Bác sĩ pháp y – Những người dấn thân

Thứ Bảy, 27/02/2016, 10:00
Có những bác sĩ hàng chục năm công tác, gắn bó với nghề pháp y, nhưng chưa bao giờ tiết lộ công việc thật sự với những người thân trong gia đình. Công việc đặc biệt, nếu kể ra sẽ khiến không ít người giật mình hoảng sợ. Vì vậy thật không dễ dàng gì khi giới thiệu nghề nghiệp của mình. Đằng sau tấm áo blu trắng, có những nỗi niềm, một sự dấn thân và hy sinh thầm lặng mà chỉ ai trong nghề bác sĩ pháp y mới thấu hiểu...

Giải mã những cái chết bí ẩn

Tết Bính Thân 2016 có lẽ là một trong những cái tết  hiếm hoi “thất nghiệp” của các bác sĩ pháp y Đội Giám định pháp y – sinh học, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an Hà Nội. Hà Nội không xảy ra trọng án. Điều đó đồng nghĩa với việc các bác sĩ pháp y được đón một giao thừa trọn vẹn bên gia đình, đồng nghiệp.

Tiến sĩ, giám định viên cao cấp Nguyễn Quốc Hải – Đội trưởng cho biết, những năm trước, hầu như ngày 30 Tết nào cũng xảy ra trọng án. Mà bất cứ vụ việc chết người nào cũng cần pháp y làm rõ nguyên nhân. Đó là lý do mà nhiều năm rồi, các bác sĩ pháp y ở đội đã quen với việc đón giao thừa tại... hiện trường khám nghiệm tử thi.

Bác sĩ Nguyễn Thành Công nhớ lại, ấn tượng nhất là Tết Giáp Ngọ năm 2014. Chiều muộn ngày 30-1-2014 tức ngày 30 Tết, anh em trong ca trực đang phấn khởi vì nửa ngày đã trôi qua bình yên thì nhận được tin báo tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình) xảy ra vụ trọng án giết người. Do mâu thuẫn với vợ về việc cúng lễ sơ sài, Trương Văn Hà tức Hà “cọ”, một tay anh chị giang hồ khét tiếng đã dùng súng bắn vợ là chị Trương Thị Lan Phương. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện 354 cấp cứu nhưng đã tử vong.

Kíp trực hôm đó gồm Thượng tá, giám định viên cao cấp Nguyễn Quốc Hải, trợ lý Ngô Thanh Tâm và bác sĩ Nguyễn Thành Công nhận lệnh lên đường. Trong khi mọi người bắt đầu nâng ly đón chào một năm mới thì các bác sĩ pháp y vẫn cặm cụi với công việc khám nghiệm, pháp y tử thi trong nhà xác bệnh viện. Hoàn tất các thủ tục, nhìn đồng hồ đã là 2 giờ sáng.

Chuyện bác sĩ pháp y đón năm mới cùng... tử thi như vậy, không phải là chuyện hiếm. Bác sĩ Nguyễn Thành Công tâm sự, có năm, ngày 30 Tết, một mình anh tham gia pháp y 3 vụ chết người, liên tục từ sáng đến tối. Đã là công việc thường xuyên nên chẳng còn cảm giác chạnh lòng, tủi thân với nghề nữa. Chỉ xót xa, ngậm ngùi cho  người xấu số và người thân của họ phải chia lìa đúng vào thời khắc của sum vầy, đoàn tụ.

Bác sĩ pháp y là những người có mặt đầu tiên tại hiện trường các vụ án.

Tiến sĩ  Nguyễn Quốc Hải cho biết, trong những vụ chết người chưa rõ nguyên nhân, bao giờ  kỹ thuật hình sự cũng là những lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường để thu thập các dấu vết và khẩn trương tiến hành thủ tục pháp y, giải mã nguyên nhân những cái chết để trả lời câu hỏi: Án mạng hay không phải án mạng?

Giải mã nhanh những câu hỏi này sẽ giúp cho Cơ quan điều tra định hướng những bước đi tiếp theo, đồng thời giải tỏa những thắc mắc, hoài nghi trong dư luận. Mỗi thi thể là một số phận, một bí mật cần được giải mã. Chỉ có bác sĩ pháp y mới có thể giúp người đã khuất “lên tiếng”. Có nhiều vụ việc hiện trường rất đơn giản, tưởng như cái chết của nạn nhân chỉ bình thường nhưng khi pháp y, các bác sĩ lại tìm ra những dấu hiệu bất thường, tìm lại công bằng cho người đã khuất.

Điển hình như vụ án mạng từ việc mở loa đài xảy ra tối 4-1-2014 tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Khoảng 21 giờ 30 phút, anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1996) ở thôn Đồi Cốc cùng 2 người bạn là Nguyễn Văn Thụy, Nguyễn Văn Kiên sang nhà Đinh Trọng Vinh (SN 1984) ở cùng thôn nhắc nhở về việc mở loa đài quá to. Tại đây, nhóm của Tuấn đã xảy ra  cãi nhau, xô xát với Đinh Trọng Vinh, Đinh Trọng Hiển (em trai Vinh) và chủ nhà Nguyễn Văn Khoa.

