Bạo hành gia đình: “Chịu nhịn là chết…”

Thứ Ba, 30/12/2014, 09:10
Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam cho thấy bạo lực gia đình đối với phụ nữ là tương đối phổ biến, đặc biệt là bạo lực tinh thần và những tác động nghiêm trọng của bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy bạo lực đã được bình thường hóa, người phụ nữ đã phải chịu đựng và chấp nhận bạo lực và phải giữ im lặng về những điều mà họ đang phải hứng chịu. Đây thật sự là một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận đúng bản chất của nó.

Có rất nhiều hình thức bạo lực gia đình khác nhau. Ở loạt bài viết về bạo hành gia đình, chúng tôi chỉ đề cập tới một phần của bạo lực gia đình: Bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra, với những hình thức điển hình như: bạo lực thể xác do lạm dụng rượu, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần.

Vậy, vì sao bạo lực gia đình nói chung và những người phụ nữ bị chồng bạo lực nói riêng vẫn diễn ra? Giải pháp nào để phòng, chống hiệu quả hành vi bạo lực đang xảy ra dưới những mái nhà?

Trong quá trình tìm hiểu các vụ việc phụ nữ bị chồng bạo hành, tình cờ tôi gặp chị Nguyễn Thị H., 28 tuổi, ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội bế đứa con trai nhỏ mới chập chững biết đi, tay xách túi quần áo tìm đến địa chỉ Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Một bên mắt thâm tím, sưng húp, H. cho biết đêm hôm trước, cô bị chồng khóa trái cửa đánh. Sáng hôm sau, nhân lúc chồng đưa cậu con trai lớn đi học, cô gọi điện cho một người bạn gái đến chở hai mẹ con đi trốn. Ôm mặt khóc, H. nói rằng 3 năm nay, cô thường xuyên bị chồng đánh. Ban đầu chỉ là những cái tát, sau thì nặng dần, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Và lần này thì chốt cửa. H. kêu cứu nhưng hàng xóm cũng bó tay, không vào được.

Bị chồng bạo hành liên tiếp như vậy nhưng trong câu chuyện của mình, H. không hề nhận ra rằng người chồng của mình có lỗi. H. tìm cách biện hộ cho chồng, đổ lỗi cho những người xung quanh, như chồng bị hàng xóm khích bác, do cô va chạm với mẹ chồng và anh chị em chồng… H. không biết rằng việc chồng cô đã có kế hoạch đánh vợ khi khóa trái cửa trước khi đánh. Và anh ta còn đe dọa nếu H. kêu lên, anh ta sẽ giết. Mặc dù là trí thức, trình độ đại học nhưng H. lại cho rằng chỉ đánh đập mới là bạo lực. Cô tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý khi bị tổn thương và không phải tổn thương lần đầu…

H. cho biết những lần trước khi bị chồng đánh, cô cũng từng bế con về nhà cha mẹ đẻ ở Phú Xuyên tá túc. Trước mặt bố vợ, người chồng tỏ ra ăn năn, xin lỗi và xin hứa sẽ không tái phạm. Nhưng chỉ đón vợ con về nhà được ít ngày, bạo hành lại tái diễn. H. nói rằng lần này cô không thể chịu đựng thêm được nữa nên xin vào Ngôi nhà bình yên để "dứt khoát" với anh chồng bạo lực.

Tuy nhiên khi nói chuyện với chuyên gia tư vấn, nguyện vọng của H. đầy rẫy mâu thuẫn. Cô muốn bạo lực gia đình chấm dứt nhưng lại không muốn trình báo Cơ quan Công an vì sợ chồng sẽ bị xử lý, ảnh hưởng đến lý lịch của các con sau này. Rồi H. sợ nếu ly hôn sẽ bị nhà chồng giữ mất con, sợ tai tiếng cho gia đình nếu mình ly hôn…

Theo cán bộ tham vấn Lê Thị Ngọc Bích, những suy nghĩ và diễn biến tâm lý của chị H. là khá phổ biến của những phụ nữ bị chồng bạo hành. Do không nhận thức đầy đủ về bạo lực gia đình, cộng thêm tâm lý xấu hổ, e ngại nên rất nhiều phụ nữ bị chồng bạo lực vẫn cam chịu, im lặng, và chỉ tìm đến các cơ quan chức năng khi mức độ bạo lực đã quá  nghiêm trọng, không còn đủ sức chịu đựng thêm.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, trong các vụ bạo hành gia đình mà ông đã tư vấn, có rất nhiều vụ bạo hành do người chồng ghen tuông. Một chút lỗi lầm của người vợ trở thành "bảo bối" để người chồng tìm cách hành hạ, trừng trị, truy bức vợ suốt thời gian hôn nhân còn lại, bạo hành cả về thể xác và tinh thần như đánh đập, ép quan hệ tình dục, nhiếc móc, chửi bới.  Người phụ nữ bị biến thành kẻ tội đồ của chồng suốt đời. Nhiều người phụ nữ cứ nghĩ rằng mình "có lỗi" nên chịu đựng sự bạo hành của người chồng. Cuộc hôn nhân đau khổ kéo dài khiến nhiều phụ nữ bị suy sụp, thậm chí có dấu hiệu bị thần kinh.

