Bi kịch của một gia đình ma tuý

Thứ Ba, 07/08/2007, 11:11

Cùng buôn ma túy với Lập, nhưng trong khi Lập có vài chục tỉ thì Ngô Hữu Cường lúc nào cũng trắng tay vì… nghiện. Cường nhiễm HIV và lây sang vợ là Ngô Phương Anh. Có ông chồng buôn “trắng”, Phương Anh còn phải gánh thêm tội “không tố giác tội phạm”.

Lập khai nhận rằng, thật ra Lập chỉ mua bán ma túy nhỏ lẻ trong vòng từ năm 2002 đến năm 2003. Đó là khi Lập mới ra tù, vốn liếng còn ít. Đến đầu năm 2004 - khi đã có vốn, Lập bắt đầu tính kế buôn bán to hơn.

Lập chung vốn với Cường được khoảng 3 tỉ đồng rồi móc nối với một số đối tượng khác như Nguyễn Ngọc Tình, Phạm Công Doanh (tức Ngọc "hen"), Hoàng Kim Thoa (tức Sao) ở 104 khu Vườn Sái, Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn và hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn, tiêu thụ chủ yếu tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc.

Do Ngô Hữu Cường có mối mua bán heroin với một đối tượng người Mèo tên là Lếnh ở Mộc Châu, Sơn La, nên mỗi khi phía Trung Quốc có nhu cầu cần heroin, báo qua Doanh là Lập, Cường đi xe ôtô lên Mộc Châu, Sơn La mua hàng. Ngô Hữu Cường độc quyền liên lạc, trao đổi, trả tiền mua heroin với Lếnh, sau đó cùng mang heroin về Hà Nội.

Trung bình mỗi tháng Cường và Lập lên Mộc Châu, Sơn La mua 3 chuyến, mỗi chuyến mua từ 10 đến 30 bánh heroin, chúng thường gọi bánh heroin là "xe", giá cả tùy theo chất lượng. Chất lượng bình thường giá 5.000 USD/bánh, chất lượng kém gọi là "cỏ" giá 3.800 USD/bánh, chất lượng cao gọi là Sony giá 7.700 USD/bánh.

Thời điểm cuối năm 2004 phía Trung Quốc tiêu thụ nhiều, Cường và Lập đi có tuần 3 chuyến, mỗi chuyến mua bán từ 20 đến 30 bánh heroin. Sau mỗi chuyến mua heroin mang về Hà Nội, thường nửa đêm về sáng, Lập lại cùng Phạm Công Doanh dùng xe ôtô đưa heroin lên Lạng Sơn bán cho Nguyễn Ngọc Tình, Hoàng Kim Thoa một số, còn lại chủ yếu là Doanh mang sang Trung Quốc bán, Lập đỗ xe ôtô gần Đền Mẫu, Đồng Đăng, chờ Doanh mang tiền về, sau đó cùng đi về Hà Nội.

Tại Hà Nội, Lập và Doanh đổi từ tiền Việt Nam sang USD tại một số cửa hàng ở phố Hà Trung, lần đổi ít là 400 triệu đồng, nhiều là 4 tỉ đồng. Lập, Cường là đầu mối cung cấp heroin rất lớn. Số lượng heroin nhóm Lập, Cường đã mua và đưa lên biên giới bán lên đến 30-60 nghìn bánh heroin, thu lời nhiều tỉ đồng. Nguồn tiêu thụ ở Lạng Sơn gồm có Tình, Doanh, Thoa...

Nguyễn Thị Thơm cũng là một trong những chân rết tiêu thụ heroin của Lập và Cường. Có ngày vào tháng 11/2004, Tình, Thoa đổi tiền mua bán heroin với Lập lên đến 11 tỉ đồng, có tháng đổi đến 90 tỉ đồng.

Buôn bán heroin với số lượng lớn, biết rằng nếu bị bắt là phải chịu án tử nên Lập luôn mang theo vũ khí để sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi cần thiết. Đã có lần, chính mắt Phạm Công Doanh nhìn thấy ở ghế phụ xe Mercedes của Lập có 2 quả lựu đạn và 2 khẩu súng ngắn loại K54.