Sau đó, Tuấn cùng 2 người bạn bỏ chạy. Tuấn đi xe máy khoảng 200 mét thì đâm vào thành cầu gục ngã và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên cấp cứu nhưng đã tử vong, trên người có nhiều vết sây sát, chảy máu. Đêm hôm đó, gia đình Tuấn nhận được tin báo Tuấn chết do tai nạn giao thông nên đã đến bệnh viện làm thủ tục đưa xác về nhà mai táng.

Qua công tác nắm tình hình, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn được biết trước khi Tuấn tử vong có xảy ra va chạm, đánh đuổi nhau trên đường làng. Nghi vấn về cái chết của nạn nhân, Cơ quan điều tra đã phối hợp Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội tiến hành khám nghiệm, pháp y tử thi, làm rõ nguyên nhân chết. Lúc này, tử thi đã  được gia đình  khâm liệm, đưa vào quan tài và tổ chức lễ viếng. Sau khi được cơ quan điều tra vận động, giải thích, gia đình đã đồng ý để thực hiện việc pháp y nạn nhân ngay tại nhà.

Kết quả pháp y phát hiện ngoài các vết sây sát, rách da ở chân nạn nhân giống như một vụ tai nạn giao thông thì ở phần ngực trái nạn nhân có vết thương, nếu chỉ nhìn thoáng qua giống như vết rách da nhẹ, nhưng thực chất là vết đâm sắc ngọt xuyên thùy trên phổi trái, là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Từ kết quả pháp y, Cơ quan điều tra kết luận đây là vụ án mạng và đã bắt giữ 3 đối tượng liên quan gồm: Đinh Trọng Hiển (đối tượng dùng dao đâm anh Tuấn), Đinh Trọng Vinh và Nguyễn Văn Khoa. Nói tiếng nói của người đã khuất, vạch trần cái ác đang bị ém nhẹm trong bóng tối. Đó chính là nhiệm vụ cao cả của các bác sĩ pháp y đã và đang cống hiến.

Nỗi niềm bác sĩ trẻ

Khi tôi đề nghị chia sẻ về những vất vả trong nghề, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hải, Đội trưởng thẳng thắn bảo, nếu để anh em kể thì nhiều chuyện lắm, nhưng không khéo thì sẽ bị người khác nghĩ  là “kể khổ”. Chỉ nói đơn giản thế này, như bản thân Tiến sĩ Hải, gần 30 năm trong nghề, mấy lần xin được chuyển công tác mà không được cấp trên đồng ý.

Đấy là người cũ. Còn người mới, bác sĩ pháp y trẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có một sự thật là không ai học nghề y lại muốn trở thành bác sĩ pháp y cả. Chẳng ai lại muốn đi khoe với mọi người, tôi là bác sĩ pháp y.

Sự thẳng thắn đến gai góc của Đội trưởng Nguyễn Quốc Hải, không phải là không có lý khi 8 bác sĩ pháp y của đội đều cho biết, không một ai trong gia đình, người thân biết về công việc thật của họ. Có lần, một bác sĩ pháp y từng kể với tôi rằng, anh vô tình để quên tập ảnh tử thi trong túi áo khi về nhà. Vợ anh cũng vô tình nhìn thấy. Anh bỗng trở thành một người hết sức xa lạ. Phải mất hơn một tuần nói chuyện, giải thích, vợ anh mới thấu hiểu công việc của chồng, hiểu vì sao chồng không bao giờ kể chuyện công việc hàng ngày như người khác.

Trải qua gần 30 năm công tác với những thăng trầm, vất vả, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hải nói rằng, nghề bác sĩ pháp y đúng là một sự dấn thân đối với các bác sĩ trẻ mới vào nghề. Vì vậy, trong điều kiện xã hội hiện nay, khi lớp trẻ có nhiều điều kiện để lựa chọn công việc cho mình thì những bác sĩ pháp y trẻ, thực sự rất đáng được tôn vinh bởi khi bước vào nghề này, nghĩa là phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi.

Nằm trong quân số của Học viện An ninh nhân dân gửi đi đào tạo chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y, Trung úy, bác sĩ Ngô Đình Bằng tâm sự, sau khi tốt nghiệp, bản thân anh và các bạn trong khóa nghĩ sẽ về một bệnh viện nào đó công tác. Thế nên khi được phân công về pháp y, ban đầu cũng hơi bị bất ngờ. Công tác đã hơn 2 năm nhưng hầu như người thân, bạn bè đều không biết anh là bác sĩ pháp y.

“Mình giấu không phải vì ngại mà vì muốn mọi người được thoải mái khi nói chuyện. Không ít người không thích, thậm chí sợ, không biết sẽ hỏi gì, nói gì khi biết người đối diện là bác sĩ pháp y” – Trung úy Bằng chia sẻ.