Tuy nhiên, xã hội hiện nay vẫn tồn tại cái nhìn khắt khe đối với người phụ nữ. Dư luận nhiều khi còn bất công khi bênh vực người đàn ông ngoại tình. Còn người phụ nữ ngoại tình bị chồng bạo hành thì lại không được bênh vực, thậm chí cho rằng đáng bị như vậy…

Do đó, phá vỡ sự im lặng, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình là hết sức cần thiết. Kinh nghiệm của một phụ nữ bị chồng bạo hành cho rằng: "Nếu bị bạo lực thì nên lên tiếng và nhờ sự giúp đỡ của tập thể hoặc tư vấn, tùy từng trường hợp chứ không phải ai cũng giống ai, nhưng mà không nên chịu nhịn, bởi vì chịu nhịn là chết đấy".

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Cần sự vào cuộc gắt gao của các cấp chính quyền

Chuyện phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng nông thôn thường bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần đã không còn là chuyện hy hữu. Lẽ dĩ nhiên, bạo hành cũng có nhiều kiểu, ở thành thị chuyện bạo hành đôi khi không phải là những cái tát, mà sợ hãi gấp nhiều lần là chuyện bạo hành tinh thần trong đội ngũ các trí thức.

Tôi biết có nhiều gia đình, bên ngoài thì vui vẻ, nói với nhau những lời ngọt nhạt, nhưng khi về dưới một mái nhà thì họ như là kẻ thù của nhau. Còn ở các vùng nông thôn thì chuyện bạo hành về thể xác cũng là chuyện "cơm bữa". Tôi cũng được nghe kể nhiều câu chuyện đau lòng về những người phụ nữ cam chịu bị hành hạ, bị đánh đập triền miên. Có lẽ bởi phụ nữ chủ yếu quanh quẩn trong gia đình và đồng áng, người ta sống quá kham khổ, quá cam chịu để lo toan với đồng tiền bát gạo đủ sống qua ngày, các ông chồng thì hết bữa rượu này đến bữa rượu khác say mèm đã không thể làm chủ được bản thân mình và hành hạ vợ, sỉ nhục, đánh đập vợ dường như là một sự "trút bỏ" cơn say và sự bất lực của mình trước cuộc sống đói nghèo.

Tôi đã từng gặp một số người phụ nữ, người ta kể chuyện bị chồng đánh đập hành hạ như là chuyện… đương nhiên, người ta không coi đó là sự xúc phạm thân thể hay sự ngược đãi, chỉ biết cam chịu, sợ hãi và đau đớn. Điều đáng nói là ở thời buổi công nghệ thông tin và xã hội có nhiều đổi thay đến chóng mặt, song nhiều chị em phụ nữ vẫn không ý thức được việc bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình. Họ có thể tìm đến các cấp chính quyền sở tại, các hội phụ nữ, công đoàn, nơi mà quyền lợi chính đáng của chị em được đảm bảo hay ít ra người ta sẽ có một sự khuyên giải nào đó phù hợp với từng gia đình, từng hoàn cảnh… Có sự vào cuộc gắt gao của các cấp chính quyền thì các "đức ông chồng" cũng sẽ "nhẹ tay" hơn chăng?!

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Phụ nữ phải phản kháng ngay từ đầu khi mức độ bạo hành còn nhẹ

Có 5 nguyên nhân khiến người phụ nữ bị chồng bạo hành. Thứ nhất, do người đàn ông bao giờ cũng khỏe hơn phụ nữ. Thứ hai, một số người đàn ông có rượu hỗ trợ. Thứ ba là trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại tư tưởng bất bình đẳng giới, tư tưởng "nam quyền" từ chế độ phong kiến để lại; theo đó thì người ta quan niệm đàn ông đánh vợ là một cách để dạy vợ. Thứ tư, do người phụ nữ không phản kháng, cam chịu  bởi tâm lý lo sợ, xấu hổ, e ngại nên không trình báo chính quyền, công an địa phương. Một khi người phụ nữ không tự phản kháng thì chẳng ai có thể bảo vệ được họ. Thứ năm, hiện nay đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng thực tế hiệu lực chưa như mong muốn. Chưa có người chồng nào bị xử lý thích đáng về hành vi bạo hành vợ, trừ trường hợp gây thương tích nặng trên 11% thì bị xử lý theo pháp luật hình sự. Trong khi bạo hành về mặt tinh thần thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, thần kinh của người phụ nữ, thậm chí nhiều người bị suy sụp cả về thể chất và tinh thần, bị trầm cảm hoặc suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết… thì hầu như chưa bị xử lý.

