Bí ẩn lễ hội hành xác Tân Châu

Thứ Tư, 18/03/2015, 23:45
Suốt hàng trăm năm nay, cứ đến dịp Rằm tháng Giêng, ngôi chùa Ông (tức miếu Quan Thánh Đế Quân, gọi tắt là miếu Quan Đế) ở thị xã Tân Châu (thuộc tỉnh An Giang) cư dân địa phương lại nhộn nhịp tổ chức lễ cúng Ông. Đối với họ, lễ cúng Ông là một tập tục không thể thiếu trong đời sống. Đặc biệt, trong lệ cúng Ông ở Tân Châu có một nghi lễ hành xác bí ẩn.

Năm nay, lễ cúng Ông diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Phóng viên chuyên đề ANTG đã có cơ may chứng kiến trọn vẹn nghi lễ hành xác bí ẩn này.

Nghi lễ không dành cho người yếu tim

Đối với người dân Tân Châu, hành xác là một nghi lễ tín ngưỡng bình thường, diễn ra hằng năm theo thông lệ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những người tổ chức nghi lễ luôn e ngại khi xuất hiện những người lạ.

Nhờ có sự bảo đảm của anh Kiệt - một thủ từ lâu năm ở chùa Ông - chúng tôi mới có thể tiếp cận được nghi lễ kỳ bí hành xác.

Chúng tôi có mặt tại Tân Châu từ sáng để chờ đợi. Suốt ngày hôm đó, không gian thị xã giáp biên giới này phủ một màu sắc huyền bí.

Ở bất cứ nơi đâu chúng tôi cũng nghe người dân địa phương bàn tán và chờ đợi phút giây linh thiêng nhất trong năm sắp diễn ra.

Khoảng 7h tối, ban tế tự chùa Ông thực hiện một nghi lễ gọi là lễ "thỉnh Ông". Tại đây, sau khi bày hương án, những vị chức sắc cao cấp nhất trong ban tế tự làm chủ tế đồng loạt đốt hương khấn thỉnh cầu xin các vị thần linh xuất hiện để ban phúc lộc cho cư dân địa phương thông qua lễ "xin keo".

Năm nay, "keo" cho biết các vị thần linh đã "về". Ngay lập tức trống "nghinh ông" hay còn gọi là trống "khai lễ" được gióng lên 3 hồi dồn dập.

Tiếng trống "nghinh ông" vừa dứt, anh Kiệt bảo chúng tôi: "Các anh xuống am Hỏa Công, chắc chắn sẽ chứng kiến được cảnh Ông về".

Gọi là am nhưng thật ra, đó chỉ là một ngôi nhà bình thường của ông Lê Văn Cưng ở cách chùa Ông khoảng 2km. Khi chúng tôi đến nơi, tiếng trống, tiếng chập cheng vang lên từng chập. Người dân tập trung bao quanh chật ngôi nhà, nét mặt ai cũng căng lên vẻ thành kính.

Trong ánh sáng tù mù của nến, khói hương nghi ngút khiến không gian căn nhà trở thành huyền bí, mờ ảo. Giữa nhà, nơi đặt bàn hương án, một ông cụ ngoài 70 tuổi đang diễu võ giương oai bằng những động tác của võ tướng trong trạng thái mê muội.

Một thanh niên thầm thì cho biết, ông cụ đang được một vị thần có tên gọi là Hỏa Xa Thần Tướng “nhập”? Vị thần này còn có tên gọi là Linh Quang Vương hoặc Lôi Hỏa Công.

Theo lời giải thích của người dân địa phương thì Hỏa Xa Thần Tướng là vị thần chỉ huy tất cả những vị thần xuất hiện nhập xác trong lễ cúng Ông.

Cụ ông đang được “nhập xác” tên là Lê Văn Bé, sinh năm 1947. Người thanh niên này nói: "Ngày thường, ông Bé đi bán vé số dạo. Ổng không phải thầy bà, pháp sư gì cả. Mỗi năm, cứ nghe tiếng trống khai lễ là ổng trở nên ngây ngất rồi xưng là Hỏa Xa Thần Tướng suốt 4 ngày để ban bùa may mắn, tài lộc cho cư dân. Sau khi kết thúc lễ vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch là ông Bé trở lại trạng thái bình thường. Mỗi năm, ông Bé chỉ lên xác 4 ngày thôi".

