làm rõ. Theo kết quả xét nghiệm nhanh, 15 trong số 36 người có phản ứng dương tính với ma túy.

Một số dân chơi tuổi teen kém sành điệu hơn thì lại thường lấy cửa hàng Internet, quán game làm nơi "trú ẩn". Vào chốn này, kể cả giờ học hay giờ nghỉ người ta đều có thể dễ dàng bắt gặp những teen còn nguyên bộ đồng phục ngồi "thiền" hàng tiếng đồng hồ.

Một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết: Các cửa hàng Internet, quán game cũng là một trong những nơi mà tội phạm có thể phát sinh.

22 giờ ngày thứ bảy, chúng tôi có mặt tại một quán game online trên phố Lương Thế Vinh. Hơn 40 cô, cậu (mà đa phần đều là học sinh - sinh viên, có em còn nguyên áo khoác mùa đông của Trường THPT L.V.C) ngồi như mọc rễ tại đấy.

Các teen đang say sưa chat chit, rồi chơi game. 24 giờ (thời gian theo luật các dịch vụ Internet công cộng phải đóng cửa), người chủ quán liền lấy một chiếc bạt, che cánh cổng ra vào. Và thế là "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Cả mấy chục cái đầu xanh vẫn chăm chú vào màn hình Internet, dường như chưa ai muốn rời chỗ của mình cả.

Ngồi cạnh tôi, cô gái mặt non choẹt đang say sưa chat với hàng chục cửa sổ. Thỉnh thoảng, em lại cười khanh khách vì gặp được bạn chat vui tính. Khi bạn bè đã đi ngủ hết, cô bé lại bật Audition ra nhảy. Phía bên kia, mấy game thủ của Võ lâm truyền kỳ đang say sưa bôn tẩu giang hồ, chốc chốc lại phun ra những câu chửi tục tĩu vì bị đồ sát.

Theo một cán bộ Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng, Công an Hà Nội, những năm gần đây, Internet và công nghệ có tác động đến giới trẻ rất mạnh, khiến cho số trẻ không có sự quan tâm định hướng đúng đắn của gia đình và xã hội đã chịu những tác động xấu. Nhiều em nghiện game, nghiện chat như là một sự chạy trốn cuộc sống thực để chìm đắm trong thế giới ảo.

Trong những vụ án mà tuổi teen gây ra trong năm qua, hầu như vụ nào cũng liên quan đến mạng Internet. Điển hình như vụ án giết người trong quán game, xảy ra thời điểm năm ngoái.

Khoảng 1 giờ 20 phút ngày 24/12/2007, tại phòng Internet công cộng mang tên "Full time games online" (số 104, B10, phố Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), khi Nguyễn Duy Hiệp (20 tuổi trú tại số 20, tổ 43 Khương Trung) đang ngồi chat tại tầng 2 thì bị một thanh niên lạ mặt cầm dao chém từ phía sau 4 nhát vào cổ.

Hiệp được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa, nhưng đã không qua khỏi do vết chém quá sâu. Sau hơn 20 giờ điều tra, Cơ quan Công an đã tóm được thủ phạm là tên Nguyễn Ngọc Tuấn trú tại số 44 ngõ 88 phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tại Cơ quan điều tra, Tuấn khai, Tuấn và Hiệp (nạn nhân) vốn có quen biết nhau và đều là những con nghiện của game Audition. Ngày 23/12/2007, khoảng 8 giờ tối Tuấn vào quán Internet tại ngõ 898, phố Láng Thượng để chat và chơi game Audition. Đến khoảng 24 giờ thì Tuấn (với nickname là boydragon (cậu bé rồng) bắt gặp Hiệp (với nickname là N92) cũng vào game.

Lời qua tiếng lại, Hiệp thách Tuấn xuống Thanh Xuân gặp Hiệp. Tuấn hỏi: "Mày đang ở đâu?”. Hiệp bảo: "Tao đang ở quán Full time games online (số 104, B10, phố Khương Trung)”. Vì là khách quen của quán, ngay lập tức Tuấn log out rồi bắt taxi đi xuống địa chỉ trên.

Đến khoảng hơn 2h sáng ngày 24/12/2007, Tuấn có mặt tại quán Full time games online, trong người thủ sẵn con dao. Sau khi vào trong quán ngó nghiêng tầng 1, rồi gác xép cũng không thấy Hiệp đâu, Tuấn mò lên tầng 2.

Khi thấy Hiệp vẫn đang say sưa chơi game, Tuấn hỏi: “Hiệp phải không?”. Và khi Hiệp vừa quay ra, Tuấn rút dao chém 3 nhát vào cổ Hiệp. Vết chém sâu đến nỗi cổ nạn nhân gần như đứt lìa.--PageBreak--

Những cuộc ẩu đả

Bây giờ chỉ cần đứng ở các cổng trường THPT hay lui tới những điểm mà giới học trò thường qua lại, người ta sẽ phải giật mình về mức độ “đầu gấu”, giang hồ của không ít học trò.