Vậy, giải pháp nào cho người phụ nữ bị chồng bạo hành?

Theo quan điểm của chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, khi cuộc sống gia đình đã trở thành "địa ngục" không thể cứu vãn được nữa thì người vợ bị chồng bạo hành không nên duy trì hôn nhân. Chỉ có giải pháp duy nhất là thoát ra ngoài cuộc hôn nhân đó. Mặt khác, khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng chứ không thể trông chờ vào những người xung quanh trong khi bản thân lại không phản ứng gì. Kinh nghiệm là phải phản kháng ngay từ đầu khi mức độ bạo hành còn nhẹ chứ  không để đến lúc mức độ bạo hành đã trở nên nghiêm trọng. Giống như thí nghiệm đối với con ếch. Khi thả vào nồi nước sôi, con ếch lập tức nhảy ra ngay. Nhưng nếu để con ếch vào nồi nước lạnh rồi cho lên bếp. Nhiệt độ của nước tăng từ từ nên con ếch không có phản ứng gì. Đến khi nhận ra nước nóng thì đã quá muộn, không còn đủ sức để nhảy ra khỏi nồi nữa. Quy luật của bạo hành giống như vòng tròn xoáy trôn ốc: Bạo hành - xin lỗi - tử tế - rồi lại bạo hành - xin lỗi - tử tế - bạo hành… Càng về sau, vòng tròn càng to dần, tương ứng với mức độ bạo hành ngày càng nặng…

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng Văn phòng luật sư Hằng Nga: Nhiều khó khăn trong giải quyết, xử lý các vụ bạo lực gia đình

Trong các vụ án ly hôn, hầu hết những người vợ đều bị chồng bạo hành ở nhiều mức độ khác nhau. Có vụ việc người chồng bóp cổ vợ trong phòng, may đứa con phát hiện được kêu cứu, nếu không án mạng đã xảy ra. Bạo hành xảy ra ở bất cứ gia đình nào, từ nông thôn đến thành thị, từ những người còn trẻ đến  cả người cao tuổi.

Có cái khó trong xử lý các vụ bạo hành gia đình  hiện nay là chính quyền địa phương cho rằng đó là việc nội bộ gia đình nên có báo thì địa phương cũng không giải quyết thấu đáo. Còn nếu khởi kiện ra tòa thì thương tích trên 11% mới xử lý được, trừ trường hợp dùng dao hoặc hung khí nguy hiểm. Do đó những trường hợp thương tích dưới 11% mà người gây bạo lực không sử dụng hung khí nguy hiểm thì rất khó khăn trong giải quyết, xử lý. Do đó, người phụ nữ bị bạo hành rất thiệt thòi.

Không ít trường hợp khi nạn nhân bị bạo hành thương tích nghiêm trọng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu thì lúc đó, chính quyền, công an địa phương mới vào cuộc. Còn không thì họ cho rằng đó là chuyện nội bộ gia đình, để gia đình tự giải quyết. Bên cạnh đó cũng có vướng mắc từ nạn nhân. Nhiều người vợ vì nhiều lý do đã từ chối việc giám định thương tích; ban đầu đề nghị xử lý nhưng sau đó lại rút đơn, xin tự giải quyết nội bộ.

Bạo hành gia đình hiện nay cũng "quy mô, hiện đại" hơn trước ở chỗ người gây bạo hành thường đóng chặt cửa khi gây bạo hành nên nhiều khi người ngoài không biết được để can thiệp, cứu giúp nạn nhân.

Biện pháp tốt nhất để phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay là tăng cường tuyên truyền giáo dục để người phụ nữ hiểu được mình đang bị bạo lực và thấy được trách nhiệm của bản thân cần phải lên tiếng và trình báo chính quyền địa phương khi bị bạo lực. Tuyên truyền để các ban ngành, đoàn thể ở địa phương phải vào cuộc giải quyết các vụ bạo hành gia đình chứ không nên quan niệm đó là chuyện nội bộ gia đình.

Hương Vũ
.
.