Bài ca Tổ quốc nơi đầu sóng

Thứ Bảy, 14/06/2014, 11:35

Những lượn sóng biển Hoàng Sa mềm mại đang bị đảo nát bởi hàng trăm tàu sắt ngày đêm quẫy sôi mùa biển lặng. Giàn khoan Hải Dương 981, cũng là một khối thép khổng lồ, trông chẳng khác gì một mũi dao găm chọc vào tim biển. Đối mặt với sắt thép và nguy cơ, sức mạnh từ phía Việt Nam chỉ là những chứng cớ lịch sử không thể chối cãi và những con người bằng xương bằng thịt nhưng mang tinh thần thép.

Rạng sáng 13/5, bước chân xuống tàu CSB 4033 để ra Hoàng Sa, cánh nhà báo chúng tôi đều rất ấn tượng với giọng sang sảng mang thổ âm Quảng Ngãi của người thuyền trưởng.

Ngay từ phút đầu tiên, cánh phóng viên đã được nhắc nhở: "Mọi người trên boong di chuyển chậm tránh bị ngã… Tất cả phóng viên mặc áo phao trước khi lên boong… Phóng viên tác nghiệp đứng xa dây neo, nhắc lại: xa dây neo, giữ cự ly an toàn… Các đồng chí nhà báo (có cả nhà báo nước ngoài - NV) ngưng tác nghiệp và về cabin ngủ để bảo đảm sức khỏe…".

Gãy gọn, đầy uy lực nhưng không bỏ sót dù chỉ một chi tiết nhỏ, chứng tỏ thuyền trưởng là một tay lão luyện và dày dạn. Nhiều người đã không về buồng ngủ mà ùa lên cabin chỉ huy ngay để xem người vừa ra mệnh lệnh là ai. Lập tức, chúng tôi lại bị quát: "Các đồng chí nhà báo chấp hành mệnh lệnh, về buồng ngủ. Nhắc lại, các nhà báo lập tức về ngủ".

Một thanh niên còn trẻ, nhưng có vẻ như không bao giờ có ý định cười hay đùa. Trông gương mặt anh hao hao như tài tử phim võ thuật Chung Tử Đơn, nghĩa là cũng lạnh lùng, điềm tĩnh và rất kiên quyết. Anh chính là người từ đầu đã ra tận cầu tàu đón chúng tôi, tận tình hướng dẫn, sắp xếp cho từng người một. Có điều, lúc đó không ai nghĩ anh là thuyền trưởng, cứ đinh ninh người đang nhanh nhẹn giúp anh em báo chí mang xách balô, máy móc là thủy thủ chuyên... kéo neo hay phục vụ hậu cần nào đó.

Thượng úy Lê Trung Thành, 31 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, có thâm niên làm thuyền trưởng 6 năm. Sau này, khi đã thân thiết, Thành kể: "Hồi nhỏ, đám bạn học gọi em là Thành "za", bởi em nhỏ con, người đen cháy, nhìn chỉ thấy da, chẳng thấy thịt đâu cả. Đã vậy lại lỳ, chẳng sợ ai. Lớn chút nữa, vô Học viện Hải quân, tụi nó lại gọi em là Thành "vồ", vì cữ hễ cười là mồm chìa ra trước. Đã thế thì em không cười, ai muốn gọi gì thì gọi".

Thượng úy Thuyền trưởng Lê Trung Thành.

Đậu ba trường đại học, nhưng mơ mộng sau này sẽ có một cuộc đời lênh đênh sóng nước, thỏa mộng hải hồ, Thành đã chọn Học viện Hải quân Nha Trang. Thỏa nguyện, anh mới nhận ra rằng một thuyền trưởng giỏi nếu chỉ là người thạo việc, dám xả thân và chẳng sợ ai thì chưa đủ. Trên hết phải là kỷ luật. Người chỉ huy phải hiểu rõ và chân thành chia sẻ với từng anh em, từng vị trí khác nhau.

