Báo động tình trạng chống CSGT đang thi hành nhiệm vụ

Thứ Tư, 15/08/2007, 10:30

Trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước đã xảy ra 30 vụ chống lại CSGT đang thi hành nhiệm vụ, làm 1 đồng chí hy sinh, 21 đồng chí bị thương.

Trong những năm qua, trật tự an toàn giao thông có những diễn biến phức tạp. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), trung bình mỗi năm có hơn 20.000 người chết và bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2007, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông và số vụ tai nạn  ở tỉ lệ cao với 7.936 vụ, làm 7.122 người chết, bị thương 6.048 người; so với cùng kỳ năm 2006 tăng cả số vụ, số người chết và bị thương.

Chỉ tiêu của Chính phủ giao cho các tỉnh, thành phố từ đầu năm làm giảm số vụ tai nạn và những thiệt hại về người và tài sản, đến nay hầu hết đã không đạt. Qua phân tích của ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân gây tai nạn, nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông kém, người điều khiển phương tiện chưa nhận thức được hiểm họa về tai nạn giao thông (TNGT).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và của Bộ Công an, từ khi thực hiện Nghị quyết 13/CP của Chính phủ, công an các đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp công tác, huy động tối đa lực lượng, phương tiện vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đồng thời xây dựng các chuyên đề tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn.

Lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt toàn quốc đã phối hợp với các bộ, ban ngành, chính quyền và nhân dân tiến hành nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu TNGT, đảm bảo trật tự xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ trong 7 năm qua (2000 - 2006), đã có 8.522 lượt tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc được các cấp khen thưởng; hàng ngàn tấm gương mưu trí, dũng cảm kiên quyết ngăn chặn và xử lý vi phạm, tấn công tội phạm, đề cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, vì nhân dân phục vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành, của các tập thể và cá nhân nhằm làm giảm thiểu TNGT thì dư luận rất bất bình trước một số vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm TTGT đó là: Người vi phạm Luật Giao thông chống người thi hành công vụ; tình trạng đua xe trái phép, lạng lách đánh võng; xe khách vi phạm chở quá số người quy định diễn ra nghiêm trọng.

Khi được yêu cầu dừng xe nhiều đối tượng manh động, liều lĩnh sử dụng vũ khí tấn công hoặc đe dọa tấn công; kích động quần chúng gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng trực tiếp tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và các hoạt động bình thường của xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2007, đã xảy ra 30 vụ làm 1 đồng chí hy sinh, 21 đồng chí bị thương. Điển hình là trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 2 vụ lái xe taxi vi phạm tín hiệu đèn đỏ, không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe mà đâm vào CSGT tại ngã tư Hàng Cót - Phan Đình Phùng (ngày 5/6) và ngã tư đường Láng – Hòa Lạc (ngày 12/6) thuộc địa phận Hà Nội.

Hồi 21h 30' ngày 11/6/2007, tổ công tác thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Yên Bái đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 70 ở địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình, được quần chúng báo tin có một nhóm thanh niên mang theo dao, kiếm, điều khiển môtô lạng lách, đánh võng, la hét, chèn ép làm một số người đi đường bị ngã xe.

Khi tổ công tác truy bắt đến sân UBND xã Tân Nguyên, các đối tượng đã sử dụng hung khí chống lại. Đồng chí Phong dùng súng bắn cảnh cáo đến phát thứ 4, bọn chúng mới lùi lại nhưng tiếp tục dùng gạch, đá ném làm đồng chí bị thương. Được sự hỗ trợ của nhân dân và các lực lượng liên quan, một số đối tượng đã bị bắt giữ.

Ngày 2/6/2007, Tổ CSGT Công an huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường đi qua thị trấn Lập Thạch, xã Tử Du, xã Xuân Lôi, khi  xử lý Nguyễn Văn Việt, SN 1974, trú tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch điều khiển môtô BKS 88H4 – 8756 vi phạm: Không đội mũ bảo hiểm; không gương chiếu hậu; không đăng ký xe; không có giấy phép lái xe; lắp biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, thế nhưng sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, Việt không ký mà tự ý bỏ đi.

Khoảng 15 phút sau, Việt đi một môtô khác tới vị trí tổ cảnh sát đang làm nhiệm vụ, mang theo 1 dao bầu, 1 quả lựu đạn đe dọa, yêu cầu tổ công tác trả lại xe môtô đang bị tạm giữ và đâm trọng thương đồng chí Ngô Văn Khoa.

