Bản lĩnh của “Người đàn bà thờ... cá”

Thứ Hai, 09/06/2008, 13:30
Đầu năm nay, khi giá đôla xuống thấp, các xí nghiệp chế biến không dám xuất vì sợ lỗ... Trước tình hình ấy, một hôm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi điện hỏi Diệu Hiền (Chủ tịch HĐQT của Diệu Hiền Group trong đó có Công ty chế biến thuỷ sản Bianfishco) là có dám xuất khẩu hàng không? Chị trả lời ngay là vẫn tiếp tục ký hợp đồng xuất hàng. Dù có phải xuất hàng mà không có lãi, miễn là đủ vốn thì cũng phải làm để giữ chân khách.

>> Người đàn bà thờ... cá

Trở lại câu chuyện quá khứ

Để có gỗ, chị mua quần áo, xà bông, cá khô v.v... lên chia cho công nhân của các lâm trường. Thấy người phụ nữ ăn mặc nhếch nhác, đi đâu cũng có hai đứa trẻ kè kè đeo bám nhưng lại cư xử có trước có sau nên ai cũng động lòng thương. Ngay cánh kiểm lâm cũng chẳng khi nào nỡ “hành tội” chị.

Gỗ thứ phẩm mà thành gỗ loại 2, lại không bị ai “làm luật” thì quả là lãi hết mức. Có tiền, chị mua vàng. Có lúc trong chiếc áo “nato” mà trời nắng cũng như trời mưa, chị khoác xù xù. Không ai biết trong chiếc áo đó chị nhét 50 cây vàng.

Mua được bao nhiêu vàng, chị đem cất giấu. Và không một ai trong gia đình, bạn bè biết chị buôn gỗ có lãi lớn. Cuộc phá sản mấy năm trước đã cho chị một bài học lớn vì thế chị rất cảnh giác và luôn thận trọng. Chính sự thận trọng trong kinh doanh của chị đã khiến cho Tập đoàn Diệu Hiền sau này đã vững vàng trước mọi biến động.

Người duy nhất biết chị mua vàng là cậu bé Chương. Sau bữa đó, chị Hiền chuyển từ tích trữ vàng sang mua đôla. Tiền chị cũng nhét trong túi chiếc áo “nato” và cứ ít hôm lại mang về nhà má Năm cất giấu. Chị đóng một chiếc giường có hộp tủ ở dưới và xếp đôla vào đó. Cứ giấu tiền mà không cần biết có bao nhiêu...

Suốt 4 năm đi làm gỗ, chị đã kiếm được khoảng hơn 30 tỉ - đó là một số tiền khổng lồ vào năm 1992. Nhưng đổi lại, chị đã già đi như một phụ nữ ngoại ngũ tuần. Để qua được các trạm kiểm soát, để không bị chòng ghẹo, chị đã phơi nắng, phơi gió, đến nỗi rám cả một bên má...

Quả thực, không một nhân viên kiểm lâm, Công an... nào nỡ căn vặn, gây khó dễ cho người đàn bà xộc xệch, nhếch nhác, cắp theo hai đứa con dại, nhưng lại rất rộng rãi với mọi người.

Quá khứ của tuổi thơ, quá khứ của những ngày bươn chải kiếm tiền, những bài học trên đường đời đã hun đúc, rèn luyện ý chí vươn lên của chị – Phạm Thị Diệu Hiền cảm ơn quá khứ là như vậy.

Bài học làm giàu

Chị Diệu Hiền đưa tôi đi thăm nhà máy thủy sản mang tên Bình An... Tôi xin cam đoan với bạn đọc rằng, đó là nhà máy đẹp nhất Việt Nam với khung cảnh tuyệt vời và sạch sẽ đến mức... không thể sạch hơn được nữa, bởi vì một nhà máy chế biến tới 300 tấn cá tra mỗi ngày, nhưng không có mùi tanh của cá.

Thăm nhà máy, tôi chưa hết ngỡ ngàng thì  khi xuống nhà ăn của công nhân, tôi thực sự bị “khuất phục” bởi công nhân ở đây được ăn theo kiểu... “Cộng sản chủ nghĩa” - nghĩa là ăn theo kiểu “buffe”, sức ăn được bao nhiêu cơm thì cứ lấy thoải mái. Cơm gạo mới, thức ăn có thịt gà rang, rau xào, canh, thịt lợn kho...