Suốt cuộc hải hành, Thành hầu như không rời khỏi cabin chỉ huy một bước. Đến bữa ăn, Thành cũng nhường anh em ăn xong, tất cả các vị trí đều đã ổn thỏa, anh mới lặng lẽ lo phần mình. Hết ca, Thành mắc võng ngay trong cabin chỉ huy tranh thủ ngả lưng, không quên dặn anh em gọi mình dậy ngay bất kỳ lúc nào có tình huống. Dặn phòng hờ vậy thôi, chứ chưa kịp kêu, Thành đã tỉnh dậy ngay và lập tức nắm quyền chỉ huy, nhiều lần giúp đưa con tàu CSB 4033 ra khỏi khó khăn, nguy hiểm.

Sáng 16/3, tàu CSB 4033 bị 3 tàu hải cảnh Trung Quốc chèn ép vây đuổi. Tình thế rất căng thẳng, tránh được tàu này va đâm thì lại có nguy cơ bị tàu kia chặn đầu, xịt  vòi rồng. Cả Đại tá Võ Văn Kính, Thượng tá Đinh Quốc Ruân, Trung tá Trần Lê Trang đều có mặt trên cabin. Thấy tàu hải cảnh 31101 phụt khói đen tăng tốc và tìm cách áp mạn để chèn ép tàu ta, Trung tá Trần Lê Trang nhắc: "Coi chừng nó phun nước. Nên tăng tốc tránh trước".

Lê Trung Thành vẫn điềm nhiên: "Nó chưa đưa người lên điều khiển súng, cứ cho nó đuổi". Anh còn đùa: "Để tôi cho cả ba tàu ngửi khói". Khi tàu hải cảnh 31101 đã vượt lên song song nửa phải thân tàu ta, trong khi tàu 46001 đã gần như chặn ngang trước mũi, tàu 33101 bám ngay sau đuôi, Thành mới ra lệnh: "Rẽ trái 20 độ… máy trái, phải 1000, giữa 1250".

Ngoặt bất ngờ, mũi tàu CSB vượt lên lách qua đuôi tàu 46001 và thoát ra với tốc độ cao. Tăng tốc đuổi bám, tàu hải cảnh 31101 chắc chắn sẽ đâm vào giữa bụng tàu hải cảnh 46001 nên đành phải hãm máy và ngoặt phải gấp, mất góc và cự ly phun nước. Tàu 46001 mất trớn, cũng đành ngoặt trái một khẩu độ khá rộng để tránh bị tàu 31101 đâm. Tàu 33101 đuổi phía sau cũng mất tác dụng dồn ép, đành bỏ cuộc. Chỉ trong vòng vài phút, đội hình quây vây của 3 tàu Trung Quốc đã bị xé nát, mỗi tàu chạy loạn một hướng. Phần thắng thuộc về con tàu CSB bé nhỏ nhưng dũng cảm được điều khiển bởi một thuyền trưởng bản lĩnh vẫn biết đùa trong nguy khốn.

Thật ra, tôi biết trong lòng Thượng úy Lê Trung Thành đang rối bời những nỗi lo. Tàu CSB 4033 bị tàu Trung Quốc va đâm và xịt vòi rồng gây hư hại nặng, về cảng sửa chữa 1 ngày rưỡi lại lên đường. Ngày nhổ neo, Thành biết tin mẹ anh, bà Huỳnh Thị Như Đóa phải đi cấp cứu, sau đó phải chuyển vào Bệnh viện Ung bướu TP HCM để xạ trị lần thứ 7 cho bệnh ung thư vòm họng. Chỉ một mình ba anh, ông Lê Trung Việt, nguyên Chánh văn phòng HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã nghỉ hưu đi theo chăm sóc. Chị Phạm Thị Hồng Nhung, vợ Thành chưa có việc làm, phải ở lại chăm con gái mới 20 tháng tuổi…

Từ 7 tháng nay, thuyền trưởng Lê Trung Thành vẫn cứ phải biền biệt theo tàu. Chiều 28 Tết tàu anh mới về cảng, rạng sáng mùng 2 đã lại ra khơi. Tranh thủ về thăm nhà được một ngày, khi bế con lên hôn, anh đã khiến con… khóc thét vì lạ bố, vì người bố khét lẹt mùi nắng gió…

Chính trị viên Hoàng Văn Thưởng đang theo dõi tàu CSB cập mạn tàu CSB 8003.