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 7/6, Công an huyện Lập Thạch đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Việt về hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo Trung tá Lê Đức Hiền, Phó trưởng phòng trực tiếp phụ trách Đội Tuần tra cơ động thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt - Công an Quảng Ninh cho biết thì có rất nhiều hình thức chống đối Lực lượng CSGT nhưng phổ biến hơn cả là các hành vi như lách qua CSGT đang làm nhiệm vụ để bỏ chạy hoặc lao thẳng vào người buộc CSGT phải né tránh, hay khi gặp hiệu lệnh dừng xe thì bất ngờ quay đầu ngược trở lại.

Đây là những hình thức chống đối tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao. Bằng chứng là cả 3 lần khiến CSGT trọng thương trong khi làm nhiệm vụ trên quốc lộ 18A vừa qua đều xuất phát từ những tình huống như trên.

Tại Km113, đoạn thuộc khu vực tổ 4, khu 10, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, vào khoảng 7 giờ 45 phút, ngày 24/5, tổ công tác thuộc Đội CSGT - TT, Công an TP Hạ Long gồm Đại úy Nguyễn Văn Xuất (Tổ trưởng) và Đại úy Nguyễn Văn Chức, Thượng sĩ Hoàng Hồng Minh đang làm nhiệm vụ, phát hiện 2 thanh niên điều khiển xe môtô màu xanh không có gương chiếu hậu, chạy với tốc độ cao. Đại úy Nguyễn Văn Xuất đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Người điều khiển xe môtô trên không những không thực hiện hiệu lệnh mà còn đâm thẳng vào tổ công tác. Nhờ chủ động được tình huống nên Đại úy Xuất đã kịp tránh, Thượng sĩ Hoàng Hồng Minh do bất ngờ nên đã bị ngã, gãy một răng và nhiều vết thương khác ở các vùng mặt, chân, tay. Đối tượng điều khiển xe môtô sau khi gây án chạy trốn lên đồi đã bị CSGT và quần chúng truy đuổi, bắt giữ là Nguyễn Hoàng Dũng, trú tại tổ 34, khu 3, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long.

Gần một tuần sau đó, tại thị xã Cẩm Phả, hồi 8 giờ 10 phút ngày 1/6/2007, Đại úy Nguyễn Việt Hùng cùng 2 cán bộ khác thuộc Đội CSGT - TT, Công an thị xã là Đại úy Bùi Văn Khiết (Tổ trưởng) và Đại úy Lê Đình Tĩnh trong khi làm nhiệm vụ, phát hiện xe môtô chở 3, không có gương chiếu hậu tại đường Bà Triệu, phường Cẩm Đông. Đại úy Hùng ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra theo quy định, nhưng người điều khiển xe môtô đã lao xe vào khiến Đại úy Hùng ngã văng ra cách đó 10m và bị thương nặng, rồi bỏ chạy. Đối tượng điều khiển xe môtô là Hoàng Văn Chinh, trú tại tổ 75, phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả.

Nghiêm trọng nhất là vụ chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 26/7. Khoảng 8 giờ 15 phút, tổ công tác Đội Trung tâm, Phòng CSGT - Công an tỉnh Quảng Ninh do Thượng úy Bùi Văn Phương làm Tổ trưởng, cùng 2 tổ viên là Trung úy Hoàng Đình Hà và Thượng sĩ Lê Tuấn Anh đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 18A, đoạn thuộc thôn Cầu Trắng, xã Đại Yên, TP Hạ Long thì phát hiện 2 thanh niên điều khiển xe môtô không có gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm đang chạy với tốc độ cao hướng từ thị xã Uông Bí về TP Hạ Long.

Thượng úy Phương ra hiệu lệnh kiểm tra thì thanh niên điều khiển phương tiện trên tăng tốc, đâm thẳng khiến cả 3 cùng ngã nhào, trong đó, Thượng úy Phương bị kéo đi gần 20m, bị gãy 2 xương ống chân trái.

2 đối tượng gây tai nạn đã bị tạm giữ là Trương Quốc Luân, 19 tuổi, trú tại khu 2, phường Hà Khánh, TP Hạ Long và Hoàng Tuyên Dương tạm trú tại tổ 7, khu 1, phường Thanh Sơn, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Cả hai đang theo học tại Trường đào tạo nghề mỏ Hữu Nghị, thị xã Uông Bí (Quảng Ninh). Ngoài lỗi xe môtô không có gương chiếu hậu, không BKS, điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm theo quy định, 2 đối tượng trên còn chưa có giấy phép điều khiển xe môtô.

Cả 3 đối tượng điều khiển phương tiện chống trả khiến CSGT bị trọng thương đều đã bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ".  --PageBreak-- 

Khoảng 4h sáng ngày 30/7, Công an phường Hà Khẩu tuần tra phát hiện 3 thanh niên sử dụng xe môtô chở hàng cồng kềnh đã ra tín hiệu kiểm tra thì bị các đối tượng trên sử dụng bình xịt hơi cay chống trả quyết liệt. Thống kê từ ngày 22-6 đến 26/7 vừa qua, Công an TP Hạ Long phát hiện xử phạt 4 trường hợp lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra.