Ông Bé "vé số" đang hành xác trong cốt cách Hỏa Xa Thần Tướng.

Một vài người dân thấy chúng tôi xuất hiện đã tỏ thái độ không hài lòng. Đột nhiên, từ bên trong "Hỏa Xa Thần Tướng" cất giọng oai nghi: "Ta biết có nhà báo đến. Cứ để người ta làm việc của người ta, đừng ngăn cản".

Ngay lập tức, những người ngăn cản thay đổi thái độ. Không những thế, họ còn giúp đỡ chúng tôi chen vào đám đông tiếp cận "ông" để chụp ảnh.

Bất ngờ, "vị thần" chộp lấy cây kiếm trên bàn hương án múa vài chiêu rồi thè lưỡi dài ra, dùng mũi kiếm rạch mạnh nhiều nhát. "Vị thần" dùng máu của mình thấm vào những lá bùa màu vàng do một số thanh niên chuyền tay đưa đến. Đám đông trở nên nhốn nháo. Ai cũng muốn mình có một lá bùa máu của "vị thần".

Sau hơn 30 phút ban phát máu, "vị thần" bỗng nhảy dựng lên bật ngửa người ra sau, cứng đơ. Ông Bé được mọi người đưa vào góc nhà chăm sóc khoảng 1 phút sau mới hồi tỉnh.

Chúng tôi tiếp cận ông Bé hỏi chuyện ngay. Ông đã không còn vẻ uy nghi như ban nãy. Không hề tỏ vẻ mệt mỏi, thậm chí ông còn thè chiếc lưỡi cho chúng tôi chụp ảnh.

Ông Trì Triều Chánh, sinh năm 1942 là hàng xóm liền kề "Am Ông Hỏa", cho biết: "Ông Bé đã phải chịu làm xác căn cho Ông (vị thần Hỏa Xa Thần Tướng - tác giả) suốt hàng chục năm nay rồi. Hồi xưa cha ông Bé cũng được Ông chọn là xác căn. Sau khi cha mất, ông Bé lại được Ông chọn".

Ông Chánh khẳng định, ngày thường ông Bé chỉ bán vé số dạo, hoàn toàn không làm điều gì liên quan đến tâm linh.

Một hiện tượng kì bí (?)

Ông Bảy S. - một cán bộ hưu trí kể: "Không giải thích nổi hiện tượng này. Cứ mỗi khi tiếng trống khai lễ cất lên, một số người bỗng rơi vào trạng thái mê muội. Những người này được gọi là xác căn. Hiểu nôm na là, thân xác là của họ nhưng phần hồn vía lại thuộc về một đấng tối cao vô hình nào đó. Có người, ngày thường rất hiền lành, hoàn toàn không làm điều gì liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Khi nghe tiếng trống, bỗng trở nên oai nghi rồi xưng “thần”.

Ở đây ai cũng biết trường hợp của bà cụ B. Bà đã hơn 80 tuổi. Thường ngày bà nằm liệt giường vì già yếu. Đi đâu, con cháu cũng phải kè 2 bên nách. Thế nhưng, sau khi nghe tiếng trống bà trở thành một người xưng danh là Bà Cố Hỷ. Bà chạy nhảy ào ào, ngồi bàn dao, múa quyền, múa đao vù vù"(?)

Không chỉ ở "Am Hỏa Công", mỗi khi tiếng trống "khai lễ" vang lên, như một con sóng ngầm, rất nhiều người "có căn" đều rơi vào trạng thái như thế.

Hồi năm 2011, có một thanh niên tên L.H.V., 18 tuổi, ở cách chùa Ông con sông Tiền Giang (phía bờ Thường Lạc, Hồng Ngự, Đồng Tháp) đang trên đường đi học, nghe tiếng trống tự dưng bị Ông nhập xác, rơi vào trạng thái u mê, quăng xe đạp, lội sông sang chùa Ông xưng danh là "Đại Càn Nguyên Soái".