Lợi nhuận đem lại từ việc buôn bán heroin cực lớn, khiến cho Lập trở nên giàu có rất nhanh. Cứ mỗi bánh Lập lãi từ 45 đến 50 triệu đồng. Sau chưa đầy 5 năm buôn bán heroin Lập được  lãi khoảng 30 tỉ đồng. Có nhiều tiền, Lập mua nhà, sắm xe hơi và... ăn chơi tung giời.

Chỉ trong vòng 2 năm, 2004 và 2005, Lập mua 3 căn nhà: một ở đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội với giá 3,4 tỉ đồng; một ở 293 Văn Cao, phường Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng với giá 2,4 tỉ đồng và xây một nhà ở 404 đường Nguyễn Công Hãng, phường Trần Phú, TP Bắc Giang.

Ôtô Lập cũng mua nhiều và thay xe như thay áo. Ngoài ra, Lập còn đốt tiền tại Casino Đồ Sơn, Hải Phòng và đã bị thua tới 600-700 nghìn USD trong những lần đánh bạc ở đây.

Đầu năm 2007, sau khi hàng loạt tên trong đường dây ma túy của Nguyễn Lương Dân, Nguyễn Thị Thơm bị bắt giữ, biết đã bị lộ chân tướng nên Lương Ngọc Lập tìm đường cao chạy xa bay.

Tháng 6/2007, khi Công an TP Hà Nội chính thức phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Lương Ngọc Lập thì hắn đã cùng vợ chạy vào tận TP HCM dưới một cái tên mới là Trần Văn Việt. Số là để che mắt Cơ quan Công an, Lập đã dùng chứng minh thư của một người tên là Trần Văn Việt, sinh năm 1978, nguyên quán tại Tân Mỹ, Yên Dũng, Bắc Giang, sau đó bóc ảnh người này ra và dán ảnh của Lập vào. Trước khi chạy  vào TP HCM, Lập còn kịp bán chiếc xe Nissan 4 chỗ cho Salon ôtô Sinh Tài với giá 70.000 USD.

Vào TP HCM, vợ chồng Lập mang theo cả đứa con trai duy nhất 6 tuổi là Lương Ngọc Long. Vợ chồng Lập thuê một căn nhà nhỏ ở 247/15 Hoàng Hoa Thám, phường 5, quận Phú Nhuận, TP HCM làm nơi trú ngụ. Những người sống xung quanh không ai biết gì về Lập, chỉ biết đó là một người đàn ông gốc Bắc, tên là Việt, làm ăn buôn bán khá giả, đi xe SH, một loại xe máy thời thượng, đắt tiền và tiêu xài như đại gia.

Dù trốn truy nã đặc biệt của Công an TP Hà Nội nhưng tại TP HCM, Lập vẫn không chịu từ bỏ con đường buôn bán "cái chết trắng". Tại TP HCM, Lập nhanh chóng thiết lập mạng lưới chân rết tiêu thụ thuốc lắc.--PageBreak--

Mối hàng vẫn là từ ngoài Bắc đưa vào thông qua một số đối tượng trung gian bằng con đường xe khách. Lập nhận tiền từ TP HCM của kẻ mua sau đó chuyển vào tài khoản của đầu mối ở phía Bắc rồi đứng ra nhận hàng từ ngoài đó chuyển vào để giao cho người mua.

Công an quận 2, TP HCM sau một thời gian dài xác lập chuyên án đã phát hiện ra kẻ chuyên cung cấp heroin cho nhiều động lắc ở TP HCM chính là Lương Ngọc Lập. Và ngày 18/5/2007, Công an quận 2 đã bắt quả tang Lập khi y đang trên đường giao hàng tại một khách sạn.

Khám trong người Lập, Cơ quan Công an thu được 300 viên thuốc lắc. Ngoài ra, trong xe SH, Lập còn cất giữ 146 viên. Sáng ngày 23/5, trong khi đang tiến hành tổng cung Nguyễn Thị Thơm tại Trại tạm giam Công an TP Hà Nội thì Thượng tá Trần Quang Trong - Trưởng Phòng PC17, Công an Hà Nội và điều tra viên Nguyễn Trần Giang vui mừng nhận được tin báo từ các đồng đội ở TP HCM, rằng: "Con cá mập" Lương Ngọc Lập đã sa lưới.