Công nhân đã ăn uống hoàn toàn thoải mái, nhưng nhà ăn lại còn “ghê gớm” hơn thế nữa - bởi  những bộ tràng kỷ bằng gỗ tốt, đóng sang trọng...

Sau khi thành kính thắp hương ở miếu thờ “Ông cá, Bà cá”, trên đường về, tôi hỏi chị Hiền: “Công nhân của chị được làm việc và sinh hoạt như vậy là quá lý tưởng, nhưng từ khi có nhà máy tới giờ, đã có ai bỏ đi chưa?”. Chị Hiền trả lời chắc chắn: “Chưa có, chỉ có người xin vào, chứ chưa có người xin đi. Mà tại sao lại xin đi, trong khi công ty đảm bảo đầy đủ các chế độ cho họ, lại tạo điều kiện cho họ học tập, sinh hoạt văn hóa, thậm chí xây nhà ở quê cho người khó khăn... thì cớ gì mà họ phải ra đi?”.

Thăm hỏi người bệnh khó khăn...

Tôi hỏi lại: “Chị nói là xây nhà cho công nhân ở quê...?”. “Vâng, hàng năm, chúng tôi đều dành quỹ để hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà chủ yếu là xây nhà. Những ai có khó khăn thì làm đơn, chúng tôi cử cán bộ về xác minh, nếu đúng thì giúp họ tiền để dựng nhà, ít thì mười lăm, hai chục triệu, nhiều thì ba chục triệu”.

Là người có “máu” văn nghệ cho nên  không chỉ chăm lo cho đời sống vật chất của công nhân, mà chị Hiền còn rất chú ý tới nâng cao đời sống tinh thần cho họ. Vài tháng một lần, chị mời các đoàn nghệ thuật danh tiếng, thậm chí mời cả người mẫu thời trang  về biểu diễn.

Không chỉ lo làm kinh tế, chị Diệu Hiền còn rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, nhưng cách chị làm lại hoàn toàn không giống bất cứ doanh nhân nào. Chị giúp đỡ nơi này, nơi khác, tham gia xóa đói giảm nghèo, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng hoàn toàn bằng tiền túi của mình, chứ không bằng tiền của công ty và không... tuyên truyền.  Chị không thể nhớ được là trong khoảng 5 năm qua, chị đã chi bao nhiêu, nhưng con số chắc chắn không dưới... 20 tỉ.

Bây giờ thì chị đã trở thành một doanh nhân rất nổi tiếng, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Sản phẩm cá tra của chị đã xuất khẩu đi hơn một chục nước, và khi bài báo này lên khuôn thì chị đang ở Mỹ để nhận giấy chứng nhận “Sản phẩm chất lượng toàn cầu”. Như vậy là đã có 3 quốc gia cấp giấy chứng nhận cho cá tra của Bianfishco là Mỹ, Đức và Pháp.

Công việc của chị “ngập đến tận đầu” bởi chị là Chủ tịch HĐQT của Diệu Hiền Group, đồng thời còn của 3 công ty con, mà trong đó công ty nào cũng đang có sức phát triển mạnh mẽ. Vài ngày nữa, Hội nghị Phụ nữ thượng đỉnh toàn cầu được tổ chức tại Hà Nội, chị là một trong hai đại biểu nữ của Việt Nam được mời tham dự tại diễn đàn quan trọng này, chị cũng sẽ có một bài tham luận.

Tôi có hỏi chị rằng, trong lúc nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn vì nhiều ngân hàng cạn tiền, thì Bianfishco ra sao? Rồi các dự án nhà chung cư  siêu cao cấp  mang tên Bình An House 1 ở 83 Nguyễn Văn Trỗi, và Bình An House 2 ở đường Cao Thắng (TP HCM)... có ảnh hưởng gì không? Chị trả lời chắc chắn: “Chúng tôi không lo thiếu tiền, không lo về nguồn đầu vào, đầu ra của con cá, không lo bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế vì chứng khoán, vì lạm phát. Nói thật với anh, chúng tôi đã thắng lớn vào hồi quý 1 vừa qua, khi đồng đôla xuống giá, tôi luôn làm theo phương châm: “Suy nghĩ lâu hành động nhanh”.--PageBreak--

Thật đúng là chuyện lạ. Nhưng cứ nhìn con đường đi lên của doanh nhân Diệu Hiền thì thấy chị đã có những bước đi táo bạo, thậm chí liều lĩnh nhưng không hề duy ý chí.