Gia đình sợ quá, phải đưa V. về TP HCM "lánh nạn". Thế nhưng, cứ đến ngày này, mặc dù vẫn đang cư trú tại TP HCM, V. lại rơi vào trạng thái u mê và cứ đòi về Tân Châu để "trình diện".

Gia đình V. cho biết, anh đang làm công nhân một xí nghiệp giày (ở Bình Chánh, TP HCM). Năm nay cũng vậy, mấy ngày diễn ra lễ cúng Ông ở Tân Châu, ở TP HCM, V. phải tự nhốt mình trong phòng nhờ người khóa cửa bên ngoài để không ai chứng kiến "thảm trạng" của mình.

Chúng tôi tìm gặp anh Võ Thành Nhân, 32 tuổi, có vợ và một con gái 3 tuổi. Nhân là chủ tiệm uốn tóc A Nhân tại thị xã Tân Châu. Tướng mạo Nhân có vẻ không thuộc tạng người vận động thể lực nhiều. Năm nay, bất ngờ anh Nhân được “thần linh chọn nhập xác”, mặc dù trước đây anh chưa bao giờ có khái niệm gì về chuyện tâm linh.

Anh kể, năm ngoái, vào những ngày diễn ra lễ cúng Ông, anh cảm thấy nhức đầu, chóng mặt và thỉnh thoảng rơi vào trạng thái lơ ngơ. Kết thúc lễ cúng, tự dưng các triệu chứng đó hết. Năm nay, anh đang ngồi trò chuyện với người dì, tiếng trống "khai lễ" vừa vang lên, anh rơi ngay vào trạng thái "nhập xác". Anh vừa cười kha khả vừa đòi mọi người đưa đến chùa Ông để "trình diện".

Anh Nhân trong trạng thái bị Thần nhập hành xác (?)

Chỉ mới đây thôi, chúng tôi tận mắt chứng kiến Nhân dùng chùy đinh múa như một võ sư rồi tự đập vào người mình bình bịch. Dù bị những mũi đinh bén ngót của chùy tua tủa đập vào người bình bịch nhưng Nhân không hề hấn gì(?)

Hiện tượng lạ cần nghiên cứu

Nhiều gia đình ở Tân Châu bỗng dưng có người được "Ông nhập" khi nghe tiếng trống khai lễ, vì ngại mang tiếng mê tín dị đoan đã phải đóng kín cửa nhà, bí mật thực hiện nghi thức đón thần linh nhập xác.

Gia đình ông Hứa (đã đổi tên) gặp chúng tôi, than thở: "Lúc đầu tôi không tin những chuyện mê tín nhưng suốt 5 năm nay phải âm thầm chịu đựng cảnh thằng con trai đầu “nhập xác”.

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến giờ đánh trống khai lễ tôi phải khóa cửa bên ngoài, nhốt nó lại. Nghe tiếng trống, nó lại múa may xưng danh là thần Kim Sa gì đó. Cứ qua ngày cúng là nó hết. Riết rồi thành quen.

Giờ, cứ đến giờ nó nhập xác, chúng tôi tự tổ chức trong nhà. Nó dùng cây xiên thịt đâm gò má lấy máu vẽ bùa cho mấy anh em trong nhà. Sợ nó bị nhiễm trùng, tôi phải đặt làm 1 cây xiên bằng bạc để nó thực hiện nghi thức. Có năm, nó đòi tắm dầu sôi nữa".

Con trai ông Hứa đã 37 tuổi, có 3 con trai. Anh đang làm cán bộ quản lý 1 công ty kinh doanh máy tính ở quận 5, TP HCM. Suốt từ năm 2007 đến nay, cứ đến tết là anh phải về Tân Châu để chuẩn bị nhập xác cho bùa gia đình.

Hầu hết những xác căn đều là người lao động bình thường, không liên quan đến những pháp sư huyền thuật. Có nghĩa là, họ chưa từng học hành, tu luyện hay nhập môn, bái sư bất cứ loại huyền thuật nào.

