Bi hài chuyện bóng hồng Việt xuất ngoại cầu duyên

Thứ Tư, 04/07/2012, 23:05

Chẳng ai rõ tin đồn bà Pênh - một phụ nữ giàu có ở Nam Vang (tên gọi ngày trước của thủ đô Phnôm Pênh) chuyên ban phát tình duyên, con cái… cho những phụ nữ hiếm muộn hoặc kém may mắn trong lĩnh vực tình trường, xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng ngày càng có nhiều bóng hồng người Việt xuất ngoại, quyết tâm tìm đến ngọn đồi nhân tạo nơi tọa lạc ngôi chùa cổ Wat Phnom hơn 600 năm tuổi nằm giữa lòng thủ đô nước bạn Campuchia.

Họ đến đây van vái, bày tỏ lòng thành đặng để được "nữ thần se duyên" là bà Pênh-người tạo lập chùa cổ Wat Phnom, ban cho tấm chồng, mụn con như ước nguyện. Đây chính là nguồn cơn dẫn đến lắm chuyện bi hài!

Hai ngày cuối tuần là thời điểm mà du khách Việt đổ xô sang thủ đô Phnôm Pênh tham quan, mua sắm đông như trẩy hội. Trên chuyến xe của Hãng Sapaco xuất phát từ khu phố Tây (đường Phạm Ngũ Lão, quận 1), chị Mỹ Dung, 45 tuổi, ngụ phường Đa Kao, quận 1, trưởng phòng tài chính kế toán của một công ty đa quốc gia chuyên kinh doanh hàng điện máy thổ lộ, công việc ngồn ngộn với những nấc thang danh vọng đã "tàn nhẫn" nuốt trôi quãng đời tươi trẻ của chị. "Khi mua được cái nhà và có chút tiền dư thừa cùng danh phận thì mình đã thuộc dạng quá lứa lỡ thì. Thôi thì đành bắt chước người ta, thứ gì thiếu mà không thể mua bán được thì đi cầu xin vậy" - chị Dung chân tình, bộc bạch.

Cùng xuất ngoại sang Phnôm Pênh đến chùa Wat Phnom đặng được bà Pênh "ban phước" với chị Mỹ Dung là chị Hồng Hạnh, xấp xỉ tuổi 40. "Tụi mình cùng ngành, lại cùng cảnh nên kết thân với nhau" - chị Hạnh bộc bạch: "Đây là lần thứ 5 tụi mình sang Campuchia. Nghe đồn rằng không chỉ người Việt mà cả chị em người bản địa, ai muốn có được tấm chồng hội đủ các ưu điểm như thành đạt, đẹp trai, thật thà, tốt bụng, yêu trẻ con, biết yêu chiều phụ nữ… thì phải siêng năng đến Wat Phnom gặp bà Pênh. Đàn ông nếu muốn gặp cô gái trong mộng cũng phải làm như vậy".

Theo như giải thích của hai chị Mỹ Dung và Hồng Hạnh, với giới chị em nếu muốn lời khấn cầu của mình được bà Pênh đoái hoài thì phải chịu khó xuất ngoại đến 9 lần, riêng đàn ông thì chỉ 7 lần (theo quan niệm nam thất nữ cửu). "Vào đến chùa gặp bà Pênh cũng phải nhất nhất làm đúng như vậy, nghĩa là phải 9 lần dập đầu, mỗi lần dập đầu thì cũng phải khấn thầm 9 lần điều mình mong muốn, như vậy bà Pênh mới chứng".

Những điều ấy được hai bà chị quá lứa lỡ thì bật mí biết được qua "người này truyền người nọ" và từ bỏ nhỏ của mấy anh hướng dẫn viên chuyên đưa khách đi tour sang Campuchia. "Hai năm trước mình mua tour đi du lịch tại Phnôm Pênh và Xiêm Riệp. Lúc đưa đoàn ghé chùa Wat Phnom, anh hướng dẫn viên tên Mã lưu ý những điều ấy" - bà chị lỡ thì Mỹ Dung, nhớ lại: "Sau lần ấy mình hỏi thăm những người khác cũng là hướng dẫn viên hay người từng đi du lịch sang Phnôm Pênh và đều được nghe nhiều người nói, kể chuyện tương tự. Ai nấy cũng bảo rằng bà Pênh rất linh thiêng, mình có lòng thành thì cầu gì được nấy nhưng phải cầu cho đúng bài đúng cách".

