Bí ẩn ở những ngôi chùa: Những người nông dân có bàn tay tài hoa

Thứ Hai, 14/04/2008, 16:00
Bảo tòa tại chùa Đất Sét (Sóc Trăng) có một tòa sen gồm 1.000 cánh tay sen và trong lòng 1.000 cánh tay sen lại có 1.000 vị phật ngồi tọa thiền. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái tiên thiên” gồm 8 cung, đó là “Càn - Khảm - Cấn - Chấn - Tốn - Ly - Khôn - Đoài”... Nhìn cái tòa tháp và tòa sen này, người ta phải nghĩ rằng, đây là công trình của một nhà điêu khắc nổi tiếng và kỳ lạ hàng đầu thế giới, chứ không phải của ông Ngô Kim Tòng - một người mới chỉ học hết lớp 3 trường làng.

Sóc Trăng là tỉnh có nhiều đồng bào Khmer nhất và cũng là vùng đất có nhiều chùa chiền nhất Việt Nam. Trong số hàng trăm ngôi chùa ở Sóc Trăng, có hai ngôi chùa nổi tiếng và kỳ lạ nhất, đó là chùa Dơi và chùa Đất Sét. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa lý giải được vì sao, một người nông dân ít học, lại trở thành một họa sĩ, nhà điêu khắc tài ba, để rồi dựng nên một ngôi chùa độc nhất vô nhị trên thế giới toàn bằng đất sét.

Đến Sóc Trăng, hỏi chùa Đất Sét (thực tế tên là Bửu Sơn tự), ai cũng có thể chỉ đường. Ngôi chùa nằm khiêm tốn cuối đường Lương Định Của, TP Sóc Trăng, đoạn giáp cánh đồng.

Không mất tiền mua vé thăm chùa, không mất tiền gửi xe, du khách có thể thoải mái vào chùa thưởng ngoạn những tuyệt tác do bàn tay một con người kỳ lạ tạo ra từ nhiều năm trước.

Chỗ bàn thờ chính, ngồi cạnh cây nến khổng lồ đang cháy đến chân đế là một ông già, ông Ngô Kim Giảng, hiện đã 90 tuổi. Ông là người được dòng họ giao trọng trách trông nom ngôi chùa, mặc dù ông đã mù cả hai mắt. Bù lại ông rất thính nhạy.

Nghe thấy bước chân du khách, ông liền bắt đầu đọc bài giới thiệu lịch sử ngôi chùa không thiếu, không sai một từ nào. Không muốn làm phiền ông tại chùa, tôi hẹn hôm sau đến gia đình ông.

Người tiếp tôi là ông Ngô Minh Hiệp, 60 tuổi, con trai ông Ngô Kim Giảng. Ông Hiệp là một nông dân chính cống, cũng lam lũ với đồng lầy ruộng thụt, nhưng dáng ông đạo mạo và sự hiểu biết của ông về lịch sử ngôi chùa cũng như Phật pháp quả là đáng nể.

Cách nay 200 năm, khi vùng đồng bằng sông nước Cửu Long còn chìm trong rừng già rậm rạp, với cảnh “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, có một gia đình họ Ngô, do ông Ngô Kim Tay đứng đầu, là người ngoài Bắc, dắt díu nhau vào khai phá.

Sống trong cảnh rừng rú, nguy hiểm, không biết bấu víu vào đâu, họ đành tự an ủi mình bằng cách lập am thờ cúng, cầu trời khấn Phật cứu độ. Đại gia đình ấy cứ ngày một đông đúc và theo đó, cái am cũng mỗi ngày thêm mở rộng. Đến đời ông Ngô Kim Đính thì cái am được mở rộng, tu sửa thành một cái chùa.

Dòng họ Ngô dựng chùa không phải với mục đích rũ bỏ bụi trần, chuyên tâm tụng kinh niệm Phật, tìm cách cứu đời bằng những thuyết giáo, mà họ là những cư sĩ tại gia, tự tu ngoài giờ lao động để rèn tâm, rèn đức. Tuy nhiên, ngày đó chùa dựng bằng tre, gỗ, nên chỉ được một thời gian lại mục nát, siêu vẹo.

Năm 1909, ông Ngô Kim Đính sinh hạ được chàng trai Ngô Kim Tòng. Càng lớn, dáng người chàng càng mảnh khảnh, ốm yếu. Duy chỉ có đôi mắt và tâm hồn thì vô cùng trong sáng. Năm 1929, khi tròn 20 tuổi, Ngô Kim Tòng quyết chí làm ăn, rồi thuê 2 công đất bên bờ sông Tiền, thuộc vùng Phú Hữu để làm rẫy.