Cậu bác sĩ pháp y trẻ tâm sự, thời sinh viên trường y, anh sợ... ma lắm. Một lần la cà thế nào, lạc vào lớp dành cho cao học đang thực hành giải phẫu tích trên xác tươi. Đó là lần đầu tiên anh nhìn thấy xác người chết thật. Về cả đêm không ngủ được. Thế nhưng khi đi làm, cảm giác sợ hãi không còn bởi trách nhiệm trước pháp luật, trách nhiệm với nạn nhân. “Nói tiếng nói mà người đã khuất không nói lên được” – đó là điều quan trọng nhất của bác sĩ pháp y.

Thượng úy Phạm Thế Bằng và Trung úy Ngô Đình Bằng đang giám định pháp y.

Thượng úy, kỹ thuật viên Phạm Thế Bằng, người được đánh giá là “bàn tay vàng” trong giải phẫu tử thi tâm sự, năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y, anh về công tác tại Đội Giám định Pháp y – Sinh học. Chân ướt chân ráo về đội được ít hôm, Bằng nhận nhiệm vụ trực tiếp pháp y tử thi trong một vụ chết trôi trên sông ở khu vực huyện Phú Xuyên. Tử thi được phát hiện khoảng 10 ngày sau khi chết, đang trong giai đoạn phân hủy mạnh.

Vì nhiệm vụ, công việc cuối cùng cũng được Bằng hoàn thành chu đáo. Nhưng đây thực sự là một cú sốc đối với chàng trai trẻ. Đêm đó, Bằng đã nằm khóc. Khóc không phải vì sợ hãi, mà bởi những câu hỏi đấu tranh tư tưởng căng thẳng: Không hiểu có ai biết mình làm công việc này không nhỉ? Mình có nên tiếp tục công việc hay phải xin thôi đây?    

Sau đêm lau nước mắt một mình, Bằng đi ra đường, nhìn dòng người hối hả trên đường và tự hỏi: Trong số họ, có ai làm công việc đặc biệt như mình không? Mình làm công việc chẳng giống ai thế này, liệu có gắn bó, có trụ được không? Chàng y sĩ trẻ rơi vào khủng hoảng tâm lý một thời gian khá dài. Người trẻ, ai chẳng muốn có một công việc tốt để tự hào với bạn bè, với những người xung quanh. Khi họp lớp chẳng hạn, trong khi bạn khoe đang công tác ở bộ này, ngành kia, bệnh viện nọ, còn mình thì im lặng. Buồn lắm chứ!

Vậy điều gì đã giúp các anh trụ lại với nghề? Tôi đặt câu hỏi với hai bác sĩ trẻ cùng tên Bằng – Thượng úy Ngô Thế Bằng  cho biết – sau thời gian khủng hoảng tâm lý, anh nghĩ “nếu cuộc sống mà cứ đều đều, ngày ngày chờ thấy báo có người chết để đi... mổ thì thật tẻ nhạt. Mà muốn tiếp tục công việc, tự mình phải tìm được niềm vui cho bản thân”. Vậy là những lúc rảnh rỗi, Bằng mang đàn ghi-ta ra tập. Cây đàn đã gắn bó với anh từ thời học sinh. Thật bất ngờ khi góc phòng làm việc của một bác sĩ pháp y lại có tới mấy chiếc đàn ghi-ta điện.

Thượng úy Bằng bảo, tập ghi-ta điện thì không ảnh hưởng đến ai. Người chơi đàn chỉ cắm tai nghe và tập. Càng bất ngờ hơn khi tôi được một đồng nghiệp của Bằng cho biết, hiện anh đang là tay ghi-ta cuồng nhiệt trong một ban nhạc rock  khá nổi tiếng tại Hà Nội. Nếu là người yêu rock, bạn sẽ nhận ra chàng thượng úy có nụ cười tươi rói đang phiêu cùng những bản nhạc rock mạnh mẽ trên sân khấu một quán cà phê nào đó. Với Thượng úy Bằng, âm nhạc đã giúp anh tìm được niềm vui trong cuộc sống, thấy gắn bó với công việc của mình hơn, dù không chia sẻ được với ai.

Còn Trung úy Ngô Đình Bằng, tôi cứ tròn mắt khi nghe chàng bác sĩ trẻ măng say sưa kể  về từng loại hoa lan và cách chăm sóc – một thú chơi tao nhã dành cho những người có tuổi. Bằng bảo,  ai làm công việc gì cũng có sức ép. Nghề bác sĩ pháp y, rất cần được giải tỏa căng thẳng. Trồng hoa là cách bác sĩ trẻ tự cân bằng bản thân, giải tỏa stress. Thật ngưỡng mộ khi Trung úy Bằng đang sở hữu một vườn lan tuyệt đẹp do tự tay anh sưu tầm, chăm sóc, trong đó có rất nhiều loại lan khó tính, chỉ ưa sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của rừng núi.

Trung úy Bằng bảo, trồng hoa cũng giống như gieo hy vọng. Mỗi ngày chăm sóc, chờ đợi. Hồi hộp ngóng từng nụ hoa, từng chồi lá, như chờ đợi một sự sống đang hồi sinh.

Còn tôi nghĩ, nghề bác sĩ pháp y của các anh cũng giống như người trồng hoa, người chơi nhạc vậy. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn, khi qua bàn tay của các bác sĩ pháp y, cái ác được loại trừ.

Hương Vũ
.
.