Sau khoảng 6 giờ đồng hồ lăn bánh, xe đổ khách tại thủ đô của "Vương quốc Chùa tháp", trên đường số 7, gần sát chợ Orussey, khu vực tập trung đông khách du lịch ngoại quốc lưu trú, như kiểu phố Tây ở Sài Gòn. Xe vừa dừng, hai bà chị Mỹ Dung - Hồng Hạnh vội "bắt" xe tuk tuk (như xích-lô máy nhưng có mui) bảo là đến xả hơi ở casino Naga - sòng bạc tráng lệ nhất Vương quốc Campuchia, nơi ngày cũng như đêm với vòm trời nhân tạo rộng hàng ngàn mét vuông luôn rực sáng!

Làm theo hướng dẫn của 2 bà chị quá lứa lỡ thì, chúng tôi đón xe ôm đến viếng "nữ thần se duyên" để tiết kiệm chi phí. Từ khu vực chợ Orussey đến chùa Wat Phnom khoảng 4km, bác tài chạy xe ôm người Campuchia gốc Việt tên Song-Út ra giá 3.000 rieal (12.000 VNĐ) cho lượt đi, 5.000 rieal (20.000 VNĐ) gọi là "vé" khứ hồi. Trên đường đèo khách đến Wat Phnom, Song-Út bật mí vì cái tính rộng rãi, hay ban phát, sẵn lòng giúp những người đang yêu gặp trắc trở đến được với nhau… nên ngày nào cũng có người ở Việt Nam, chủ yếu phụ nữ đến van vái, lạy lục mong được bà Pênh ban phước. 

Chưa đầy 10 phút di chuyển, Song-Út dừng xe dưới chân đồi nơi tọa lạc ngôi chùa cổ Wat Phnom. Chúng tôi lần theo những bậc thang rêu phong tiến lên đỉnh đồi. Kiến trúc chùa Wat Phnom như biết bao ngôi chùa khác ở Campuchia, cũng mái cong vút, bên trong chánh điện có hàng trăm tượng Phật cùng vô số bức bích họa vẽ khắp 4 bức tường, trên trần chính điện quá trình tu hành, gieo mầm thiện của đức Phật. Sau khi làm lễ, chúng tôi hỏi ông Khét-Luông, một trong những người trông chùa và được hướng dẫn tượng bà Pênh nằm sau chánh điện. Là tượng bán thân, được tạc bằng đá sa thạch, bà Pênh được mặc áo lụa trắng, đầu có ánh hào quang, cổ đeo dây chuyền vàng bản lớn. Bà Pênh có gương mặt phúc hậu, môi đỏ đang cười tươi, gần gũi.

Lối lên chính điện chùa Wat Phnom.

Lúc này 9 giờ sáng, chùa Wat Phnom dồn dập các đoàn khách Việt ghé tham quan, chiêm bái. Chúng tôi vòng ra sau chính điện để viếng bà Pênh và phát hiện đoàn khách Việt với hơn 50 người, đa phần trong họ là phụ nữ kẻ đứng người quỳ khấn lạy loạn xạ theo chỉ dẫn của anh hướng dẫn viên tên Minh. Hỏi ra mới biết nhóm người này mua tour trên mạng của một công ty lữ hành có tên Non Nước Xanh. "Cái sự linh thiêng của bà Pênh thì miễn bàn. Đến đây các anh các chị muốn cầu gì cũng được, câu duyên, cầu tài, cầu lộc… đều Ok nhưng nhớ là hổng được cầu tự (cầu con) à nha!" - anh chàng hướng dẫn viên tên Hải, lưu ý khách.