Tuy nhiên, làm rẫy được một thời gian thì đổ bệnh rất nặng. Gặp đủ các thầy, song không biết bệnh gì, chữa cũng không khỏi. Hết cách, gia đình chỉ còn biết khiêng ông về đặt trong chùa cầu trời khấn Phật.

Thế rồi vừa uống thuốc, vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm để chống lại với bệnh tật, dần dà ông khỏe lại. Nhưng ông cho là do Phật thương nên quyết tâm đi tu. Vậy là, ở tuổi 20, ông Tòng không lấy vợ, mà thành người của nhà Phật.

Ông Ngô Kim Tòng.

Từ đó, mỗi buổi sáng, sau khi luyện khí công xong, ông Tòng lại đi về hướng tây, cách chùa 1.000 thước, nơi đó có khu ruộng trũng, không có người trồng trọt, đào đất sét gánh về. Sau khi phơi khô, ông cho vào cối và dùng chày giã nhuyễn, lọc bỏ cát và chất tạp, rồi từ trí tưởng tượng của mình mà tạo ra các hình tượng khác nhau.

Khi đó, ông Tòng mới ngoài 20 tuổi, học hết lớp 3 trường làng trong hoàn cảnh giặc Pháp đô hộ. Trình độ học vấn kém, không hiểu biết gì về mỹ thuật, song bằng đôi bàn tay khéo léo, ông đã tạo nên được những tượng Phật vô cùng tinh xảo.

Những sản phẩm từ đất sét mà ông tạo ra từ cách nay 80 năm hiện vẫn còn nguyên vẹn và du khách đều có thể "thực mục sở thị". Nổi bật giữa ngôi chùa là bệ Tam giáo công đồng với hệ thống tượng Phật như: A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đại Thế Chí, Văn Thù Phổ Hiền, Khổng Tử, Lão Tử, Di Lặc... Sự sắp xếp các tượng ở đây nói lên tư tưởng Tam giáo đồng viện (Phật - Nho - Lão).

Công trình đặc biệt và lạ lùng nhất là tháp Đa Bảo 13 tầng, mỗi tầng 16 cửa, được đắp năm 1939. Toàn thân tháp có 208 cửa với 208 vị Phật và 156 tượng rồng đỡ từng mái tháp. Phần dưới chân tháp thờ Đại thừa Diệu pháp Liên hoa kinh, tượng trưng cho ngọc xá lợi của Phật.

Cạnh tháp Đa Bảo có Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận. Bảo tòa có một tòa sen gồm 1.000 cánh tay sen và trong lòng 1.000 cánh tay sen lại có 1.000 vị phật ngồi tọa thiền. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái tiên thiên” gồm 8 cung, đó là “Càn - Khảm - Cấn - Chấn - Tốn - Ly - Khôn - Đoài”.

Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu. Dưới đài sen và Bát quái lại có Tứ đại Thiên Vương trấn giữ. Nhìn cái tòa tháp và tòa sen này, người ta phải nghĩ rằng, đây là công trình của một nhà điêu khắc nổi tiếng và kỳ lạ hàng đầu thế giới, chứ không phải của một người mới chỉ học hết lớp 3 trường làng, không hiểu biết gì về nghệ thuật hội họa.

Tuy nhiên, nhiều du khách tham quan lại bày tỏ niềm khâm phục với hệ thống tượng đất sét kể lại sự tích Phật Thích Ca từ lúc giáng sinh cho đến khi nhập cõi Niết bàn.

Nhìn 24 cây cột đất sét lớn, với hình ảnh rồng bay phượng múa cực kỳ tinh tế, người thường thì thấy hoa cả mắt, nhưng những người hiểu về tạo hình thì đều không hiểu làm sao đất sét lại có thể tạo ra những nét tinh vi nhỏ như sợi râu, sợi tóc được và điều kỳ lạ là gần thế kỷ qua, nó không nứt nẻ, rụng rơi bởi thời tiết khắc nghiệt.