Theo một số CSGT Công an TP Hạ Long thì tình trạng thanh thiếu niên sử dụng xe chở quá người quy định, tụ tập chạy với tốc độ cao, lạng lách thách thức phía trước xe của CSGT về đêm, ném đá vào xe tuần tra hiện là một trong những vấn đề nổi cộm trên địa bàn thành phố.

Số này chính là đối tượng chống đối, cản trở lực lượng làm nhiệm vụ quyết liệt nhất. Không ít đối tượng thuộc những gia đình có điều kiện về kinh tế, có quan hệ xã hội rộng nên khi bị xử lý thì bỏ lại phương tiện, không ký biên bản vi phạm, thậm chí còn lăng mạ CSGT, sau đó, thông qua các mối quan hệ để gây áp lực, xin xỏ. Hơn thế, nhiều trường hợp còn thông tin sai lệch sự thật việc xử phạt của Cơ quan Công an.

Tỉnh Bắc Ninh là địa bàn tiếp giáp Hà Nội, từ năm 2003 đến nay đã xảy ra 9 vụ người vi phạm chống lại CSGT thi hành công vụ, làm 1 đồng chí hy sinh và 6 đồng chí bị thương. Ngoài ra, có trên 500 vụ người điều khiển không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát, cản trở, lăng mạ người thi hành công vụ. 

Nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, hạn chế tối đa tình trạng chống người thi hành công vụ, Thượng tá Nguyễn Văn Toan, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Ngoài việc lãnh đạo các đơn vị thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xác định nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ trách nhiệm đại diện cơ quan pháp luật duy trì luật pháp trên các tuyến giao thông thì cần phải trang bị cho CSGT những phương tiện đặc chủng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, đề nghị phải có văn bản luật với chế tài cụ thể bảo vệ CSGT khi truy đuổi bắt giữ phương tiện, người vi phạm pháp luật. Bởi trên thực tế nhiều đối tượng vi phạm không chấp hành mệnh lệnh, bỏ chạy, chèn ép cảnh sát truy đuổi, tuy dùng phương tiện đặc chủng song rất dễ dẫn đến TNGT hoặc nguy hiểm cho bản thân, cho người vi phạm và người tham gia giao thông”.

Chống CSGT khi làm nhiệm vụ là thực trạng  báo động sự xuống cấp về đạo đức, ý thức công dân và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Những hành vi đó không chỉ đơn thuần là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông, cũng không chỉ đơn giản là coi thường cá nhân người thi hành công vụ mà nó thể hiện sự coi thường pháp luật, thậm chí đó còn là hành vi thách thức pháp luật. Trong nhiều trường hợp, một số đối tượng còn thể hiện sự cố ý xâm hại an toàn về tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ.

Có thể nhận thấy trong quá trình thực thi nhiệm vụ, còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT có tác phong, thái độ thiếu nghiêm túc, chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ khi tiếp xúc với người tham gia giao thông, điều đó  ít nhiều làm ảnh hưởng uy tín của lực lượng cũng như hiệu quả công tác.

Song, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người vi phạm chống lại CSGT khi làm nhiệm vụ là do ý thức chấp hành Luật  Giao thông đường bộ quá kém của người tham gia giao thông. Khi vi phạm, họ muốn trốn tránh trách nhiệm và hình phạt, do đó đã cố tình cản trở, chống đối; nghiêm trọng hơn là các trường hợp đua xe trái phép, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu trốn thuế nên đã có hành vi chống trả quyết liệt đối với lực lượng CSGT. Mặt khác, việc xử lý một số vụ chống lại người thi hành công vụ của các cơ quan chức năng thời gian qua còn thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe, giáo dục.

Và điều đáng ngạc nhiên là trong khi tình trạng người vi phạm Luật Giao thông chống người thi hành công vụ gia tăng, và Lực lượng Công an phải áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết như truy đuổi, dùng công cụ hỗ trợ để trấn áp... thì lại có phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng bênh vực cho việc làm trái pháp luật đó. Họ cho rằng: “Có nhất thiết phải truy đuổi không?”, rồi là việc truy đuổi sẽ làm “kinh động dân lành...”. Đó là những ý kiến chỉ nhằm bảo vệ những kẻ vi phạm pháp luật. Và chả lẽ cứ đứng nhìn những kẻ đua xe, những kẻ chạy ẩu vi phạm Luật Giao thông thì đó là "giữ gìn sự bình yên".

Giáo dục thì phải đi đôi với biện pháp. Nếu chúng ta chỉ giáo dục suông mà không có những biện pháp đủ mạnh thì e rằng chẳng giải quyết được gì      

Minh Đức - Nguyễn Minh Châu
.
.