Có người thắc mắc hỏi lý do, anh hướng dẫn được thể tiếp tục thao thao bất tuyệt: "Như Hải đã nói, bà Pênh tục truyền là người rất giàu có và khi chết vẫn còn trinh. Hồi trước có người đồn rằng ai cầu xin gì bà cũng cho, nhưng tuyệt đối không được cầu duyên nếu không muốn bị bà vật chết. Bởi người ta đồn rằng bà Pênh không có chồng, chuyện tình duyên của mình bà không lo được thì sao có thể ban phát cho người khác… Lại có người nói rằng bà Pênh rất sẵn lòng nối dây tơ hồng cho những ai thành tâm bởi bà như bất kỳ ai khác trong đời lại chẳng từng yêu. Nhưng bà không thể giúp ai đó hiếm muộn sinh con đàn cháu đống bởi bà vốn dĩ không có con cái".

Quanh những điều cấm kị trong quá trình khấn cầu khi đến Wat Phnom gặp bà Pênh, chúng tôi ghi nhận được nhiều dị bản. Người bảo bà Pênh không chồng không con. Người cho rằng bà Pênh là góa phụ. Người khuyên không nên cầu gì ngoài chuyện tình duyên nhưng lại có người quả quyết bà chính là "nữ thần se duyên" rất linh hiệu… Nhưng dù như thế nào thì ai cũng rõ một điều rằng bà Pênh là một  phụ nữ có thật. Và chính bà Pênh đã có công đầu trong việc tạo nên chùa Wat Phnom được xây dựng trên một ngọn đồi nhân tạo với điểm cao nhất khoảng 30m so với mặt đất.

Truyền thuyết kể rằng sau một trận lũ lớn, một phụ nữ giàu có tên là Daun Pênh tình cờ tìm thấy trong khúc cây trôi dạt trên sông Mê Kông có 4 pho tượng Phật. Để tỏ lòng thành kính, bà Pênh dốc tiền của thuê người đắp ngọn đồi (phnom) nhân tạo xây ngôi chùa nhỏ (wat) với mục đích để dòng chảy hung hãn vào mùa lụt lội không thể cuốn được 4 pho tượng kia.

Năm 1373, chùa được xây dựng và sau khi hoàn thành, nó được người dân gọi là Wat Phnom (chùa nhỏ trên đồi). Qua hàng trăm năm xây dựng, tôn tạo (lần cuối cùng vào năm 1926), chùa Wat Phnom mới có dáng hình bề thế, trở thành công trình tôn giáo cao nhất ở Phnôm Pênh tính đến thời điểm này. Bác tài tuk tuk Song-Út nói rằng sau khi bà Pênh qua đời, để tưởng nhớ bà, người dân đã ghép tên bà với ngọn đồi (phnom), gọi khu vực này là Phnom Pênh. Đây cũng là cội nguồn của tên gọi thủ đô Phnôm Pênh sau này.

Trong lúc trò chuyện với bác tài tuk tuk Song-Út, chúng tôi nhận thấy các bà các chị trong nhiều đoàn khách Việt sì sụp khấn lạy "nữ thần se duyên" rất thành tâm. Không những thế, nhiều người đã nhờ người đàn ông làm nhiệm vụ lo hương khói cho bà Pênh ban phép cho mình bằng cách cúng đôla để nhận được những tờ tiền bản địa mà họ tin là được "trì trú" dưới chân tượng bà Pênh có nhiều linh khí. Lắm quý bà quý cô sau khi chìa tay cho người đàn ông nọ đeo sợi chỉ đỏ là biểu trưng cho sợi dây tơ hồng và sự may mắn đã "cúng" lại cho bà Pênh nào là nước hoa, hài, áo nhung gấm, các chuỗi ngọc trai…

Có bà còn nhét tờ 100 USD dưới lớp áo lụa trắng của bà Pênh để tỏ lòng thành kính! Hình ảnh này gợi cho chúng tôi nhớ những lần đến viếng bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Để được toại ý đường công danh, tài lộc…, người ta không tiếc tiền của tiếng là dâng cúng nhưng thực chất là "hối lộ" cho bà Chúa Xứ nào heo quay, khánh vàng, chuỗi ngọc trai, gấm vóc… Vì quá cuồng vọng những lợi danh cho riêng mình mà con người ta hoặc cố ý, hoặc vô tình đã biến thánh thần trở thành kẻ trần tục, theo kiểu có qua có lại!