Xung quanh chùa, canh giữ cho hệ thống tượng Phật là 200 mẫu tượng thú với vô vàn những loài thú vừa lạ vừa quen. Nổi bật và đẹp nhất là các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Long Mã, Bạch Tượng, Bạch Hổ... Con nào cũng to lớn như thật, lại được phủ sơn, hoặc kim nhũ, dầu bóng nên giống như được làm bằng đồng. Con thì hiền lành, đủng đỉnh, con dữ dằn như chực vồ mồi, rất sinh động.--PageBreak--

Theo ông Ngô Minh Hiệp, rất nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu đều đánh giá cao nhất cây đèn được gọi là Lục Long Đăng. Lục Long khổng lồ bằng đất sét treo dưới trần nhà ở trung tâm ngôi chùa. Cây đèn này là tác phẩm cuối đời của ông Ngô Kim Tòng. Sau khi hoàn thành cây đèn, ông lâm trọng bệnh rồi mất.

Lục Long Đăng gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen nâng đỡ. Thân rồng hoàn toàn bằng đất sét với ngàn vạn chi tiết tinh vi, lại có trọng lượng khá nặng, vậy mà treo mấy chục năm nay, vẫn không hề bị biến đổi gì.

Khách tham quan còn thích thú nhất khi tận mắt nhìn thấy những cây nến khổng lồ. Cho đến lúc này, những người trong gia đình họ Ngô vẫn không hiểu ông Tòng lấy đâu ra tiền để mua được lượng sáp nến lên đến 1,4 tấn, dù ông không có vợ con và cũng chẳng làm gì khác ngoài việc nặn tượng.

Chỉ với những tấm tôn bó lại, ông nấu sáp đổ thành 4 đôi nến khổng lồ, rồi trang trí cho các ngọn nến bằng những con rồng nặn từ đất sét. Trong số đó, có 6 cây nến to, mỗi cây nặng 200kg. Hai cây nhỏ, nặng 100kg.

Hai cây nến nhỏ này được thắp từ ngày ông Tòng mất, tính đến nay đã 38 năm. Theo dự đoán, phải chừng 4-5 năm nữa hai cây nến mới cháy hết.

Sau khi hai cây nến này cháy hết, hai cây nến lớn sẽ tiếp tục được thắp lên. Như vậy, phải hơn 250 năm sau, những cây nến này mới cháy hết. Ngoài ra, trong chùa còn có 3 cây hương (nhang) khổng lồ, mỗi cây cao 1,5m, nặng 50kg và hiện chưa đốt.

Ông Ngô Minh Hiệp chưa làm con số thống kê trong ngôi chùa toàn bằng đất sét kỳ lạ này có bao nhiêu ngôi tượng, nhưng con số phải đến nhiều ngàn. Đấy là chưa kể còn vô vàn những chi tiết, hình tượng khác nữa.

Điều kỳ lạ nhất đối với các nhà khoa học, kể cả những người trong gia đình họ Ngô này, đó là vì sao ông Ngô Kim Tòng lại tự dưng trở thành một nhà điêu khắc, nhà nặn tượng, một họa sĩ tài hoa đến vậy?

Ông Ngô Kim Giảng, em ông Tòng, là người con thứ 8 trong gia đình và bà Ngô Bạch Tuyết, SN 1903, chị cả, đã mất mấy chục năm nay, là hai người đã sống và làm việc cùng với ông Ngô Kim Tòng nhiều nhất.

Ông Ngô Kim Giảng trước cây nến khổng lồ.

Đặc biệt, bà Tuyết theo sát ông Tòng suốt 40 năm lăn lưng ra đồng đào đất, nặn tượng, cũng không hiểu được vì sao người em trai vốn gầy gò, ốm yếu của mình đột nhiên lại có sức khỏe vô biên như vậy. Đã nhiều lần, bà Tuyết hỏi người em trai của mình, song ông Tòng  cũng không lý giải được mà chỉ bảo "có lẽ do Trời Phật ban cho".

Theo ông Ngô Minh Hiệp, rất nhiều nhà khảo cổ học ở Hà Nội đã vào chùa nghiên cứu, song họ cũng đều lắc đầu trong việc tìm lời giải thích trước những tuyệt tác được nặn từ đất sét.

Ông Ngô Minh Hiệp còn chỉ cho tôi xem một số tượng bị vỡ, gãy, sứt mẻ do những người tham quan tò mò bẻ ra, vì họ không tin toàn bộ ngôi chùa được làm từ đất sét (vì nhác trông giống làm bằng đồng, đá, bêtông, gỗ...). Ông Hiệp và những người trong gia đình đã kỳ công đắp, nặn gắn lại, song trông không được như cũ.