Năm 1992, sau khi chấm dứt “sự nghiệp buôn gỗ”, Diệu Hiền thành lập công ty và kinh doanh nhiều ngành nghề như xây dựng, đầu tư bất động sản, kinh doanh du lịch, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Sở dĩ chị chọn đầu tư xây dựng là vì từ trước tới nay, chị luôn luôn mơ ước xây căn nhà đẹp cho mình và xây những khu nhà đẹp cho mọi người. Dự án khu đô thị lớn đầu tiên là khu Nam Cần Thơ. Cho đến bây giờ, ở Cần Thơ người trong giới kinh doanh bất động sản phải bái phục chị về cái cách “giải tỏa, đền bù” không... giống ai nhưng lại cực kỳ hiệu quả của chị.

Số là vào năm 2003, chị được đầu tư xây dựng khu đô thị Nam Cần Thơ. Khu đất này rộng 200 ha và có hơn 200 hộ gia đình sinh sống. Về cơ bản, đây là vùng đất chết vì nhiễm phèn nặng... nhưng đa số người dân thì lại ở đây rất lâu rồi. Ngẫm lại bài học kinh tế trong trường là phải đặt quyền lợi Nhà nước lên trên hết, tập thể thứ nhì và thứ ba là đến quyền lợi người dân... Nhưng từ thực tế đói nghèo ngày xưa, chị thấy có điều không ổn.

Người dân ở đây lâu năm, dù nghèo, dù đói, nhưng họ đã quen, có tình cảm với từng gốc cây ngọn cỏ và gắn bó máu thịt với thửa đất mình sinh sống. Vì thế, muốn để người dân rời đi thì phải cho họ biết chắc chắn rằng, nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ và người dân sẽ được lợi hơn... Phải đặt quyền lợi của người dân lên trên, tiếp đến là quyền lợi của Nhà nước, còn mình thì phải biết... nhường. Hơn nữa, từ xửa từ xưa Đức Mạnh Tử đã dạy: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” nghĩa là “Dân là trên hết, xã tắc là thứ nhì và vua là thứ ba”.

Doanh nhân Diệu Hiền đến thăm trẻ em tại một bệnh viện.

Nghĩ như vậy, chị quyết định trực tiếp đi vận động đền bù giải tỏa. Sau khi nghe chị nói, bà con đã có vẻ “hơi xuôi” nhưng vẫn tiếc rẻ vì tiền đền bù theo giá Nhà nước “vẫn... hơi thấp”. Thực lòng, chị Hiền rất muốn tăng giá tiền đền bù cho dân nhưng sợ lại bị mang tiếng là “phá giá thị trường” cho nên chị mua tivi, tủ lạnh, xe máy mang tới và... thưởng tại chỗ cho gia đình nào đi nhận tiền đền bù.

Cách làm này quả nhiên cực kỳ hiệu quả. Chỉ trong hơn một tháng, chị giải tỏa xong khu đất 200 ha, và rồi không chờ Nhà nước đầu tư, chị bỏ tiền ra làm cầu, làm đường... đồng thời cho thi công với tốc độ nhanh nhất.

Về sau này khu đô thị Nam Cần Thơ với 1.000 căn hộ được đánh giá là khu “ba nhất”. Đền bù giải tỏa nhanh nhất; xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh nhất và cấp sổ đỏ cho người mua nhanh nhất. Cách làm này của chị rõ ràng tốn tiền hơn nếu cứ theo “kiểu cũ” và “cò kè bớt một thêm hai”, nhưng lại có hiệu quả là thu hồi vốn nhanh... mà thời gian chính là tiền bạc. Sau khi thành công ở khu đô thị Nam Cần Thơ, Diệu Hiền tiếp tục đầu tư ra nhiều nơi khác và ở chỗ nào chị cũng thành công. Nhưng tiếng tăm của Diệu Hiền nổi lên lại là từ một ngành nghề khác.

Mặc dù đầu tư bất động sản, làm du lịch, làm đồ gỗ xuất khẩu cũng đã rất khá, nhưng Diệu Hiền lại vẫn bị ám ảnh bởi câu nói mơ hồ năm nào “lấy nước mà làm giàu”. Một lần sang Mỹ, chị ăn thử cá da trơn của Mỹ nuôi và thấy chán quá, thế là khi trở về nhà, chị quyết tâm lao vào chế biến thủy sản.