Khi chúng tôi tỏ bày thắc mắc rằng truyền thuyết chỉ ghi bà Pênh giàu có, có công xây dựng chùa, hoàn toàn không đề cập đến chuyện chồng con của bà, và càng không có chuyện khẳng định bà Pênh là "trinh nữ". Vậy những thông tin nói rằng bà Pênh "còn con gái", rằng bà sẽ "vật chết những ai đến cầu duyên"… từ đâu ra, mấy anh chàng hướng dẫn viên cười khì khì giải thích "nghe người ta đồn". Hỏi bà Pênh là người Khơmer, mình khấn tiếng Việt hổng biết liệu có xảy ra chuyện bất đồng ngôn ngữ, mấy anh chàng lữ hành, những người đang khấn lạy và bác tài tuk tuk Song-Út chỉ biết… cười trừ!

Sau khi van vái khấn lạy, những ai có nhu cầu sẽ được… nối dây tơ hồng.

Hơn 3 giờ bám khu vực đặt để tượng bà Pênh - “nữ thần se duyên” trên đỉnh đồi Wat Phnom, mới rõ các anh chàng hướng dẫn viên dẫn khách người Việt sang tham quan thủ đô Phnôm Pênh có muôn kiểu lý giải về cái sự linh thiêng cũng như những điều cấm kị khi khấn cầu bà Pênh. Nhưng dù có giải thích kiểu nào đi nữa thì cả thảy đều quả quyết bà Pênh rất thiêng, rất linh, rất hào phóng, ai xin gì cũng được "nữ thần se duyên" ban phát, tất nhiên nếu người xin xỏ ấy có lòng thành. Lòng thành ở đây là phải thường xuyên đến Wat Phnom khấn cầu, van vái. Thế nên mới có chuyện hai bà chị lỡ thì Mỹ Dung và Hồng Hạnh quyết tâm, bền chí xuất ngoại sang Campuchia viếng bà Pênh đến 9 lần. Chẳng rõ khi xuất ngoại đến con số 9, hai chị kia liệu có được tấm chồng ưng ý?!

Với truyền thuyết độc đáo, kiến trúc hoành tráng cùng vô số tượng Phật, tượng linh thú rắn thần Naga, linh sư bằng đá, vàng, bạc… bí hiểm, chùa Wat Phnom là điểm đến kỳ thú với bất kỳ du khách Việt dẫu khó tính nhất. Chỉ phiền một nỗi để bán được tour, để hấp dẫn khách và có thể để có mối lái chạy xe thường xuyên và vì lý do gì khác mà không ít nhân viên lữ hành, tài xế xe ôm, tài xế xe tuk tuk ở Phnôm Pênh cố tình phịa đủ thứ chuyện ly kỳ về bà Pênh.

Anh Nguyễn Minh, người Việt sinh sống và công tác tại Phnôm Pênh hơn 10 năm qua chia sẻ rằng niềm tin tâm linh của mỗi người rất đáng trân trọng. Nhưng đừng nên thái quá bởi như thế không chỉ mất công sức, hao tổn tiền bạc mà còn va vướng vào cạm bẫy casino chết người. Thực tế cho thấy nhiều người với tâm lý "đã đến Phnôm Pênh mà không ghé casino Naga mà dân bản địa gọi là sòng bạc rắn bảy đầu thì xem như phí chuyến đi. Vì suy nghĩ ấy, lắm người, chủ yếu là phụ nữ đã sa đà và sau cùng sạch tiền, tán gia bại sản vì lỡ dẫn sâu vào thú đỏ đen ở sòng bài biên giới.

Sẻ chia của anh Minh khiến chúng tôi nhớ đến cái cảnh của hai bà chị quá lứa lỡ thì Mỹ Dung và Hồng Hạnh, khi xe vừa đến Phnôm Pênh đã vội đón xe tuk tuk đến sòng bài giải khuây thay vì đến Wat Phom viếng "nữ thần se duyên". Hai ngày sau, trước khi lên xe rời Phnôm Pênh về lại TP HCM, thử liên lạc với bà chị Mỹ Dung hỏi chuyện đã đến viếng “nữ thần se duyên” hay chưa, đầu dây bên kia, bà chị mệt mỏi cho biết "đang chán như con gián". Bởi lần này cũng như lần trước, 2.000 đôla mang theo đã bị "con rắn bảy đầu" nuốt sạch!

Nguyễn Thành
.
.