Trong suốt 40 năm nhào đất, nặn tượng, hằng ngày ông Tòng chỉ ăn một bữa với một chén cơm vào giờ Ngọ. Thức ăn của ông chỉ là một đĩa rau, nhưng điều lạ là ông chỉ gắp một lần duy nhất. Ông cũng chỉ uống duy nhất một cốc nước.

Đến ngày tròn 58 tuổi, ông đột nhiên không ăn cơm nữa. Vẫn mỗi ngày một bữa, nhưng ông chỉ ăn vài bông hoa trang, bông vạn thọ. Ăn uống chỉ có vậy, nhưng ông làm việc hầu như suốt ngày suốt đêm. Làm việc đến gần sáng, ông lại ngồi trước tượng Phật nhắm mắt tọa thiền. Và khi tiếng gà gáy báo sáng, ông lại bắt đầu làm việc.

Cứ miệt mài như vậy, khối lượng đất sét ông đào ngoài cánh đồng, gánh về trên đoạn đường 1.000 thước, giã nhuyễn, nặn tượng lên đến cả trăm tấn. Ông chỉ dừng làm việc đến một ngày mà ông cho là rất đẹp, để... “hóa”.  

Ông Ngô Minh Hiệp còn nhớ như in cái ngày người bác của mình rời cõi tục để về với Phật. Sáng 14/7/1970 (âm lịch), sau khi hoàn thành tuyệt tác đỉnh cao là cây đèn Lục Long, ông Ngô Kim Tòng tắm gội sạch sẽ rồi ngồi tụng kinh.

Tay ông gõ mõ đều đặn, miệng đọc kinh rù rì. Con cháu thấy chuyện lạ, liền tụ họp trong chùa. Ông Ngô Kim Tòng dặn dò con cháu: “Ngày 18/7/1970 (âm lịch – Canh Tuất), là ngày đẹp nhất để tôi về trời. Tôi sẽ hóa vào hôm đó, mọi người trong nhà không có gì phải lo lắng, buồn phiền cả”.

Gia đình nghĩ ông mắc bệnh trọng, nên đã khiêng ông đi bệnh viện. Các bác sĩ sau khi khám bệnh tỉ mỉ thì kết luận huyết áp ông Tòng bình thường, tim đập đúng nhịp, không thấy có biểu hiện bệnh tật gì. Các bác sĩ liền  truyền nước vào cơ thể của ông, nhưng cơ thể không tiếp nhận. Con cháu cho ông uống nước, nhưng nước lại chảy ngược ra.

Nằm viện đến trưa ngày 17, ông tự dưng ngồi dậy, miệng đều đều đọc “Nam mô a di đà Phật”, rồi nhất quyết kêu dòng tộc đưa ông về chùa. Về đến chùa, ông Tòng yêu cầu mọi người trong họ niệm Phật theo ông. Niệm liên tục như vậy, đến 3 giờ sáng ngày 18, ông đột nhiên dừng lại, nhìn lần lượt từng người trong thân tộc, mỉm nụ cười mãn nguyện, rồi ông từ trần trong tư thế ngồi thiền. Ông Ngô Kim Tòng thọ 61 tuổi.

Linh cữu ông Tòng được bảo quản trong chùa 7 ngày, đúng vào những ngày trời mưa tầm tã. Nghe nói rằng khi đặt quan tài ra cạnh chùa, chuẩn bị động quan, một cơn giông rất lớn ập đến, quật ngã 2 cây điệp. Tuy nhiên, những nhà sư Khmer vẫn ngồi đó tụng kinh rất bình tâm như không hề có chuyện gì.

Sau khi cơn giông tan, mọi người làm lễ hạ huyệt và khi mọi việc vừa xong, trời đổ mưa sầm sập. Ông Hiệp kể với tôi rằng, trong cuộc đời 60 năm của ông ở mảnh đất Sóc Trăng nắng nóng và hạn nhất miền Tây này, đó là những ngày mưa dai dẳng nhất.

Trước khi mất, ông Tòng còn dặn mọi người trong họ rằng, khi nào có “lệnh” của Phật thì hãy thắp hai ngọn nến đầu tiên. Nhưng con cháu cho rằng ông Ngô Kim Tòng là người kỳ lạ, khác thường, thế gian này đâu có người thứ hai, nên ngay khi ông mất, gia đình đã thắp hai ngọn nến đầu tiên.

Ông đã về trời 38 năm nay, nhưng hai ngọn nến nhỏ nhất vẫn cháy chưa hết. Và một điều kỳ lạ nữa, đó là suốt 38 năm nay, hai ngọn nến này chưa một lần bị tắt

Phạm Ngọc Dương
.
.