Có mặt tại Trường THPT P.H.T đón cậu em, tôi để ý đến một đám choai choai tóc xanh tóc đỏ đang ngồi trong quán nước gần cổng trường. "Mày cảm thấy mày trốn được thì cứ trốn, còn bước chân ra đường bố mày chém chết!" – Câu nói đầy hăm dọa bật ra từ một cậu dường như là “đại ca” của cả nhóm.

Theo lời cậu em đi cùng tôi, Tuấn Anh (17 tuổi, “đại ca nhí” của một nhóm đầu gấu) vừa phun ra câu chửi trên là học sinh trường ngoài, đứng phục học sinh khác trong trường để... xử tội. Lý do cũng rất đơn giản, chỉ vì cái "nhìn đểu" trong quán Internet trên phố Đội Cấn, hội của Tuấn Anh đã quyết tìm bằng được “thằng ranh” láo toét để trả thù.

Chiều nào, Tuấn Anh cũng cùng đám “lâu la” ngồi đồng hàng giờ để rình giờ nạn nhân tan học. Khi biết tin chắc chắn "thằng ranh" tan trường vào 5 giờ, hội Tuấn Anh quyết định “xử đẹp” ngay tại cổng trường. Thế là học sinh Trường P.H.T. khối chiều hôm đấy được chứng kiến cảnh nạn nhân khổ sở xin lỗi "anh" vì đã làm "anh" khó chịu.

Xin lỗi chưa đủ, Tuấn Anh bắt nạn nhân cúi xuống để hắn đạp liên tiếp lên lưng. Vừa đạp Tuấn Anh vừa “cảnh cáo”: “Từ nay đi ra đường nhìn trước ngó sau con nhé, gặp các bố mày thì tránh xa ra, nhìn cho kỹ cái mặt tao đây này!".

Thanh Phong, học sinh lớp 11 Trường THPT V.Đ ngày nào cũng phải nhờ người nhà đưa đón vì sợ bị nhóm đầu gấu trả thù. Nguyên nhân chỉ vì Phong là cao thủ trong games online "Phi đội". Phong cùng đội của mình thường lên mạng, đánh cho những đội game khác thua tan tác.

Thế rồi một hôm Phong thấy điện thoại di động của mình có tin nhắn với nội dung đe dọa, phải đưa hết đồ đạc trong game của cậu sang một nickname, nếu không sẽ bị “làm thịt". Phong kể chuyện này cho bạn bè nghe, thì ra chủ nhân của số máy đe dọa kia cũng là một trong những "bại tướng" dưới tay Phong.

Manh động hơn, không ít những học trò tuổi teen lại muốn tỏ ra mình là "anh hùng hảo hán", sẵn sàng giúp trả thù những đứa dám "xúc phạm" bạn bè mình. Phương Thảo, nữ sinh lớp 12 Trường Đ.T.H một hôm trên đường đi học về đã bị một nhóm học sinh chặn lại. Tên đi đầu gọi “Thảo ơi”.

Theo phản xạ, em quay lại liền bị một trận mưa đòn hội đồng của nhóm học sinh trên. Theo lời của tên trưởng nhóm thì: "Cho chừa cái tội dám không cho... người yêu hắn (một nữ sinh học cùng trường với Thảo) xem bài".

Mà không chỉ có nam sinh là những kẻ đầu têu những vụ "dạy dỗ" nhau bằng nắm đấm mà ngay cả nữ sinh cũng không chịu thua kém.

Ngày đầu năm 2008, học sinh Trường THCS Láng Thượng (Đống Đa – Hà Nội) được chứng kiến một vụ đánh ghen hy hữu. Hai nữ sinh một tên Hương (là học sinh lớp 8) và một tên Mai (học sinh lớp 7) cùng yêu một anh chàng là học sinh lớp 10 (cựu học sinh của trường).

Thế là vào giờ ra chơi của một buổi học cuối tuần, Hương đã nhờ một đám bạn là “đầu gấu” kéo em Mai vào nhà vệ sinh. Thế rồi màn "đánh ghen” nảy lửa đã diễn ra. Ban giám hiệu đã phải "xắn tay" vào xử lý hai cô "Hoạn Thư còi".

Theo thống kê của một tờ báo dành cho tuổi học trò, một trong những sự kiện “phản cảm” nhất của giới teen trong năm vừa qua chính là clip quay màn ẩu đả của hai nữ sinh được lan truyền trên mạng Internet với tốc độ chóng mặt.

Xuyên suốt đoạn clip dài hơn 9 phút là không biết bao nhiêu câu chửi cùng những màn "giao chiến" nảy lửa. Người xem choáng váng với những từ ngữ "bẩn" và một trận đòn của cô bạn có khuôn mặt non choẹt và thậm chí vẫn còn mặc nguyên áo đồng phục trắng tinh.

Không chỉ dừng lại ở đó, 2 “chiến binh” đáp trả không ngừng bằng những màn "xé áo", "kéo quần" nóng bỏng mắt. Một cô bé thậm chí đã bị giật đứt hết cúc áo, máu mũi tuôn ra sau hàng loạt cú đấm rất mạnh của cô bé kia.

Tuy nhiên, giới teen Hà Nội còn những "mảng tối" khác rất đáng báo động.

    (Còn nữa)

Minh Tiến
.
.