Ông Trì Triều Chánh còn kể thêm, nghi lễ và hiện tượng này xảy ra từ hàng trăm năm nay tại Tân Châu. Ngày xưa, lễ hành xác trong lệ cúng Ông rất đông vui.

Thuở đó, người dân sắp sẵn bàn hương án trước cửa nhà để đón thần. Trước khi đi, các "vị thần" vào chùa Ông trình diện.

Để phân biệt thần thật, thần giả, người dân đổ than đang cháy thành một "tấm chiếu lửa" trước sân. Ngay cửa chùa, người dân lại nấu một chảo dầu sôi sùng sục. Trên bàn hương án bày sẵn đao, kiếm, chùy và cây xiên quay.

Những "xác căn" phải đi vào chùa "trình diện" bằng cách đi chân không lên chiếu than cháy, rồi dùng tay không té dầu đang sôi lên thân thể. Khi "trình diện" phải dùng đao, kiếm đâm chém vào người rồi dùng cây xiên cắm ngang miệng. Với cách đó, người ta sẽ phát hiện được kẻ giả vờ nhập xác?

Sau khi "trình diện" xong, những "vị thần" phải giữ nguyên cây xiên trong miệng, ngồi lên chiếc ghế kiệu cắm đầy dao bén hoặc chông nhọn để người dân khiêng đi ban phước cho từng gia đình. Trên đường đi, các “vị thần” diễu võ giương oai bằng cách dùng dao, chùy đinh chém vào người.

Đến mỗi nhà, các "vị thần" dùng mũi kiếm rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa ban phát. Nhà nào có bàn hương án là các "vị thần" đến. Khi không còn chiếc bàn hương án nào, các "vị thần" mới trở về đình tiếp tục các nghi lễ khác.

Các vị bô lão Tân Châu kể, hồi năm 1967, có viên đại úy cảnh sát chế độ Việt Nam Cộng hòa tên là Hà Hữu Duyên thấy lễ hành xác ghê rợn quá đã dẫn lính ra chặn đường đoàn khiêng kiệu hành xác. Đại úy Duyên bảo mấy "vị thần" có ngon làm điều chi rùng rợn hơn mới tin.

Lúc đó, ông Chín - người nhập xác “Hỏa Xa Thần Tướng” - dẫn đầu các "vị thần" liền dùng dao cắt tiện đầu chót chiếc lưỡi của mình, bỏ vào cái dĩa. "Hỏa Xa Thần Tướng" bảo dân làng dùng chén đậy cái chót lưỡi lại rồi đưa cho viên đại úy giữ. "Vị thần" nói với viên đại úy: "Ngươi giữ cho kỹ cái chót lưỡi. Sau khi ban phát phước lành cho dân xong, ta trở lại đây để chứng minh cho ngươi thấy quyền năng của ta. Khi đó, ngươi cấm cũng không muộn".

Kết thúc chuyến hành xác, "Hỏa Xa Thần Tướng" trở lại gặp đại úy Duyên. "Hoa Xa Thần Tướng" dùng chiếc lưỡi cụt của mình liếm vào dĩa rồi há miệng cho đại úy Duyên kiểm tra. Thấy chiếc lưỡi của ông Chín lành lặn như chưa hề bị cắt, viên đại úy quỳ xuống lạy. Từ đó, tên Duyên không còn cấm dân làng tổ chức lễ hành xác nữa(?)

Sau khi ông Chín qua đời, xác căn “Hỏa Xa Thần Tướng” rơi vào cha ruột ông Bé "vé số" và bây giờ là ông Bé.

Chúng tôi không lạm bàn chuyên môn của các nhà khoa học mà chỉ nêu hiện tượng. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, lễ hành xác trong lệ cúng Ông ở Tân Châu có nhiều điểm tương đồng với những lễ hội Thay Busam diễn ra hằng năm ở Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Nepal và một vài vùng ở Bắc Mỹ. Những lễ hội hành xác đó đã thu hút được rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Riêng lễ hội hành xác ở Batu Caves, Kuala Lumpur, Malaysia thu được nguồn ngoại tệ từ du lịch hàng triệu USD mỗi năm.

Nông Huyền Sơn
.
.