Ban đầu khi mới bị bắt giữ, Lương Ngọc Lập bai bải chối tội. Y chìa ra cho Công an quận 2 một tấm chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Việt và khai rằng tên là Việt mới ở Bắc Giang vào TP HCM sinh sống. Chỉ đến khi bị Công an quận 2 lật tẩy rằng, đó chỉ là tấm giấy chứng minh nhân dân rởm và đưa cho Lập xem tờ lệnh truy nã đặc biệt đóng dấu đỏ của Công an Hà Nội thì Lập mới chịu cúi đầu nhận tội.

Cuộc trốn chạy của ông trùm heroin đến đây coi như kết thúc. Cuộc điều tra về những hành vi phạm tội của Lương Ngọc Lập tại TP HCM hiện vẫn đang được Cơ quan Điều tra Công an TP HCM tiến hành.

Còn theo bản kết luận điều tra của Công an TP Hà Nội về vụ án buôn bán trái phép các chất ma túy của Nguyễn Thị Thơm và đồng bọn do Thượng tá Trần Quang Trong - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - ký thì  Lương Ngọc Lập đã mua bán trái phép 1.253 bánh heroin.

Nhưng để khép lại bài viết này, chúng tôi muốn nói đến số phận của Ngô Hữu Cường, kẻ đã cùng Lương Ngọc Lập buôn bán "cái chết trắng" trong một thời gian khá dài. Nay do Cường đã chết nên Cơ quan Điều tra đình chỉ điều tra và Cường không có tên trong bản kết luận điều tra nhưng cuộc đời của Cường là bài học đắng cay, thiết nghĩ còn có ích cho nhiều người.

Cùng buôn ma túy với Lập, nhưng trong khi Lập rất giàu có thì Ngô Hữu Cường lúc nào cũng trong tình trạng trắng tay. Đơn giản vì Cường nghiện ma túy rất nặng. Cuộc đời Cường quẩn quanh trong một thứ vòng kim cô không thể nào thoát ra được: từ nghiện hút tới buôn bán, buôn bán có tiền để nghiện hút.

Cho đến năm 1997 thì Cường biết mình đã bị nhiễm HIV nhưng còn đau đớn hơn là Cường đã lây sang vợ là Ngô Phương Anh. Phương Anh khi đó kết hôn với Cường được 2 năm và mới sinh con trai thứ hai được có vài tháng.

Trong quá trình sống chung, Phương Anh có nghe nói về việc Cường buôn bán ma túy, Phương Anh đã can ngăn xong do bản tính Cường gia trưởng nên đến giữa năm 2005, Phương Anh đã làm đơn xin ly hôn và ngày 17/5/2005, TAND thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang) xét xử sơ thẩm không công nhận Ngô Phương Anh và Ngô Hữu Cường là vợ chồng theo đơn xin ly hôn của Anh.

Tài sản chung không có, Ngô Phương Anh nuôi hai con nhỏ là Ngô Thị Bích Ngọc, 9 tuổi và Ngô Gia Huy, 8 tuổi. Nhưng vì thương con nên sau khi ly hôn, Phương Anh và Cường vẫn giấu việc ly hôn và chung sống với nhau.

6 năm sau khi bị lây nhiễm HIV từ chồng, đến năm 2003 thì Phương Anh bắt đầu trở bệnh nặng. Phương Anh phải xuống Hà Nội khám và điều trị bệnh HIV/AIDS tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 8/6/2006, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã bắt giữ cả Cường và Phương Anh khi hai vợ chồng đang cùng đi ôtô trên đường. Cường sau đó đã chết còn Phương Anh thì bị truy tố về tội không tố giác tội phạm.

Cái chết của Cường và tấn bi kịch của gia đình Phương Anh là minh chứng rõ rệt nhất cho một triết lý không bao giờ cũ đó là: gieo gì gặt nấy

.
.