Năm 2005, chị bỏ ra 30 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản mang tên con gái thứ hai - Bình An Seafood. Chị đi ra nước ngoài chọn mua các thiết bị chế biến hiện đại nhất và đảm bảo môi trường vệ sinh sạch nhất.

Nhà máy khởi công tháng 9/2005, đến tháng 11/2006 thì khánh thành. Công suất của nhà máy là 500 tấn cá mỗi ngày, nhưng với phương châm “thà ít mà tốt”, chị chỉ cho làm 300 tấn để đảm bảo chất lượng. Nhiều thương gia nước ngoài lúc đầu khi thấy giá cá xuất khẩu của Bianfishco cao hơn giá chung đến 10% thậm chí 15% thì ngần ngại. Nhưng khi họ đến thăm vùng nuôi cá và tham quan nhà máy thì họ đã không còn chút băn khoăn nào nữa.

Có lẽ Bianfishco là nhà máy duy nhất ở Nam Bộ dám mua cá của bà con cao hơn giá thị trường và xuất khẩu. Nhưng do có chất lượng hàng rất tốt (cả năm 2007, nhà máy không bị trả về 1 kg cá nào), cho nên số đơn đặt hàng luôn ở mức cao. Cách mua cá của  chị với bà con nông dân cũng rất “thoáng”. Với các chủ nuôi cá đã ký hợp đồng với công ty, bao giờ chị cũng trả giá cao hơn thị trường, tất nhiên, với điều kiện là phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thực phẩm mà chị đặt ra.

Đầu năm nay, khi giá đôla xuống thấp, các xí nghiệp chế biến không dám xuất vì sợ lỗ... Trước tình hình ấy, một hôm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi điện hỏi Diệu Hiền là có dám xuất khẩu hàng không? Chị trả lời ngay là vẫn tiếp tục ký hợp đồng xuất hàng. Dù có phải xuất hàng mà không có lãi, miễn là đủ vốn thì cũng phải làm để giữ chân khách. Và theo dự tính của chị thì giá đôla sẽ không xuống lâu quá... 2 tháng.

Quả nhiên, vào cuối tháng 4, đôla tăng giá trở lại và những khách hàng vốn đã nể Bianfishco nay càng phục chị hơn. Tôi biết không chỉ có làm miếu thờ “Ông cá, Bà cá” mà chị Hiền còn đầu tư gần 10 triệu USD xây dựng một viện nghiên cứu cá da trơn ở Việt Nam. Nếu viện nghiên cứu này đi vào hoạt động thì chắc chắn đó sẽ là viện nghiên cứu cá da trơn đầu tiên ở Việt Nam và hiện đại nhất.

Tôi hỏi chị Hiền: “Tại sao chị lại xây miếu thờ cá ở ngay trong khuôn viên nhà máy thế?". Diệu Hiền nói: “Trước khi xây nhà máy, tôi đã đi khảo sát, nghiên cứu nhiều nơi về con cá tra, cá basa. Và tôi thấy chỉ có vùng đồng bằng Nam Bộ mới có giống cá này. Đó thực là báu vật trời cho. Con cá tra, cá basa đã đem lại cuộc sống cho hàng chục vạn nông dân, và trên thị trường thủy sản quốc tế, thì nó đem lại niềm tự hào cho Việt Nam. Vì vậy phải tri ân con cá”.

Hiện nay Bianfishco có 5.000 công nhân, trong đó có hơn 4.000 công nhân trực tiếp sản xuất và gần 1.000 công nhân nuôi cá. Lương bình quân của công nhân đạt hơn 2 triệu đồng/người/tháng.

Về vùng nguyên liệu, năm 2008, Bianfishco có 100ha đất quy hoạch nuôi cá, sản lượng cá sản xuất có thể đạt từ 4.000 - 5.000 tấn/năm.

Sản phẩm của Bianfishco được tiêu thụ tại hơn 20 nước trên thế giới, trong đó  trọng tâm là thị trường Âu, Mỹ, Canada và Australia…

Năm 2007, doanh thu của Bianfishco đạt hơn 40 triệu USDF. Quý I-2008, doanh thu đạt 15 triệu USD.

Nguyễn Như Phong
.
.