Thuật cho tôi nghe tường tận nỗi vất vả gia đình của người thuyền trưởng nhưng Trung úy Hoàng Văn Thường, chính trị viên tàu CSB 4033 lại lảng hết khi tôi hỏi chuyện về chính hoàn cảnh của anh. Thường quê ở Quảng Ninh, Quảng Bình, khá đẹp trai và rất thư sinh. Anh ít nói và cũng ít… ngủ. Lúc rảnh rỗi, chiến sĩ trên tàu thường quây lấy đám nhà báo chúng tôi để nghe chuyện thời sự trên đất liền. Thỉnh thoảng, Trung úy Thường (tháng 7/2014 này sẽ lên thượng úy) lại phải ghé vào dặn dò anh em để chúng tôi đi ngủ, tránh say sóng; hoặc hỏi thăm sợ chúng tôi mệt mỏi bỏ cơm.

Còn trẻ, nhưng sóng nước đã khiến chính trị viên Thường tỏ ra nghiêm khắc và chu đáo như một… chính ủy. Vậy nhưng khi chúng tôi chuyển sang tàu CSB 2013 để về đất liền, chính Thường lại là người đứng lâu nhất trên mạn tàu CSB 4033 để dõi mắt theo, để chắc chắn những vị "khách" đã rời sang tàu khác tuyệt đối an toàn. Mắt anh hình như có nước.

Sáng 24/5, tôi đã hết sức bất ngờ và cảm động: Thường là người đầu tiên gọi điện báo cho tôi và các nhà báo khác tin tàu CSB 4033 vừa cập cảng, tất cả anh em trên tàu đều mạnh khỏe, an toàn. Thường khoe: "Nếu biển yên, tháng 10 này em sẽ cưới vợ. Giá mà các anh có điều kiện cùng về quê em chung vui…".

Chuẩn bị bữa cơm trên tàu CSB 4033.

Trên tàu, toàn  là những người lính 8x, 9x nên chuyện yêu đương, lập gia đình luôn là đề tài rôm rả  nhất. Nhưng cũng có khi lại là một câu chuyện buồn. Thượng úy Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ngành 5 (phụ trách cơ điện) đã 2 lần cưới vợ hụt. Năm 2010, ngày cưới đã định thì tàu CSB 4033 phải lên đường. Vị trí phụ trách máy tàu không có người thay nên Dũng đành hoãn cưới. Trở về, chưa kịp định ngày thì bố anh mất vì ung thư dạ dày, đám cưới phải hoãn lại. Cô người yêu lặng lẽ ra đi.

Lần thứ hai, Dũng yêu một cô kế toán viên ở Quân khu 4. Đám cưới dự định tổ chức tháng 8/2011 lại cũng phải hoãn vì tàu anh phải ra khơi, sau đó là những tháng dài anh đi biền biệt. Tủi thân, cô sĩ quan trẻ cũng xin lỗi anh để nhận lời người khác.

Gần đây nhất, lẽ ra chị Trần Thị Nhàn, người yêu của Dũng đã được anh đón lên xe hoa từ dạo tháng 2/2014, nhưng bất ngờ tàu CSB lại có chuyến công tác đi bảo vệ tàu thả cáp Bình Minh đang bị Trung Quốc đe dọa cắt cáp nên đành tạm hoãn.

Hôm 30/4, Dũng mua hai vé đi du lịch Bà Nà, hẹn đưa Nhàn đi chơi một chuyến. Từ TP Vinh, Nghệ An Nhàn đã tranh thủ vào Đà Nẵng thăm người yêu. Nhưng thay cho kỳ nghỉ ngọt ngào trên đỉnh núi đầy hoa, Dũng chỉ kịp đưa người yêu xuống thăm boong tàu đầy khói dầu một buổi, ra mắt và ăn với đồng đội của anh một bữa cơm rồi chở cô ra thẳng ga Đà Nẵng mua vé về quê. 1 giờ sáng ngày 1/5, tàu anh lại ra khơi. Trong túi của anh, hai chiếc vé tham quan khu du lịch Bà Nà vẫn nằm nguyên chưa xé cuống, phập phù như lời hẹn nên vợ nên chồng vào tháng 6  đã gần kề.

Cùng có mặt trên tàu là bác sĩ Trương Trường Quang, 29 tuổi, Chủ nhiệm Quân y Cảnh sát biển vùng 2. Thiệp cưới đã phát, ngày 30/5/2014, Quang sẽ mặc áo chú rể đón cô dâu Võ Thị Diệu Thảo, 23 tuổi, giáo viên Anh văn của Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Quảng Nam lên xe hoa.

Ngày cưới gần kề, Quang vẫn lênh đênh không hẹn ngày về. Mẹ Quang và cô dâu chưa về nhà chồng khóc sưng cả mắt. Sốt ruột, bố cô dâu tương lai tìm đến tận nhà hỏi ông Trương Cao Nhã, bố của Quang "xin ý kiến". Bố chú rể dứt khoát: "Vẫn cứ cưới. Đất nước gian nguy, đám cưới vắng chú rể thì đã làm sao".

Trên tàu, Đại tá, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Vùng 2 Võ Văn Kính quyết định: nếu tàu không về kịp, ngày cưới chú rể sẽ cùng anh em tập trung lên cabin, dùng hệ thống thông tin trên tàu truyền hình trực tiếp để cô dâu và hai họ nghe, chứng kiến tận mắt lời thề nguyện của chú rể. May, phương án đó đã không phải dùng đến.

Ngày 18/5, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã cho phép Quang đổi sang tàu CSB 2013 để lên bờ. Dù cố nén, bác sĩ - Thượng úy Trương Trường Quang vẫn cứ nhảy cẫng lên vì sung sướng. Giàn khoan quái vật tỉ đôla và hàng trăm tàu lớn, tàu con với đủ loại súng, pháo nhỏ to của bá quyền Trung Quốc cũng không thể ngăn cản một công dân trẻ Việt Nam cập bến bờ hạnh phúc!

Biến biển Hoàng Sa thành hố thép, nhà cầm quyền Trung Quốc dường như đã quên mất câu ngạn ngữ của dân tộc họ: "Hữu thiết tất hữu thiết tú (Ở đâu có thép, ở đó có sự han rỉ)". Tham vọng bất lương nào rồi cũng bị lịch sử vùi chôn. Chỉ có một thế hệ con em của dân tộc Trung Hoa đang bị dã tâm của nhà cầm quyền lừa dối, kích động và đánh cắp tương lai. Họ đang bị ném vào một cuộc đua tranh vô nghĩa và phi pháp. Trung Quốc bá quyền tham lam nhiều thứ không thuộc về mình nhưng lại rẻ rúng mạng người, coi thường cuộc sống của con em đất nước họ đồng thời gây tổn thương, đau khổ cho nhân dân nước láng giềng.

Hơn ai hết, chính những người lính cảnh sát biển đã giúp tôi nhận rõ điều đó một cách sâu sắc. Khi nói về những người lính trên tàu hải cảnh Trung Quốc đang điên cuồng lao theo va húc, phun nước vào tàu Việt Nam, một anh cảnh sát biển trẻ tuổi trên tàu CSB 4033 đã tỏ ra thông cảm và tha thứ: "Ở nhà, có bao nhiêu người, bao nhiêu anh em dõi theo, bọn em rất vững tâm, chẳng có gì phải lo. Bên tàu Trung Quốc kia họ sợ nên họ mới hung hăng. Cả một thế hệ con một, họ sợ là phải".

Nguyễn Hồng Lam
.
.